Trang chủ PGVN Cửa thiền Mơ ước về một ngôi niệm Phật đường cho buôn làng

Mơ ước về một ngôi niệm Phật đường cho buôn làng

60

Chúng tôi đến chùa Phước Huệ, văn phòng của Ban Đại diện Phật giáo huyện Bảo Lộc vào một chiều đẹp trời. Thượng toạ Thích Thái Thuận, Chánh đại diện đã tiếp chúng tôi trong tình thân mật, đầy đạo vị. Thượng toạ cho biết, Bảo Lộc có khoảng 10.000 Phật tử (đã quy y Tam Bảo), trong đó có nhiều Phật tử là người dân tộc thiểu số.


 


Thượng toạ đã đưa chúng tôi đến thăm một trong những cơ sở trường tình thương do Thượng toạ chủ trương cách chùa Phước Huệ khoảng 2km. Tại đây chúng tôi đã gặp những bà con Phật tử người dân tộc Châu Mạ và một trong những gương mặt hoạt động tích cực vì sự an bình của buôn, đó là chàng thanh niên, Phật tử năng nổ K’wếu, 29 tuổi, quy y Tam bảo từ năm 1995, pháp danh là Nhuận Trung.


 


Mặc dù là con trai út trong một gia đình nhiều anh chị em, nhưng K’wếu là người năng nổ nhất, năng nổ trong các hoạt động vì lợi ích của bà con buôn làng. K’wếu được đi học, học xong trung cấp sư phạm và hiện nay đang theo học chương trình đại học từ xa chuyên ngành giáo dục.


 


Là một thanh niên có tính tình điềm tĩnh, K’wếu được đi học, được tiếp xúc nhiều với các cộng đồng ngoài buôn làng mình. K’wếu cũng đã từng đi nhà thờ, đã từng tham gia học các lớp giáo lý do nhà thờ tổ chức, nhưng chàng trai trẻ này vẫn cảm thấy có một điều gì đó chưa phù hợp với nhu cầu về đời sống tâm linh của mình. Năm 1995, trong những lần đi ngang qua ngôi chùa Phước Huệ, cậu thanh niên K’wếu đã thử bước chân vào, một thời gian sau thấy hợp rồi tự nguyện quy y, được “Ôn”-cách gọi Thượng toạ Thái Thuận của K’wếu- nhận làm đệ tử. Mối quan hệ giữa “Ôn” với K’wếu và buôn Sôven trở nên thân thiết hơn từ đó.


 


Sau khi đến với chùa, K’wếu đã khuyến khích nhiều bà con trong buôn quy y Phật. Buôn Sôven có 65 hộ với khoảng hơn 300 nhân khẩu. Bà con sống bằng nhiều nghề. Nương rẫy không còn nhiều để làm, nhiều bà con phải đi làm thuê, làm mướn; trẻ em thì đi bán dạo, nhiều người chưa biết đọc biết viết. Buôn làng ban ngày vắng hoe, hầu như chỉ còn người già.


 


Từ khi quy y Phật, quy y với “Ôn”, K’wếu cảm thấy rất hạnh phúc, đạt nhiều ích lợi trong đời sống, không bị ép buộc phải làm điều gì và việc tu học cũng không cản trở các hoạt động thường, K’wếu đã nói lại với bà con, nhiều bà con cũng đã theo. Đến nay, 32 hộ ở buôn Sôven đã quy y Tam bảo, quy y “Ôn” ở chùa Phước Huệ.


 


K’wếu đã học được cái chữ, và thấy lợi ích của nó nên muốn dạy lại cái chữ cho bà con của mình. Năm 1998, với sự hỗ trợ của Ôn, ngôi trường tình thương đã được dựng lên, ở khu đất dưới con dốc sau nhà K’wếu. Trẻ con học, người già cũng đến học, phụ nữ cũng học… Ban ngày trẻ con học, ban đêm người lớn học… Lớp tình thương được duy trì từ đó cho đến bây giờ. Hiện nay lớp học có 18 em nhỏ, tuổi từ 13 đến 18, gồm 2 lớp: lớp Ba và lớp Năm.


 


“Từ ngày theo Ôn, theo Phật, việc ma chay, cưới hỏi được Ôn hướng dẫn, bà con trong buôn làng đã ý thức bỏ bớt rượu, bỏ bớt những việc sát sinh. Đi theo Phật là tự nguyện, không ai ép buộc”, K’wếu tâm sự.


 


K’wếu vừa lo cho bà con, vừa dạy theo diện hợp đồng tại Trường Lam Sơn, phân hiệu B, lại vừa là Bí thư Chi đoàn 4 của phường B’Lao và Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Thị đoàn Bảo Lộc nên công việc rất bận rộn. Trên bức tường màu xanh của ngôi nhà mới xây còn mùi vôi, tôi thấy treo nhiều bằng khen. Tôi hỏi K’wếu: “Việc đi chùa, khuyến khích bà con đi chùa, theo Phật có bị tổ chức khiển trách hay không?”. K’wếu tâm sự: “Ban đầu lãnh đạo cũng có nhắc, nhưng khi họ hiểu theo Phật là tốt cho buôn làng, không bắt buộc phải làm thế này thế nọ, nên rồi cũng không còn khó khăn gì. Theo Phật làm người mình tốt. Lâu mọi người hiểu lòng mình, hiểu đạo Phật, hiểu chùa…”


 


“Hiện nay, K’wếu có ước mơ gì lớn nhất?”, tôi hỏi. “Ước mơ là có được một cái chùa cho người trong buôn đến lễ Phật tụng kinh, K’wếu thổ lộ. Bởi dù là người Phật tử, nhưng người dân Châu Mạ ở đây vẫn chưa hoà được với nghi thức tụng kinh ở chùa, chữ đọc cũng chưa rành nhiều, nên dù muốn đi chùa, muốn tụng kinh, lễ Phật, họ vẫn còn ngại lắm.


 


Những lúc dân trong làng muốn tụng kinh, họ tập trung tại nhà của K’wếu, trong ngôi nhà mới xây dành riêng phòng trước để thờ Phật, thờ ông bà và người cha đã khuất núi. K’wếu cũng mong muốn sẽ dịch một số bài kinh tụng ra tiếng dân tộc Châu Mạ để bà con dễ đọc tụng hơn, mong muốn cả buôn đi theo Phật, theo chùa…


 


K’wếu cũng tâm sự, muốn khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm của bà con trong buôn, để đời sống được nâng lên chút nữa và ổn định hơn. Mong sao có một “đầu ra” cho bà con yên tâm, người lớn có công ăn việc làm ổn định, đỡ phải làm thuê với thu nhập thất thường; trẻ con được đi học chứ không phải lang thang bán dạo…


 


Cảm khái với người thanh niên Phật tử Châu Mạ năng nổ và nhiều ưu tư cho cộng đồng ở buôn Sôven, thay mặt toà soạn và thân hữu Tạp chí Văn hoá Phật giáo, Giáo sư Trần Tuấn Mẫn, Phó Tổng Biên tập hứa tặng K’wếu một bộ máy vi tính để K’wếu có điều kiện hơn trong công việc dạy học và dịch một số bài kinh ra tiếng dân tộc cho bà con dễ đọc tụng mỗi sớm hôm, khi lễ lạt…


 


Khi bài báo này đến tay bạn đọc, món quà trên cũng đã chuyển lên cao nguyên, đến ngôi nhà màu xanh vừa mới xây của người thanh niên năng nổ và dễ mến K’wếu. Riêng chúng tôi, rời buôn Sôven, nhưng luôn nghĩ về hình ảnh của một ngôi chùa, ngôi niệm Phật đường nhỏ, bên cạnh là ngôi trường tình thương, vang vọng lời kinh Phật bằng tiếng dân tộc Châu Mạ dưới ánh trăng rằm trong và dịu của cao nguyên…Với điều kiện kinh tế hiện nay, ngôi niệm Phật đường ấy chỉ là một ước mơ. Nhưng chúng tôi vẫn tin ước mơ đó sẽ thành hiện thực trong tương lai gần, nếu ở buôn Sôven có thêm những “K’wếu”, những gương mặt như chú tiểu Đồng Tự, Đồng Tín…và những Phật tử trẻ người dân tộc Châu Mạ như ở buôn Đăng Đừng.