Trang chủ Diễn đàn Lễ rước Phật đản sinh: Chưa mừng, lo lại đến

Lễ rước Phật đản sinh: Chưa mừng, lo lại đến

88

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá lớn vào bậc nhất cả nước. Sự khẳng định mọi mặt đó cho thấy tiềm năng đi đầu phát triển trong mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, một điều còn gây nên nhiều băn khoăn, trăn trở đó là những sự kiên văn hoá lớn của Phật giáo vẫn chưa được quan tâm đúng với vị thế và tầm vóc của Phật giáo tại thành phố này. 

Những đóng góp của Phật giáo trong công cuộc bảo vệ và xây dựng thành phố đã được minh chứng qua từng trang sử. Và thực tế đó cho thấy Phật giáo có rất nhiều tiềm lực cần phải được khuyến khích để đem đến nhiều hơn những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Sự  kiện văn hoá Phật giáo đáng chú ý nhất tại thành phố này chính là Đại lễ kính mừng Đức Phật đản sinh. Và từ nhiều năm nay, Phật tử thành phố Hồ Chí Minh vẫn mong muốn có được một lễ Phật đản tưng bừng trên khắp các đường phố. Nhưng cứ nhìn vào một số tỉnh thành khác thì sẽ thấy Lễ Phật đản tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa xứng tầm, thậm chí còn trở nên là một bước lùi so với những năm trước bởi những hoạt động diễn ra tự phát và quá nghèo nàn.

Trong khi Đại lễ Phật đản (vesak) là một ngày lễ tôn giáo trọng đại của thế giới khi được Liên Hiệp quốc chọn làm lễ kỷ niệm hàng năm. Và lịch sử dân tộc cũng cho biết Lễ Phật đản từng được tổ chức ở tầm quốc lễ.

Thành phố Huế đã có cả một “Con đường rước Phật” với hành chục vạn người đi bộ, cầm hoa sen đi trong im lặng hùng tráng. Không những thế, Huế lần đầu tiên đã có một khu phố ẩm thực chay đường phố kéo dài trong hai tuần lễ.

Và đặc biệt nhất, Huế đã có biểu tượng cho mùa Phật đản đó chính là việc hạ thuỷ bảy đoá sen khổng lồ trên sông Hương, và Lễ thắp sáng bảy đoá sen trên sông Hương còn được truyền hình trực tiếp.

Ngay tại thủ đô Hà Nội, chỉ mấy năm trước thôi, Phật tử còn khó có thể nhìn thấy một lá cờ Phật giáo, thì hai, ba năm trở lại đây cờ Phật giáo đã tung bay khắp các ngôi chùa trong mùa Phật đản. Xe hoa Phật đản diễu hành trang nghiêm trên khắp đường phố, những đêm văn nghệ, những buổi lễ tắm Phật liên tục được đăng tải trên các website Phật giáo.

Tất cả những thành quả đó cho thấy không đơn giản chỉ là những sự ủng hộ về mặt pháp lý của chính quyền thành phố, mà còn là  quyết tâm của chư tôn đức lãnh đạo giáo hội trong các Phật sự lớn của tỉnh hội, thành hội.

Sự quan tâm dành cho các ngày lễ lớn của Phật giáo được triển khai liên tục bằng những cuộc họp trù bị từ rất sớm, bằng những công văn chính xác và thống nhất trong chỉ đạo. Chính quyết tâm đó đã tạo được niềm tin và sự chia sẻ của chính quyền. Bởi khi người Phật tử được vui thỏa tinh thần và được tự do hành đạo phù hợp với nguyện vọng và đạo lý, thì chính đó lại là nguồn vốn xã hội để họ tái đóng góp nhiều hơn những công việc ích lợi cho cộng đồng xã hội.

Chỉ  cách đây hơn 10 ngày, từ ở quận 3, tôi vô  cùng vui mừng khi nghe tin Ban đại diện Phật giáo Quận 5 tổ chức Lễ rước Phật đi bộ trên đường phố với diễu hành xe hoa và bộ Tứ thiên vương…

Tôi còn được biết thêm về ý kiến của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo về việc này như sau: “Việc diễu hành xe hoa và bộ Tứ Thiên vương (theo hồ sơ di chuyển đến các chùa trong quận 5) là việc làm thiết thực chào mừng Đại lễ Phật đản PL 2554 – DL 2010 của BĐDPGQ5. Kính chuyển các cơ quan chức năng tại địa phương Quận 5 tạo điều kiện giúp đỡ”.

Với ý kiến này của Ban trị sự, tôi nghĩ chắc chắn chính quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lễ rước Phật. Tôi đang dự định rủ thêm bạn bè, người thân sang Quận 5 để tham dự lễ rước Phật đi bộ này thì nghe tin, chính quyền Quận 5 không cho phép rước Phật đi bộ mà phải rước trên xe.

Vậy là những chuẩn bị như kiệu rước, xe đẩy bộ Tứ Thiên vương cao lớn không thể để lên xe tải được vì quá cao so với những dây điện được giăng mắc ngang trên khắp các con đường. Hơn nữa, những chuẩn bị cho y phục rước bộ không thể nào ngồi hết trên xe được, vì thuê xe vừa tốn kém mà không tạo được ấn tượng cho một lễ rước sinh động và nhiều màu sắc.

Đại diện chính quyền thì bảo “Kế hoạch Phật đản 2010 của Ban Trị sự chỉ nói ‘xe hoa’ chứ không nói đến ‘kiệu hoa’”. Tôi không ngờ ngôn ngữ lại được hiểu một cách máy móc đến như thế.

Thế là tất cả mọi chuẩn bị đã phí công và trở nên vô tích sự. Người Phật tử chắc chắn sẽ khó lòng mà vui được khi biết bao năm nay mong chờ có những lễ rước Phật tưng bừng trên đường phố mà chưa thể thành hiện thực.

Thế  là như bao người Phật tử khác, mong ước về một lễ rước Phật đi bộ trên đường phố của tôi vừa nhen nhúm một tia hy vọng đã bị dập tắt và nhanh chóng trở thành một nỗi lo lâu dài cho những hoạt động văn hoá lễ hội Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cứ mỗi mùa Phật đản, tôi lại thèm thuồng khi nhìn những hình ảnh lễ rước Phật đi bộ trên đường phố tại các nước bạn. Cứ mỗi mùa Phật đản tôi lại thèm thuồng cái không khí Phật đản ấm cúng với “Con đường rước Phật” trang nghiêm tại thành phố Huế.

Điều còn một chút an ủi cho tôi là ngay tại Quận 3, đã 3 năm nay, chư Tăng, Phật tử chùa Kim Cương vẫn duy trì lễ rước Phật đi bộ trên đường phố. Tôi chỉ thắc mắc rằng tại sao nơi này thì được phép rước bộ, còn nơi kia thì không?       

Có  những điều kiện gì, những vướng mắc nào cần tháo gỡ gì để người Phật tử tại Thành phố Hồ Chí Minh có được một mùa Phật đản tươi vui và an lành? Chính quyền đã, đang và sẽ “tạo điều kiện thuận lợi” như thế nào cho các lễ hội lớn của Phật giáo?

Kính mong Chư tôn đức lãnh đạo giáo hội và quý vị đại diện chính quyền cho những người Phật tử chúng tôi một lời giải thích thỏa đáng.