Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Mối nhân duyên từ khối ngọc xanh lớn nhất Việt Nam

Mối nhân duyên từ khối ngọc xanh lớn nhất Việt Nam

93

Nhân duyên quy về cửa Phật

Làng Thổ Tang xưa và nay là thị trấn Thổ Tang có tuổi đời hơn 1.000 năm, nổi tiếng là vùng đất nhiều nghề, giỏi giao thương buôn bán, cũng là vùng đất học, nhiều người đỗ đạt cao qua các thời kỳ. Vào thời vua Lê Huy Tôn (1675- 1705), dân làng đã cho xây dựng chùa Tùng Vân. Trong chùa hiện vẫn lưu giữ nguyên vẹn nhiều bảo vật như chuông đồng, khánh đồng… và một số pho tượng bằng đất nung, trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có niên đại cách đây gần 300 năm. Khác với kiến trúc của nhiều ngôi chùa trong vùng, chùa Tùng Vân được xây dựng gồm bảy gian, hai dĩ với hệ thống kết cấu hàng trăm cột gỗ và đá.

Cách chùa Tùng Vân hơn 100km về phía Tây Bắc – vùng đất Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vốn nổi tiếng với các loại đá, ngọc quý. Từ các thời vua, chúa trước đây, người dân các nơi đã đổ về đây tìm kiếm đá quý. Tuy nhiên, khối ngọc xanh kỷ lục phải đợi đến đầu thế kỷ 21 mới được tìm thấy. Năm 2009, một phật tử của chùa Tùng Vân, cũng là người con của quê hương Thổ Tang trong lúc tìm kiếm đá quý ở Văn Chấn đã tỉnh cờ phát hiện ra khối ngọc xanh có chiều cao 3,3 m, rộng 2,1m, dày 1,2m, nguyên khối nặng khoảng 20 tấn. Việc phát hiện nguyên khối ngọc xanh có trọng lượng lớn lên đến hàng chục tấn với rất ít tì vết đã gây ngạc nhiên cho giới nghiên cứu và kinh doanh đá quý trong nước. Đây được cho là khối ngọc lớn, quý hiếm nhất từ trước đến nay trên vùng đất Yên Bái. Trị giá của khối ngọc vào thời điểm tìm thấy tuy không được chủ nhân công bố, nhưng vẫn được dân buôn bán đá quý đồn rằng: Có thương nhân đã trả hàng trăm tỷ đồng cho khối ngọc. Tuy nhiên với tâm sức, lòng thiện tâm của mình, người tìm thấy khối ngọc đã phát tâm hiến khối ngọc xanh cho chùa Tùng Vân với tâm nguyện: Dùng khối ngọc tạc thành tượng phật ngọc để phật tử và người dân chiêm bái được muôn đời.

Tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni

Lập kỷ lục Việt Nam

Ngay sau khi tiếp nhận khối ngọc, nhà chùa đã mời những nghệ nhân giỏi nhất chuyên tạc tượng Phật về để chế tác. Dựa trên nguyên mẫu pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cổ, nhóm nghệ nhân đã cần mẫn, tỉ mỉ điêu khắc. Mỗi chi tiết mỹ thuật chạm khắc đều thể hiện được sự diệu dụng và thần sắc của Đức Phật (phần lộ ra bên ngoài) đúng với mô tả về 32 tướng tuyệt hảo trong Kinh Phật. Sau hơn 3 tháng miệt mài làm việc, đúng vào dịp cả nước kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhóm nghệ nhân đã hoàn thành bức tượng Phật. Lúc này bức tượng Phật có chiều cao 3m, nặng khoảng 10 tấn, mang vẻ đẹp sáng bóng dịu mát của màu xanh rất gần gũi với tâm nguyện hàng ngày mỗi người dân Việt Nam – luôn hướng tới sự thanh bình!

Sau khi tạc pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, khối ngọc xanh còn lại tiếp tục được các nghệ nhân tạc bức tượng Phật Bà Quan Âm, nặng khoảng 5 tấn. Bức tượng Phật Bà Quan Âm cũng được tạc tinh xảo, kết tụ tinh hoa, tâm huyết của nghệ nhân, giúp phật tử cảm nhận được cái “thần” khi chiêm bái.

Đại đức Thích Nguyên Cao, Trụ trì chùa Tùng Vân cho biết: Với trọng lượng gần 10 tấn, pho tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni đã được Kỷ lục Guinees Việt Nam xác lập là pho tượng Phật được tạc bằng ngọc nguyên khối lớn nhất; Pho tượng Phật ngọc do nghệ nhân Việt Nam điêu khắc lớn nhất.