Trang chủ Blog chùa Hải Phòng: Lễ An vị Long cốt và đúc đại Hồng chung...

Hải Phòng: Lễ An vị Long cốt và đúc đại Hồng chung chùa Chân Lai

368

Sáng nay 23/04/2023 (nhằm ngày 04 tháng 03 năm Quý Mão), tại chùa Chân Lai (thôn Thái Lai, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) đã long trọng diễn ra Lễ An vị long cốt ngôi Đại hùng bảo điện và đúc đại hồng chung nặng 5 tạ tại chùa Chân Lai.

Quang Lâm và chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của Thượng tọa Thích Quảng Minh – Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN thành phố Hải Phòng, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Tiên Lãng, trụ trì Tổ đình Thắng Phúc kiêm nhiệm trụ trì chùa Chân Lai, cùng chư Tôn đức Tăng Ni thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Tiên Lãng, chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trên địa bàn huyện.

Về phía lãnh đạo chính quyền huyện Tiên Lãng có sự hiện diện của ông Bùi Thành Cương – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; ông Vũ Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng các ông bà đại diện cho các cấp Ủy đảng thuộc HĐND, UBND, UB MTTQVN huyện Tiên Lãng, xã Cấp Tiến, thôn Chân Lai, đại diện các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, cùng đông đảo quý Phật tử đồng tham dự.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thượng tọa Thích Quảng Minh, Trưởng ban tổ chức, trụ trì chùa Chân Lai đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển của chùa Chân Lai. Theo đó, chùa Chân Lai là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XVI – XVII, chùa thờ Phật theo tông phái Tịnh Độ. Chùa hiện còn lưu giữ một tấm bia khắc ghi: “Chân Lai Tự Khánh” tức “Khánh chùa Chân Lai”, niên đại tạo tác thời Nguyễn đời vua Minh Mệnh năm thứ 16 (1835), hoa văn tạo tác theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Hệ thống tượng Phật, Bồ Tát cổ, được tạo tác từ thời nhà Mạc, hiện vẫn đang được lưu giữ, bảo tồn tại chùa

Trong chiến cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, chùa được chọn làm cơ sở hoạt động cách mạng, 5 gian tiền đường của chùa, cùng một số công trình khác của chùa bị tiêu thổ kháng chiến, chỉ còn 3 gian hậu cung. Chuông chùa cũng được cúng tiến để đúc súng đạn phục vụ cho kháng chiến. Hiện trong khuôn viên chùa còn lưu giữ hai ngôi tháp tổ của hai vị sư trụ trì khai sơn, tạo tự đã viên tịch và được xây dựng theo kiến trúc thời Hậu Lê. Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Do biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, cũng như phải trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Chân Lai đã bị tiêu thổ, xuống cấp trầm trọng, ngôi chùa cũ đã không còn đáp ứng được nhu cầu tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh của các Phật tử và nhân dân địa phương. Được biết, cách đây 25 năm chùa đã từng được trùng tu và được cung đón Đức đệ tam Pháp Chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ về tham dự buổi lễ.

Những năm gần đây, được sự giúp đỡ của các cấp Giáo hội, cũng như được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, Thượng toạ Thích Quảng Minh – Trưởng Ban trị sự huyện đã về kiêm nhiệm trụ trì chùa Chân Lai và phối hợp cùng UBND xã Cấp Tiến, cùng Phật tử, nhân dân địa phương quyết định khởi công đông thổ trùng tu, xây dựng lại ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Chân Lai vào ngày 18/02/2023.

Chùa Chân Lai được xây dựng theo kiến trúc hình chữ “Đinh”, bao gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Dự kiến tổng kinh phí xây dựng khoảng 15 tỷ đồng. Sau hơn 2 tháng khởi công xây dựng, đến nay công trình đã hoàn thiện phần thô, Thượng tọa trụ trì đã cùng Ban trị sự huyện và chính quyền, Phật tử, nhân dân địa phương tổ chức lễ an vị long cốt ngôi Đại Hùng Bảo Điện và đúc đại hồng chung chùa Chân Lai nặng 5 tạ.

Tại buổi lễ, chư Tôn đức Tăng Ni và các Phật tử đã cử hành nghi lễ an vị long cốt và lễ gia trì đúc đại hồng chung chùa Chân Lai, cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sinh an lạc.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Thành Trung