Trang chủ Tin tức Đúc đồng tượng Thánh Gióng vào 9h09 mùng 9.9 (âm lịch): Tôn...

Đúc đồng tượng Thánh Gióng vào 9h09 mùng 9.9 (âm lịch): Tôn vinh một vị thánh của dân tộc

66

Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 85 tấn, độ vươn chéo lên trên trời dài khoảng 16m, đặt trên đỉnh núi Đá Chồng – đỉnh cao nhất của khu di tích lịch sử. Tương truyền, sau khi dẹp xong giặc Ân, ngài đã cởi áo giáp, vẫy chào quê hương, thăng thiên hoá thánh ở đây.

Thánh Gióng là một trong "tứ bất tử " của dân gian, là vị thánh biểu tượng cho tinh thần yêu nước, thương nòi, ý chí bất khuất, phi thường, sức mạnh đoàn kết, tự lực tự cường vươn lên triệu người như một của dân tộc Việt. UBND TP.Hà Nội đã trao cho Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo
VN làm chủ đầu tư thực hiện dự án này. Theo thượng toạ Thích Thanh Quyết – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN, Trưởng ban Quản lý dự án – tổng dự toán công trình là 50 tỉ đồng, trong đó việc đúc tượng là 25 tỉ đồng.

Ban quản lý dự án đã cùng nhà điêu khắc Kim Xuân hoàn thành việc phóng mẫu tượng đất tượng Thánh Gióng tỉ lệ 1/1 và đổ tượng thạch cao tỉ lệ 1/1; đã ký hợp đồng thi công phần móng bệ tượng với Cty xây dựng Coma7; ký hợp đồng đúc tượng với Cty TNHH Nam Đại Phong (nghệ nhân đúc đồng Vũ Duy Thuấn) và hiện đơn vị đã làm xong phần khuôn âm, khuôn dương của phần người và ngựa thánh, đang đi vào nung khuôn, ghép khuôn, cô đồng…; tổ chức thi công đường cáp ngầm cấp điện, đường cấp nước lên đỉnh núi Đá Chồng để phục vụ thi công…

Đúng 9h09 phút mùng 9.9 (âm lịch), tức ngày 26.10, sẽ đúc mẻ đồng đầu tiên phần người và ngựa. Cuối tháng 12 năm Kỷ Sửu sẽ rước tượng lên đỉnh núi Đá Chồng, lắp dựng xong trước mùng 6 Tết – năm 2010…

Trước câu hỏi, liệu một công trình hoành tráng như tượng đài Thánh Gióng có đảm bảo đầy đủ yếu tố kỹ thuật, cũng như hiệu quả tâm linh và các yếu tố khác để phục vụ du khách, bà con chiêm bái, thượng toạ Thích Thanh Quyết khẳng định: Đúc đồng tượng Thánh Gióng vẫn phải dùng phương pháp thủ công, ban quản lý tuyển chọn thợ giỏi, lành nghề và dùng đồng nguyên chất, không pha tạp…

Đường điện, đường nước sẽ đảm bảo với công suất 1 giờ bơm được 5m3, chỉ cần 4 giờ là 20m3 nước, đủ dùng. Các công trình phụ trợ xung quanh là nhà bát giác, trong đặt bia mô tả công lao, kỳ tích của Thánh Gióng; các khu nhà nghỉ cho du khách… Sẽ không có việc bán hàng ăn, hàng lưu niệm và chỉ có nước chè xanh, nước trắng phục vụ dân…

Đại đức Thích Minh Tiến – Phó Văn phòng T.Ư Giáo hội Phật giáo VN – nói thêm: Đây là một dự án mà giáo hội vận động các nguồn kinh phí xã hội hoá và việc đóng góp của khách thập phương đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tôn vinh một vị thánh trong "tứ bất tử" của dân tộc Việt.

Thượng toạ Thích Thanh Quyết khẳng định: Việc Giáo hội Phật giáo VN với tư cách chủ đầu tư xây dựng tượng đài Thánh Gióng là minh chứng khẳng định phương châm "Đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội" và tinh thần "Đồng hành cùng dân tộc" của Phật giáo VN.