Trang chủ Đời sống Im lìm thị trường Lễ Vu Lan

Im lìm thị trường Lễ Vu Lan

Cửa hàng vàng mã "méo mặt" chờ khách

Trên phố hàng Mã, trung tâm cung cấp tiền vàng, quần áo, nhà xe… cho người cõi âm mọi năm vào thời điểm này rất nhộn nhịp, thế mà giờ vẫn thưa thớt người mua. Nhiều mặt hàng, giá "mềm" nhưng vẫn ế ẩm. Vừa thấy khách dừng xe, chủ cửa hàng số nhà 23 hối hả chạy ra chào mời: “Em vào đây, ô tô, nhà lầu, quần áo thần linh, thần tài, các vong hồn phiêu bạt… có tất, giá cả rất phải chăng”. Chưa kể, năm nay, thị trường tiền tệ của người âm rất "bắt mắt". Ngoài tiền Việt, USD, gần đây còn xuất hiện thêm đồng euro, won (tiền Hàn Quốc)…

Quả thật, giá của các loại đồ dùng sang trọng mà người trần phải mơ ước như ô tô, nhà lầu… có giá khá rẻ, chỉ từ 50.000 đến 120.000 đồng. Tuy nhiên, hầu hết khách chỉ mua ít đồ lễ đơn giản cho phải phép. Chủ một cửa hàng than thở: “Bây giờ người dân tiết kiệm lắm, suy nghĩ cũng đã thay đổi nhiều. Họ không còn "vung tay" mua hàng đống đồ về đốt như những năm trước, phần lớn chỉ mua những mặt hàng thiết yếu như tiền vàng, quần áo… Giá các mặt hàng hiện giảm rất nhiều để hút khách nhưng cũng không ăn thua. Cách đây 3 – 4 năm, giá một chiếc xe máy là 500.000 đồng, ô tô thì phải tiền triệu, nhưng họ vẫn đua nhau mua. Bây giờ giá giảm xuống cả chục lần nhưng vẫn hiếm người mua”.

 

Hàng mã vắng bóng người mua.

Nhiều chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã lo lắng: “Vào thời điểm này năm ngoái, chúng tôi bán hàng không kịp nghỉ tay. Năm nay, lượng người mua giảm đến một nửa. Cứ đà này thì sức tiêu thụ có thể giảm 30%”.

 

Theo khảo sát, nguyên nhân chính là tâm lý của người tiêu dùng đã thay đổi. “Những năm trước, vào các ngày đại lễ trong năm, nhất là ngày Lễ Vu Lan, tôi sắm rất nhiều vàng mã, có năm lên đến hàng trăm nghìn đến một triệu đồng. Nhưng năm nay nhận thấy điều này rất gây lãng phí nên tôi đã hạn chế hơn.”, chị Hồ Mỹ Hằng, ở quận Hà Đông chia sẻ.

Thực phẩm chay ‘lên ngôi’

Khác với không khí trầm lắng của mặt hàng vàng mã, những ngày gần đây, thị trường thực phẩm chay bắt đầu sôi động. Nhiều cửa hàng, siêu thị cho biết, sang tháng 7, thực phẩm chay được tiêu thụ khá mạnh, nhiều nơi phải nhập thêm 40 – 50%, với các món phong phú và đa dạng như thịt bò hầm, thịt gà cắt lát, xúc xích sốt cà, cá rô sốt chua cay, lợn sữa quay… trông rất bắt mắt.

 

Thực phẩm chay hút khách.

“Vào dịp lễ Vu Lan, lượng người mua tăng gần gấp đôi ngày thường, nhiều hôm tôi không có hàng mà bán”, bà Nguyễn Thị Thu, chủ cửa hàng bán đồ chay ở chợ Thành Công cho biết. Theo bà Thu, đây là dịp để người dân mua đồ chay về cúng lễ nên lượng tiêu thụ tăng mạnh.

 

 

So với các sản phẩm cùng loại từ được chế biến từ động vật, đồ chay rẻ hơn rất nhiều như món ruốc tôm chỉ có 35.000 đồng một gói, xúc xích 9.600 đồng một gói, tôm sú chay, mực chay cũng chỉ có giá 14.000 đồng một gói, cá thu sốt tương 17.800 đồng một hộp.

 

Làng Cót, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, từ nhiều năm nay là trung tâm sản xuất vàng mã lớn nhất cả nước với hàng trăm hộ và hàng nghìn nhân công, làm đủ thứ đồ cõi âm như ô tô, xe máy, ti vi, nhà cửa, thậm chí cả ô sin. Mỗi khi vào các dịp đại lễ như ông Công ông Táo, Lễ Vu Lan, Rằm Trung thu… Nơi đây từng sản xuất đêm ngày không đủ cung cấp cho thị trường; nhưng năm nay, “tổng kho” này im ắng hẳn