Trang chủ Tin tức Hà Nội: Lễ hội Hoa đăng kỷ niệm ngày vía Đức Phật...

Hà Nội: Lễ hội Hoa đăng kỷ niệm ngày vía Đức Phật A Di Đà

64

Tham dự và chứng minh đại lễ có chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Đại diện Phật giáo huyện Gia Lâm, Chư Tăng chùa Đại Dương Sùng Phúc, Tăng Ni sinh trường trung cấp Phật học Hà Nội và chư Đại đức đến từ Nam bộ đang tu tập và hành đạo tại đây. Cùng tham dự lễ hội còn có đại diện chính quyền xã Phú Thị, Ban quản lý khu di tích và đông đảo Phật tử trong huyện Gia Lâm và bốn phương.


Biên tập viên Phật tử Việt Nam có mặt tại chùa Sủi từ 18 giờ đã thấy các khâu chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất. Lễ đài trang nghiêm, rực rỡ và bạt ngàn cờ phướn, hàng nghìn ngọn đèn nến lung linh các sắc màu, các kiểu dáng được gắn kết khắp nơi… Đặc biệt là không khí háo hức và thành kính của các chúng Phật tử các nơi đang đổ về, rất đông đảo là các em thanh thiếu nhi.


Trên sân chính, các đội văn nghệ Phật tử trong các trang phục truyền thống rực rỡ, mớ ba mớ bảy của “liền anh liền chị” Quan họ, đang dìu dặt trong tiếng đàn, ca, sáo, nhị, xinh tiền… làm cho không khí lễ hội thêm rộn rã.


Đúng 18 giờ 30, chư tăng từ phòng khách, trong y hậu trang nghiêm, từ từ quang lâm về lễ đài, giữa 2 hàng Phật tử chắp tay thành kính trong tiếng chuông trống bát nhã vang rền và không gian màu sắc lung linh huyền ảo.


Sau thời dâng hương, lễ Phật, tuyên đọc lịch sử Đức Phật A Di Đà với 48 lời đại nguyện, niệm Phật… là lễ truyền đăng. Từ bàn thờ Phật, ngọn lửa Đạo pháp được thành kính truyền trao lan rộng tới hàng nghìn ngọn nến trên tay Tăng Ni Phật tử. Trong tiếng niệm Phật hùng tráng dâng lên như hải triều âm, cả một không gian rộng lớn, linh thiêng, lung linh, rực rỡ sự màu nhiệm của Đạo Pháp.








Chùa Sủi có tên là Đại Dương Sùng Phúc tự, là một ngôi chùa cổ, có từ trước thời Lý, tọa lạc tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Thời Lý – Trần, các vua thường qua đây ngủ đêm để ngóng mộng, chờ thông điệp của thần linh. Đây vốn là nơi nguyên phi Ỷ Lan (cô Tấm của quê hương Kinh Bắc) đời vua Lý Thánh Tông về cầu tự, sinh được thái tử Càn Đức – sau lên ngôi là vua Lý Nhân Tông. Thỏa nguyện, Bà cho xây dựng lại, hoàn thành vào năm 1115.


Ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ được nhiều bảo vật của thế kỷ XVII, XVIII, XIX như bộ tượng Tam thế Phật bằng gỗ phủ sơn cao 1,15m, các mảng chạm rồng ở vì kèo, khánh đá hơn 1.000 tuổi, bia đá, đại hồng chung… Chùa vừa được trùng tu lại 2006, rất nguy nga, đồng bộ, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên và sinh hoạt dân dã của nhân dân.


Chùa có một không gian thoáng đãng, xanh mát hòa hợp với kiến trúc cổ tạo sự đa dạng trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.


Quần thể di tích còn có một nhà văn bia để tôn vinh những người con ưu tú khác của quê hương làng Sủi: Nhà thơ xuất chúng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương Cao Bá Quát, 10 vị tiến sĩ Nho học qua các đời, 4 vị là thượng thư và một vị là thầy học của quan đại thần Nguyễn Nghiễm – thân phụ thi hào dân tộc Nguyễn Du, cụ cử nhânVũ Thạc (Nguyễn Huy Đức) bậc danh sư đã đào tạo hàng nghìn học trò danh giá, trong đó có nhà yêu nước nổi tiếng Lương Văn Can, các nhà thơ tài danh như Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Huy Cận, Cao Bá Nhạ, v,v.


Trụ trì chùa Sủi hiện nay là Đại đức Thích Thanh Phương với chúng Tăng bản tự và nhiều nơi vân tập về, thường xuyên có hàng chục vị. Ngoài công việc tu tập, phục vụ sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng thường nhật, thường xuyên mở các Đạo tràng Tịnh độ cho Phật tử khắp nơi quy tập về hành trì Bát quan trai với các thời khóa niệm Phật, Tăng chúng và Phật tử nơi đây còn “tu tập trên ruộng vườn”: trồng rau cỏ, hoa trái và đặc biệt là trồng các loại cây thuốc nam làm thuốc cứu độ quần sinh.