Để nhận được danh xưng này, tất nhiên không chỉ vì kích thước vĩ đại cao 72 feet của tôn tượng mà sâu xa hơn, còn vì sự linh hiển của vị Bồ Tát ngàn mắt ngàn tay đã truyền đạt gần xa trong lòng muôn người từng chứng nghiệm.
Lễ Hội Quan âm 2009 được trang trọng tổ chức, trước là tán thán công đức và tạ ơn Mẹ hiền; sau, là để Phật tử và đồng hương khắp năm châu có cơ hội tìm về Quê Hương Tâm Linh, cùng chia xẻ Tình Người và Tình Đạo.
Hàng năm tại Texas, thời điểm này là mùa gió lớn và giông bão thường tạt qua. Tám mươi phần trăm chương trình Lễ Hội đều dự trù thực hiện ngoài trời nên sự hồi hộp, lo âu không năm nào không đè nặng trong lòng những Phật tử hướng về. Ấy thế mà, đã bẩy lần qua, mưa gió chỉ đến trước, hoặc sau Lễ Hội.
Riêng năm 2007, mới thật nhiệm mầu. Trưa thứ sáu 30 tháng 3 năm 2007, mây đen che kín bầu trời và gió lộng từng cơn dữ dội tưởng có thể làm bật gốc hàng dừa hai bên sân gạch. Đe dọa như thế dường như chưa đủ, khoảng 5 giờ chiều, trời còn bắt đầu mưa, tuy nhẹ hạt nhưng mưa đã đến với mây đen và gió lớn như thế, ai có thể tin nổi là một tiếng đồng hồ sau mưa sẽ ngưng, mây sẽ tan, và gió sẽ lặng để hàng ngàn con Phật sẽ theo Chư Tôn Đức, cùng niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, cùng ba bước lạy một lạy, từ tiền đường ra tới hồ Hương Thủy ?
Nhưng Mẹ đã hiển linh cho các con của Mẹ thấy sự có mặt nhiệm mầu qua ngàn tay cứu độ, từ giông bão thành trời quang mưa tạnh để theo đúng chương trình, đàn con của Mẹ có thể thực hiện hạnh Tam Bộ Nhất Bái, vừa thổn thức niệm danh hiệu Mẹ, vừa ba bước, sụp xuống lạy một lạy trên nền sân gạch vừa được tưới tẩm Cam-Lộ-thủy.
Thần lực của Mẹ hiển lộ rõ rệt hơn vào hôm sau, khi bão tố ra oai đe dọa Đạo Tràng Linh Hiển Ngàn Mắt Ngàn Tay. Từ 4 giờ sáng, mọi người đều bị đánh thức dậy với sấm chớp rung chuyển, xé rách màn đêm và mưa như thác lũ ngả nghiêng cây cối. Nhưng kim đồng hồ nhích tới đâu thì mưa bão giảm dần tới đó, như có sự sắp đặt khít khao để ánh dương ló dạng phương đông cùng lúc với âm thanh đại hồng chung, khai chuông cầu nguyện.
Năm nay cũng chẳng khác!
Những chuyến bay từ các hướng Đông-Nam trực chỉ Houston trong những ngày 25 và 26 tháng ba, nhiều chuyến đã bay trong mưa bão. Riêng một vài chuyến bay sáng 25 đã không thể đáp xuống phi trường IAH & Hobby vì mưa to gió lớn. Có chuyến phải lòng vòng trên trời 45 phút với hy vọng ngớt mưa nhưng cũng không thể trấn an hành khách khi phi hành đoàn đành loan báo là sẽ phải tìm một phi trường khác, đáp tạm vì sắp … hết xăng!
Sao một bài tường thuật lại viết dông dài về thời tiết như thế?
Xin thưa, vì người viết mong người đọc cùng cảm nhận rằng, chỉ ở những nơi cùng khổ, những khi hiểm nguy, may ra tâm thờ ơ của chúng ta mới có thể thấp thoáng thấy Bồ Tát hiện.
Vâng. Bao nhiêu đe dọa và dự đoán về thời tiết đã được ngàn mắt Mẹ nhìn thấy, để ngàn tay Mẹ giang rộng, che chở.
Đúng 6 giờ 30 chiều thứ sáu 27 tháng 3 năm 2009, ba hồi chuông trống Bát Nhã cử lên cung thỉnh Chư Tôn Đức quang lâm tiền đường. Không ít người đã rơi lệ vì bắt được tần sóng hỷ lạc của âm thanh Bát Nhã; Cũng không ít người đã thổn thức khi chứng kiến thoắt chốc, tiền đường nhẹ nhàng vàng rực sắc áo Như-Lai, tưởng như đang đứng trên Linh Thứu, Trúc Lâm, hay Yêm La pháp hội xa xưa. Phật tử rất xúc động khi thấy những vị trưởng lão, chân đã run, mắt đã mờ, vẫn hoan hỷ chống gậy đến với Lễ Hội. Trên hàng ghế chứng-minh-sư, Phật tử nhận thấy sự hiện diện của Đại lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thượng Thủ GHPGVN trên thế giới; Trưởng lão Hòa Thượng Thích Chơn Điền, viện chủ chùa Quan Âm, Houston, Texas cùng Chư Tôn: Venerable Geshe Yeshe Phelgye, viện chủ chùa Tibetian Rinshen Ling, Houston, Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh, viện chủ TTPG chùa Việt Nam, kiêm viện trưởng tu viện Hương Nghiêm, Hòa Thượng Thích Trí Đức, viện chủ Tịnh Nghiệp Đạo Tràng, California.
Hòa Thượng Thích Trí Tuệ, viện chủ trung tâm tu học Vạn Hạnh, Virginia, Hòa Thượng Thích Hạnh Đạt, viện chủ tu viện Kim Cang, Atlanta, Georgia, Hòa Thượng Thích Tâm Vân, đến từ Los Angeles, California, hiệp cùng hơn 230 Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni đến từ khắp các tiểu bang trên đất nước Hoa Kỳ và các Châu-lục.
Trong xúc động cực kỳ còn ngẩn ngơ mộng, thực, thì hồi chuông cầu nguyện đã ngân vang, khai mạc Lễ Hội Quan Âm 2009.
Đại vũ khúc Ngàn Mắt Ngàn Tay do đoàn vũ Mitsi Dancing School trình diễn được vinh dự là tiết mục đầu tiên chào mừng Lễ Hội. Những thiếu nữ xinh tươi kia, chắc phải được may mắn tưới tẩm ánh từ-quang của Mẹ Hiền mới có thể vận dụng nghệ thuật, hóa thân ngàn mắt ngàn tay mà truyền đạt rung động tới người thưởng ngoạn đến thế.
Sau Pháp-từ khai mạc, GĐPT Linh Sơn đã cử Pháp-Cổ rộn rã cúng dường, hiệp cùng đoàn lân rực rỡ và điêu luyện của GĐPT Huyền Quang đã tạo nên không khí của trăm hoa đua nở.
Cao điểm của tối thứ sáu là Hành Hương Tam Bộ Nhất Bái. Toàn thể Phật tử hiện diện đều chăm chú nghe Thầy T. Minh Tân chỉ dẫn cách thức lễ lạy, và nhất là chuẩn bị phần tâm linh để khi cất bước và quỳ lạy theo Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, mỗi cá nhân đều chạm được luồng năng lượng nhiệm mầu của Đạo Pháp diệu kỳ.
Phút này, trời bắt đầu gió.
Vì sao thế?
Kìa, hai hàng dừa vút cao hai bên lộ trình hành hương đã gọi gió đến để được cùng Tam Bộ Nhất Bái với hàng ngàn người đang nhất tâm cất tiếng: “NAM MÔ ĐẠI BI QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT”. Những lá dừa lả ngọn mềm mại, uyển chuyển theo từng cơn gió, quyện tiếng chuông ngân khi lạy xuống, tiếng khánh điểm khi đứng lên, là sự cảm thông tuyệt diệu giữa người và vạn hữu. Cứ ba bước trang nghiêm, chậm rãi cùng niệm NAM MÔ ĐẠI BI QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, đại chúng lại cùng năm vóc sát đất, sụp lạy trên nền gạch mát rượi, cảm nhận hương-từ đang thẩm thấu khắp châu thân.
“Mẹ ơi, chúng con đã lên đường hành hương. Chúng con đang tìm về Quê Hương Tâm Linh. Quê hương đó là cội nguồn của sự sống, là Trái Tim Từ Bi của Mẹ. Chúng con xin đem cả thân mạng tu tập, lễ lạy trong cuộc hành hương này mà cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.”
Rồi, chẳng phải chỉ hàng dừa cao gọi gió để được múa hát theo những bước Tam Bộ Nhất Bái mà dẫy đèn lồng muôn mầu rực rỡ, ngàn cây trong khuôn viên rộng lớn của chùa Việt Nam cũng bắt chước gọi gió để sắc mầu lung linh theo hương thơm của lá hoa len lỏi giữa những tà y vàng phơ phất, cúng dường phần tinh khiết nhất của nhụy hoa, búp lá.
Nên gió thoảng, y bay, mà phảng phất Ngũ-Phần-Hương bát ngát …
Khi tới chân cầu Hương Thủy, đoàn hành hương đều lần lượt nhận hoa đèn rồi đứng quanh bờ hồ. Giòng nhạc “Nhành dương cứu khổ” cất lên khi hoa đăng được từ từ thả xuống mặt hồ. Rồi, muôn trái tim hướng về tôn tượng Mẹ Quan Âm, khi lời cầu nguyện tha thiết dâng lên
“Nam Mô Tầm Thanh Cứu Khổ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát,
Từ dưới chân tôn tượng Mẹ Hiền Quan Âm, chúng con, trong cuộc hành hương tìm về Trái Tim Từ Bi – cội nguồn của sự sống – xin chắp tay với tất cả tấm lòng ngưỡng vọng mà cầu nguyện:
Xin Mẹ hiện thân cho chúng con nương tựa. Xin cho chúng con được Pháp-thuyền đưa về nơi an ổn. Ngàn mắt sáng soi, xin soi cho chúng con nhìn ra sự thực giữa bao huyễn ảnh của cuộc đời. Ngàn tay cứu độ, xin độ cho chúng con vượt qua biển khổ trùng trùng của nghiệp báo oan khiên.
Kính lạy Mẹ Quan Âm,
Xin cho kẻ đói được cơm, người đau được thuốc, trẻ thơ được sữa. Xin cho không còn ai nuôi ác tâm làm người khác phải khổ đau. Xin cho người người sống với nhau trong tình huynh đệ bao la, cho tự do thay áp bức, tình thương thay hận thù…”
Tiếng hát của các ca-sỹ Phật tử tuần tự cất lên theo gió, chan hòa bàng bạc không gian:
“Mẹ là Phật, đại nguyện hóa thân.
Mẹ là Hoa, hoa đẹp tuyệt trần
Mẹ là Nước, nước nguồn vô tận
Cuộc đời Mẹ chỉ biết hiến dâng ….”
Trong gió lạnh, chuông trống Bát Nhã lại vang lên ấm áp để cung tiễn Chư Tôn Thiền Đức trở về hậu liêu giữa tiếng niệm Bổn Sư Thích Ca của đông đảo Phật tử dọc hai bên lộ trình, kết thúc ngày đầu Lễ Hội.
Một ngày sẽ không như mọi ngày nếu chúng ta đủ tỉnh thức sống trong chánh niệm với phút giây hiện tại, vì mỗi sát na trôi qua là mỗi mới mẻ. “Không ai tắm hai lần trên một giòng sông” vì dù vẫn giòng sông ấy nhưng khi ta xuống lần thứ hai thì không còn là nguồn nước trước nữa. Vì thế mà đời sống của người tỉnh thức vô cùng giầu có, bởi đã sống thật đầy trong mỗi phút giây.
Ngày đầu của Lễ Hội Quan Âm trôi qua. Hàng ngàn tấm lòng đã đồng tâm đồng nguyện, thể hiện qua nụ cười hỷ lạc, qua giọt lệ tuôn trào, vô ngôn mà bất tận, đã như giòng sông thinh lặng mà mạnh mẽ, tiếp nối mạch nước Từ Bi tới “Đạo Tràng Linh Hiển Ngàn Mắt Ngàn Tay” là phần nghi lễ đầu tiên trong ngày thứ hai của Lễ Hội.
Vẫn những nghi thức trang nghiêm và cực kỳ thanh tịnh khi cung nghinh Chư Tôn Thiền Đức quang lâm, gây ấn tượng đậm nét về hình ảnh tăng đoàn theo bước chân Phật khi xưa; trong không khí tinh khôi của ngày mới, tiếng hô chuông cầu nguyện vang lên có sức mạnh mời gọi muôn loài, vạn hữu lắng nghe:
“Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gởi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn”
Chánh điện vàng rực sắc áo Như-Lai và tràng lam Phật tử, cùng ngồi bên nhau, cùng cất tiếng tụng Đại Bi, Bát Nhã, Phổ Môn để không ai hiện diện mà không cảm nhận năng lượng Từ Bi đang thấm vào từng tế bào, từng hơi thở. Những chủng tử này đã rơi vào tàng thức, sẽ trở thành xương da máu thịt. Như kẻ-cùng-tử trong kinh Pháp Hoa, đã mang huyết thống của người cha giầu có thì chỉ cần nhận biết bản chất mình, là đang từ thân phận ngỡ bần hàn sẽ lập tức thăng hoa.
Khuôn viên chùa Việt Nam trong ngày thứ hai của Lễ Hội tràn ngập tiếng chào hỏi, hàn huyên khi Hội Lễ Dân Gian được khai mạc. Các gian hàng dựng trên lề cỏ mang mọi sắc thái đặc thù văn hóa dân tộc đều tưng bừng đón tiếp khách hành hương. Từ thư pháp, vật lưu niệm, trò chơi dân gian đến hàng quán ẩm thực thơm lừng nơi nào cũng đều đông đảo, rộn rã.
Riêng tôi, đã dừng lại không biết bao lần ở gian hàng trưng bày những chậu bonsai nho nhỏ. Đó là gian hàng của ni-viện Viên Thông. Nhìn cách trang trí đơn giản nhưng đầy nghệ thuật, tôi dám chắc đây là bàn tay của người đã tạo tôn tượng Mẹ Quan Âm hùng vĩ ngoài kia.
Bàn tay điêu khắc cùa sư-cô Viên Thuận.
Khen ngợi, tán thán sư-cô ư?
Không cần! Hoặc không bao giờ đủ, vì ngôn ngữ thế gian không thể ước định giá trị Tâm Linh. Biết thế, mà tôi vẫn không dằn nổi, để lại vụng về bộc phát đôi lời ngưỡng mộ sư-cô và nhận được bài học Vô Ngã đầy xúc tích:
– Tôi có gì đâu! Chỉ đôi bàn tay!
Trời hỡi, quả thật sư – cô có gì khác chúng ta đâu! Chỉ đôi bàn tay, nhưng là đôi bàn tay tạo nên tôn tượng Mẹ Quan Âm đã được hàng trăm ngàn người tìm về ngưỡng nguyện; là đôi bàn tay Việt Nam tạo nên biểu tượng trên thành phố xứ người.
Vì tôn tượng ấy không chỉ là tác phẩm bằng xi măng, sắt, đá của điêu khắc gia Mai – Chi.
Vì tôn tượng ấy đã được sáng tạo bằng trọn vẹn Thân, Tâm, Ý của một Phật tử.
Vì sự mầu nhiệm không thể nghĩ bàn nên ngay sau khi những đường nét cuối cùng vừa gọt dũa xong thì cô Mai-Chi đã trở thành sư – cô Viên Thuận.
Lành thay! Lành thay!
Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!
Phật tử về tham dự Lễ Hội đều có chung một cảm tưởng của những đứa con đói khát lâu ngày, nay trở về nhà được thỏa lòng, mặc sức thưởng thức các món ngon tràn ngập trên bàn ăn thịnh soạn. Ăn không biết no, uống không biết chán. Suốt hai ngày tiếp nhận đầy ân sủng tinh thần lẫn vật chất mà tối nay, thứ bảy 28 thảng 3 năm 2009 mới là Lễ Chính Thức, làm sao mà khách hành hương không cảm thấy ngập tràn an lạc!
Rừng búp tay sen nở hoa suốt dọc hai bên lộ trình từ tiền đường tới hồ Hương Thủy trong tiếng niệm Đức Bổn Sư của Phật tử cung nghinh Chư Tôn Thiền Đức tiến lên Lễ Đài đã làm xôn xao những bầy chim đang bay về tổ. Tiếng trống rộn rã của đoàn lân, sắc mầu rực rỡ của đoàn tiến lọng, đoàn dâng hoa, tạo nên tuyệt tác phẩm linh động mà mỗi cá nhân hiện diện đều là một họa sỹ góp mầu sơn và nét cọ riêng mình để họa phẩm đêm nay sẽ thập phần hoàn hảo.
TỪ NHÃN THỊ CHÚNG SINH.
Bằng đôi mắt từ – ái, Mẹ đang nhìn xuống các con, không bỏ sót một ai.
Bằng đôi tai từ – bi, Mẹ đang nghe các con kêu thương, không bỏ sót một ai.
Bằng đôi tay cứu – độ, Mẹ đang giang rộng che chở, không bỏ sót một ai.
Tiếp nhận ân sủng vô lượng này, trước tôn tượng Mẹ, chúng con xin thắp sáng ngọn Lửa Từ Bi, chắp tay khẩn thiết cúng dường.
“ … Đó là ngọn lửa cháy tỏa như vầng hào quang từ Kim Thân Đức Phật đã một lần trong lịch sử loài người, soi sáng thế gian. Đó là ngọn lửa của Bồ Tát Diệm Nhiên Vương, một hóa thân của Mẹ Hiền Quan Âm, đã tỏa sáng trong chỗ tận cùng của khổ đau. Đó là ngọn lửa của Bồ Tát Dược Vương, tự thiêu đốt thân mình như thiêu đốt bản ngã vô minh để thành tựu hạnh tối thượng cúng dường lên Như-Lai. Đó cũng là ngọn lửa của Bồ Tát Quảng-Đức và của bao vị Bồ Tát vị pháp thiêu thân đã hơn một lần rực sáng trên quê hương Việt Nam giữa những tham tàn độc ác của người với người. Những ngọn lửa ấy không kêu gọi hận thù mà chỉ kêu gọi tình thương và làm nên sự sống an bình cho tất cả.
Đó chính là ngọn lửa Trí Tuệ, ngọn lửa Từ Bi.
Nguyên xin cho ngọn lửa Trí Tuệ và Từ Bi ấy, hôm nay tỏa sáng trong tâm mỗi người và khắp nơi trên mặt đất này.
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.”
Một ngàn bong bóng đủ mầu sặc sỡ đã nhẹ nhàng, uyển chuyển bay lên bầu trời thơm nồng Hương Từ – Bi, bay ngang quấn quít tôn tượng Mẹ như thành kính tạ ơn trước khi khuất dần trong màn đêm sẫm tối.
Hơn 230 Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni khắp năm châu về tham dự.
Rất nhiều phái đoàn, trong đó có những phái đoàn từ xa như phái đoàn Phật từ chùa Vạn Hạnh đến từ Hòa Lan; phái đoàn Phật tử chùa Phật Quang đến từ Thụy Điển; hai phái đoàn Phật tử đến từ Pháp; 5, 6 phái đoàn Phật tử đến từ Canada và nhiều phái đoàn Phật tử đến từ khắp các tiểu bang trong nội địa Hoa Kỳ….
Khách hành hương tham dự hai ngày Lễ Hội được ước tính là trên mười hai ngàn người.
Những con số được ghi nhận này, tự nói lên thành quả của Lễ Hội Quan Âm 2009 với chủ đề “Ngàn mắt Sáng Soi” vừa viên mãn tại Trung Tâm Phật Giáo, chùa Việt Nam, thành phố Houston, tiểu bang Texas trong hai ngày 27 và 28 tháng 3 năm 2009.
NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI TẦM THANH CỨU KHỔ CỨU NẠN, QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.
Độc-Cư-Am, tháng ba 2009