Trang chủ Bài nổi bật Hiểu đúng về hạnh đầu đà

Hiểu đúng về hạnh đầu đà

Tôi khá dị ứng với từ dùng “Tăng đoàn” dành cho những người khất thực bám theo ông Minh Tuệ khi chưa từng xuất gia thọ giới kia.

Nếu ai muốn phân lập rõ ràng “vai trò” của những vị này thì nên bắt đầu bằng tính chính danh của nó. Chính danh thì mới nói đến “vai trò” và nó mới “ngôn thuận”. Xã hội rối loạn vì mất đi tính chính danh.

Nếu họ lập ra một đạo khác trên tinh thần đạo Phật, tôi xin miễn bàn.

Ông Minh Tuệ nói mình không phải tu sĩ Phật giáo, không theo giáo hội nào. Quá khứ, ông Minh Tuệ từng xuất gia, ở chùa, thọ sa di giới (10 giới). Nhưng theo giới luật, nhưng ai thọ giới mà tuyên bố mình không phải sa di hay tỳ kheo (có 3 người trở nên nghe rõ) thì không còn là sa di hay tỳ kheo nữa.

Cũng như vậy một tỳ kheo trước khi phạm giới trọng nếu tuyên bố mình không còn là tỳ kheo, không phải tỳ kheo thì xem như đã xả giới. Và chuyện vi phạm sau đó tuỳ theo mức độ mà cử tội, xét phạt (cho hoàn tục hay cho sám hối). Chỉ khi ý thức xả giới trước khi phạm trọng giới thì sau mới có cơ hội xuất gia tu lại. Nếu không xả giới mà cố tình phạm trọng giới thì ví như cây cau đã bị chặt mất ngọn vậy.

Trở lại, không một tổ chức, hội đoàn nào cho phép ai tiếm danh của mình. Điều này là nguyên tắc đạo đức xã hội và được pháp luật bảo hộ.

Ông Minh Tuệ từng giữ sa di giới, nay ông vẫn giữ gìn 10 giới (như bao nhiêu Phật tử đang giữ 5 giới, 10 giới, 48 giới) là chuyện tu tập cá nhân của ông, ông có hành xử đúng sai thế nào thì cũng không “phạm giới”, vì giới đã được xả bỏ khi ông tuyên bố ra công chúng từ trước đó rồi.

Thực tế trong những tranh cãi không dứt kia, cho đến nay vẫn còn rất nhiều ngộ nhận về Hạnh đầu đà.

Hạnh đầu đà nói đầy đủ cũng là giới đầu đà. Giới đầu đà thì cũng có phân cấp và lập điều kiện rõ ràng cho các hành vi ứng xử khi hành trì. Việc vi phạm giới hạnh đầu đã cũng có nhiều luận luật giải thích rõ.

Trong Thanh Tịnh đạo luận (xin xem bản dịch của Ni sư Trí Hải) có phân chia rất rõ. Trong 13 hạnh đầu đà, mỗi hạnh phân chia ba cấp độ cao thấp: thượng, trung và hạ.

Trong mỗi hạnh tu này, nếu vi phạm ở mức độ nào thì được xem là đã phá giới hạnh đầu đà. Ví dụ đã phát nguyện ngủ rừng, ngủ nghĩa địa, thì tuyệt nhiên không vào nhà, vào nơi có mái che (trừ nhà hoang bị gia chủ bỏ), vì vào ngủ hay trò chuyện nơi có mái che là phá giới. Nếu ăn thức ăn không bỏ trong bình bát cũng là phá giới… Hay như với hạnh ba y, sa di khi hành hạnh này thì không được quấn Tăng già lê y…

Theo Tăng Chi Bộ Kinh, Phẩm Rừng và theo Tạng Luật – Tập Yếu – Phẩm về Hạnh Từ Khước, Đức Phật phân loại những người thực hành 13 hạnh đầu đà thành năm hạng:

1.Hạng có bản tánh ngu khờ, si mê.

2.Hạng có ước muốn xấu xa, bị thúc giục bởi ước muốn.

3.Hạng bị điên khùng, do mất trí.

4.Hạng (nghĩ rằng): “Được chư Phật và chư Thinh Văn của đức Phật khen ngợi”.

5.Hạng chính vì ít ham muốn (thiểu dục), chính vì tự biết đủ, chính vì sự từ khước, chính vì sự tách ly.

Trong năm hạng người thực hành 13 hạnh đầu đà này, duy nhất hạng người thứ năm được Đức Phật tán thán, tức là người có hạnh thiểu dục. Nói về hạnh thiểu dục, kinh Tăng Chi Bộ giải thích rõ:

1.Paccayappiccho (Thiểu dục về nhu cầu): người ít ham muốn về vật chất hay về (bốn món) vật dụng . Theo cách giải thích khác, đó là người cho nhiều lấy ít, cho ít lấy ít hơn.

2.Ahigamappiccho (Thiểu dục về sở chứng): người ít ham muốn hay không có nhu cầu tỏ lộ cho người khác biết các pháp chứng của mình.

3.Pariyattiappiccho (Thiểu dục về sở học): người ít ham muốn hay không có nhu cầu tỏ lộ cho người khác biết về sự đa văn, sự thông thuộc pháp học (Tam Tạng) của mình.

4.Dhutaṅgappiccho (Thiểu dục về sở hạnh): người ít ham muốn hay không có nhu cầu tỏ lộ cho người khác biết về các hạnh tri túc, viễn ly (hạnh đầu đà) mình đang thọ trì.
Bản chất cũng là mục đích tối cao của hạnh đầu đà chính là viễn ly và độc cư. Đây cũng là lý do rất nhiều người mong hãy để yên cho ông Minh Tuệ tu đừng đu bám theo ông. Còn một khi đã gieo nhân ồn ào thì tất yếu sẽ ra quả ồn ào thôi.

Người Phật tử khi quan sát, căn cứ vào 3 tạng để thấy thì sẽ không bị rơi vào tình trạng khen chê quá mức, tự não phiền mình.