Trang chủ Tin tức Hà Nội với ngày Vu Lan

Hà Nội với ngày Vu Lan

98

Rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân và cũng là 1 trong 2 ngày rằm quan trọng trong năm của người dân Việt. Khác với mọi năm, phố Hàng Mã đã đìu hiu hơn khi người dân không còn đua nhau sắm nhà lầu xe hơi. Tại các chùa, lễ cúng được thực hiện từ ngày 11 và liên tục tới ngày 13/7 âm lịch.


Gần tới rằm, Hà Nội mưa liên miên. Trời âm u, hàng hóa ế ẩm khiến các bà bán hàng trên phố Hàng Mã buồn thiu. Hôm nay đã là ngày 14/7 âm lịch, hai bên dãy phố dài chỉ hơn 300 m vẫn la liệt đồ vàng mã cúng cho ngày rằm. “Năm nay khách vắng hơn và cũng mua ít hơn. Năm ngoái đến tầm này nhà tôi gần hết hàng. Nhưng nay xe vẫn đầy nhà”, chủ cửa hàng 26 Hàng Mã, cho biết. 


Các chủ hàng cho biết, phố Hàng Mã nhộn nhịp nhất vào các ngày 11-13/7 âm lịch vì theo quan niệm dân gian, đúng ngày rằm tháng 7, các “âm hồn” sẽ được tự do trở lại cõi trần một ngày. Vì thế người dân thường sắm đồ cúng tổ tiên trước vài ngày để đúng ngày rằm, các “vong hồn” sẽ có đủ lộ phí và quần áo để du ngoạn. Tuy nhiên, cả trong ngày cao điểm, lượng người mua cũng rất ít.


Năm nay, mẫu mã hàng mã không thay đổi so với năm ngoái, vẫn là xe máy, ôtô, nhà lầu, hình nhân thế mạng, thẻ tín dụng, vé máy bay và đủ loại tiền giấy. Giá cả theo đánh giá của chủ hàng là tương đối dễ chịu. Một căn nhà 2 tầng cao 70 cm đầy đủ “nội thất” bán 30.000 đồng, nhà 3 tầng giá 100.000 đồng. Xe máy, ôtô giá từ 50.000 đến 80.000 đồng một chiếc. Trung bình mỗi gia đình thường chi 50.000- 100.000 đồng cho một bộ đồ vàng mã gồm quần áo giấy, tiền vàng, bát đĩa.


Hai rằm tháng 7


Năm nay nhuận hai tháng bảy, đồng nghĩa có tới hai ngày rằm, hai lễ Vu Lan. Nhiều người cho biết sẽ cúng cả hai rằm, nhưng rằm đầu tiên sẽ được chú trọng hơn. Các cửa hàng bán đồ vàng mã cũng chuẩn bị hàng hóa cho cả hai ngày rằm. Riêng các chùa thì chỉ làm lễ vào ngày rằm đầu tiên. Tháng bảy sau chỉ là tháng thừa của năm nhuận, không có ý nghĩa.


Rằm tháng bảy đầu tiên rơi vào thứ ba nên đa số người dân chọn ngày chủ nhật, sum họp đầy đủ thành viên trong gia đình, để cúng rằm. Bà Nguyễn Thị Độ ở Cầu Giấy cho biết chỉ mua bộ quần áo, hài cho ông bà và chút tiền âm phủ. Bà cũng không làm cơm cúng mà chỉ mua khoanh giò, cái bánh chưng cúng gia tiên. Còn với những cô hồn chết đói chết khát lẩn khuất trong không trung thì bà cúng nhãn, muối, gạo. “Lễ Vu Lan là dịp báo hiếu với cha mẹ, ngày xá tội vong nhân, quan trọng là phải thành tâm thôi”, bà nói.


Một số gia đình mời các vị sư, hoặc lên chùa làm lễ. Đại đức Thích Minh Tiến, thư ký Văn phòng trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết chùa Quán Sứ làm lễ Vu Lan trong 3 ngày, từ 11/7 âm lịch. Mỗi ngày 6 khóa lễ, các tăng ni, phật tử thành tâm tụng kinh niệm Phật, cầu cho quốc thái dân an.. Hàng nghìn Phật tử từ khắp các tỉnh đã đến dự lễ. Kết thúc lễ Vu Lan, tối qua nhà chùa đã làm lễ đàn Mông Sơn chẩn tế cô hồn để thỉnh Phật về bố thí cho tất cả chúng sinh.


Vu Lan không chỉ cho người đã khuất


Đại đức Thích Minh Tiến cho biết, lễ Vu Lan bắt nguồn từ tư tưởng giáo lý đức Phật. Người chết có thể phạm phải lỗi lầm, bị đày vào địa ngục. Vào dịp Vu Lan, nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, những người con mời Chư Tăng về nhà riêng, hoặc đến chùa để tụng kinh, cầu nguyện cho cha mẹ mình thoát khỏi cảnh đọa đày.


Nếu cha mẹ vẫn còn sống thì ngày Vu Lan cũng là dịp để người con thể hiện lòng hiếu thảo. “Ở nước ngoài có ngày Mother’s Day thì Việt Nam cũng có ngày lễ Vu Lan để báo hiếu những người đã sinh thành. Hình thức của phật tử báo hiếu đối với cha mẹ còn sống là tặng bông hoa hồng đỏ, còn bố mẹ đã mất thì con cái cài lên ngực bông hoa hồng trắng”, thày Tiến cho biết.


Theo tín ngưỡng dân gian thì rằm tháng 7 còn là ngày xá tội vong nhân, ngày tha thứ mọi lỗi lầm, ngày mà mọi người đều ăn năn, sám hối. “Dân gian quan niệm con người chết đi linh hồn vẫn còn, nhân ngày lễ Vu Lan, người dân sẽ cúng cháo hoa, rắc gạo, muối ra ngoài đường, xung quanh nhà để cầu cho những cô hồn chết đói chết khát trong chiến tranh, loạn lạc được siêu thoát”, thày Tiến giải thích.


Thày Tiến cho rằng việc cúng rằm tháng 7 là một nét đẹp trong đạo Phật. Riêng việc mua sắm, đốt vàng mã thì không xuất phát từ Phật giáo. “Cúng hàng trăm nghìn, thậm chí cả hàng triệu tiền vàng mã với suy nghĩ cúng nhiều sẽ hóa giải được lỗi lầm là hoàn toàn sai, là mơ tưởng viển vông. Chỉ có mình tự sửa mình, thành tâm sám hối phục thiện. Phật dạy rằng cứu một người phúc đẳng hà sa, tiền mua vàng mã nên để làm phúc cho trẻ em khuyết tật, mồ côi, những người có hoàn cảnh khó khăn”, thày Tiến nói.


Bài: Hồng Khánh – Ngọc Châu (VNExpress.net)


Mời quý độc giả theo dõi một số hình ảnh Lễ Vu Lan tại chùa Quán Sứ và chùa Phúc Khánh do Phật tử Việt Nam thực hiện:



Phật tử ngồi chật kín sân và tam quan chùa Quán Sứ – Ảnh: Xuân Loan



Lễ cúng Mông sơn thí thực tại chùa Quán Sứ – Ảnh: Xuân Loan



Toàn cảnh lễ cúng Mông sơn thí thực tại chùa Quán Sứ – Ảnh: Xuân Loan



Phật tử dự lễ Vu Lan tại chùa Phúc Khánh – Ảnh: Trọng Hoàng



Lễ Phật trong chính điện chùa Phúc Khánh – Ảnh: Trọng Hoàng



Chính điện chùa Phúc Khánh – Ảnh: Trọng Hoàng