Trang chủ Văn hóa Làng tượng Sơn Đồng

Làng tượng Sơn Đồng

655


Dấu xưa huyền thoại: đền, chùa và lễ hội dân gian


Làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, xưa kia thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, xứ Đoài, cách Cầu Giấy – Hà Nội khoảng 15 km về phía Tây, là một làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống, làm tượng Phật và đồ thờ nổi tiếng ở Việt Nam.


Đây là một làng cổ ở trung châu Bắc bộ. Dân chúng định cư từ thời Bắc thuộc, đã gần hai nghìn năm nay. Làng hiện có 6 di tích lịch sử văn hoá được Nhà nước xếp hạng: đình Sơn Đồng, đền Thượng, Chùa Diên Phúc, chùa Kỳ Đà, nhà thờ họ Nguyễn và nhà Cúng Hậu.


Về Sơn Đồng lần này, lên thăm đền Thượng, chúng tôi được gặp cụ Nguyễn Văn Thanh, 82 tuổi, thủ từ kế tục trông coi hương khói ngôi đền linh thiêng này 12 năm nay. Cụ dường như suốt đêm ngày túc trực tại đây. Dân làng vẫn gọi cụ  là người nhà Thánh.


Được biết, tuy cụ vốn ít chữ, nhưng từ khi lên hầu nhà Thánh thì thông tuệ ra nhiều. Khi cụ nói về lịch sử, về thần phả, giảng giải các bức hoành phi, câu đối cổ thì dường như “người cõi khác” mượn miệng cụ mà nói, mà giảng vậy.


Đền Thượng tương đối lớn, nằm ẩn khuất sau Đại điện chùa Diên Phúc, theo thế “tiền Phật hậu Thánh”. Đây là một cụm kiến trúc hoàn chỉnh, nguy nga. Hai bên có giải vũ, chính giữa có nhà tiền tế 5 gian 2 chái, phía sau là Chính điện hình chữ đinh, có cung cấm, khám thờ tinh xảo, cổ kính. Những đồ thờ gần đây nhất cũng có niên đại từ đời Thành Thái, Duy Tân, trên 100 năm.


Được cụ thủ từ cho phép, chúng tôi dâng hương và chiêm bái tượng thánh trong cung cấm. Di tượng được thờ phụng trong khám kính, diện mạo được tạc trông còn rất trẻ, mày ngài mắt phượng, mặt trắng môi son, đầu đội mũ phốc trông có dáng nhà Nho. Đây là một pho tượng thánh có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ, rất xứng là tượng Thánh ở làng tượng cổ truyền.


Có lẽ do Ngài xui khiến và diện mạo chúng tôi trông thật thà, khả tín, nên cụ thủ từ đã không quản sơ giao, kể lại cho chúng tôi tỷ mỷ, gần như thuộc lòng, lai lịch do tiền nhân truyền lại về ngôi đền và làng cổ Sơn Đồng.


Thần phả truyền lại rằng: Vào đời Tiền Lê, có một cặp vợ chồng trẻ rất thương yêu nhau. Cụ ông huý là Nguyễn Đào Vượng cụ bà huý là Nguyễn Thị Tín, quê gốc ở Nghệ An. Họ rất đảm đang, tháo vát. Trên đường đi làm ăn nơi tha hương, các cụ đã lập ấp tại miền Bạch Hạc – Phong Châu (Phú Thọ). Cụ ông chăm chỉ làm ruộng, chăn nuôi. Cụ bà tần tảo buôn bán tơ lụa. Gia sản ngày một sung túc nhưng niềm vui chưa trọn vẹn vì họ chưa có lấy một mụn con.


Nghe nói Đền Sài Sơn là nơi cầu tự rất linh thiêng, hai cụ không quản đường xa, đã dong thuyền xuôi sông Thao, ngược sông Hát về đền cầu tự. Cầu được ước thấy, trời sai sứ giả báo tin cho cụ ông rằng sẽ có một vị sao sáng – Một thiên thần giáng sinh làm con họ, để rồi giúp dân cứu nước. Cụ bà thì mơ thấy đã có một ngôi sao sa xuống và mình đã nuốt vào bụng. Sau 12 tháng, một hài nhi khôi ngô, tuấn tú hơn người chào đời, được cha mẹ đặt huý danh là Nguyễn Đào Trực. Ngài lớn lên trong tình yêu thương và dạy dỗ của cha nghiêm, mẹ hiền; lại được các bậc thầy đạo cao đức trọng, trong đó có cả Tiên ông, truyền dạy cho tinh thông cả văn lẫn võ. Khi trưởng thành, ngài là một trang nam tử văn vũ toàn tài, ân đức truyền tụng ngày càng lan xa. Khi cha mẹ lần lượt qua đời, ngài đem chia hết tài sản, tiền bạc, ruộng đồng cho dân chúng.


Lòng lạnh như tro tàn, không màng danh lợi, ngài đi ngao du sơn thuỷ khắp nơi, cuối cùng tìm được đất lành Sơn Đồng, chính nơi dựng đền thờ ngày nay. Nơi đây cao ráo mà sum sê, địa khí rất vượng, thế đất dồi dào, thanh long bạch hổ đều chầu về, cây cối tốt tươi, dân sinh thuần hậu. Hiếm có nơi nào được như thế.


Đẹp lòng, ngài thu nhận đệ tử, mở trường dạy học. Ngôi trường được dựng theo hình chữ nhị. Tiền đường là nhà giảng, hậu đường là thư phòng và sinh hoạt. Phong cách rất phong lưu, nho nhã.


Có kẻ xấu bụng, muốn tâng công kiếm lợi, đã ton hót về triều đình, vu cho ngài tội xây trường hình chữ nhị, âm mưu thoán nghịch. Do thần lực tiên truyền rất thâm hậu nên ngài đã biết trước. Khi quan quân triều đình sắp kéo tới, ngài bèn sai đệ tử xin rước tượng Phật từ chùa Ma (tên rất lạ?) gần đó về trường, lập đàn tràng lễ Phật, tạm thời biến trường học thành nhà chùa. Quan quân tới nơi, thấy vậy, liền trị tội tên tiểu nhân vu cáo, “sinh sự sự sinh”.


Mấy năm sau. nhà Tống kéo đại quân sang xâm lược nước ta, vận nước lâm nguy. Vua kêu gọi anh tài cùng toàn dân đứng lên cứu nước.


Nhà giáo Nguyễn Đào Trực cùng đệ tử trường Sơn Đồng và toàn dân đã đứng lên, dùng sức người và sức trời giúp vua phá giặc, chém tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo (?) bắt sống hai phó tướng, đuổi giặc chạy dài về bên kia ải Chi Lăng.


Thiên hạ thái bình, vua phong công hầu cho ngài, nhưng ngài xin không nhận mà tâu rằng: “Bản dân Sơn Đồng, Quốc Oai lành hiền, chất phác, thuần hậu, nhưng còn dốt nát, vụng về lắm. Thần xin trở về tiếp tục khai trường dạy dân làm ăn. Khi nào nước cần thì thần và dân chúng lại xin hết sức phò vua giúp nước.”


Vua chuẩn tấu, ban thưởng rất hậu, cho ngài lui về dạy học như trước, khai hoá dân sinh cả một vùng rộng lớn.


Có lẽ nghề làm tượng Phật cũng do ngài truyền cho dân chúng, từ sự tích mượn tượng Phật chùa Ma?


Sau khi Ngài hoá, vua phong ngài là “Tiền triều Thái phó Lê tướng công Nguyên soái đẳng thần”. Còn đệ tử và dân chúng thì cải ngôi trường đó thành đền thờ ngài. Muôn đời thờ phụng, hương khói. Ngôi đền hư hỏng thì dân làng lại tu tạo, cứ như vậy mà vượt thời gian cho tới ngày nay.


Chùa Diên Phúc là một ngôi chùa rất cổ, có quy mô tương đối lớn, đang được tu tạo để tiến tới trở thành một chốn tùng lâm của Ni chúng xứ Đoài. Chùa gần như bao quanh, ôm lấy đền Thượng. Chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu sâu về lịch sử ngôi cổ tự này, vì khi đến thăm chùa thì chư Ni đi dự Đại hội Phật giáo huyện Hoài Đức cả.


Lên Đại điện lễ Phật, chúng tôi thấy hệ thống tượng thờ rất nền nã, sống động mà tinh xảo, niên đại có lẽ cũng đã rất xa xưa.


Được biết, sư thầy Thích Đàm Quang Thụy – Chánh Thư ký Ban đại diện Phật giáo huyện Hoài Đức, đang trụ trì chùa này. Tại đây có Ni chúng hơn 10 vị đang tu học.


Cụm di tích đền chùa đây, được biết, hiện nay đang có vấn đề bức xúc về đất đai. Do cấu trúc “Tiền Phật hậu Thánh”, nên vốn từ lâu đời, lối tam quan đi vào chùa chạy ở giữa, hai bên có hai lối cân đối đi vào đền Thượng (vừa tiện dụng, thẩm mỹ lại phù hợp với phong thuỷ truyền thống). Thế mà đã 14 năm nay, lối phía hữu đã bị lấp bởi ngôi nhà 2 tầng kiên cố của anh Nguyễn Trí Quang. Lối ấy cũng là ngõ xóm của gần 10 gia đình ở đó đã nhiều đời. Và cũng đã 14 năm nay, họ buộc phải đi vòng theo hình chữ U để ra đường chính.


Cụ Nguyễn Bỉnh Khang, 77 tuổi cho biết, toàn thể dân làng đã và đang rất bức xúc, muốn khôi phục lại lối đi vốn có từ xưa, đã thưa gửi nhiều năm ở đủ các cấp có thẩm quyền. Đến nay, chính quyền đã đến lúc khẩn trương giải quyết, trên cơ sở tôn trọng truyền thống và giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Hy vọng khi Xuân 2008 trở về, làng mở hội, thì bức xúc này đã được giải tỏa.


Lễ hội Sơn Đồng được mở vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm. Thi bánh dày và cướp cây bông là tục truyền độc đáo của lễ hội. Điều đáng lưu tâm là cả hai “trò” này đều thấm đậm tinh thần phồn thực vốn có từ rất lâu đời của cư dân trồng lúa nước ở châu thổ Bắc Bộ.


Bánh dày được giã trên những tấm mẹt bằng những chiếc chày “đặc biệt”: Đầu chày được bọc bởi một tấm phên đan bằng mo cau tước nhỏ, trông rất ấn tượng. Và khi nặn bánh người ta cũng làm theo các cặp âm dương, gọi là “bánh dày bánh cuốn” rất có ý nghĩa. Âm là hai chếc bánh tròn không nhân ép bẹp vào nhau, dương là một chiếc bánh hình trụ, to cỡ chuôi liềm, có nhân là đậu xanh đồ kỹ, giã mịn, trộn mật. Hình tượng này làm cho người ta liên tưởng đến cặp sinh thực khí linga và Iôni.


Trò cướp cây bông cũng vậy. Cây bông được làm bằng một đoạn của cây tre đực tươi bánh tẻ (không già, không non), dài cỡ non một mét, được chuốt thành bông xù lên, nhuộm ngũ sắc, các đốt tre được trang trí giấy xanh đỏ rất đẹp. Linh vật này được đưa vào dâng lên thánh ở trong đình, trở thành vật thiêng, (phải chăng tượng trưng cho sinh thực khí dương – Linga?).


Rã hội, cây bông dược mang ra ngoài, tung lên đám đông ở sân đình. Thế là mọi người tranh nhau giằng co, cướp bông. Trò này, không hiểu sao được rất đông người hưởng ứng, nhất là nam nữ thanh niên. Họ tin rằng, ai cướp được thì sẽ có lắm con trai. Cuộc vui này thường kéo dài từ chập choạng chiều tối hôm mùng 6 đến tang tảng sáng hôm sau. Có trời mà biết, đêm hôm ấy những chuyện gì đã diễn ra trong đám thanh niên nam nữ đông đúc của làng nghề trong ngày hội!


Người thợ và nghệ sĩ


Đội ngũ thợ và nghệ nhân của Sơn Đồng chủ yếu trưởng thành được là nhờ vừa làm vừa học. Các thế hệ thầy trò trực tiếp truyền nghề cho nhau. Nhưng phương thức này hạn chế ở chỗ khó mở rộng quy mô và thời gian để trưởng thành khá lâu. Chính vì thế, Năm 1984, làng Sơn Đồng đã mở lớp đào tạo đầu tiên, do các nghệ nhân cao tuổi trực tiếp dạy dỗ. Có gần 30 học viên theo học. Tới nay nhìn lại, hơn 20 năm đã trôi qua, từ khóa học này, đa số các học viên đã trở thành các nghệ nhân chủ chốt, các chủ sản xuất lớn ngày nay.


Những năm 1998 – 2002, Làng đã mở liền 2 lớp, mỗi lớp có 50 học viên, học trong 18 tháng. Tới nay cũng đã có rất nhiều người trưởng thành. Song kinh phí mở những lớp như thế khá tốn kém. Chi phí cho 1 học viên trong 18 tháng khoảng 10 triệu,  tổng kinh phí mở 2 lớp này tới 1 tỷ đồng.


Hiệp hội làng nghề Sơn Đồng đã được thành lập từ năm 2000, nhưng tới nay hoạt động ít hiệu quả, mới dừng lại ở hình thức. Theo các nghệ nhân và cán bộ của xã, sắp tới, cần kiện toàn và nâng cao năng lực của tổ chức này. Có như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong thời đại gia nhập WTO.


Ngày nay, đến Sơn Đồng vào bất kể thời gian nào trong năm, du khách cũng cảm thấy không khí náo nức như đang lạc bước vào một hội chợ Xuân của nghệ thuật điêu khắc gỗ. Chỉ tính riêng tượng nhà Phật đã có bao nhiêu kiểu dáng đa dạng, phong phú được làm tại đây. Ngoài ra còn có vô số các tượng thánh, thần, tổ, mẫu, v.v. Rồi câu đối, hoành phi, án thờ, đồ thờ, hạc, ngựa, không biết bao nhiêu chủng loại mà kể. Tất cả đều ánh lên màu vàng, tía, hồng, lộng lẫy, rực rỡ trong nắng nhạt chiều xuân.


Mỗi sản phẩm vừa mang nét hài hoà, chuẩn mực của cái phổ biến, vừa khắc họa sinh động những điểm nhấn tài hoa riêng biệt làm nên bản sắc không thể lẫn được của tượng gỗ và đồ thờ Sơn Đồng – một phong cách nghệ thuật đặc sắc, thuần chất của cái nôi văn hoá Mẹ Bắc Việt.


Nghề làm tượng thờ đòi hỏi phải có kỹ nghệ tinh xảo. Tượng thờ Sơn Đồng thuần được chế tác từ gỗ mít.


(Ngoài chất liệu mềm, dai, dẻo, bền, đẹp, phải chăng ở đây còn có liên quan đến nguồn gốc của cây mít – Ba la mật, từ Tây Trúc theo các nhà sư đi truyền đạo đến đất này? Chùa nào ở đất Bắc chả trồng vài cây mít: vừa tạo cảnh vừa lấy bóng mát; lá dùng làm đế oản cúng Phật, dùng làm bồ kề cúng cháo chúng sinh; quả chín ngon ngọt; thân gỗ già làm tượng, ý nghĩa hơn người đời tưởng nhiều).


Khi thiết kế tượng, người thợ cả cần tính toán kỹ lưỡng làm sao cho khỏi lãng phí gỗ. Từ khâu đẽo phác thảo đến khi lượn những đường soi tinh xảo là cả một công phu tâm huyết, vắt tâm, vắt sức của người thợ – nghệ sỹ làng nghề.


Đến khâu sơn son, thiếp bạc, thiếp vàng cũng vậy. Mỗi sản phẩm làm kỹ phải qua gần chục nước sơn. Sơn thế nào cho không gợn, sao cho nhẵn, cho đều, cho bóng là cả một công phu kinh nghiệm. Rồi thợ thiếp cũng vậy, làm sao cho gọn, cho sắc nét, không được làm mất, mà còn phải tôn thêm độ tinh xảo của người thợ đục là cả một sự phối hợp nan giải. Không yêu nghề, không tài hoa làm sao có thể làm được điều đó!


Khi tiếp xúc với một số nghệ nhân, thợ, chủ doanh nghiệp như cụ thủ từ đền Thượng Nguyễn Văn Thanh 82 tuổi; Nghệ nhân Nguyễn Lương Hồng, 42 tuổi; chủ cơ sở sản xuất Nguyễn Trí Được, 29 tuổi; chủ doanh nghiệp Lộc Phát Nguyễn Bỉnh Hiệp, 28 tuổi, v,v, chúng tôi nhận ra rằng, ở họ bên cạnh những phẩm chất của người thợ, người quản lý và kinh doanh, thì ở các mức độ biểu hiện khác nhau, còn là người nghệ sỹ: lãng mạn, duy mỹ, coi nhẹ đời sống vật chất và có tư cách thượng phẩm của con người.


Các sản phẩm được tạo ra bởi bàn tay của nghệ nhân Nguyễn Lương Hồng thường được coi là các tác phẩm có hồn riêng, có tính chuẩn mực, được các nghệ nhân trong làng đánh giá rất cao. Nhưng chỉ những khách hàng “biết của biết người” mới dám đặt hàng nơi anh: giá cả thường đắt gấp vài lần nơi khác, thời gian thì không có hẹn, đôi khi bị trả lại đơn đặt hàng. Anh không chấp nhận làm ẩu. Có khi nhiều ngày chỉ nhìn ngắm, chỉ ngẫm nghĩ, chả làm gì cả. Rồi có những khi thì làm thâu đêm suốt sáng, tới mờ mắt, run tay. Vì thế, năng xuất lao động – ngày công thường thấp.


Tôi có cảm tưởng, tượng do anh đục là công trình sáng tác của người nghệ sỹ, hơn là một sản phẩm của người thợ thủ công. Và cái giá anh phải trả, cũng giống như người nghệ sỹ, đó là sự nghèo – trong con mắt của ai đó. Riêng tôi thấy anh thực giàu có: sự hào phóng của người nghệ sỹ trên con đường đi tìm cái đẹp.


Nếu không có những người như các anh, dân tộc ta  lấy đâu ra các pho tượng tuyệt tác như A Di Đà ở chùa Phật Tích, Phật bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, Thập bát La Hán ở chùa Tây Phương, v,v. Và không hiểu sao, tôi tin chắc rằng: những người thợ – nghệ sỹ đã làm nên các tuyệt tác đó cũng rất lãng mạn, tài hoa, nhân hậu và coi thường tiền bạc. Tức là họ cũng nghèo mà rất giàu – một nghịch lý tất yếu ở nơi người nghệ sỹ dân gian.


Sản xuất, kinh doanh và thị hiếu tâm linh


Xã Sơn Đồng ngày nay có gần 7.800 nhân khẩu, hơn 1.700 hộ, trên 30 dòng họ, trong đó họ Nguyễn là đông nhất, chiếm gần 1/3 dân số của làng; có 11 xóm trong đó có 10 xóm cổ và 1 xóm mới – xóm phố chợ Sơn Đồng. Trong làng có hơn 300 hộ chuyên làm đồ mộc, có thuê từ 5 thợ thường xuyên trở lên.


Ông Nguyễn Bá Giang – trưởng Công an, nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho chúng tôi biết:


Về cơ cấu kinh tế của xã, năm 2007, giá trị tổng sản phẩm toàn xã đạt gần 50 tỷ đồng, trong đó tiểu thủ công (chủ yếu là nghề mộc sơn tượng, đồ thờ và đồ gia dụng) chiếm 50%, thương mại dịch vụ chiếm 30% và nông nghiệp chiếm 20%.


Ngân sách của xã, hiện nay chủ yếu là thu từ mảng kinh tế dịch vụ thương mại. Năm 2006, tổng thu ngân sách xã chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng. Thu từ mảng nghề tượng mộc là không đáng kể. Mỗi cơ sở sản xuất  chỉ phải nộp lệ phí 50.000 đồng/1 tháng.


An ninh trật tự trong xã được đảm bảo tốt, rất ổn định. Tệ nạn ma tuý, mại dâm, trộm cắp rất hiếm. Thanh thiếu niên được cuốn hút vào công việc, không có các đối tượng vô công dồi nghề bị lưu manh hoá. Chính lao động đã tạo nên nhân cách con người.


Thu nhập hàng tháng của thợ đi làm công cho các chủ ở đây được tính theo số lượng và chất lượng sản phẩm. Những thợ có tay nghề cao thường đạt trên dưới 2 triệu đồng một tháng. Thợ mới học việc cũng có thu nhập không dưới 800 nghìn đồng. Lớp thợ trẻ ngày nay không những đã kế thừa được những nét tài hoa của cha ông mà còn năng động trong cơ chế thị trường để vươn lên làm giàu.


Có nhiều cơ sở sản xuát và các nghệ nhân đã có khả năng kinh doanh và tiếp thị ngày càng nền nếp và đáp ứng kinh tế thị trường. Sản phẩm điêu khắc gỗ Sơn đồng thường xuyên tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Tại hội chợ “Di sản văn hoá Việt Nam 2005”, anh Nguyễn Viết Thạch đã được cấp bằng “Tinh hoa Việt nam” với các sản phẩm điêu khắc, sơn thiếp tượng Phật. Trong 10 năm qua, sảm phẩm của Sơn Đồng đã được giới thiệu, bày bán tại Hoa Kỳ, một loạt nước châu Âu, Thái Lan, v,v.


Chia xẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Bỉnh Hiệp, 28 tuổi, chủ doanh nghiệp Lộc Phát, đã theo học nghề từ nhỏ, là học trò của nghệ nhân Nguyễn Lương Hồng, cho biết: Mặc dù đã tốt nghiệp hạng ưu tại khoa Tin học, hệ du học, trường Đại học công nghiệp Hà Nội, có trình độ tiếng Anh rất khá, đang làm tại một công ty phần mềm ở trung tâm Hà Nội, nhưng do “máu nghề” của Làng Sơn Đồng luôn rần rật chảy trong huyết quản, nên anh đã mạnh dạn mở rộng cơ sở sản xuất vốn có của gia đình, thuê mặt bằng tại phố chợ, vay vốn ngân hàng, mở cửa hàng kinh doanh. Thời gian làm ăn lớn chưa bao lâu, nhưng do khả năng của đội ngũ thợ lành nghề và sự nhanh nhạy tiếp thị, nên công việc đã khá triển vọng. Gần đây, qua giới thiệu của các chuyên gia Viện Dân tộc học Việt Nam, cơ sở của anh đã nhận hợp đồng làm toàn bộ đồ thờ tự như án thờ, quạt thờ, hoành phi, câu đối, v,v, cho trụ sở Ngoại giao nước ta tại Hoa Kỳ, đại diện giới thiệu tinh hoa truyền thống Việt nam tới bà con Việt kiều và nhân dân Mỹ. Sản phẩm đã nghiệm thu thô, bên đặt hàng rất hài lòng và tin tưởng thành phẩm sẽ một lần nữa làm rạng tiếng thơm của Sơn Đồng – Làng quê Việt Nam đến với hiện đại từ truyền thống.


Anh tâm sự, bản thân anh từ lâu đã rất kính ngưỡng đạo Phật. Trong công việc, được tiếp xúc nhiều với các người nhà chùa, niềm kính tín Tam bảo của anh càng ngày càng sâu sắc hơn. Anh mong muốn trong tương lai gần, khi hội tụ đủ nhân duyên, anh sẽ xin quy y Tam bảo để trở thành một Phật tử tại gia với đầy đủ ý nghĩa của nó. Anh tin tưởng rằng khi đó chư Phật sẽ phù hộ cho anh ngày càng ăn nên làm ra và anh sẽ càng có điều kiện để hộ trì Chính Pháp, đi sâu tu tập bồi đắp đời sống tâm linh của mình.




Tượng chư Thiên chầu Phật trong đại điện chùa Diên Phúc – Sơn Đồng 



Đình Sơn Đồng -Nơi mở hội thi bánh dày và diễn trò cướp cây bông vao 6/2 âm lịch hàng năm



Nhà Tiền tế đền Thượng Sơn Đồng – đồ thờ từ nhiều thế kỷ trước của thợ làng



Tượng Thánh Đền Thượng (huý danh Nguyễn Đào Trực) – danh nhân thế kỷ thứ X



Cụ từ Nguyễn Văn Thanh- 12 năm nay là người nhà Thánh đền Thượng Sơn Đồng


Một góc phố làng Sơn Đồng



Án và đồ thờ chuẩn bị xuất khẩu đi Hoa Kỳ


Thợ trẻ Nguyễn Bỉnh Hiệp đang hoàn thiện hoành phi “Việt Nam Triệu Tổ” sẽ thờ tại ĐSQ VN tại Oa-sinh-tơn



Tượng Phật được chế tác giả cổ lại cơ sở SX Nguyễn Trí Được


Đại tượng Phật đang được hoàn thiện bởi Nghệ nhân Nguyễn Lương Hồng (mặc áo trắng)



Ngổn ngang tại cơ sở SX tượng Nguyễn Trí Được