Trang chủ Tin tức Lễ hội Yên Tử 2009: Đón khách với tâm thế mới

Lễ hội Yên Tử 2009: Đón khách với tâm thế mới

61

Từ bao năm nay với ý nghĩa là trung tâm Phật giáo VN thời nước Đại Việt xưa và là nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm do Vua Trần Nhân Tông sáng lập, Lễ hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) luôn có sức hút với đông đảo du khách.

Lễ hội Yên Tử kéo dài từ 10.1 đến hết tháng 3 (âm lịch), nhưng du khách đã ùn ùn đổ về miền đất thiền từ đầu xuân. Theo con số thống kê do UBND thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) đưa ra: từ mùng 1 đến 7 Tết, có khoảng 15 vạn lượt khách đến Yên Tử.

Nhiều nét mới


Nét mới đầu tiên mà du khách bắt gặp là “Chợ xuân Yên Tử” dựng ngay đối diện bãi gửi xe. Chợ khá rộng bán đủ loại mặt hàng nhưng hai mặt hàng đặc trưng nhất là măng trúc ngâm và các loại rễ cây củ thuốc nam. Thậm chí có cả một gian của Hội Y học dân tộc VN – thị xã Uông Bí (Quảng Ninh), người bán khoe từ lá trầu tiên đến mã kích, phong khương…, nói chung chủ yếu là thuốc chữa trị cảm hàn, tiêu hoá, thấp khớp. Thuốc nam cũng được bán rải rác từ các anh chị hàng rong suốt dọc đường lên chùa Đồng.



Lá bồ đề mạ vàng là mặt hàng mới ở Yên Tử bán khá chạy với giá 10.000đ.


Nét mới thứ hai là năm nay Yên Tử làm thêm một đoạn cáp treo mới từ Hoa Yên lên am An Kỳ Sinh, đỡ cho du khách thêm hơn 10 km leo trèo nữa. Bù lại để đi cả 4 chặng (2 lượt đi, 2 lượt về) cáp treo khách phải móc túi bỏ ra 150.000đ; mua lẻ từng chặng còn đắt hơn. Với 25 cabin, mỗi cabin tải trọng 6 người – nhưng khi đông khách nhà ga sẵn sàng cho cả 8 người lên – và việc bán vé liên tục suốt đêm mùa hội, Cty cổ phần cáp treo kiếm nhiều tỉ đồng cầm chắc!

Hai năm liên tục, cáp treo Yên Tử đều có sự cố mất điện giữa đường, còn năm nay, “đường dài mới biết…”, dẫu sao ngồi cáp treo Yên Tử có vẻ mạo hiểm hơn cáp treo chùa Hương. Tuy nhiên đoạn đường đi từ chùa xuống hai nhà ga cáp treo đều rất vòng vèo, lúc lên lúc xuống rất dích dắc – làm tôi và nhiều người leo đều cảm giác mệt mỏi.

Rời cáp treo, đoạn đường còn lại leo lên chùa Đồng (theo đường chim bay chỉ có 700m) đi vòng vèo qua nhiều tảng đá to vật vã cũng phải mất gần hai cây số; và như thế du khách cũng phải đổ không ít mồ hôi để nhận ra nỗi nhọc nhằn của thiền hành.

Đi xa, nhưng dọc đường lên Yên Tử có nhiều thùng đựng rác lưu động nên bà con ít xả bừa bãi hơn nhiều lễ hội khác, duy có nhà vệ sinh thì vẫn luôn “cung” không đủ “cầu”!

Ở dưới đất còn hơi sương mịt mờ, thì lên chùa Đồng lại thấy trời nắng chang, làm khung cảnh mất đi phần thi vị. Khoảnh nhỏ trước thiền môn bị chen ngập bởi cơ man người đi lễ, khói nhang nghi ngút làm du khách không thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp kiến trúc của chùa Đồng mới. Mấy du khách thi nhau gõ khánh đồng cầu may!



Du khách gõ khánh đồng cầu may


Nhu cầu tâm linh và vật chất

Các gian hàng bán đồ lưu niệm năm nay rất nhiều đồ tôn giáo, tâm linh. Thêm hình những lá bồ đề mạ vàng ép (10.000đ/tấm), và hình 12 con giáp in những câu thần chú đem lại an lành cho người đeo nó (5000đ/con) có xuất xứ từ Hồng Kông (TQ), bên cạnh nhiều đồ pháp bảo, pháp khí khác.

Một cửa hàng to khang trang chuyên đồ Phật giáo ở ngay trên đường đi vào nhà ga cáp treo đầu tiên, trong đó còn có cả tranh, ảnh nghệ thuật về Phật giáo.



Bán những tờ sớ với lời dạy của Phật về chữ “Nhẫn”, chữ “Hiếu”, chữ “Tri”, chữ “Đức”… với giá 10.000đ/tờ.


Dọc đường lên chùa Đồng, nhiều cô gái trẻ bán những tờ giấy bản in sớ với lời dạy của Phật về chữ “Nhẫn”, chữ “Hiếu”, chữ “Trí”, chữ “Đức”… ra sức chào mời khách (giá 10.000đ/tờ)…

Các quán ăn phục vụ khách đường xa không nhiều, đếm quanh quẩn khoảng 3-4 quán, thường là phở, mỳ với giá gấp đôi, gấp ba dưới kia (bát mì bò 30.000đ, lon nước ngọt 15.000đ). Bia có bán song cũng không thấy du khách xài nhiều, trừ mấy bạn trẻ. Chợt nghĩ sao mấy quán đây không bán thêm đồ ăn chay – có phải hay hơn không!

Thợ ảnh ở Yên Tử khá đông, đồ nghề khá ổn, chủ yếu là Nikon D200 – giá 1 tấm ảnh 13x18cm là 25.000đ, 20 phút có ảnh.

… Đi Yên Tử du khách thường mất trọn 1 ngày từ sáng đến tối, nhiều người chiều mới đi, tối ngủ lại Hoa Yên hôm sau mới lên tiếp chùa Đồng.

Trong các lễ hội cả nước thì Yên Tử là lễ hội mà ai cũng muốn một lần trong đời phải đi, phải đến để ngộ thêm một chút trong cuộc đời!


Xem thêm: