Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Hành trình hồi hương của quả chuông cổ (cập nhật ý kiến...

Hành trình hồi hương của quả chuông cổ (cập nhật ý kiến độc giả)

89

Trong bộ sách 55 chương Nhật Bản dưới mắt người Việt có ghi: “Cuối thập niên 70, có người Nhật phát hiện tại một tiệm bán đồ cổ ở Nhật một cái chuông đồng của Việt Nam thuộc chùa Ngũ Hộ, làng Kim Thôi.


Chuông hình ống, cao một mét, đường kính 42cm, nặng khoảng 120kg, bên trên có chạm hình con rồng hai đầu, bốn phía có khắc bốn chữ “Ngũ Hộ Tự Chung”.


Nhiều người Nhật đã đứng ra quyên góp tiền mua lại chuông này để gởi trả về Việt Nam, được giới truyền thông ủng hộ.


Phía tiệm đồ cổ đòi giá 5 triệu yen, trong khi tiền quyên góp được tới 9,6 triệu yen.


Ngày 14.6.1978, đã có một buổi lễ trao trả chuông tại chùa Quán Sứ và sau đó đem về chùa Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh. Từ đó, tiếng chuông lại vang vọng ở Việt Nam, quê hương của chính quả chuông đó!”.


Hành trình của quả chuông cổ


Trên bản khắc ở một mặt của quả chuông có ghi (bằng chữ Hán): “Chiếc chuông của chùa Ngũ Hộ, làng Kim Thôi, thuộc Bắc Ninh, trước đây do loạn lạc đã bị mất tích. Dân làng đã đúc lại cái mới thay vào đó. Nhưng tháng 2.1825, chuông lại bị sơn tặc lấy đi mất. Dân làng hàng ngày đã quen với tiếng chuông chùa, giờ mất nó, mọi người đều rất buồn và họ bàn cách làm chuông mới… Trải qua ba năm, những đồng tiền bằng đồng quyên góp được đem đúc, phần còn thiếu được mua vào cho đủ”.



Người Nhật đứng ra quyên góp tiền đó là Watanabe Takuro, thành viên của uỷ ban Nhật Bản Điều tra tội ác của Mỹ ở Việt Nam, một giáo sư nổi tiếng về lịch sử, văn hoá và dân tộc Việt Nam, sau khi tình cờ phát hiện ra quả chuông trong một tiệm bán đồ cổ ở phố Ginza (Tokyo) vào cuối tháng 9.1977.


Chỉ sau hơn hai tháng, hội Hoàn hương chuông cổ của ông đã thành công. Trong suốt nửa năm sau đó, ở nhiều nơi trên đất Nhật, như Tokyo, Kyoto, Nara, Osaka và Kobe, đã diễn ra lễ cầu nguyện cho quả chuông, bắt đầu từ chùa Zojoji (Tokyo) vào 7.12.1997 và kết thúc ở chùa Kaneiji (Tokyo).


Theo tài liệu nghiên cứu của hội này, vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, quân đội Nhật chiếm đóng ở khu vực Bắc Ninh đã dùng chùa Ngũ Hộ làm xưởng gỗ, và ai đó trong số họ đã lấy quả chuông này về Nhật.


Đến đầu những năm 50, quân Pháp chiếm lại ngôi chùa này và đã phá huỷ nó.


Vì vậy, sau khi nhận quả chuông từ phía Nhật, hội Hữu nghị Việt – Nhật và trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất gửi về chùa Bút Tháp, bởi trong số 300 người đóng góp tiền đúc chuông (khắc trên ba mặt còn lại của quả chuông) có cả những người ở khu vực Bút Tháp.


Năm 1993, chị Komatsu, giáo viên tiếng Nhật ở Việt Nam, người năm 1977 cũng tham gia vận động quyên góp mua quả chuông, nhận được bức thư từ GS Watanabe.


Ông viết trong thư rằng, nguyện ước cuối cùng trọn đời của ông là biết được số phận quả chuông ra sao. “Tôi đến chùa Bút Tháp, nhưng không thấy quả chuông đó. Ở đó, họ cũng không biết gì về nó”, chị nói.


Kể từ đó, cứ có dịp thuận tiện là Komatsu lại hỏi về tung tích quả chuông, từ những hướng dẫn viên du lịch, bạn bè dạy tiếng Nhật ở Việt Nam, rồi đài Tiếng nói Việt Nam…


Chị sục vào tất cả các bảo tàng ở Hà Nội, nhưng đều không thấy.


Mãi đầu năm 2002, chị tình cờ gặp được phó giáo sư khảo cổ học Nishimura, đại học Kansai (Osaka). Ông Nishimura khuyên chị nên đến gặp ông Lê Viết Nga, giám đốc bảo tàng Bắc Ninh.


Tháng 5.2002, Komatsu lên Bắc Ninh, được ông Nga cho nhân viên dẫn vào tìm trong kho.


Chị Komatsu kể: “Tôi được dẫn vào một ngôi nhà lụp xụp. Người coi kho phải xê cái tủ ra, tôi mới nhìn thấy quả chuông phủ đầy bụi nằm tít trong góc. Lúc đó, tôi chợt nhớ lại hình ảnh hàng trăm người Nhật Bản đến tụng kinh, cầu chúc cho quả chuông bình yên lên đường về cố quốc, đoàn nhạc công tấu lên những bản nhạc cung đình, và hàng trăm các em sinh viên vẫy cờ hoa… Tôi đã cố kìm để khỏi oà khóc vì nỗi xót xa”.


Bao giờ tiếng chuông ngân vang?


Ngày 15/8 vừa rồi, chị Komatsu đã quay lại Bắc Ninh. Chị muốn biết quả chuông đã được mang ra trưng bày trong bảo tàng như ông Lê Viết Nga đã hứa với chị cách đây sáu năm hay chưa, để báo lại với GS Watanabe. Quả chuông vẫn nằm trong kho, tuy đã được chuyển sang một gian kho mới, sạch sẽ, trong khuôn viên bảo tàng, cùng với mấy quả chuông khác.


Theo ông Nga, đến cuối năm nay, toà nhà bảo tàng mới hoàn thiện. Trong câu chuyện, ông Nga cho biết chùa Ngũ Hộ đã được dân làng góp tiền xây dựng lại trên nền đất cũ (năm 2001).


Cách đó ít tháng, một số người dân làng Ngọc Đôi (tên của làng Kim Thôi xưa) đã cùng sư thầy trụ trì chùa Ngũ Hộ đến gặp ông Nga để xin đưa quả chuông về chùa, nhưng ông không đồng ý.


Ông Nga giải thích với họ rằng quả chuông này đã là tài sản quốc gia, và chỗ của nó là phải ở bảo tàng cho nhiều người cùng chiêm ngưỡng.


Hơn nữa, theo ông Nga, một ngôi chùa nhỏ bé, liệu có đủ khả năng bảo vệ quả chuông quý giá, có ý nghĩa lịch sử hay không.


Sư thầy Huệ Hồng, người chúng tôi gặp ở chùa Ngũ Hộ ngay sau đó, cho biết sắp tới sẽ sang Mỹ để kêu gọi quyên góp cải tạo chùa, và xây gác chuông, cũng như thuê bảo vệ.


Đến lúc đó, sư thầy và người dân ở đây lại một lần nữa làm đơn xin lại quả chuông, nếu cần có thể mời cả luật sư vào cuộc. “Đã là chuông chùa thì phải ở chùa chứ”, sư thầy Huệ Hồng nói.


GS Watanabe, khi viết thư cho chị Komatsu năm 1993, có gửi kèm một lời chúc: “Hỡi quả chuông Việt Nam, hãy ngân lên nguyện cầu cho hoà bình!”.


Liệu ước nguyện của GS Watanabe có thành hiện thực trước khi ông mất, khi mà trong bảo tàng người ta luôn gắn kèm những tấm biển: “Cấm sờ vào hiện vật”?







Ý kiến độc giả


Nguyễn KhaHoa Kỳ (vinhhal…@yahoo.com) Điều nổi bật nhất trong lịch sử thăng trầm của quả chuông quý giá nầy, theo tôi, là sự khác biệt trong trình độ văn hóa của hai dân tộc Việt và Nhật: “Người” thì trân quý giá trị của báu vật, nên lương thiện tìm đủ mọi cách cho “châu về hiệp phố”. “Ta” thì ngồi không mà được, lại dành nhau xem ai làm chủ báu vật, nên bất cần để cho báu vật lăn lóc hư hao thêm … Chuông để ở chùa hay ở bảo tàng viện cũng thế thôi, một khi mà nhìn nó bằng cái tâm thủ đắc. Thật tội nghiệp cho quả chuông ! Thật tội nghiệp cho những tấm lòng vàng Nhật Bản !


Minh NgọcTP. Hồ Chí Minh (phbinh…@yahoo.com.vn) Theo tôi, chuông chùa thì phải hồi quy về chùa là lẽ đương nhiên. Nhưng khi thỉnh những cổ vật về chùa thì mọi người phải hết sức cẩn thận, tránh để Pháp bảo bị mất cắp, bị bôi vẽ lem luốc như một vài nơi đã xảy ra. Và nhân đây tôi cũng có một câu hỏi là hiện nay Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức hiện đang được lưu giữ ở đâu? Đã đến lúc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cung thỉnh Xá lợi của Ngài về thờ tự và cho mọi người chiêm ngưỡng vì thế hệ trẻ chúng tôi có ai được thấy Xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức đâu.


Lê Văn HùngHải Dương (levanhung2…@gmail.com) Câu chuyện về chiếc chuông này khiến tôi không khỏi xót xa về nhiều nhẽ. Đầu tiên, những giá trị văn hóa tôn giáo suốt thời gian dài không được nhận thức đúng đắn, không được coi trọng và bảo tồn. Tiếp theo, người Việt Nam chúng ta có vẻ “thấp” về văn hóa: văn hóa ứng xử, văn hóa tự trọng… quá qua vụ cái chuông này. Trong khi bạn Nhật thì coi chiếc chuông là báu vật thiêng liêng, là một di sản quý giá nên đã đối xử với nó đầy trân trọng, thiêng liêng, tình cảm. Trong khi ta, người sở hữu báu vật lại coi thường, quăng quật, để vạ vật… Đó là sự bất kính, bất trọng bạn bè, vô ơn.


Bài viết này cũng nêu một thực trạng đáng buồn ở các bảo tàng Việt Nam, nhất là bảo tàng cấp tỉnh. Bảo tàng ít người xem, buồn hiu hắt. Phong cách trình bày thì cũ kỹ, thiếu hấp dẫn. Như thế, bảo tàng đã hạ thấp giá trị của báu vật quốc gia. Chiếc chuông này nên quay về chùa cũ, đó mới là nơi sống đích thực.


Phạm Thống Nhấtquận 4, TP. Hồ Chí Minh (daocanhmong25…@yahoo.com) Tôi thấy quả chuông đó của người Nhật mua lại là đem về chùa cũ, cũng như Phật tử nơi đó. Vậy mà Bảo tàng lấy của Phật tử, lại cho rằng của Quốc gia để “quản lý”. Thật sự thì xưa nay nhà nước đã “quản lý” nhiều tượng Phật Cổ và vật cổ quý khác của Chùa. Tôi nghĩ các cơ quan nhà nước phải trả lại quả chuông đó, và tượng Phật quý khác của các chùa nữa.


Trần Quốc PhongHà Nội (phongtq…@hotmail.com) Hiện nay, cổ vật Phật giáo phủ bụi trong các bảo tàng từ Bắc vào Nam rất nhiều, và giá trị của các cổ vật đó ít được phát huy. Tôi ước giá mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ngành Văn hóa xây dựng được một Bảo tàng Văn hóa Phật giáo. Bảo tàng đó sẽ được xây dựng theo kiến trúc một ngôi chùa cổ điển hình nhất Việt Nam, với những nét kiến trúc và trang trí tiêu biểu nhất. Trong ngôi chùa bảo tàng đó, tất cả cổ vật Phật giáo sẽ được bài trí theo phong cách kết hợp giữa thờ tự và trưng bày. Như vậy chắc chắn bảo tàng đó sẽ thu hút rất đông khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, Phật tử thập phương. Giá trị văn hóa Phật giáo sẽ được tôn vinh, lưu truyền và phát huy. Nhưng ước mong này quả là xa vời trong bối cảnh hiện nay: Giáo hội thì hình thức, ngành văn hóa thì mải lo quản thi hoa hậu, cấp phép biểu diễn, các bảo tàng có cổ vật Phật giáo thì cát cứ, giữ riêng. Rất mong Chính phủ có một tầm nhìn và một bàn tay để ước mơ này thành hiện thực.


Christopher J. HoangHoa Kỳ ([email protected]) Chuong Dong cua Chua Ngu Ho lang Kim Thoi la mot Phap Bao voi mot “Karma” rieng biet va cao qui… No khong phai la tai san cua mot quoc gia, nhung guong may chinh quyen cua mot quoc gia co trach nhiem bao ve no, bao ve tai san cua mot Ton Giao. Toi tin rang voi luat phap se khong he cho phep bat cu mot ai ; du rang nguoi do la ca nhan hay ngay ca mot to chuc tap the… cuong doat duoc no. Cho nen chiec chuong co tren phai duoc chuyen ve tro lai Chua ngu Ho. Ong Le Viet Nga khong nen “can thiep” vao “Cai Nghiep cua Chiec Chuong lang Kim Thoi” nhu the !….Ong Le Viet Nga hay nhin va “hoc” cai “TAM” cua Ong Watanabe Takuro, chi Komatsu…cung nhu rat nhieu nguoi Nhat Ban khac …da dong gop tai luc…va nhat la nhung “tam Long” voi uoc nguyen cho chiec chuong duoc tro ve lai ngoi Chua Ngu Ho…voi tieng “chuong ngan” trong hoa binh… Ca nhan toi hoan toan ung ho tinh than cua Su Thay Tru Tri Chua.







Nếu quý vị có ý kiến về vấn đề bài viết này nêu ra, xin bấm vào đây, hoặc gửi thư về địa chỉ [email protected].