Trang chủ Thời đại Xã hội Giải pháp ngừa tội phạm bằng Phật giáo lên Diễn đàn Quốc...

Giải pháp ngừa tội phạm bằng Phật giáo lên Diễn đàn Quốc hội

121

Mở đầu, Thượng tọa nêu một số thực trạng đáng lo ngại trong việc vi phạm pháp luật và tội phạm do trẻ vị thành niên, giới trẻ gây ra, điển hình như vụ Lê Văn Luyện sát hại ba mạng người cướp tiệm vàng gây xôn xao và bức xúc trong dư luận.

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm đã nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những nguyên nhân từ gia đình như việc cha mẹ hầu như đều phó mặc viêc dạy dỗ con em mình cho nhà trường, trong khi đó, chương trình đào tạo chỉ mới quan tâm đến việc truyền thụ những kiến thức , còn việc giáo dục kỹ năng sống, kiến thức pháp luật chưa được quan tâm. Việc chia sẻ, truyền thông, hiểu nhau giữa các thành viên trong gia đình không được thực hiện đúng mức, đúng cách. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn. Giáo dục về kiến thức, đạo đức, văn hóa ứng xử trong gia đình ngày càng mờ nhạt.

Từ đó, Thượng tọa đưa ra 5 nhóm giải pháp tác động vào gia đình, xây dựng nền tảng gia đình vững chắc, là thành lũy ngăn chặn nguy cơ vi phạm pháp luật và tội phạm, nhất là trong giới trẻ:

– Cần có tập huấn kiến thức Pháp luật về hôn nhân gia đình, kỹ năng sống, tâm lý giao tiếp ứng xử trong gia đình, cách thức giáo dục con cái. Nên chăng coi đây là một điều kiện để được đăng ký kết hôn.

– Đẩy mạnh việc truyền thông, hướng dẫn đến các bậc cha mẹ cách thức giáo dục con cái, cách hiểu, đồng cảm và chia sẻ với con cái. Các tổ chức giáo dục, xã hội xuất bản các cẩm nang, tài liệu hướng dẫn cụ thể để xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc, bền vững. Các cơ quan thông tin đại chúng có hình thức truyền thông phù hợp như tọa đàm, phim ảnh… nói về cách thức vun đắp hạnh phúc gia đình, dạy con và trở thành bạn của con. Không nên cho chiếu phim, ảnh bạo lực mạnh. Cần giáo dục văn hóa truyền thống yêu nước thương dân của Tổ tiên.

– Thường xuyên tổ chức trong phạm vi khu dân cư các hoạt động giao lưu, tư vấn, tham vấn gia đình với sự tham gia của tổ dân phố, đoàn thể như hội phụ nữ, hội phụ lão, đoàn thanh niên, chi bộ Đảng cùng đoàn Thanh niên.

– Xây dựng cơ chế, hướng dẫn phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục, chăm sóc con cái, đặc biệt sử dụng các kênh truyền thông như internet, tin nhắn để liên lạc giữa gia đình và nhà trường

– Các tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo cần phát huy hơn nữa vai trò hơn nữa trong việc chăm lo nền tảng đạo đức, văn hóa gia đình.

Về phía Phật giáo, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm khẳng định cùng chia sẻ trách nhiệm nặng nề này với xã hội. Thượng tọa chia sẻ kinh nghiệm: Phật giáo đã thực hiện việc vun đắp nền tảng gia đình và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật thông qua:

–    Đẩy mạnh các buổi thuyết giảng về Phật pháp, về nhân quả, nghiệp báo đến nhiều đối tượng, qua đó giúp mọi người tăng trưởng trí tuệ, nhận thức đúng đắn về các hành vi của mình. Từ đó, họ sợ, không dám làm điều xấu, điều ác mà tích cực làm việc thiện, việc có ích;

–    Tổ chức các khóa tu ngắn, các sinh hoạt vui chơi lành mạnh, chùa chiền sẽ là địa điểm đến, sân chơi cho Thanh thiếu niên, sinh viên vào các ngày nghỉ hè, lễ Tết, từ đó có ích cho tuổi trẻ giảm thiểu vi phạm pháp luật phạm tội, nhất là khóa tu cho giới trẻ. Đây là một thành công lớn của Phật giáo trong vài năm trở lại đây. Trong các khóa tu, các em có cơ hội thấy được tình thương của cha mẹ, và nhiều em đã có những giọt nước mắt ăn năn, hối hận, có khi chỉ vì những việc nhỏ như không giúp mẹ quét nhà, rửa bát. Trong các khóa tu này, các em cũng được truyền thông các kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, biết chọn bạn mà chơi, chọn việc tốt mà làm, biết việc xấu mà tránh;

–    Tổ chức các hoạt động tham vấn giữa tu sĩ Phật giáo và Phật tử về đời sống gia đình, giúp kiểm soát cơn giận, giải quyết mâu thuẫn, hướng dẫn điều chỉnh hành vi để có cuộc sống tốt hơn

–    Tuyên truyền pháp luật trong các sinh hoạt tôn giáo.

Kết luận, Thượng tọa khẳng định hiện nay chúng ta đang bàn nhiều hơn về “chống”, mà chưa chú trọng đúng mức đến “phòng”, nhất là phòng từ gốc, trước hết từ gia đình. Đây là nền tảng quan trọng nhất  của xã hội ngày nay và mai sau.

Bài phát biểu của Thượng tọa đã gây được sự chú ý, quan tâm của các Đại biểu.