Trang chủ Tuổi trẻ Làng Mai: Pháp thoại dành cho sinh viên Việt Nam du học...

Làng Mai: Pháp thoại dành cho sinh viên Việt Nam du học tại Pháp

68

Có một người bạn trẻ hỏi:


– Thầy ơi, việc học và công phu tu tập có thể đi đôi với nhau hay không?


– Tôi không quan niệm rằng tu là ngồi nhắm mắt lim dim hay là tụng kinh suốt ngày. Thầy tôi dạy tôi pháp môn thực tập hơi thở. Khi thở vào ta biết rằng ta đang thở vào. Thở ra ta biết rằng ta đang thở ra. Đây là phép thực tập hơi thở ý thức, một công phu quan trọng vào bậc nhất của thiền môn. Ta có thể áp dụng phép thực tập hơi thở trong lúc ngồi yên hay khi đi thiền. Khi làm việc, nấu ăn, rửa chén, ta cũng có thể áp dụng pháp môn theo dõi hơi thở. Hơi thở ý thức sẽ giúp cho tâm ta trở nên sáng suốt hơn. Nuôi dưỡng sự sáng suốt là trái tim của thiền tập. Làm việc gì ta cũng cần đến sự sáng suốt hết, nhất là trong việc học, ta càng cần một tâm lý quân bình và một tâm trí sáng suốt.


Có một thời, khi nói tới đạo Bụt (đạo Phật) người ta cho rằng người tu phải bi quan lắm, thấy cái gì cũng là khổ hết. Con người mẫu mực của đạo Bụt cổ điển là một vị A la hán, gầy gò, trơ xương. Cái gì cũng vô thường, sớm còn tối mất, cho nên cuộc đời là bể khổ. Người tu là một người chán đời, không còn muốn phấn đấu trong cuộc sống. Tu viện là nơi dành cho những người thất tình, tuyệt vọng – chỉ còn an phận, tìm niềm an ủi trong tiếng kinh, câu kệ.


Nhận ra sự hiểu lầm trên của quần chúng, đạo Bụt đã nỗ lực đổi mới. Phong trào canh tân đạo Bụt này xảy ra vào khoảng đầu công nguyên. Đạo Bụt đổi mới mang tên là Đạo Bụt Đại Thừa (Mahayana Buddhism). Đại Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn, có thể giúp được rất nhiều người tiếp xúc với tuệ giác, sự hiểu biết và tình thương trong đạo Bụt.


Con người lý tưởng của Đạo Bụt Đại Thừa không phải là một vị A la hán gầy gò mà là một vị Bồ tát tròn trịa, tươi mát, miệng luôn luôn mỉm cười. Đạo Bụt Đại Thừa giới thiệu với ta nhiều vị Bồ tát xinh đẹp và tài ba. Có những vị Bồ tát rất nổi tiếng như là Bồ tát Quan Thế Âm. Bồ tát Quan Thế Âm là vị Bồ tát của tình thương. Người có khả năng lắng nghe rất sâu.


Ở Việt Nam, chúng ta quen tạc hình tượng của Bồ tát Quan Thế Âm như một bà mẹ hiền. Thật ra, Bồ tát Quan Thế Âm có thể là một người con trai hay là một người con gái rất trẻ. Trong những người bạn sinh viên trẻ đến Làng Mai hôm nọ, có những người có thể làm công việc của đức Bồ tát Lắng nghe Quan Thế Âm.


Nếu biết lắng nghe, ta sẽ dễ dàng tạo ra tình thương giữa những con người đang sống chung với nhau. Ta hóa giải được những hiểu lầm. Lắng nghe là một pháp môn tu học có vị trí rất quan trọng tại Làng Mai. Chúng tôi thường quán nguyện về đức Bồ tát Quan Thế Âm như sau:


Lạy đức Bồ tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.


Muốn lắng nghe mà không phán xét, không phản ứng, ta cần nắm vững phương pháp theo dõi hơi thở. Hơi thở làm cho tâm ta mát dịu, bình an, không bị những lời nói kia lôi kéo, khiến cho ta phải mất bình tĩnh, phản ứng.


Học lắng nghe tức là học hiểu và học thương. Sự truyền thông mang đến cho ta cái hiểu. Hiểu người kia rồi thì ta thương người kia được. Một vị Bồ tát đi vào đời, mang theo một trái tim thương yêu, một khả năng biết lắng nghe. Đạo Bụt Đại Thừa khuyến khích ta có thái độ tích cực, nhập thế, giúp đời.


Một dấu ấn khác của Đạo Bụt Đại Thừa là hạnh phúc. Người tu phải có hạnh phúc. Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, làm sao ta có thể biết cách giúp cuộc đời có hạnh phúc cho được? Bài kệ (bài thơ) mà chúng tôi thuộc lòng, thường hay thực tập, phối hợp từng câu kệ với mỗi hơi thở ra hay hơi thở vào là:


Thở vào tâm tĩnh lặng,
Thở ra miệng mỉm cười.
An trú trong hiện tại,
Giờ phút đẹp tuyệt vời.


Sự sống rất là đẹp. Cuộc đời không phải là bể khổ. Cuộc đời chỉ là bể khổ bởi vì chúng ta không biết sống, không hiểu nhau và thường gây ra khổ đau cho nhau.


Ngôi chùa hoặc là trung tâm tu học là nơi nuôi dưỡng cho ta niềm hạnh phúc. Mỗi khi đi đâu về đến chùa, tôi thấy lòng mình rất vui. Đi đâu xa lâu ngày, tôi thấy nhớ anh em trong chùa. Nhưng ngôi chùa không phải là nơi để ta trốn lánh. Thời gian ở trong chùa là để cho ta học hỏi, nuôi dưỡng, trang bị cho ta một hành trang để giúp đời.


Người sinh viên cũng có thể đến chùa với mục đích đó. Tại vì trong khi là sinh viên, ta đã có thể giúp đỡ cho nhiều người rồi. Có một vị Bồ tát khác, nổi tiếng là vị Bồ tát thích hành động (action), tên là Bồ tát Phổ Hiền. Bồ tát Phổ Hiền luôn tìm cách giúp người, mang đến cho con người niềm hạnh phúc và tìm cách làm vơi bớt khổ đau của người.


Bồ tát Phổ Hiền không phải là một vị thần thánh nào xa lạ đâu. Nếu ta nhìn chung quanh, thấy người nào thường hay nâng đỡ bạn bè chung quanh, biết lấy niềm vui của người kia làm niềm vui cho bản thân mình thì người đó chính là Bồ tát Phổ Hiền.


Nếu cuộc đời có nhiều bất công thì Bồ tát Phổ Hiền không chịu ngồi yên chấp nhận những bất công đó. Nhưng không phải thấy bất công thì ta nổi giận. Nhiều nhà tranh đấu thường để tâm tư mình bị lôi cuốn bởi những cơn giận. Cơn giận có thể khiến cho ta nói, làm những điều đi ngược lại với lý tưởng phụng sự của chúng ta. Ở trong chùa, ta học phương pháp chuyển hóa cơn giận. Ta chuyển cơn giận thành một nụ cười. Có nụ cười rồi thì ta mới dấn thân vào cuộc đời mà giúp người được.


Đây là bài quán nguyện về đức Bồ tát Phổ Hiền:


Lạy đức Bồ tát Phổ Hiền, chúng con xin học theo hạnh nguyện của Bồ tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống. Chúng con nguyện buổi sáng dâng niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ. Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự. Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ và mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho người. Chúng con biết rằng, nếu chúng con siêng năng tu tập, thì tự thân chúng con có thể là một nguồn an lạc bất tuyệt cho những người thân yêu của chúng con và cho cả muôn loài.


Tu tập là gì? Tu là học nuôi dưỡng hạnh phúc trong tự thân của mình. Hạnh phúc làm cho ta trở nên xinh đẹp. Bồ tát là người rất đẹp nhờ có hạnh phúc. Tu là học giúp mình và giúp đời. Tu là làm cho cuộc đời mỗi ngày một đẹp thêm. Tu là làm cho gia đình mình hạnh phúc lên.


Năm 2003, tôi và sư em tôi đã có dịp đến Moscow cống hiến hai buổi nói chuyện công cộng và mở một khóa tu ba ngày cho thiền sinh người Nga. Tôi còn nhớ là chúng tôi có cho một buổi nói chuyện tại một quán sách chuyên bán kinh sách và dụng cụ Phật giáo. Chúng tôi được chỉ một chỗ ngồi trong quán. Sư em tôi thỉnh chuông và tôi cho pháp thoại. Trong buổi đó và những buổi khác, tôi chỉ nói duy nhất một điều: hạnh phúc là một cái gì có thật. Chỉ vậy thôi. Những người trong quán sách tò mò đến nghe thử và họ ở lại cho đến cuối buổi nói chuyện. Tôi thấy nhiều người nghe nói tới hạnh phúc là một cái gì có thật thì chảy nước mắt.


Trong khóa ba ngày, chúng tôi có cơ hội thực tập sâu sắc hơn. Chúng tôi tập đi cho có hạnh phúc, ngồi cho có hạnh phúc, ăn cho có hạnh phúc. Chúng tôi pháp đàm, học lắng nghe nhau. Khi tiếp xúc với hạnh phúc, tôi thấy thiền sinh người Nga rất sung sướng, họ vừa cười vừa chảy nước mắt.


Ba ngày tu học đó đã mang đến rất nhiều chuyển hóa trong nội tâm của từng người. Người nào cũng vui vẻ ra. Duy chỉ có một cô gái, từ những buổi pháp thoại công cộng cho đến cả ba ngày trong khóa tu, cô không hề mỉm cười. Khi chấm dứt khóa tu, tôi thả bộ một mình trong rừng chơi, thì bất chợt thấy cô đang múa. Tôi dừng lại, tính rút lui cho cô tự nhiên nhưng cô đã nhìn thấy tôi. Cô hơi bẽn lẽn nhưng rồi mạnh dạn tiến đến gần, đưa tặng cho tôi đóa hoa dại cô đang cầm trên tay và mỉm cười. Đó là nụ cười đầu tiên tôi phát hiện trên gương mặt cô gái.


Có một vị Bồ tát rất thông minh tên là Văn Thù Sư Lợi. Trong các bạn sinh viên tới thăm Làng Mai, tôi thấy rất nhiều những gương mặt rất sáng, rất thông minh. Những bạn này đặt cho chúng tôi những câu hỏi về đạo Bụt rất hay, rất sâu sắc. Nếu đức Bồ tát Quan Thế Âm thích thực tập lắng nghe thì Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thích thực tập nhìn sâu.


Nhờ thực tập nhìn sâu cho nên Bồ tát có cái hiểu, cái thấy rất vi tế. Vô thường là một phương pháp nhìn sâu mà thuật ngữ gọi là vô thường quán. Nhờ nhìn sâu, thấy tự tính vô thường của thân, của tâm, mà ta biết rằng linh hồn bất biến là một ý niệm quá là ngây thơ, đơn giản.


Bạn ta cũng không có một linh hồn bất biến. Ta có thể giúp cho bạn ta từ một con người chán nản, tuyệt vọng thay đổi để trở thành một con người tích cực, yêu đời. Chính nhờ thấy được mọi cái trên đời này đều vô thường cho nên ta muốn thay đổi những cái xấu thành ra tốt đẹp. Nếu ta nói người kia là như vậy đó, không xài được, xấu xa lắm, không ai thay đổi được đâu là ta chưa có cái thấy sâu sắc về tự tính vô thường của thân và tâm của người đó.


Người ta thường tin rằng ở trong mình có một cái tôi. Cái tôi đó có một giá trị nhất định. Cái tôi (ngã) của tôi là như vầy, cái tôi của người kia là thế kia. Nhìn qua cái tôi (ngã kiến), ta trở nên mặc cảm hay tự hào khi đứng trước một người khác. Bụt nói rằng không có cái tôi đó đâu (vô ngã). Chúng ta, ai cũng có những hạt giống rất đẹp ở trong tâm, được trao truyền từ ông bà tổ tiên, thầy cô, bằng hữu. Nếu có người biết giúp cho ta tiếp xúc được với những hạt giống tốt đẹp đó thì ta có thể chuyển đổi khổ đau thành ra hạnh phúc.


Tâm ta là một thực tại sinh động. Nếu có thầy, có bạn giúp cho, thì tâm ta có thể chuyển hóa. Có những hạt giống rất đẹp nằm rất sâu trong tâm mà ta chưa từng phát hiện ra. Giúp cho người kia thấy được cái đẹp có mặt trong họ là một món quà rất lớn. Đôi khi ta cần một môi trường tốt đẹp để giúp người phát hiện ra những hạt giống đẹp đó ở trong tâm. Ở trong môi trường đó, ta có những người bạn tu nâng đỡ cho ta. Ta có những vị Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, nhờ có cái thấy sâu sắc về vô thường và vô ngã, mà hết lòng tin tưởng ở khả năng chuyển hóa khổ đau và tiếp xúc được với hạnh phúc nơi ta.


Lạy đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin học theo hạnh Bồ tát, biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Chúng con xin tập nhìn với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập nhìn với con mắt không thành kiến. Chúng con xin tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau, để thấy được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn vật. Chúng con xin học theo hạnh của Ngài, dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau cho chúng con và cho mọi giới.


Đạo Bụt Đại Thừa giới thiệu cho ta nhiều vị Bồ tát xinh đẹp và tài ba. Đến đây ta đã được biết về ba vị. Trên thực tế, ba vị Bồ tát đều có mặt nơi ta dưới dạng của những hạt giống tốt đẹp. Ta có thể cho phép những hạt giống này được tưới tẩm hàng ngày. Hoặc ta có thể giúp tưới tẩm những hạt giống tốt này nơi bạn bè ta.


Giáo lý vô ngã cho ta thấy rằng không có một cái ngã (như một linh hồn) bất biến trong ta. Ta là một thực tại thay đổi không ngừng (vô thường). Ta đang thay đổi về hướng nào? Ta đang đi về hướng hạnh phúc hay là hướng khổ đau? Trong đạo Bụt, ta tập sống từng phút giây trong sự tỉnh thức. Nhờ sự tỉnh thức mà ta nhận ra được ta đang đi về hướng nào.


Có một pháp môn mà thiền sinh Làng Mai rất thích hành trì, đó là tưới tẩm hạt giống tốt. Sư tưới tẩm hạt giống tốt này sẽ xảy ra dễ dàng hơn nếu ta được yểm trợ, nâng đỡ bởi những người bạn tu. Hiện nay, trên thế giới thiền sinh đã thành lập được gần một ngàn nhóm tu học (tăng thân) rồi. Chỉ riêng tại Hòa Lan, ta đã đếm được hơn hai mươi tăng thân tu học.


Những tăng thân này tập họp lại một lần trong một tuần, trong nửa tháng hay trong một tháng. Họ nghe băng giảng, ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm trong im lặng, pháp đàm, tụng giới, thiền trà, thiền buông thư… Trong khi tu tập bên nhau, họ quyết tâm tưới tẩm những gì hay nhất, đẹp nhất ở trong người kia. Họ tổ chức sự tu học như thế nào để mọi người được sống trong tỉnh thức, biết giúp cho nhau tiếp xúc được với hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.


Bởi vì thấy rằng không có một cái ngã, ta càng trở nên khiêm tốn hơn. Ta có thể thay đổi rất mau chóng. Trong một môi trường tốt hay xấu, chỉ trong vòng một tuần lễ thôi, thì ta đã trở thành một con người khác.


Đạo Bụt Đại Thừa đã có mặt như một cuộc cách mạng, đưa đến cho đạo Bụt những ngọn gió mới. Những bộ kinh rất hay như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Duy Ma Cật… được kết tập để diễn bày những giáo lý, cũng như những sự thực tập phóng khoáng của Đạo Bụt Đại Thừa. Chính Đạo Bụt Đại Thừa đã đặt nền tảng cho tinh thần Đạo Bụt Nhập Thế tại Việt Nam sau này.


Vào thế kỷ thứ 13, tại Việt Nam có một vị vua trẻ tên là Trần Thái Tông. Vua Trần Thái Tông lên ngôi vào năm 20 tuổi. Hoàng hậu chính là Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lý. Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, nhưng vẫn không được yên thân. Trần Thủ Độ, người sắp đặt mọi chuyện để ngôi nhà Lý được chuyển sang nhà Trần, thấy Lý Chiêu Hoàng lâu ngày không có con nên ép vua Trần Thái Tông lấy người chị dâu là công chúa Thuận Thiên, bấy giờ đang mang thai. Công chúa Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu, anh ruột của vua.


Trần Liễu phẫn uất dấy binh nổi loạn. Vua Thái Tông đau khổ bỏ trốn lên núi Yên Tử. Tại đây, nhà vua gặp thiền sư Trúc Lâm. Gặp nhà vua, thiền sư hỏi:


– Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu rồi, xương cứng, mặt gầy, ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không?


Nhà vua nghe thiền sư hỏi thì ứa nước mắt khóc và thưa:


– Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên trẫm mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Bụt, chứ chẳng muốn tìm gì khác.


Thiền sư Trúc Lâm nghe vua nói xong thì mới trả lời:


– Trong núi vốn không có Bụt. Bụt ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện, đó chính là Bụt. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Bụt ngay tại chỗ, không cần phải đi tìm cực khổ ở bên ngoài.


Nhà vua nghe lời thiền sư, trở về chốn hoàng cung và tu tập ngay trong khi ngự trên ngai vàng. Mỗi ngày, nhà vua có sáu thời thực tập tưới tẩm hạt giống tốt bằng phương pháp sám hối và để lại cho ta tác phẩm Lục Thời Sám Hối Khóa Nghi.


Nhà vua tu tập ngay trong khi làm vua, đặt nền tảng cho đạo Bụt đi vào cuộc đời của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ thứ 13. Sau này, con của người, và cháu của người tiếp nối con đường đó, vừa làm vua, vừa tu tập. Cháu của người không phải là ai xa lạ, chính là vua Trần Nhân Tông đã hai lần có công lãnh đạo nhân dân đuổi quân xâm lược Mông Cổ.


Vừa đi học, vừa tu tập là điều ta có thể làm được. Sự tu tập sẽ giúp cho việc học của các bạn sinh viên có những kết quả tốt đẹp hơn. Không phải là khi có bằng cấp rồi, ta mới có thể ra tay giúp người, giúp đời. Có những người có học vị rất cao nhưng lại rất đau khổ, không giúp được cho chính mình và những người chung quanh sống cho có hạnh phúc. Tôi tin chắc rằng các bạn sinh viên có thể tiếp nối sự nghiệp của những vị Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ tát Phổ Hiền ngay trong đời sống hiện tại.


Còn một vị Bồ tát nữa tên là Địa Tạng. Bồ tát Địa Tạng có lý tưởng rất lớn. Người ta thường gọi Bồ tát là Đại Nguyện Địa Tạng Vương. Đại nguyện tức là một lời thề, lời nguyền rất lớn. Khi ta đi học, ta cũng có một ước nguyện. Ta muốn ra bác sĩ để giúp đời, giúp người. Đó là lý tưởng, ước nguyền của ta.


Người tu cũng có lý tưởng phụng sự. Người tu muốn giúp đỡ nhiều người lắm. Có nhiều người đã lấy một văn bằng ngoài đời rồi, nhưng khi tiếp xúc với người tu thì khám phá ra với tư cách của một người tu họ có thể giúp được nhiều người hơn và họ quyết định xuất gia. Họ xuất gia vì một lý tưởng chớ không phải vì muốn được yên thân.


Một yếu tố khác mà người tu cần có là lý tưởng rất lớn. Nếu người đi học mà có ý muốn học thành công để giúp đỡ gia đình, quê hương, nhân loại thì người đó có nhiều năng lượng lắm. Những lúc gặp khó khăn trong việc học, người đó vượt qua được.


Người tu cũng vậy thôi, họ phát nguyện đem cả cuộc đời để phụng sự. Người tu luôn luôn ôm ấp ý muốn giúp con người vượt thoát khổ đau, chuyển hóa những nơi tăm tối thành ra những vùng có ánh sáng.


Tâm của ta cũng là một vùng đất. Nếu tâm có đủ ánh sáng thì cuộc đời ta có đủ hạnh phúc. Tâm người kia cũng vậy. Người kia đang hoang mang, đau khổ, tuyệt vọng thì ta mang ánh sáng đến để giúp đỡ. Ta có thể chia sẻ phương pháp tu học với người đó, giúp cho họ vượt ra khỏi tình trạng bế tắc.


Bồ tát Địa Tạng phát nguyện rằng nơi nào có khổ đau thì nơi đó Bồ tát sẽ có mặt. Khi có mặt thì ta mới nhìn thấy, lắng nghe, hiểu rõ khổ đau đó là gì.


Khi trong gia đình ta có khó khăn, điều hay nhất mà ta có thể làm là ngồi lại với nhau. Sau đó, ta có thể từ tốn nói cho nhau nghe nỗi khổ niềm đau mà mỗi người đang có trong tâm mình. Nếu có sự lắng nghe, thì mọi người mới nói ra được những điều sâu kín trong lòng. Rồi ta sẽ nói ra là ta có thể làm gì để giúp nhau. Và ta cần những người kia giúp ta những gì. Làm được như vậy, gia đình ta sẽ có dư thừa khả năng để vượt qua mọi khó khăn.


Trong một gia đình, người lớn cần phải học lắng nghe người nhỏ nói. Người nhỏ học lắng nghe người lớn nói. Người nhỏ có những sai lầm thì người lớn cũng có những sai lầm. Ta phải thành thật với nhau thì mới giúp đỡ nhau vượt qua được những khó khăn. Ta đừng lấy quyền làm người lớn để la rầy người nhỏ. Nếu ta la rầy, người nhỏ sẽ sợ hãi ta và không dám nói cho ta nỗi khổ đang có mặt ở trong lòng và ta không giúp được cho người em, người con của ta.


Bồ tát Địa Tạng còn có đức tính không kỳ thị của đất. Hễ người nào đau khổ thì Bồ tát đều muốn giúp hết. Trong khi giúp người, Bồ tát không hề có tâm phân biệt, kỳ thị. Vì không có tâm kỳ thị nên Bồ tát giúp được rất nhiều người. Giúp người với tâm không kỳ thị là giúp với tinh thần vô ngã của đạo Bụt. Ta không thấy ta là người đang giúp và người kia là người đang được ta giúp.


Lý tưởng của Bồ tát Địa Tạng rất lớn nên Bồ tát giúp người mà không biết mệt. Nhiều người trong xã hội ta đang sống mắc phải chứng bệnh trầm cảm (depression). Ta bị trầm cảm vì ta không thấy có một hướng đi tốt đẹp trong cuộc đời. Nếu có một hướng đi, ta sẽ thấy tâm ta có khả năng chế tác ra những vùng năng lượng rất mạnh.


Nếu ta đi học vì một lý tưởng cao đẹp, ta sẽ có nhiều năng lượng để học. Ta học là để có kiến thức, khả năng giúp gia đình và xã hội. Đất nước ta rất cần những người tài ba. Ta không đi học để được một sự kính trọng, một địa vị trong xã hội. Sự kính trọng không bao giờ đến từ bằng cấp của ta đâu. Ta chỉ nhận được sự kính trọng khi nào ta biết kính trọng người khác mà thôi.


Mà đâu phải ta chỉ nên kính trọng những người hơn ta thôi đâu. Ta có thể tập kính trọng những người kém cỏi hơn ta về một phương diện nào đó. Tuy người đó kém hơn ta mặt này nhưng lại giỏi hơn ta mặt khác. Cuộc đời là vậy. Ta giúp người này về phương diện này, nhưng thường được người đó nâng đỡ về phương diện khác. Nhìn cho kỹ thì ta không thấy ranh giới rõ ràng giữa người giúp và người được giúp.


Lạy đức Bồ tát Địa Tạng, chúng con xin học theo hạnh Bồ tát, tìm cách có mặt bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức đang trấn ngự, để mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong nhũng tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai đang không có lối thoát. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế; trái lại, chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Đất, để có thể được trung kiên và không kỳ thị như Đất, và cũng được như Đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai đang cần đến chúng con.


Bồ tát Địa Tạng là một tấm gương về tấm lòng phụng sự không mỏi mệt. Những ai có năng lượng này trong người thì đôi mắt sẽ phát ra ánh sáng. Đời sống của người đó, từng giây phút sẽ có ý nghĩa vô cùng. Trong những bạn sinh viên Việt Nam tôi được gặp hôm nọ, trong nhiều người tôi bắt gặp ánh sáng này trong đôi mắt. Vui thay.