Trang chủ Tin tức HN: NS Đàm Lan bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ

HN: NS Đàm Lan bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ

76

Đề tài mang mã số 60.22.90 chuyên ngành Tôn Giáo học.

Đến quang lâm, chứng minh buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ có Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS TWGHPGVN, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch HĐTS TWGHPGVN.

Hội đồng khoa học có Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thúy Vân, Trường Đại học KHXHNV Chủ tịch Hội đồng; Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Quang Hưng, Trường Đại học KHXHNV; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tài Thư Viện Triết học; Tiến sỹ Trần Thị Kim Oanh, Trường Đại học KHXHNV; Tiến sỹ Nguyễn Thanh Xuân, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Luận văn thạc sỹ của học viên Phan Thị Lan – Pháp danh Thích Đàm Lan với đề tài nghiên cứu: ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY là một bản luận văn được Hội đồng khoa học đánh giá rất cao về sự nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, có cái nhìn sâu sắc trên quan điểm triết học của Phật giáo về đạo đức.

Hội đồng đã nhất trí cho  bản luận văn  9,6 điểm.

Là một nhà tu hành, có rất nhiều công sức đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo, bên cạnh đó Ni sư Đàm Lan còn xây dựng trong khuôn viên nhà chùa một mái ấm tình thương.

Chùa Bồ Đề nổi tiếng là nơi chăm sóc các cụ già không nơi nương tựa, nuôi dưỡng những trẻ em bị bỏ rơi,  mồ côi cha mẹ, đã có rất nhiều tổ chức xã hội, cá nhân, dòng họ đã đến cùng chia sẻ với Ni sư trong công việc cao cả mang tính nhân đạo này. Đây có lẽ cũng là nhân duyên để Ni sư Thích Đàm Lan nghiên cứu xây đề tài.

Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hôi, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.

Trong Phật giáo, đạo đức được xuất phát từ lý tưởng “Vị nhân sinh” dựa trên cơ sở thuyết “Thập nhị nhân duyên” (mười hai nhân duyên có mối quan hệ vừa gắn bó vừa tương tác lẫn nhau từ vô thủy đến vô cùng tận) để giải thích về nguồn gốc, quá trình hình thành con người, nhân cách và phẩm chất đạo đức.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Quang Hưng đánh giá, bản luận văn của tác giả Phan Thị Lan nghiên cứu về vấn đề đạo đức, đây là một vấn đề cấp thiết để khai thác và phát huy những giá trị văn hóa của đạo đức tôn giáo, nó trở thành một nhận thức mới và có những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống văn hóa giáo dục trong xã hội chúng ta.

Phật giáo là một tôn giáo lớn ở nước ta, đạo đức Phật giáo đã ăn sâu vào trong xã hội Việt Nam, nhất là trong điều kiện hiện nay, xã hội đang có rất nhiều biến động, việc phát huy những giá trị đạo đức trong Phật giáo là hết sức cần thiết.

Học viên là một nhà tu hành, đứng trên góc độ triết học Phật giáo với cái nhìn sâu và qua trải nghiệm chắc chắn sẽ có những đóng góp mới cho đề tài.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tài Thư – Viện Triết học nhận xét: Đạo đức Phật giáo và đạo đức xã hội luôn là lĩnh vực tinh thần thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học xã hội và của người dân, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này, nhưng luận văn của học viên Phan Thị Lan vẫn bảo đảm được sự mới mẻ, riêng biệt, nội dung và các vấn đề nêu ra không trùng với luận văn, luận án nào đã được bảo vệ trước đây.

Trong quá trình trao đổi, Tiến sỹ Trần Thị Kim Oanh đã nhận xét, trong bản luận văn này, tác giả đã không đề cao vai trò của đấng tối cao, Phật giáo là như vậy. Phật là người đã thành, chúng sinh là người sẽ thành.

Khác với các tôn giáo khác, sự tùy duyên đã làm cho Phật giáo có chỗ đứng sâu rộng trong mọi xã hội, trong tất cả các thành phần, giai cấp, không phân biệt, không gây chiến tranh. Khác hoàn toàn với các tôn giáo khác trên thế giới.

Đánh giá về quá trình thực hiện bản luận văn, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Vui nhận xét: Học viên đã làm tốt các yêu cầu của người hướng dẫn đề ra, có ý thức tìm hiểu và tư duy sâu sắc trong đề tài nghiên cứu, biết vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành công việc.

Với thành công của tác giả và bản luận văn, hy vọng trong xã hội chúng ta, đạo đức Phật giáo sẽ song hành cùng đạo đức của xã hội và làm cho xã hội phát triển.