Trang chủ Tin tức Hà Tĩnh: Đại lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt...

Hà Tĩnh: Đại lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sỹ và cầu Quốc thái dân an tại khu di tích lịch sử TNXP tại ngã ba Đồng Lộc

215

Theo truyền thống văn hóa tâm linh của người dân Việt, được sự chỉ đạo tổ chức trực tiếp từ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chiều ngày 17/02/2023 (nhằm ngày 27/01/ năm Quý Mão), Ban Quản lý Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) đã phối hợp với Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, Bà Rịa- Vũng Tàu) tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong, người dân tử nạn và cầu Quốc thái Dân an với hơn 13.000 người tham dự. Buổi lễ diễn ra rất thành công, để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc trong lòng những vị cán bộ tỉnh nhà và người dân khắp ba miền về tham dự.

Đại lễ cầu siêu được tổ chức là dịp nói lên tinh thần đền ơn đáp nghĩa, tôn vinh, cổ vũ, động viên tinh thần, sự hy sinh, cống hiến đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đồng thời cũng để giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng biết ơn trước công lao của các thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước thanh bình, nhân dân có được ấm no, hạnh phúc như hôm nay là nhờ công ơn, xương máu của biết bao Anh hùng, liệt sĩ, nhân dân đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.

Để chuẩn bị cho đại lễ cầu siêu, chư Tôn đức Tăng trong Ban nghi lễ đã rước linh vị các hương linh liệt sĩ về an vị trong đàn tràng tại lễ đài chính.

Đúng 14h00” lễ cầu siêu chính thức bắt đầu. Chư tôn đức Tăng đã thực hiện nghi lễ cúng Phật và khai đàn, tiến hành trọng thể các nghi thức cầu siêu hương linh các anh hùng liệt sĩ.

Tại lễ cầu siêu có khoảng 5.000 đại biểu, Chư tôn đức Tăng Ni và hơn 5.000 Phật tử đến từ khắp nơi trên cả nước, cùng bà con nhân dân tại địa phương đồng tham dự. Ngoài ra còn có hàng nghìn Phật tử theo dõi trực tuyến trên kênh Youtube Pháp Quang – Sen Hồng.

Tại đây, không khí buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm hướng đến cứu độ cho chúng sinh đang trôi lăn trong vòng sinh tử. Tại đàn tràng, TT Thích Nhuận Trí – Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu làm Sám chủ và chư Tôn đức Tăng Thiền Tôn Phật Quang hộ đàn.

Nơi đàn tràng trang nghiêm thanh tịnh, Thượng toạ Sám chủ cùng chư Tăng đã thực hiện nghi thức: sái tịnh đàn tràng, bạch Phật khai kinh, thỉnh Linh đề vị, thuyết linh, tụng kinh, và cúng thí thực. Đặc biệt, trong nghi thức cầu siêu do TT TS Thích Chân Quang biên soạn được Việt hóa hoàn toàn, khiến ai tụng cũng hiểu để thực hành.

Theo đó, thầy Chủ lễ đã khai khẩu hương linh bằng cách triệu thỉnh tất cả các hương linh nghe câu xướng lạy Phật mà niệm theo, lễ Phật theo và tụng theo Chư tôn đức để chuyển được tâm.

Được biết, chính sự thanh lương, thánh thiện của chư Tăng qua công năng tu hành và lời kinh tiếng kệ có nội dung sâu sắc về đạo lý, sẽ tạo thành thần lực rất lớn giúp cho các linh hồn nhẹ nhàng thảnh thơi, trút bỏ những giận hờn phiền não, dễ tha thứ cho nhau, từ đó họ mới mong được sám hối và siêu thoát

Trong từng câu Kinh tụng, tuy mọi người sám hối thay cho hương linh nhưng cũng là sám hối cho chính mình. Vì vậy, từng lời kinh tụng cuốn xoáy cái tâm của họ vào đó, nội tâm họ được lay động chuyển hóa,acó người không ngăn được cảm xúc đã bậc khóc khi tụng.

Lễ cầu siêu được tổ chức chu đáo, trang trọng, theo đúng nghi lễ Phật giáo. Nguyện cầu cho các hương linh chưa siêu thoát, đang còn trong cõi giới siêu hình được vượt thoát khổ đau, được nương nhờ Phật lực, câu Kinh, lời nguyện, cùng tu tập, hỗ trợ cõi dương được phát triển, hưng thịnh và bình an. Mong tất cả hương linh được hạnh phúc, an lành, no đủ, sớm được siêu thoát.

Tiếp theo, tối cùng ngày, vào lúc 19h00”, tại quảng trường dưới chân tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc đã diễn ra đại lễ cầu Quốc thái Dân an. Đây là đại lễ quy mô lần đầu tiên do Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc phối hợp với Thiền Tôn Phật Quang tổ chức.

Tham dự chứng minh buổi lễ có: HT Thích Viên Giác – Giảng viên, Giảng sư Phật học, cố vấn Ban Hoằng pháp GHPGVN TP Hồ Chí Minh, Viện chủ chùa Từ Tân (TP HCM); TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ  Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa Vũng Tàu); TT Thích Nhuận Trí – Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; cùng chư Tôn đức Tăng Ni đến từ Thiền Tôn Phật Quang; và chư Ni trú xứ các tự viện tại các tỉnh như Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh. Hải Dương, Quảng Ninh.

Về phía Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có: Ông Hoàng Trung Dũng – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;  ông Trần Thế Dũng – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Trọng Hải – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các vị trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; thường trực HĐND; Lãnh đạo UBND; Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Về phía Lãnh đạo Ban quản lý khu Di tích lịch sử Đồng Lộc có: ông Trần Đình Ước – Trưởng Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; ông  Đào Anh Tuân – Phó Ban quản lý Khu di tích Đồng Lộc.

Ngoài ra còn có các vị đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Can Lộc; cùng thân nhân các liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, các thương binh, các cựu chiến binh, và đại diện lãnh đạo các đơn vị doanh nghiệp, các cơ quan trường học trên địa bàn và Phóng viên các báo đài cũng đến dự và đưa tin.

Đặc biệt có hơn 1,3 vạn người tham dự, bao gồm Đạo tràng Phật tử đến từ các tỉnh phía Bắc – Trung – Nam, và bà con nhân dân, Phật tử trong toàn tỉnh, cùng với hơn 2.000 Phật tử, Chúng thanh niên, sinh viên công quả phục vụ cho đại lễ.

Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ biểu diễn. Ấn tượng nhất là tiết mục biểu diễn võ thuật đến từ võ phái Phật Quang Quyền khiến người xem được dịp mãn nhãn với các chiêu thức võ thuật sắc xảo và đẹp mắt, với các cung bậc cảm xúc khác nhau.

Kến đến, sau 3 tiếng chuông ngân dài, tất cả Hội chúng đồng hát bài Tổ Quốc Việt Nam, bài Quốc ca, Đạo ca và sau đó dành một phút mặc niệm để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự, trước khi tiến hành những nghi thức quan trọng của buổi lễ, HT Thích Viên Giác và TT Thích Chân Quang nói về ý nghĩa của lễ cầu Quốc thái Dân an.

Mở đầu, HT Thích Viên Giác cho rằng: tất cả chúng ta về đây đều chung một tấm lòng yêu nước, cùng chung chí hướng về sự tồn vong hưng thịnh của đất nước. Tất cả chúng ta ngồi đây cầu nguyện cho hết thảy các nguồn lực từ tâm linh quá khứ cho đến hiện tại, tất cả những tâm lực, tài lực cõi âm cũng như cõi dương đều cùng nhau chung sức, chung lòng giữ vững non sông.

Hoà thượng phân tích: Cái tâm của các Bậc quân vương, của những nhà chính trị, những nhà quản lý là vô vi, gồm 5 yếu tố:

  1. Vô kỷ: không lấy thân mình làm điểm xuất phát mà lấy tâm của nhân dân làm tâm mình.
  2. Vô thân: quên mình vì nhân dân, vì nghĩa lớn.
  3. Vô công: không chấp vào công lao của mình.
  4. Vô danh: không muốn được nêu danh tiếng với đời.
  5. Vô tư: hành động không vì tư lợi.

Ngoài ra, mỗi người dân đều có bổn phận sống tử tế, nâng cao phẩm chất đạo đức lương thiện của mình, lan truyền những đạo lý tốt đẹp ra cho cả xã hội. Đây cũng là đóng góp vào hộ quốc an dân.

Ngày hôm nay về đây, chúng tôi cảm nhận được hơi thở, sức sống và sự hi sinh cao cả của 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc.này. Chúng ta cần sống tận tụy lợi ích hơn nữa để kế thừa những giá trị mà cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ.

Tiếp đến, TT TS Thích Chân Quang nhấn mạnh: Mọi người về đây dự lễ cầu Quốc thái Dân an đều xúc động vì tỉnh Hà Tĩnh có một khu di tích đẹp thế này, và lãnh đạo tỉnh đã cho ta cơ hội được kết nối với đất trời, với anh linh của các anh hùng liệt sĩ, và với các vị lãnh đạo.

Sự hy sinh của mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc cũng là đại diện cho rất nhiều sự hy sinh của các chiến sĩ khắp đất nước này, vì một đất nước độc lập thống nhất. Mười cô gái cùng chiến đấu, cùng chia nhau từng nắm cơm vắt nước, mất chung với nhau một nơi cho ta bài học về sự đoàn kết. Người Việt phải đoàn kết cho sự nghiệp chung của tổ quốc, đừng vì tư riêng mà tạo ra sự xung đột chia rẽ.

Nước Việt có nguồn tâm linh đặc biệt được trải dài từ đời Quốc tổ Hùng Vương, nối kết với bao nhiêu vị minh quân, quan tướng, anh hùng… tất cả tạo thành một cốt lõi tâm linh của dân tộc không gì đánh vỡ được. Người Việt cũng được thừa hưởng nguồn tâm linh thiêng liêng từ Phật giáo. Chúng ta kết hợp được cả hai nguồn tâm linh này một cách đặc biệt, làm nên sức mạnh tâm linh cho cả một dân tộc.

Chúng ta theo đạo lý Phật dạy nên cả cuộc đời mình không còn là của mình nữa mà là của tổ quốc, của chư Phật, của tất cả chúng sinh.

Nơi Ngã Ba Đồng Lộc này ta dâng lời cầu nguyện thiết tha cho quê hương Việt Nam được hùng mạnh, đoàn kết, phát triển thịnh vượng, để ta đủ sức mạnh gánh vác trách nhiệm với thế giới ngoài kia nữa.

Trong buổi lễ này, với tâm thành ta lay động được cả đất trời, giúp đất nước mình bình yên phát triển hơn. Hơn nữa khi chúng ta cất lên một lời cầu nguyện vì đất nước, vì Thế giới thì những mầm mống tham- sân –si – ích kỷ của mình đang từ từ bị bứng nhổ, ta được chuyển hóa sau buổi lễ này.

Chúng tôi xin tán thán công đức các vị lãnh đạo Hà Tĩnh đã cho đồng bào Phật tử một cơ hội về đây để hiểu thêm những điều vĩ đại của quê hương mình. Chúng ta nguyện đoàn kết yêu thương nhau mãi mãi.

Thật vậy, cả hai nội dung trong lời đạo từ đều được đúc kết ngắn gọn, đầy đủ nhưng vô cùng dung dị, sâu sắc, chạm đến trái tim của tất cả người nghe. Nhờ sự phân tích gãy gọn, súc tích, cũng như những dẫn dụ thực tế, đầy cảm xúc, mọi người hiểu được rằng đây không chỉ là một nghi thức tôn giáo, mà còn là một hoạt động mang tính tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.

Thông qua những lời đạo từ ý nghĩa này, mọi người như nhìn ngược lại được về quá khứ, thấy rõ những hy sinh của cha ông, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước chung mà không màng gian khổ, thậm chí là chấp nhận quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Từ quá khứ đau thương nhưng đầy hào hùng ấy, mọi người thấy rõ được trách nhiệm của mình, chấp nhận gánh vác trách nhiệm tiếp tục bảo vệ, xây dựng đất nước đầy vẻ vang mà cha ông đã để lại. Đặc biệt, biết yêu thương, gắn kết, hỗ trợ nhau trong cả công việc chung và riêng. Trong guồng quay của thời đại, không để ai bị bỏ lại một mình. Lễ cầu Quốc thái Dân an ngoài tính chất tâm linh của đạo Phật còn là một cơ hội để kết nối lãnh đạo với nhân dân.

Tiếp theo, trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni, cùng đông đảo Phật tử, các vị đại diện Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và quần chúng nhân dân địa phương trang nghiêm hướng về Lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện bao gồm: đọc lời kỳ nguyện, hát Khúc Tán Ca Tôn Kính Phật, đảnh lễ Tam bảo, tụng Kinh từ bi sám hối, tụng Sám cầu Quốc thái Dân an, cúng Quốc tổ.

Để lại nhiều cảm xúc nhất trong buổi lễ chính là nghi thức cúng Quốc tổ.

Theo đó, tại Lễ đàn, ông Đào Anh Tuân – Phó Ban quản lý Khu di tích Đồng Lộc dõng dạc khấn:

– Kính lạy thần uy của Quốc tổ Hùng Vương 18 đời dựng nước.

– Kính lạy thần uy của các vị Vua thánh triết anh minh suốt các triều đại Đinh Lê, Lý, Trần, Lê Nguyễn và Hồ Chí Minh.

– Kính lạy các vị Quan Tướng hiền tài trung nghĩa suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay.

– Kính lạy anh linh các vị lãnh đạo anh minh, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, xả thân vì Tổ Quốc.

Hôm nay, ngày 17 tháng 2 năm 2023 (nhằm ngày 27 tháng giêng năm Quý Mão). Tại: Khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, chúng con gồm cán bộ lãnh đạo Tỉnh Ủy – Hội Đồng Nhân Dân – Ủy Ban Nhân Dân – Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc cùng các cơ quan ban ngành các cấp, các lực lượng vũ trang tại tỉnh Hà Tĩnh cùng Quý Chư Tăng và toàn thể nhân dân địa phương hội tụ về đây thiết lập đàn tràng cầu Quốc thái Dân an.

Chúng con xin đê đầu thành tâm thắp nén tâm hương, hiến cúng hương hoa phẩm vật dâng lên thần uy Quốc Tổ, chư vị thánh hiền, chư anh linh anh hùng liệt sĩ đã có công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, làm nên hồn thiêng sông núi để mãi song hành cùng sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, tạo nên bản hùng ca bất diệt mãi mai sau.

Giữa không gian ngã Ba Đồng Lộc linh thiêng, chúng con xin kính cẩn nghiêng mình tri ân sâu sắc công ơn to lớn của bao vị Vua quan qua bao nhiêu thời đại, bao thế hệ đi trước đã dâng trọn đời mình cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Tại giờ phút này, chỉ cần nhắm mắt lại, chúng con như được nghe tiếng của đất trời vang vọng cả một trang sử hào hùng mà cha ông đã trải qua. Chúng con như còn thấy bóng dáng oai nghiêm lẫm liệt của những vị Vua tài tướng giỏi thuở xưa. Chúng con như còn nghe vọng lại những lời hiên ngang trầm hùng trong “Hịch tướng sĩ”, hay trong “Nam quốc sơn hà”. Chúng con như được chứng kiến kí ức hàng vạn con người đang hừng hực khí thế yêu nước, lớp lớp người đang ngày đêm không quản khó nhọc xây dựng non sông này. Những con người hi sinh không tiếc máu xương mình là những thanh niên, là những thiếu nữ tuổi đôi mươi với đôi mắt cháy lửa tình yêu quê hương, trái tim dũng cảm bước lên theo tiếng gọi thiêng liêng. Vô số con người ấy đã đi vào lịch sử, để con cháu hôm nay và mai sau mãi mãi ngợi ca.

Đây là bài văn khấn chỉn chu, đầy đủ, ý nghĩa nhất mà rất nhiều người trong Pháp hội này lần đầu mới được nghe. Đến tận bây giờ, khi đại lễ đã kết thúc, nhưng những lời văn tha thiết, chân thành, đầy cảm xúc ấy vẫn văng vẳng bên tai mỗi người.

Bài văn khấn đã liệt kê một cách ngắn gọn nhưng rất đầy đủ, không bỏ sót công lao của một cá nhân nào dù là ở quá khứ lẫn hiện tại. Lại thêm sự sắp xếp khoa học, đúng thứ tự từ thời đại, vai vế, cấp bậc. Nhờ đó, dù sinh ở thời đại này, mọi người vẫn có thể nhìn ngược lại lịch sử, gửi sự tri ân đầy đủ đến những người đã có công xây dựng, bảo vệ đất nước từ trước đến nay.

Không những vậy, bài văn khấn còn khéo léo dựng lại lịch sử hào hùng của mảnh đất Hà Tĩnh, sự ác liệt của cuộc chiến tranh, sự hồn nhiên, lạc quan, mạnh mẽ của 10 cô gái trong đoàn Thanh niên xung phong. Đại lễ cầu Quốc thái dân an dù được tổ chức ở đâu thì cũng đều có tính Quốc gia. Cái tính chất đặc biệt này càng được thể hiện rõ ràng khi lần này, địa điểm tổ chức là Ngã ba Đồng Lộc- một khu di tích lịch sử trong chiến tranh, nơi Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông “Hậu phương lớn” với “Tiền tuyến lớn”, góp phần cho Tổ quốc toàn thắng.

Theo TT TS Thích Chân Quang, nếu nói trên toàn bộ cuộc chiến tranh tại Việt Nam, thì đây chỉ là một sự kiện nhỏ. Nhưng chính những sự kiện nhỏ đó lại là mảnh ghép quan trọng, tạo nên bức tranh toàn thắng của dân tộc. Thực sự, mỗi giọt máu của tất cả anh hùng liệt sĩ đều rất thiêng liêng, quý giá.

Vậy nên, để tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh cao cả của 10 nữ anh hùng, hướng tâm điểm này trở thành ý nghĩa của toàn dân tộc, Ban Quản lý khu Di tích lịch sử Đồng Lộc quyết định chọn Ngã ba Đồng Lộc là nơi tổ chức đại lễ lần này.

Giống như HT Thích Viên Giác chia sẻ: Khoảnh khắc câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi đời từ 18 đến 20, tất cả đều là trinh nữ trở thành liệt nữ được kể lại, khiến trái tim mỗi người nghe tràn đầy xúc động, tiếc thương mà rất đỗi tự hào. Ngọn lửa yêu nước như lại hừng hực trỗi dậy trong lòng mỗi người khi đến tham quan địa chỉ đỏ này cùng dự lễ cầu siêu và đại lễ cầu Quốc thái Dân an.

Có thể nói, sự kiện đại lễ cầu Quốc thái Dân an đã mang lại một hiệu quả giáo dục về tình yêu nước, về đạo đức lối sống rất cao cho tất cả mọi người tham dự. Đi tham quan khắp khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, tại các ngã đường dẫn vào khu di tích lịch sử chúng ta bắt gặp nhiều tấm banner khẩu hiệu mang tính giáo dục cao như:

“Chí thánh cầu nguyện Đất nước hưng long/Tận dạ ước mong nhân dân hạnh phúc”

Hay câu: “Người trên dưỡng đức yêu dân/ Kẻ dưới tu nhân ái Quốc”

hoặc “Quốc Tổ dựng thành non sông gấm vóc/ Anh hùng mở mang bờ cõi xinh tươi”, v.v…

Điều này cho thấy buổi lễ mang tầm cỡ quốc gia với nhiều ý nghĩa nhân văn và tâm linh sâu sắc.  Thông qua buổi lễ, mọi người hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó, biết nguyện lòng yêu thương, gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Trong nghi thức cúng Quốc Tổ còn một ấn tượng sâu sắc khó quên khác, đó là giọng đọc trầm hùng truyền cảm bài văn khấn như được thổi hồn vào, sinh động, ý nghĩa, khiến buổi lễ trang nghiêm hơn. Nghe những lời da diết trong bài văn khấn, ai cũng xúc động, bồi hồi. Nhiều người không cầm được nước mắt đã bật khóc nức nở. Có lẽ, những gì được viết trong bài văn khấn đã chạm đến trái tim những con người Hà Tĩnh cũng như người tham dự, đánh thức những cảm xúc giấu kín trong họ từ trước đến nay. Nhưng dù mắt có nhòe đi, giọng có lạc đi nhưng ai cũng cố gắng thực hiện đủ các nghi lễ trong sự trang nghiêm, thanh tịnh nhất.

Trước bàn thờ Quốc Tổ, các vị Lãnh đạo đã tựu vị niêm hương, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng (tiến trà, tiến tửu, tiến phạn và tiến bỉnh), tức là dâng trà, dâng rượu, dâng cơm, dâng bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc đầy nội lực của HT Thích Viên Giác (vị Chủ lễ).

Hy vọng, với cái lòng thành ấy, với sức mạnh tâm linh này, hòa vào công lao của bao nhiêu người trong đất nước, mong rằng đất nước ta sẽ vượt qua những khăn khó trong hiện tại mà vững bước tiến lên, được thới thịnh, được bình an.

Sau cùng, TT TS Thích Chân Quang thực hiện tục phát lộc ngày tết. Tất cả Đại biểu đều được Thượng tọa trực tiếp trao lộc và Phật tử nhân dân tham dự đều hân hoan nhận lộc đầu năm, trong đó gửi gắm biết bao lời chúc tốt lành trong năm mới.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, cẩn thận của Ban tổ chức, cũng như sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của tất cả mọi người tham dự, Đại lễ cầu siêu và cầu Quốc thái Dân an đã diễn ra hết sức thành công, tốt đẹp.

Đến với buổi lễ có hàng vạn người tham dự nhưng ai cũng được hưởng không khí trong lành, sạch sẽ, trật tự, được ăn uống đầy đủ, miễn phí. Theo câu nói dân gian: “Có thực mới vực được đạo”, tức có ăn thì mới đạt được đạo. Trong Ban Tổ Chức, sư cô TN Tường Phổ đã năng nổ điều hành tốt việc này, giúp cho những bữa ăn trong ngày Lễ hội được hoàn mỹ đủ đầy hơn, không chỉ ăn tại chỗ mà còn được cho ăn khi mọi người đi đường xa trở về nhà.

Với lực lượng hơn 2.000 Chúng thanh niên và sinh viên tham gia công quả, các em đã được BTC tập huấn trước khi phân Ban. Cho nên, các em làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò Ban hướng dẫn, Ban trai soạn, Ban hành đường, Ban môi trường, v.v… Nhờ vậy, lực lượng An ninh làm việc không vất vả lắm, vì buổi Lễ được diễn ra thật trang nghiêm, thật trật tự, tiết kiệm và an toàn.

Cứ sau một Đại lễ cầu Quốc thái Dân an được tổ chức thành công như thế này, chúng ta lại có quyền hy vọng về một năm phát triển, thịnh vượng của đất nước, con người. Đồng thời, quyết tâm gánh vác trách nhiệm xây dựng, bảo vệ đất nước mà cha ông đã để lại. Dù trách nhiệm ấy có khó khăn, nặng nề đến đâu, chỉ cần có tình yêu nước trong ta còn cháy thì ta sẽ làm tốt, giống như những gì cha ông ta đã và đang làm được.

Có thể nói đây là sự kiện quan trọng và là một nét đẹp tâm linh ý nghĩa trong dịp đầu năm mới. Vì vậy, ngay sau khi đại lễ cầu Quốc thái Dân an hoàn mãn đã có rất nhiều báo đài quan tâm và đưa tin.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Tâm Trụ