Trang chủ Văn hóa Không gian thiêng trong ngôi nhà Việt

Không gian thiêng trong ngôi nhà Việt

122

Người Việt bắt đầu văn hoá sống, trong đó có văn hoá thờ cúng, bằng việc xây một ngôi nhà trong cái làng ở vùng châu thổ sông Hồng, vốn được coi là vùng văn hoá cội rễ cuả không gian văn hoá Việt. Ngôi nhà của người Việt mang thật nhiều ý nghĩa đời sống, vừa là đời sống thường nhật trong cõi trần, lại vừa cất cánh thành đời sống tâm linh trong cõi thiêng.

Nhà người Việt xưa, bất luận giàu nghèo thế nào, gian giữa cũng phải đặt bàn thờ cúng tổ tiên và ở đó nghiễm nhiên xuất hiện một không gian thiêng, nhất là trong những ngày giỗ, Tết. Theo dân gian Việt, chết không phải là hết, chết chỉ phần xác, còn linh hồn sẽ về thế giới bên kia, là nơi sông nước ngăn cách với người sống bằng chín suối (là con số lẻ biểu thị số nhiều).

Niềm tin vào cái chết chẳng qua là một cuộc trở về gặp tổ tiên, ông bà tổ tiên có thể vẫn phù hộ độ trì cho con cháu, đã là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong không gian thiêng là bàn thờ gia tiên đặt trong gian chính giữa.

Đó là nét văn hóa tín ngưỡng của nhiều dân tộc ở Đông Nam Á, nhưng theo một số nhà nghiên cứu, thì nó đã thành nét hoa văn hóa riêng biệt và phát triển hơn cả ở người Việt. Thậm chí tín ngưỡng này đã thành một thứ tôn giáo, mà người Nam Bộ gọi là Đạo Ông Bà. Đặc biệt, trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt trọng thị nhất việc cúng giỗ vào ngày mất, vì tin rằng đó là ngày mà con người ta đi vào cõi vĩnh hằng.

Ta thường thấy cha mẹ ta thật nghiêm trang và kính cẩn khấn vái trước bàn thờ và làm cơm cúng trong các ngày giỗ ông bà tổ tiên hai bên nội ngoại. Không chỉ thế, việc cúng tổ tiên còn được tiến hành đều đặn vào hai ngày quan trọng trong tháng âm lịch: mồng Một, ngày Rằm, vào dịp lễ Tết và cả những khi nhà có việc trọng: dựng vợ, gả chồng, sinh con, làm nhà, thi cử, tạ ơn…

Quan niệm âm dương là hai thế giới thống nhất trong sự nhất nguyên, nên dương sao thì âm vậy, người Việt trước cúng sau ăn, nên trên bàn thờ tổ tiên có cả đồ ăn là cỗ cúng, hoa quả mùa nào thức ấy. Rồi đủ cả đồ mặc, đồ dùng, tiền nong, hương hoa, trà rượu, và nhất thiết phải có chén nước lã (bởi triết lý của dân trồng lúa vốn coi nước là cái quý giá thứ hai, sau đất).

Người chết sẽ nhận được đồ cúng tế, khi đã tàn tuần hương, đồ vàng mã đã đốt, chén rượu cúng đã rót vào tro vàng mã. Hương khói bay bảng lảng lên trời, rượu (nước) hòa với lửa mà thấm xuống đất – trước mắt ta là sự hòa quyện Lửa-Nước (âm dương) và Trời – Đất – Nước( tam tài) mang triết lý Âm Dương sâu sắc…của tục thờ cúng của người Việt cổ truyền, mà bây giờ, trong cơn lốc đô thị hóa hôm nay, người Việt hiện đại đã có phần xao nhãng…

Tôi sang Pháp năm ngoái, thăm nhà bạn gái là nghệ sĩ độc tấu dương cầm, ở một mình trong khu nhà hình thước thợ giữa vườn cây xanh tươi hoa cỏ, rộng cỡ 5000m2, trong một ngôi làng cách Paris 90 km. Gian chính của ngôi nhà một tầng, vẫn cơi lên gác xép có riêng phòng thờ, với một bàn thờ rộng lớn, thờ 6 di ảnh hai bên nội ngoại của cả hai vợ chồng.
 
Tôi nhận ra vị họa sĩ thiền mặt hiền khô, tóc bạc trắng, miệng mỉm cười ấm áp, là cha bạn tôi và má, người đàn bà phúc hậu, mặt đẹp ngời ngợi, rồi anh của bạn, trẻ măng trong tấm áo lính, chết trận khi đầu xanh, rồi các ông bà cụ nghiêm trang trong khăn đóng áo dài đằng nhà chồng.

Hoa hồng trên bàn thờ ba bốn màu tươi rói ngắt ở ngoài vườn, lê táo mận xanh đỏ vàng cũng mới trảy trên cây tươi ngon từ sáng sớm ngoài vườn. Khói hương, nghi lễ cúng bái như thế, thật đã ấm lòng kẻ tha hương, xa xứ biết bao nhiêu!…