Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Hồn dân tộc nơi xứ lạ

Hồn dân tộc nơi xứ lạ

104

Từ nhiều đời nay, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo truyền thống của người Việt. Bởi vậy mà ở hàng chục quốc gia khác nhau trên thế giới, hàng trăm ngôi chùa Việt được dựng lên, trở thành địa chỉ tâm linh của những người con xa xứ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng hơn 4 triệu người Việt  đang sinh sống ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng ngày càng ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực đáng kể về tri thức, kinh tế; ngày càng có nhiều người thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh các hoạt động về kinh tế, văn hoá, xã hội thì hoạt động tâm linh cũng được đẩy mạnh, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Ông Nguyễn An Ninh, Chủ tịch hội người cao tuổi Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị cho biết: “So với các nước ở Đông Âu và Nga thì chùa Việt Nam ở Ba Lan có sớm nhất, chúng tôi quan niệm trẻ vui nhà, già vui chùa, vì thế, ngôi chùa là nơi tập hợp, gắn kết cộng đồng”.

Mặc dù Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hoà Czech ra đời muộn hơn, nhưng đã quy tụ được tất cả các hội đoàn và có những bước phát triển đáng kể. Chị Tạ Phạm Bích Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội Phật tử và là Chủ tịch Hôị phụ nữ chia sẻ: “Các hoạt động của Hội Phật tử Việt Nam tại CH Czech rất phong phú, tổ chức ít nhất 1 năm 3 kỳ lễ để đạo Phật tới được với từng gia đình, từng người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc”.

Đại đức Thích Trí Trơn, Ủy viên thường trực TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, trụ trì chùa Giác Đạo, Thành phố Cheb, Cộng hoà Czech nhớ lại: “Ngày đầu đặt chân đến Czech chưa có một ngôi chùa nào, nhưng cho đến hôm nay đã có Niệm Phật đường và 5, 7 ngôi chùa như: Giác Đạo, Giác Tâm, Giác Đức… quần chúng Phật tử đã lên đến con số cả chục nghìn người. Đây là sự phát triển ngạc nhiên. Ngôi chùa chính là chỗ đi về của bà con, không chỉ gói gọn trong đời sống tâm linh, trong hành trình lễ bái, mà tất cả các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hoá của dân tộc Việt Nam các lĩnh vực về đạo đức, văn hoá, xã hội mang sắc màu của Việt Nam đều được thể hiện ở đây”.

Bà con kiều bào đều tìm thấy ở Đạo Phật tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, tình cảm giữa con người với con người, nhất là trong những ngày đại lễ. Điều đó nói lên một giá trị xác đáng là cùng chung dòng máu con Lạc, cháu Hồng cùng sống trên dải đất hình chữ S của quê hương Việt Nam. Vì kế mưu sinh phải sống ở nước này hay nước khác, nhưng bà con luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết và hướng nguồn cội.

Thượng Toạ Thích Pháp Châu trụ trì chùa Việt Nam tại Califonia và San Jose cho biết: “Số lượng Phật tử lúc ban đầu bận xây dựng đời sống mới, sau này ổn định rồi thì sinh hoạt ở các chùa rất đông. Họ cũng đóng góp đáng kể công, của để xây dựng đất nước”.

Ánh sáng Phật pháp đến với bà con đã xoa dịu phần nào những khó khăn mà bà con gặp phải, đồng thời kết nối bà trong ngôi nhà chung đó là dân tộc Việt Nam, là đạo Phật Việt Nam. Chị Trịnh Thanh Hiền, Chánh văn phòng Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga bộc bạch: “Ở Moscow chưa được xây chùa như các nước như Ba Lan, Czech, Hungaria, Đức… bởi ở Nga chưa có Luật cho người nước ngoài. Tuy nhiên, người Việt nhưng trong mỗi nhà đều có bàn thờ thắp hương để nhớ ông bà, tổ tiên, để bản thân mình cảm thấy yên khi ở một đất nước xa xôi như thế”.

Đối với dân tộc Việt Nam, đạo Phật đã gắn liền trong suốt hơn 2.000 năm và từng trở thành quốc đạo của người Việt Nam. Tư tưởng Phật học đã ăn sâu vào nếp sống muôn đời của tổ tông, trở thành tôn giáo truyền thống của dân tộc Việt Nam mà mỗi người dân Việt hướng về. Đại đức Thích Trí Chơn cho rằng: “Giáo lý của đạo Phật không chỉ gói gọn trong bốn bức tường mà là hướng con người ta sống Thiện trong đời sống hàng ngày, để hành xử và đem lại những điều tốt đẹp cho nhau. Đây là nền tảng đạo đức giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách để xây dựng cuộc sống tốt đẹp trong đất nước này và trên thế giới này”.

Người Việt Nam ở nước ngoài luôn mang trong mình tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, trong đó hình ảnh ngôi chùa là kết tinh của truyền thống văn hoá Việt, vì thế nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của những người Việt xa xứ.