Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Hòa thượng Thánh Nghiêm nói về chuyện sinh tử (phần 2)

Hòa thượng Thánh Nghiêm nói về chuyện sinh tử (phần 2)

85

– Thế còn về bệnh tật và tín ngưỡng Ngài nghĩ thế nào?


 Hòa Thượng : Nhìn từ quan điểm nhân quả đơn thuần, bị bệnh là một việc rất tiêu cực, giống như trước đây tôi đã làm việc xấu, bây giờ phải chịu quả báo là bị bệnh. Tuy cách giải thích này không thể nói là sai, nhưng cũng không hẳn là hoàn toàn chính xác. Như đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến thế giới này độ chúng sinh, nhưng trong cuộc đời của Ngài đã trải qua nhiều khổ nan; hay như Huyền Trang Đại Sư đến Ấn Độ thỉnh kinh, suốt chặng đường đi trải qua hơn 80 nạn kiếp, chẳng lẽ đó là nghiệp báo nhân quả sao? Hay là vì trước đây họ làm việc xấu cho nên kiếp này phải chịu quả báo khổ nạn? Ngoài ra, chúng ta còn thấy nhiều cao tăng trong lịch sử, họ đều bước ra từ trong gian khổ. Có vị Cổ Đức từng nói: “Không trải qua mùa đông lạnh giá, sao có thể thấy được hoa mai nở”. Đối với người tu hành Phật giáo, bất luận là mong muốn trở thành Phật hay một vị cao tăng, đều phải trải qua sự thử thách của khổ nạn, rất nhiều ví dụ đều như vậy. Pháp sư Thích Ấn Thuận viên tịch cách đây không lâu (năm 2005). Hơn 10 tuổi đã mắc bệnh nặng, ông sống nhờ vào uống thuốc và chích thuốc. Nhưng cũng chính vì bệnh, sức khỏe yếu kém, mà chuyên tâm nghiên cứu kinh Phật, cuối cùng cũng có một thành tựu lớn trong Phật học. Cuộc đời của tôi tuy không thể sánh với họ, nhưng vì sống trong thời đại chiến tranh liên miên, cho nên cả cuộc đời tôi đều là khổ nạn. Khi mới ra đời tôi đã không được khỏe mạnh, đến 5, 6 tuổi vẫn chưa biết nói, lúc 8, 9 tuổi mới bắt đầu đi học. Tuy tôi chưa học qua bậc trung học và đại học, nhưng trong hoàn cảnh đó, tôi hoàn toàn dựa vào nổ lực của bản thân, cuối cùng nhận được học vị tiến sĩ ở Nhật Bản. Trong khoảng thời gian này, sức khỏe của tôi vẫn không tốt. Bất luận là đến Nhật Bản hay Mỹ, tôi đều nổ lực trong hoàn cảnh không ai giúp đỡ. Khi đó giới Phật giáo không có khái niệm bồi dưỡng nhân tài, vì Phật giáo khi ấy không có người, cũng không có khả năng. Nhìn thấy Phật giáo suy yếu như vậy, tôi chỉ biết nổ lực hết sức mình, đồng thời tôi cũng phát nguyện, bản thân tôi không thể học đại học, nhưng sau này tôi sẽ mở trường đại học, để mọi người xuất gia đều có học vị. Về quá trình này mà nói, chẳng lẽ là vì trước đây tôi đã làm việc xấu, cho nên bây giờ phải chịu trừng phạt hay sao? Không phải thế. Trái lại tôi vô cùng cảm ơn cuộc đời cho tôi có cảnh ngộ như thế, cảm ơn Phật Bồ Tát đã an bày cho tôi một cuộc đời như thế, để tôi có cơ hội cống hiến sức mình. Lúc hơn ba mươi tuổi tôi đã viết rất nhiều sách, mấy mươi năm gần đây, cho dù có bận rộn, mệt mỏi thế nào, mỗi năm cũng cố gắng viết mấy quyển sách, cho nên đến bây giờ tôi đã viết hơn 100 quyển sách. Là vì điều gì? Là nhân quả chăng? Kỳ thực là Phật Bồ Tát đã ban cho tôi sứ mệnh ấy, cũng là tâm nguyện từ nhỏ của bản thân tôi. Từ nhỏ tôi đã có một tâm nguyện, tôi nghĩ “Phật pháp tốt như thế, nhưng người hiểu sai về Phật pháp rất nhiều! người hiểu đúng về Phật pháp rất ít” Vì vậy, tôi muốn dốc hết sức mình truyền bá, chia sẻ với mọi người trên thế giới về những điều hay của Phật pháp, về trí năng của Phật pháp. Nhưng những gì tôi biết, những gì tôi có thể thì rất có hạn, cho nên tôi phải phong phú tri thức bản thân mình để có thể đủ năng lực truyền bá và chia sẻ Phật pháp. Giống như vừa rồi cha Đơn Quốc Tỉ đã nói, đốt một ngọn đèn cầy nhỏ, có thể chiếu sáng cả không gian, để ta bước đi dễ dàng, cũng để những người khác trong không gian được hưởng lây, được chiếu sáng. Vì vậy, tâm nguyện của tôi chính là chia sẻ với mọi người trên thế giới về điều hay, về trí năng của Phật pháp. Những năm gần đây tôi đề xướng dùng “tâm linh bảo vệ môi trường” để “nâng cao chất lượng con người, xây dựng một môi trường sống trong sạch”, mong rằng những người khổ nạn trên đời đều có thể chia sẻ được sức mạnh của lòng từ bi và trí tuệ của Phật pháp; có người mang ánh sáng của lòng từ bi và trí tuệ Phật pháp chiếu gọi khắp nơi, có người được chiếu gọi bởi ánh sáng ấy. Không phải tôi hi vọng biến mọi người trên thế giới này thành đệ tử Phật môn, đây cũng là việc không thể, nhưng phải quan tâm đến thế giới này, chia sẻ lợi ích Phật pháp, giúp đỡ người đời giảm bớt phiền não, cho dù là giảm bớt một phần nhỏ nhoi cũng đã tốt rồi. Vì vậy trong cuộc đời này, dẫu có nhiều bệnh, dẫu có gian khổ, nhưng tôi vẫn tràn đầy lòng cảm ơn. Mọi người biết thận tôi có vấn đề, bây giờ phải định kỳ rửa thận; tôi cũng từng đến gần biên giới của cõi chết, đã đi vài lần trước quỷ môn quan, nhưng bây giờ tôi vẫn có thể ở đây, là vì tâm nguyện của tôi vẫn chưa hoàn thành. Tâm nguyện cuối cùng của tôi là xây dựng trường đại học Pháp Cổ. Khi bệnh tình của tôi nguy kịch, tôi cầu nguyện trước Phật Bồ Tát: “Nếu nhiệm vụ của tôi đã hết, không có việc gì cần tôi làm, thì cứ để tôi đi, nếu Phật Bồ Tát còn  nhiệm vụ mong muốn tôi hoàn thành thì hãy để tôi sống tiếp”. Kết quả là tôi sống tiếp, mà nguyện vọng của tôi chính là xây dựng trường đại học Pháp Cổ. Với tôi bây giờ mà nói, chết hay sống không còn quan trọng nữa, nhưng sống là nhiệm vụ, là sứ mạng mà Phật Bồ Tát đã giao cho tôi, tôi phải sống hết mình, sống có tinh thần, có sức sống. Vừa rồi Cha đạo có nói, sau khi chết đi thì sẽ sống trong vòng yêu thương của Chúa; nhưng sau khi tôi mất đi, thì có chung một sứ mệnh, một thân xác, một vùng đất, một thế giới với chư Phật tam thế, thì tôi còn gì để cầu mong chứ? Tôi bây giờ rất nhỏ nhoi, thời gian cũng có hạn, người tôi có thể giúp cũng không nhiều; nhưng sau khi tôi mất đi, không chỉ ở Đài Loan, không chỉ ở quả đất hay vũ trụ hữu hạn này, mà là trong thế giới vô hạn. Như thế, nơi nào cần tôi, tôi sẽ đến đó! Lúc nào cần tôi thực hiện sứ mệnh, tôi sẽ đi! Trong thời không vô hạn, có rất nhiều chúng sinh cần sự giúp đỡ và độ hóa, chỉ cần có duyên với nơi nào đó, tôi sẽ đến đó! Đó chính là nhân quả quan của tôi. Nhân quả lớn nhỏ và tùy vào nơi tái sinh. Cũng không phải là tôi đã làm nhiều việc tốt cho trái đất này, cho nên mong muốn trở lại trái đất này để hưởng phước, đấy không phải là quan niệm Phập pháp chân chính, vì phạm vi của tâm thánh nhân thời không như thế, như thế là quá nhỏ hẹp. Người tu, tâm nguyện không có biên giới, và công năng của lòng từ bi và trí tuệ không có giới hạn, như thế mới quảng độ tất cả chúng sinh.