Trang chủ PGVN Cửa thiền Lớp học ở chùa

Lớp học ở chùa

227

Lớp học tình thương tại chùa Kim Sơn, ở thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang được lập từ năm 1995. Ban đầu lớp chỉ dựng tạm bằng tranh tre, nhưng nay đã được xây dựng khang trang với sáu phòng học, là nơi dạy học cho gần 80 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Sư cô Diệu Phúc cho biết: “Nhà chùa dạy từ lớp 1 đến lớp 5 theo chương trình của Bộ GD-ĐT, chủ yếu là để xóa mù chữ cho các cháu. Sang bậc THCS, gia đình cháu nào có điều kiện thì các cháu tiếp tục theo học tại các trường của xã”. Không chỉ dạy chữ, nhà chùa còn mở thêm 1 lớp học may, dạy nghề cho hơn 20 em để các em có thể tự lo cho cuộc sống sau này.

 
Cô giáo trẻ Phùng Thị Mỹ Hạnh dạy các em nhỏ tại lớp học ở chùa Lộc Thọ – Ảnh: Nguyễn Chung

Bên trong ngôi chùa Lộc Thọ ở thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang cũng có một lớp học đặc biệt. 20 đứa trẻ đang theo học từ mẫu giáo đến lớp 5, hầu hết được cha mẹ gửi đến học tại chùa do gia cảnh khó khăn. Mới đầu, nơi học tập trong chùa chỉ là 2 phòng nhỏ dựng bằng những tấm tôn sơ sài. Năm 2004, một Việt kiều Canada về thăm chùa, cảm động trước chuyện dạy và học nơi đây, đã đóng góp xây mới các lớp học. Em Trần Văn Phát, HS lớp 2, nói: “Nhà em nghèo lắm, ba mẹ em biết ở chùa dạy chữ nên cho em đến đây học. Em được cô giáo dạy chữ, dạy lời hay lẽ phải, lại có nhiều bạn nên em thích đi học lắm”.

Phùng Thị Mỹ Hạnh (26 tuổi) gắn bó với công việc “gieo chữ” ở chùa đã 4 năm nay. Hạnh đến với nghề dạy học thật tình cờ. Hồi đó, vì điều kiện gia đình khó khăn, Hạnh tốt nghiệp THPT rồi xin đi làm tại một nhà máy sợi ở TP.Nha Trang. Hạnh có người bạn từng đến dạy học cho các em trong chùa Lộc Thọ nhưng nay đã nghỉ vì lý do gia cảnh, nên “mách mối” cho Hạnh đến đây dạy chữ cho các em. Cô đảm nhiệm dạy các em HS lớp 2. “Khi vào chùa, có em đã 15, 16 tuổi mà không biết một chữ, nhiều em không chịu học, ăn nói thiếu lễ phép với cả cô giáo. Buồn, giận và có lúc ý nghĩ từ bỏ, nhưng rồi mọi chuyện cũng chóng qua vì mình trót thương các em rồi. Ngày nào mình ốm đau, không đến lớp lại thấy nhớ. Qua thời gian, các em đã ngộ ra nhiều điều, sống tốt hơn và chăm chỉ học hành. Cô và trò ngày càng gắn bó, mà khi đã gắn bó rồi thì khó từ bỏ các em lắm”, cô giáo Hạnh nói.