Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Không có hứng tu tập

Không có hứng tu tập

147

 

 

 
Thiền sư: Hãy hỏi tâm mình tại sao nó không thích tu (cười)… Khi đặt câu hỏi, bạn phải đặt những câu hỏi mà bạn thực sự muốn biết thì tâm mới có hứng thú. Nếu hỏi chỉ vì thầy bảo bạn hỏi, như một nghĩa vụ, thì chắc sẽ không có tác dụng đâu. 
 
Thiền sinh: Vâng, vậy thì con sẽ cố tìm hiểu xem tâm mình hứng thú điều gì. Thầy khuyên con nên hỏi nhiều câu hỏi khác nhau hay mỗi lúc chỉ hỏi một câu thôi ạ? 
 
Thiền sư: Tốt nhất là hỏi một câu thôi. Lúc đầu thực hành bạn thường phải nghĩ ra câu hỏi để tự hỏi mình. Khi pháp hành tiến bộ, chánh niệm trở nên miên mật hơn và trí tuệ sẽ bắt đầu làm việc. Tâm sẽ phát triển một cảm giác tò mò, một xu hướng tự nhiên muốn khám phá, tìm hiểu. Các câu hỏi sẽ đến một cách tự nhiên trong tâm và cho tâm một định hướng để tiếp tục quán sát. Khi bạn thấy tâm mình đặt câu hỏi một cách tự nhiên như vậy thì không phải cố tình nghĩ ra câu hỏi nữa. Chỉ cần sử dụng những câu hỏi tự nhiên sanh lên vậy thôi. 
 
Thiền sinh: Có nghĩa là thầy chỉ khuyến khích những suy nghĩ về tu tập chứ không khuyến khích các suy nghĩ sử dụng khái niệm trong quá trình tu tập phải không?
  
Thiền sư: Đôi khi bạn phải nghĩ để hiểu thấu được cái gì đó, để biết mình cần phải làm gì. Suy nghĩ là một hoạt động thiết yếu của tâm. Chúng ta chỉ cẩn thận đừng để mình bị cuốn theo nó, đừng tham gia vào các suy nghĩ ấy hay những kế hoạch do tâm vẽ vời ra. 
 
Thiền sinh: Bạch thầy, đối với con mỗi khi đau khổ con lại thấy mình dễ có động cơ tu tập. Nhưng khi đau khổ không thật rõ rệt thì con lại thấy rất khó để duy trì được nhiệt tình tu tập. Con không có được trí tò mò và sự ham hiểu biết mạnh. 
 
Thiền sư: Hồi xưa, tôi bắt đầu thực sự thực hành hết mình là bởi vì tôi đau khổ. Tôi muốn biết tại sao tâm mình khổ. Khi đã vượt qua được khó khăn lúc đó, tâm tôi chợt nhận ra rằng bây giờ mình bớt đau khổ hơn bởi vì chính nhờ tất cả những hiểu biết và trí tuệ mình thu được. Tâm trở nên hứng thú với quá trình học hỏi [1] đó và muốn biết nhiều nhiều hơn nữa.
 
Chú thích: [1] Học hỏi ở đây không phải chỉ là học kiến thức trong sách vở hay những hiểu biết ngoài đời mà là những cái thấy, cái ”ngộ” ra trong quá trình tư duy , chiêm nghiệm trong thực tế tu tập và những hiểu biết, tuệ giác phát sanh từ quá trình quán sát  các pháp hay các hiện tượng, tiến trình tự nhiên của thân và tâm mình – ND 
 
Thiền sinh: Chúng ta phải làm gì khi mà tâm không có được hiểu biết đó và cũng chẳng có nhiệt tình tu tập? 
 
Thiền sư: Thế thì chúng ta phải tiếp tục cho đến khi thực sự hiểu rõ công việc mình đang làm. Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta phải nhận thức rõ giá trị của chánh niệm. Chúng ta phải hiểu rằng chính công việc này sẽ đem lại kết quả cho mình. Giây phút có chánh niệm là giây phút mình thay thế si mê, thiếu hiểu biết bằng sự hay biết, bằng sự hiểu biết. Chỉ khi biết chúng ta mới hiểu và tăng trưởng lòng nhiệt tâm, hứng thú với những gì đang diễn ra. Hiểu rõ những gì đang diễn ra sẽ mang lại an lạc cho tâm mình. Khi đã thấu hiểu được giá trị của quá trình đó, bạn sẽ cảm thấy được niềm vui và luôn luôn hứng thú để nhìn sâu hơn nữa. 
 
 
Theo: Chỉ mới chánh niệm thôi thì không đủ
Dịch giả: Tỳ kheo Tâm Pháp