Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Lấy ân báo oán

Lấy ân báo oán

1153

Đời Chiến Quốc có ông Tống Tựu làm quan một huyện gần biên thùy nước Lương, chỗ giáp với nước Sở. Tống Tựu có tiếng là người tài đức và nổi bật là tấm lòng độ lượng của ông đã giúp cho nhân dân hai nước ở vùng biên giới này được sống yên ổn.


Người dân vùng biên giới nước Lương vốn hiền hòa, siêng năng. Họ trồng những ruộng dưa bạt ngàn, thường chăm sóc, tưới nước nên dưa xanh tốt và lòng ngập tràn niềm vui nghĩ đến vụ mùa bội thu.


Bên kia biên giới, người dân nước Sở cũng trồng dưa nhưng ít chăm bón nên dưa của họ không được xanh tốt. Quan huyện biên thùy nước Sở thấy dưa bên Lương tốt hơn sinh lòng ghen ghét, đêm đêm ông cho người lẻn sang cào phá ruộng dưa. Người dân bên Lương rất tức giận, họ báo quan huyện Tống Tựu, tỏ ý muốn lẻn sang cào lại dưa bên Sở.


Tống Tựu can ngăn: “Làm như thế chỉ gây thêm thù oán, chuốc tai vạ thôi! Thay vì sang cào dưa, cứ đêm đêm các vị lẻn sang tưới dưa cho người và đừng để cho họ biết”.


Người dân nước Lương vốn kính yêu và nể phục quan Tống Tựu nên lời khuyên của ông được họ đồng tình. Đêm đêm họ thay phiên nhau lẻn sang tưới dưa cho người. Từ đó, dưa bên Sở mỗi ngày một tốt tươi lên không thua kém gì dưa bên Lương. Lúc đầu người dân bên Sở lấy làm lạ, về sau họ hiểu ra người dân bên Lương bí mật giúp họ tưới dưa vào lúc đêm khuya, khi bên Sở đang còn yên giấc ngủ.


Vua Sở biết chuyện, buồn và có ý thẹn, nghĩ rằng: “Ngoài cái tội đi cào dưa của người, chắc còn nhiều việc khác đáng tội nữa”. Vua bèn đưa phẩm vật sang tạ lỗi với vua Lương và xin đặt quan hệ hòa hiếu. Vua Lương cũng đồng lòng, từ đó hai nước sống trong tình hữu nghị đoàn kết. Thế mới biết, vua sáng suốt anh minh, quan tài năng độ lượng thì dân được hưởng hòa bình, ấm no, hạnh phúc lâu dài.
(Theo Cổ học tinh hoa)


BÀI HỌC ĐẠO LÝ:


Xưa nay, ân oán là chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, có những chuyện nhỏ cá nhân, gia đình vụn vặt nhưng cũng có những chuyện lớn mang tính quốc gia, vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ. Khi có ân oán xảy ra, chúng ta phải làm thế nào để ứng xử, đối phó cho êm xuôi, hòa hiếu?


Thói thường ở đời, mình dở không ưa người hay, mình lười biếng không ưa người chăm chỉ, mình trái không ưa người phải, mình nghèo hèn không ưa người giàu sang. Cho nên người với người thường hay sinh sự. Chỉ vì chuyện ganh ghét nhỏ nhặt giữa những người trồng dưa, cái sảy nảy cái ung, việc nhỏ hóa thành chuyện lớn, hai quan huyện phải đối đầu nhau, nếu không có quan Tống Tựu tài đức khéo léo cư xử thì biết đâu chiến tranh sẽ xảy ra, tránh làm sao được cảnh tàn phá, thương vong cho nhân dân vô tội của hai đất nước.


Trong mỗi người đều có hạt giống của cái ác, đó là lòng đố kỵ, ganh ghét, tham lam, muốn làm hại người. Nhưng con người cũng có hạt giống của cái thiện, đó là tâm từ bi, bố thí, vị tha. Để trưởng dưỡng những hạt giống này, Đức Phật dạy: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám. Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu…”. Tùy nơi tâm của mình, tâm ác sẽ tưới tẩm hạt giống xấu nẩy mầm thành nghiệp ác, tâm thiện lành sẽ tưới tẩm hạt giống từ bi, tạo nghiệp lành cho con người. Tâm từ bi hỷ xả còn có khả năng trị liệu chuyển hóa tâm ác của người khác trở nên hiền lành, làm tiêu tan cái mầm ác nghiệp. Theo Đức Phật thì “Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan. Lấy oán báo oán, oán ấy điệp trùng”.


Có lẽ khi đọc câu chuyện này, ai cũng cảm phục quan Tống Tựu. Ông là người bao dung, nhờ vận dụng từ bi và trí tuệ đã chuyển hóa người ác trở thành lương thiện, kẻ thù thành bạn tốt để chung sống an hòa. Nếu người không phải với ta, ta quyết không phải lại với người, thì hai bên có khác gì nhau và cứ thế ân oán cứ liên miên đeo đẳng mãi, ta cũng tổn hại và người cũng tổn hại. Cho nên lấy oán báo oán không phải là cách tốt nhất của người đời đối xử với nhau. Nếu không lấy đức báo oán thì khó có thể hóa giải những tâm địa ác độc, làm tiêu trừ những thói ganh ghét, đố kỵ của con người.


Suy ngẫm cho chín chắn, chúng ta cũng có thể rút ra được một bài học xử thế cho mình: “Đừng làm theo những điều sai quấy của người khác”.