Trang chủ Diễn đàn Khổ chùa, thương Phật

Khổ chùa, thương Phật

74

Có lẽ đọc được mấy mẩu “chuyện nhỏ ngàn năm” viết về đình – đền – chùa phố cổ Hà Nội nên một người bạn vong niên mời tôi đến nhà chơi và có nhã ý đưa tới viếng thăm hai ngôi chùa gần đó – chùa Bộc và chùa Thanh Nhàn. Dọc đường, ông cứ luôn mồm nói câu: “Khổ chùa, thương Phật lắm, ông ơi!”.


Thực lòng, tôi biết tới chùa Bộc từ những năm 70 của thế kỷ trước – không phải vì ý thức chùa chiền, mà vì ở đó có một hợp tác xã làm thuốc Nam mang tên chùa Bộc. Thời đó chiến tranh, bao cấp và nghèo khó. Đây là địa chỉ làm thuốc chữa bệnh có tiếng ở Hà Nội. Vườn chùa thì rộng nên gật đầu cho một cơ sở như thế mượn đất cũng dễ thôi.


Những năm tháng ấy, nơi này “hoang vắng” lắm, đạp xe vào còn khó. Dẫu vậy, chùa chỉ cách gò Đống Đa lịch sử chừng 200 mét. Quanh đó là hàng loạt những địa danh gắn với chiến thắng đại phá quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu 1789, như Trung Liệt, Đống Thiêng, Núi ốc, Núi Cây Cờ…


Chùa được xây từ thời Hậu Lê (1676) với tên cổ Thiên Phúc tự và Sùng Phúc tự. Trong trận chiến gò Đống Đa chùa bị cháy. Năm 1792, triều Tây Sơn cho trùng tu trên nền cũ. Trong chùa có pho tượng Đức Ông ghi dòng chữ “Oai phong lẫm liệt” và đôi câu đối:


Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ


Quang Trung hoá Phật, tiểu nhiên thế giới chuyển phong vân


Có nghĩa: Cửa động không bụi trần, sông núi còn lưu rường cột


Trong sáng hoá nên Phật, cõi đời chuyển nổi gió mây.


Đã ngót 40 năm, giờ chốn này đã là con phố đẹp và rộng mở. Trớ trêu, hầu như cả mặt tiền với cổng xây “đắc địa” nhất là của Hợp tác xã thuốc Nam chùa Bộc (tất nhiên tiếng tăm chẳng còn được như xưa), còn chùa chính – chưa đòi được đất – vẫn ẩn nhẫn và khiêm nhường.


Vẫn với điệp khúc “khổ chùa, thương Phật…”, ông đưa tôi lên Ô Chợ Dừa thăm chùa Thanh Nhàn. Bên trong, áp chặt gian thờ Tổ và thờ Mẫu là hơn 20 hộ dân chiếm ở. Khoảng sân hẹp bị biến thành sân phơi, bếp đun than… Suốt ngày đêm xe cộ ra vào, nổ máy bấm còi inh ỏi… Một số hộ còn ngang nhiên san lấp ao chùa để cơi nới và làm đường thông ra ngoài, còn cổng chùa làm nơi chứa rác và vật liệu xây dựng.


Nhiều năm rồi, nhà chùa đơn từ gửi tới các cấp kêu cứu nhưng cũng không hề có động tĩnh gì. Dường như được thể, số dân ở đây chẳng hề có bất cứ biểu hiện nhỏ nào về ý thức tôn trọng sư sãi và gìn giữ sự tôn nghiêm nơi thờ Phật – Mẫu. Đến nỗi nhà chùa cùng các Phật tử chỉ mong một tháng đôi kỳ – mồng 1 và ngày rằm được yên tĩnh và thanh sạch để dâng lễ, tụng kinh mà cũng khó. Hoá ra, chùa gọi “Thanh Nhàn” mà “thanh” không đặng, “nhàn” cũng không nên. Rõ là khổ!


Hơn 2.500 năm trước, Phật xuất thế là để thương và cứu độ chúng sinh, những mong giúp con người khai tâm mở trí để vượt qua bể khổ trần ai. Đã hai thiên niên kỷ rưỡi – thời gian dài lắm rồi, không ai có thể tính xem có bao nhiêu chúng sinh đã được siêu thoát nhờ lòng từ bi vô lượng và ánh sáng Phật Thiền. Vậy mà giờ đây giữa thanh thiên bạch nhật, một công dân Hà Nội thời văn minh hội nhập lại bảo “Thương Phật”! Thế mới lạ!./.