Trang chủ Tin tức Huế: Gần 1 vạn Tăng Ni Phật tử tham dự Đại lễ...

Huế: Gần 1 vạn Tăng Ni Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản tại chùa Diệu Đế

126

Đêm qua, trước khi đi nghỉ, sợ rằng do mệt mà quá giấc, sẽ bị trễ giờ đi dự Đại lễ Phật đản ở chùa Diệu Đế, tôi đã  nhờ bác trực ban nhà nghỉ đánh thức dậy vào lúc 5 giờ sáng nay. Bác cười bảo: Yên tâm đi, sớm mai chúng tui đều đi cả mà, cứ ngủ ngon cho lại sức.


Sáng nay, chưa đến 5 giờ, tất cả đã sẵn sàng. Từ nơi tôi nghỉ đến chùa Diệu Đế khoảng 3 km, hoà trong dòng người đi dự lễ, tôi đến chùa. Đúng là “Gót sen tháng Tư mùa Phật đản” ở Huế đã làm cho nơi đây đẹp hơn nhiều. Hết thảy Phật tử đều thanh tịnh thân tâm, thành kính hái những bông tâm sen dâng lên Đức Phật.


Trong dòng cờ năm sắc, đèn hoa, biểu ngữ, phụ nữ Huế dường như đẹp hơn lên trong những chiếc áo lễ dài màu lam được may hết sức khéo, thướt tha, duyên dáng, quý phái.


Chiêm ngắm những tà áo dài tinh khôi đó, tôi lại nghĩ đến ở nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, những chiếc áo đi lễ thường được may cẩu thả, thiếu thẩm mỹ, bằng những chất liệu vải thô xấu.


Tôi nhận ra, giá trị Phật đâu có xa lạ với cái đẹp, kể cả trang phục của Phật tử tại gia! Phải chăng, chính những tà áo thanh, đẹp của Phật tử xứ Huế ấy đã đưa Phật đến với mọi người, mọi nhà?


Tam quan chùa Diệu Đế, hàng tuần nay đã được trang hoàng thật lộng lẫy. Hôm nay được chỉnh trang, lại càng đẹp hơn.


Trước Tam quan, bên kia đường Bạch Đằng, dưới dòng sông Gia Hội, những chiếc thuyền rồng được trang trí lộng lẫy đang neo đậu, tăng thêm sắc màu và không khí vốn đã rất “nóng” ở đây.


Được biết, tối nay, khoảng hơn 30 chiếc thuyền rồng, trang trí đèn hoa sẽ  lướt trên sông Hương, làm lễ phóng đăng mừng Phật đản.


Vào sân chùa,  thiệt là là cả một thế giới của cờ, hoa và biểu ngữ.


Các ca khúc Phật giáo nổi tiếng được hệ thống tăng âm phát ra với âm lượng lớn, trầm hùng vâng lên, khích lệ và mang đến cho Phật tử một sự xúc động khó tả.


Thấy ở xa xa hai mé lối vào có 2 dãy bàn, bày nhiều tranh và tượng Phật rất đẹp. Tưởng ai đó được phép bày bán ở đây. Hoá ra không phải vậy. Được biết,  99 bức tranh và 99 pho tượng Phật được bày ra, không phải để mua bán, mà là do Gia đình Diệu Kiến thành tâm mang đến đây để cúng dàng thập phương Phật tử. Ở Huế điều này không phải là cá biệt.


Khắp nơi, trong và ngoài chùa, hàng trăm em thanh thiếu niên trong các bộ đồng phục thuộc các gia đình Phật tử làm trật tự viên, rất có tổ chức và niềm nở. Dường như tất cả mọi người đến đây đều có tổ chức. Mỗi người là một trật tự viên.


Các bà, các mệ, phảng phất nét quý phái của hoàng tộc xưa kia,  thành kính, trang nghiêm lễ Phật trước Lễ đài. Tôi buột miệng nói với một mệ: – Trông bác đẹp quá, cứ như người trong tranh cổ vậy. Mệ đó nhỏ nhẹ trả lời: – Phụ nữ thì phải biết làm đẹp chớ, đi dự đại lễ thì càng phải đẹp. Ai nấy đều đẹp thì Huế mới đẹp chớ sao!


Cái đẹp tinh khôi của Huế còn được thể hiện ở cả những lẵng hoa cúng Phật trên lễ đài. Rất ấn tượng: sen, huệ, hồng đều trắng tinh, thanh khiết lạ thường.


Trên lễ đài, thấy có bài trí di ảnh các Thánh tử vì đạo năm 1963. Tôi nhận ra trong đó hình lớn nhất là Bồ tát Quảng Đức.


Đúng 6 giờ ngày 15/4/ Đinh Hợi – 2007, Đại lễ Phật đản lần thứ 2631 ở Thừa Thiên – Huế được chính thức khai mạc.


Xung quanh lễ đài trước chùa Diệu Đế, ước chừng có khoảng gần một vạn Phật tử ở 8 huyện, thành trong tỉnh Thừa Thiên – Huế và Phật tử gần xa, được xếp theo các khối có tổ chức rất trật tự.


Tham dự và chứng minh Đại lễ có: Đại lão Hoà thượng Thích Khả Tấn – Thành viên HĐCM GHPGVN; HT Thích Đức Phương – Phó Chủ tịch HĐTS TWGHPGVN, Trưởng ban BTS Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế; HT Thích Giác Quang – Phó Trưởng ban thường trực; HT Thích Đức Thanh – Phó Trưởng ban; HT Thích Tâm Tịnh – Phó Trưởng ban BTS Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế cùng hàng trăm vị Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, Tăng ni.


Về phía khách mời có sự hiện diện của: ông Ngô Hoà – UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên – Huế; ông Trưởng Ban Tuyên giáo, ông Phó Chủ tịch HĐND, ông Phó Chủ tịch MTTQVN, ông Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh, và đông đảo các ông bà đại biểu cho các cấp hữu quan.


Mở đầu Đại lễ, HT Thích Đức Thanh tuyên đọc Thông điệp của HĐCM; HT Thích Giác Quang tuyên đọc diễn văn của HĐTS TWGHPGVN gởi Tăng ni Phật tử VN nhân mùa Đản sinh – 2007.


Sau đó là phần nghi lễ Phật giáo.


Ba hồi chuông trống Bát nhã vang lừng, chư tôn đức Hoà thượng quang lâm Lễ đài làm lễ niêm hương bạch Phật theo nghi thức đặc sắc Huế. Chư tăng dâng trầm cúng Phật; Đại diện Phật tử dâng gần 100 lẵng hoa sen, hoa hồng lên lễ đài mừng đức Phật đản sinh.


Kế theo là lễ niệm hồng danh Đức Thế Tôn, Đức Đại trí Văn Thù, Đức Đại hạnh Phổ Hiền, Đức Đại bi Quán Thế Âm; tụng kệ hồi hướng, tụng Tam Tự quy.


Sau các nghi lễ trên, TT. Thích Huệ Phước – Chánh thư ký Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế đã đọc lời cảm tạ và tuyên bố kết thúc đại lễ vào lúc 7 giờ 30 phút trong tiếng chuông trống bát nhã vang rền.


Được biết Phật đản ở Huế là cả một mùa. Chương trình rất đa dạng phong phú. Trong ngày hôm nay, nơi nơi còn rất nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ Phật giáo khác. Có lẽ  phải mấy hôm nữa thì dư âm ngày Phật đản mới tạm nguôi ngoai, để rồi lại bùng lên vào mùa Phật đản sang năm và các lễ hội Phật giáo khác.


Biên tập viên PTVN có mặt tại đây và xin chuyển đến quý độc giả những hình ảnh về Đại Phật sự này: