Trang chủ Văn học Tùy bút Đức Phật, Mẹ, Tôi và Em

Đức Phật, Mẹ, Tôi và Em

217

Có vô số những điều mà một người xuất gia trưởng thành như tôi cần phải nhớ về tuổi thơ của mình. Bởi tuổi thơ là nơi đầu tiên tôi đã bước vào cuộc sống. Tính tình, thói quen, và cả những bài học nhân cách đầu tiên mẹ tôi dạy, đều có tác động tới tôi. Đơn giản như khi mẹ tôi nấu bất cứ món ăn nào cũng nhớ tới việc để phần ông bà những miếng ngon nhất; nấu một nồi chè thì mời hàng xóm cùng ăn; quần áo còn tốt, mặc không vừa nữa thì gửi cho người nghèo… Những bài học như thế đều được mẹ tôi khéo léo đưa vào tuổi thơ của anh em tôi.


Rồi có ngày, tôi đến với Đạo Phật, một cách tự nhiên, chỉ vì tôi cảm thấy thích màu áo nâu giản dị, khi được thấy các sư thầy về thăm ngôi chùa nhỏ quanh năm hương lạnh khói tàn ở quê tôi, một vùng đất ven sông Hồng. Ngày tôi đi xuất gia, tôi không hình dung ra được ý nghĩ của tôi lúc đó như thế nào. Bởi hồi nhỏ, tôi cũng thỉnh thoảng đi chùa, bắt chước những người già niệm Phật và thích ăn lộc Phật do bà ngoại đem về, nhưng tôi không hiểu thế nào là Đức Phật, thế nào là luân hồi, thế nào là nghiệp báo… Lý do duy nhất và có lẽ ngây thơ nhất đó là khi tôi nghe người lớn kể lại rằng, ở làng bên có một người con gái đi tu, một thời gian sau thì người bố đang bệnh nặng tự nhiên khỏe ra. Lúc đó mẹ tôi cũng đang bệnh rất nặng, tưởng chừng như sẽ vĩnh viễn xa rời anh em tôi. Tôi nghĩ rằng, biết đâu mình đi tu thì mẹ cũng sẽ khỏe lại. Cho đến nay, nghĩ đến câu chuyện đó, tôi vẫn xem như đó là sự gởi mở tình cờ để tôi có thể may mắn đến với đạo Phật. Nhưng phải nói, điều thúc đẩy tôi nhiều nhất chính là vào chùa tập sống đời sống của người xuất gia để cầu mong mẹ tôi được Đức Phật phù hộ cho khỏi bệnh, chứ tôi không hiểu thế nào là tính thiện, là có căn tu, chân tu. Mà tôi cũng không muốn người ta nói nhiều về điều đó, vì tôi biết mình chỉ là một người có tố chất bình thường. Thời gian đầu vào chùa, tôi vẫn thèm được ăn thịt cá. Nhưng đến bây giờ, cá thịt hay rau quả đối với tôi không còn là điều quan trọng nữa.


Trong những ngày làm tiểu, nhiều lúc, tôi mơ thấy mẹ tôi chết và tôi đã khóc rất nhiều. Khi giật mình tỉnh dậy, tôi mừng đến chảy nước mắt khi biết rằng đó chỉ là một giấc mơ và mẹ tôi vẫn còn sống. Thế là từ đó, đêm nào khi đi ngủ tôi cũng nhớ đến mẹ, và niệm Phật chỉ là để mong mẹ sống lâu, hết bệnh. Mẹ luôn nhớ đến tôi vì mẹ thương tôi thật nhiều. Lúc nào tôi cũng lo sợ mẹ tôi sẽ chết, nhưng không hiểu sao khi ấy, tôi lại có thể nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, sau này mẹ chết con sẽ không khóc đâu, mà con sẽ niệm Phật thật nhiều để cầu cho mẹ được vãng sinh”. Lúc còn nhỏ tôi nói thế thôi, chứ nếu một ngày nào đó mẹ ra đi, tôi cũng sẽ khóc nhiều và cả đau khổ nữa. Không biết có sự trùng lặp nào không, nhưng kể từ ngày tôi vào chùa thì mẹ cũng dần khỏe lại, bệnh cũng giảm đi nhiều hơn. Lúc đó, tôi tin rằng Đức Phật có nhiều phép mầu và đã nghe được lời nguyện cầu của tôi. Sau này, mẹ tôi vẫn luôn nhắc như khoe với mọi người về câu chuyện đó.


Đến nay, tôi nhận thức Đức Phật không có ban phép, ban tuổi thọ. Nhưng điều đó còn có ý nghĩa gì khi cả mẹ và tôi đều đã biết nhớ Phật, niệm Phật từ một niềm tin nho nhỏ ấy. Phật là bước ngoặt của những biến cố, mà trong niềm tin của tôi về Ngài không bao giờ giảm. Hạnh phúc nhất trong đời tôi là tôi luôn nhớ mẹ và mẹ cũng nhớ tôi. Cũng như vậy, tôi và mẹ vẫn hàng ngày niệm Phật, nhớ tưởng đến Phật. Tôi tin rằng trong tâm mình có Phật.

Nhưng không hiểu sao, có lúc tôi cảm thấy băn khoăn khi mang hình bóng của một người tu sĩ. Sự băn khoăn ấy đến với tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng rõ nhất là vào lúc tôi cảm nhận rằng mình đã thương một người có nhiều tính nết giống với người mẹ hiền của tôi. Tôi biết, thế nào cũng có người muốn biết, muốn thắc mắc, thậm chí lên án về tình yêu ấy. Nhưg tôi vẫn không có ý định thanh minh, hay chuyển tình yêu ấy vào tình yêu nhân loại, cộng đồng. Tôi nghĩ đó là điều vượt quá sức của tôi. Trong lời tự thuật này, tôi không muốn biện minh bằng cách kéo Đức Phật vào tình yêu của mình. Chỉ biết, tôi vẫn hàng đêm niệm Phật: niệm ngoài hay ở giữa cuộc đời của mẹ, của tôi và em. Đức Phật hiện diện trong cuộc sống, nghĩ đến Ngài, niệm danh hiệu Ngài, tôi cảm thấy được an tâm trong mọi hoàn cảnh.