Trang chủ Văn hóa Du lịch Hành hương lên núi tuyết

Hành hương lên núi tuyết

68

Nga Mi Sơn huyền thoại

Nga Mi Sơn (NMS) bước vào tháng 11 với đợt rét bất thường đã khoác lên mình lớp áo choàng tuyết dày. NMS là tên một nhánh núi, đồng thời cũng là tên một đơn vị hành chính-thị xã NMS, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nằm cách thủ phủ tỉnh là thành phố Thành Đô (Trung Quốc) khoảng 160km về phía tây.

Cái tên NMS, xuất phát từ sự ví von nhánh núi dài hơn 200km như nét mày đẹp thanh tú của ả tố nga. Bốn dãy núi hợp thành NMS có cùng tên Nga: Đại Nga, Nhị Nga, Tam Nga và Tứ Nga. Nổi tiếng nhất trên NMS là một rặng trên Đại Nga, nơi đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách nội địa và nước ngoài.

Một số tâm điểm trên NMS như Kim Đỉnh (Golden Summit) ở độ cao 3.790m, Vạn Phật Đỉnh ở độ cao 3.099m. NMS còn được gọi là Đại Quang Minh Sơn, và được mệnh danh là một trong “Tứ đại Phật giáo danh sơn” tại Trung Quốc.

Kim đỉnh với tượng thờ Phổ Hiền Bồ tát.

Sự tích về NMS cách đây hàng ngàn năm đã được thể hiện trên những bức phù điêu, bích tượng trong thị trấn Tuy Sơn, chúng tôi đã thấy khi dạo phố đêm. Tích cũ kể, Phổ Hiền Bồ Tát (Samantabhadra) theo lời Phật Tổ đến NMS mở đạo tràng thuyết giáo. Đây là một trong những đạo tràng lớn bậc nhất tại Trung Quốc thuở ấy.

Ngày nay, NMS trở thành ngọn núi thờ Phổ Hiền đầy linh thiêng. Kim đỉnh chính là nơi đặt bệ thờ và tượng Phổ Hiền đa diện cao 48m và nặng đến 660 tấn. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách đến thắp hương chiêm bái dưới tượng Phổ Hiền cầu mong bình yên và thoát khỏi các kiếp nạn.

Nhưng cũng chính NMS là nơi hợp lưu của Lão giáo (Đạo giáo) và Phật giáo. Phái Nga Mi – một trong tam đại võ phái (cùng Thiếu Lâm và Võ Đang) trong nền võ thuật Trung Hoa – được khởi nguồn tại đây. NMS đã đi vào huyền thoại trong bộ tiểu thuyết võ hiệp “Ỷ thiên Đồ Long kí” (“Cô gái Đồ Long”) của Kim Dung. Trong đó, chưởng môn nhân của phái Nga Mi là Diệt Tuyệt sư thái bắt Trương Vô Kị làm tù binh và đã thẳng tay hạ sát đại đệ tử Kỉ Hiểu Phù vì bất tuân môn quy. NMS ngày nay, hầu như chỉ còn thấy không gian tâm linh của Phật giáo.

Nhưng theo cô Phùng Quốc Kiều, một hướng dẫn viên du lịch địa phương nói tiếng Việt khá sõi, thì thỉnh thoảng các đạo sĩ vẫn xuất hiện trên núi.

Mây bồng bềnh bên núi.

Cách đây vài năm khi cô đưa du khách hành hương đến NMS, một người do bất cẩn đánh rơi chiếc máy quay phim mắc vào cành cây ở lưng chừng vực. “Chị ta bất lực cứ nhìn chiếc máy quay chứa nhiều thước phim kỉ niệm của mình trong đó và khóc. Tình cờ, một đạo sĩ đi qua, nghe câu chuyện ông đã vận kình đi thăng bằng xuống dốc núi dựng đứng và nhặt chiếc máy quay phim về trả lại cho khổ chủ, khiến bao du khách chứng kiến sững sờ”.

Câu chuyện cô Kiều kể khiến chúng tôi hết sức kinh ngạc.

Năm 1996, NMS huyền thoại đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Đường lên núi Tuyết

Lên núi cao hơn 3.000m trong điều kiện thời tiết lạnh âm độ, chúng tôi vừa có cảm giác lo lắng nhưng cũng vừa háo hức. Lên núi trong mùa đông giá băng đầy tuyết trắng, cũng là một dịp hiếm hoi trong đời người.

Lên NMS không thể cực nhọc vất vả như lên Phanxipăng ở nước ta. Từ dưới chân núi lên cao đường đi đã được trải nhựa, dù hẹp nhưng khá tốt. Loại xe đặc chủng chở hơn 20 người cứ thế bon bon.

Càng lên cao tuyết phủ càng dày, màu tuyết trắng tươi rói mới rơi đêm qua tạo nên một không gian thuần khiết. Từng đợt gió lùa vào se lạnh tê buốt. Từ ngọn núi này sang ngọn núi kia được nối với nhau bằng những đèo cao và vực sâu, cảm giác choáng ngợp. Những lớp tuyết rơi từ nhiều ngày trước đã đóng thành băng trên nền đường.

Xe chạy được chừng một giờ đồng hồ thì đột ngột dừng lại. Từ một trạm xép ven đường có vài người chạy ào ra với thao tác rất khẩn trương cùng với tiếng lẻng xẻng của kim loại. Hoá ra người ta phải ràng dây xích vào bánh xe để chống trơn trượt trên quãng đường còn lại còn khoảng một giờ xe chạy.

Bánh xe ràng xích để chống trơn trượt.

Suốt quãng đường lên núi chỉ thấy toàn những chiếc xe đặc chủng di chuyển. Mỗi một lần duy nhất tôi nhìn thấy một vị hành khách dám liều lĩnh một mình cỡi xe máy đi xuống núi. Tuyết lạnh buốt nhưng cũng thật dễ chịu. Nhưng với những người phải đứng trực ven đường làm nhiệm vụ trong nhiều giờ, chắc họ không hề cảm nhận như cảm giác đầy thi vị của chúng tôi được mặc ấm đi êm trong ôtô.

Xe leo núi chừng hai giờ đồng hồ thì dừng lại. Chúng tôi đã ở độ cao hơn 2.500m. Từ đây, du khách được chuyển sang hệ thống cáp treo “100+1” để lên đến độ cao hơn 3.000m. Cabin cáp treo “100+1” có sức tải 100 người mỗi lượt, cùng với một người điều khiển. Người xếp hàng chờ đi cáp treo đã đông, bước vào cabin cáp treo càng chật chội. Ai đi du lịch Trung Quốc cũng phải chịu thế, quá đông đúc và hơi xô bồ.

Đặc sản núi, tuyết, mây…

Thoát khỏi cáp treo nhồi nhét như thoát khỏi gánh nặng. Xa xa trên kia, Kim đỉnh màu vàng lóa bừng sáng khi phản chiếu những ánh nắng đầu tiên trong ngày. Những tia nắng trưa chạm vào tuyết tạo ra những sắc màu óng ánh làm sống dậy một không gian mà trước đó chưa lâu còn im lìm và ngái ngủ.

Tôi đang ở trên độ cao hơn 3.000m so với mặt nước biển. Rất may thời tiết không xấu như lo lắng của chúng tôi khi sáng, ngược lại trời nắng hanh và lạnh, mở ra một không gian trắng đầy cuốn hút và mơ màng.

Một số sử liệu từ thế kỉ 16-17 còn ghi lại rằng, trên đỉnh NMS có nhiều chùa từng mở các lớp dạy võ và luyện công. Ngày nay trên NMS vẫn còn hơn 30 ngôi chùa và miếu và thường xuyên có khách hành hương đến chiêm lễ.

Dọc lối đi lên Kim đỉnh, những quầy hàng bên đường mở các bài kinh Tây Tạng đều đều trầm buồn. Hạ tầng trên đỉnh NMS được đầu tư khá tốt. Hàng quán nhỏ, nhà hàng lớn, những khu trang trí để chụp ảnh và cảnh báo nguy hiểm, địa đồ hướng dẫn các điểm tham quan v.v… Trên đỉnh núi cao hơn 3.000m nhưng đầy đủ các phương tiện liên lạc, từ các hộp điện thoại cố định đến các trạm thu phát sóng di động.

Những “quả tuyết” đã thành băng.

Một đoạn đường đi bộ chỉ chừng một hai trăm mét nhưng không ít du khách bị trượt ngã vì băng trơn. Mới nhớ, đêm qua dạo thị trấn Tuy Sơn thấy các quầy hàng có bán giày leo núi, thực chất là đế giày bằng cỏ và móng sắt ràng vào giày để chống trượt. Giá bán ở thị trấn và trên đỉnh núi chênh hẳn nhau. Nhưng dù đắt hay rẻ chúng tôi cũng phải mua, còn hơn để sơ sẩy ngã, không chừng còn rơi xuống vực.

Trên đỉnh NMS ngoài Kim đỉnh và Vạn Phật đỉnh còn có chùa Hoa Tạng và Ngoạ Vân thiền viện bày bán đồ lưu niệm liên quan đến Phật giáo. Cái tên Ngoạ Vân có nghĩa là nằm trên mây.

Sự thật là thế, lên tới đỉnh NMS nhìn ra xung quanh thấy lớp lớp mây trắng bồng bềnh như những tấm thảm. Tài liệu ghi chép về NMS ví đó là “vân hải”, nghĩa là biển mây. Suốt ngày biển mây trắng xốp bồng bềnh giữa lưng chừng núi và ôm vờn các ngọn núi được ví là những cánh buồm.

“Vân hải” được xem là một trong “tứ đại kì quan” trên NMS, cùng với nó là “nhật xuất”, “phật quang” và “thánh đăng”. Muốn chiêm ngắm đủ bốn kì quan này phải ở nhiều ngày trên núi. Song ít ai có cơ duyên được nhìn thấy đủ bốn kì quan. Đây là câu chuyện tín ngưỡng và tâm linh luôn cuốn hút khách hành hương về NMS.

Không có cơ duyên được nhìn thấy đủ bốn kì quan, nhưng trong một ngày nắng ráo có thể nhìn thấy khá rõ những biển hoa đỗ quyên bên dưới và rừng cây linh sam chập chùng. Chiều xuống mây khói lãng đãng. Đêm buông xuống ánh trăng huyền diệu. NMS trong mùa đông băng giá chẳng khác nào chốn cổ tích xứ tuyết, mà lại đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.