Trang chủ Quốc tế Một cuộc sống tự tại cho nữ tu trong thiền viện

Một cuộc sống tự tại cho nữ tu trong thiền viện

516

Hai cô gái nhỏ là chị em của nhau, tuổi từ bốn đến sáu, mỗi người ngồi yên lặng trên một cái bồ đoàn có kích thước nhỏ dành cho trẻ em là khách đến thăm thiền viện. Nghiêng mình về phía trước, hai chị em chăm chú lắng nghe ni sư Ajahn Vayama, trụ trì cùa thiền viện kể về lai lịch của ngôi chùa.

Lâu lắm rồi. chính xác là vào năm 1998, một cặp vợ chồng giàu vừa mới có đứa con đầu lòng, con gái. Cặp vợ chồng mới được làm cha, làm mẹ này quyết định cúng dường một khoản tiền lớn và mua một khu đất để xây một thiền viện dành cho các nữ tu Phật giáo để một ngày nào đó nếu con gái của họ muốn trở thành một nữ tu thì cô ta có thể tu tập ở gần nhà, không cần phải sang châu Á.
 
Nhìn xuống các cô bé và mĩm cười, ni sư Ajahn Vayama nói, “Bây giờ các con có thể không muốn trở thành các nữ tu, không ai muốn như vậy cả, nhưng nếu các con có sự lựa chọn như vậy, điều ấy thật là quan trọng.”
 
Ai biết được tương lai của mình ra sao chứ? Nhưng chắc là nên thơ lắm nếu những đứa trẻ chọn tăng đoàn, vì chúng sẽ là hậu duệ của ni đoàn Phật giáo Sri Lanka.
 
Nói một cách khác, những cô gái nhỏ này sẽ là những cô con gái thời nay của Shanghamitta, trưởng lão ni vĩ đại (đã thọ đại giới), người vào năm 250 trước công nguyên từ Ấn Độ đã đem những người phụ nữ đã thọ giới trong dòng tộc của mình sang Sri Lanka, nơi ni đoàn đã phát triển mạnh cho đến khi chiến tranh và nạn đói vào khoảng năm 1.100 đã ngẫu nhiên làm cho hoạt động của ni đoàn bị gián đoạn. Trước đó, hội Phật giáo Sri Lanka đã là một tổ chức với cơ cấu  gồm bốn thành phần: người đã xuất gia nam và nữ, và cận sự nam và nữ (hay còn gọi là cư sĩ nam và nữ) theo đúng như mô hình giáo hội nguyên thủy mà Đức Phật đã thiết lập vào thời Ngài còn tại thế.
 
Căn cứ theo mô hình giáo hội của Đức Phật, hội Phật giáo Tây Úc (BSWA) kể từ khi bắt đầu hoạt động vào đầu thập niên 1970 đã nuôi dưỡng ý định xây dựng các tu viện cho cả nam và nữ tu sĩ. Ngày nay, tổ chức này hổ trợ cho thiền viện Bodhinyana- nơi dành cho các nam tu sĩ theo truyền thống tu tập trong rừng của Thái, dưới sự hướng dẫn của ngài Ajahn Chan-  và thiền viện Dhammasara dành cho nữ tu sĩ. Được thiết lập vào năm 1998, thiền viện này được xem như là chi nhánh của thiền viện Bodhinyana.
 
Mục đích của BSWA khi xây dựng Dhammasara là cung cấp một nơi tu tập cho phụ nữ đã thọ giới, được huấn luyện trở thành những tu nữ chính thức sống trong thiền viện cũng như cho những nữ cư sĩ muốn đến tu tập trong môi trường của một thiền viện. Vào thời gian thiền viện đang được thành lập, theo truyền thống của Thái, chẳng có triển vọng gì cho phép phụ nữ được thọ giới tỳ kheo ni, vì vậy hình thức truyền giới tại Dhammasara dành cho phụ nữ lúc bấy giờ là sa di ni-  nữ tu giữ 10 giới và mặc y màu nâu-. Ni sư người Úc Ajahn Vayama, đã thọ giới sa di ni và tu tập 10 năm tại Sri Lanka và một năm sau đó tại thiền viện Amaravati tại Anh (một chi nhánh của thiền viện do ngài Ajahn Chah thành lập) được mời làm trụ tri vào cuối năm 1997.
 
Sau khi đã cân nhắc kỹ,Dhammasara được quyết định thành lập như một tu viện dành cho nữ tu sĩ và sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập và tách biệt khỏi tu viện dành cho nam tu sĩ. Ni sư Ajahn Vayama giải thích, “ Điều này có nghĩa rằng chúng tôi sẽ không dựa vào chư tăng trong những phương diện như dạy dỗ, hổ trợ tài chánh cũng như hoạch định  kế hoạch, phương hướng cho sự hoạt động và phát triển của tu viện. Các nữ tu tự mình quyết định mọi việc và hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc xây dựng và quản lý thiền viện. Chúng tôi luôn nhận được sự hổ trợ và hợp tác lớn từ chư tăng, đặc biệt là từ Ajahn Brahm (trụ trì thiền viện Bodhinyana), nhưng chúng tôi phải tự lập.
 
Hoạt động độc lập là nét nổi bật của Dhammasara. Trong hầu hết mọi trường hợp, ở cả phương Tây và Thái Lan, các nữ tu thường sống chung với chư tăng trong cùng một thiền viện – trong khu vực dành riêng cho họ như những tỳ kheo ni – và thường phải tuân theo sự chỉ đạo của chư tăng, nhất là khi vị trụ trì là một vị tỳ kheo đáng kính. Ở phương Tây, cũng có những tu viện và thiền viện độc lập nhỏ có một hoặc hai nữ tu sống trong đó, tuy nhiên Dhammasara là nơi duy nhất được thành lập như là một thiền viện chính thức dành cho các nữ tu sĩ Phật giáo tu học.
 
Mặc dù việc xây dựng không phải luôn dễ dàng vì phải làm việc vất vả và chịu đựng gian khó trong hơn 10 năm, Dhammasara đã chứng tỏ rằng nó có thể tự đứng vững và tìm thấy hướng đi của mình, Trong những ngày đầu, ni sư Ajahn Vayama là một nữ tu mở đường cô độc, sống trong một nhà lưu động bên đám rừng cây bụi hoang của Úc. Ngày nay, cộng đồng trong thiền viện đã phát triển gồm bốn (có lúc năm) tỳ kheo ni, ba sa di ni cùng với số cư sĩ cũng như số tu người đến tu tập tại thiền viện khi tăng, khi giảm. Với sự giúp đỡ của các cư sĩ, đường sá, lều (kutis), và một tòa nhà trung tâm sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau cùng với một số cơ sở hạ tầng đã được xây dựng. Tuy nhiên phần lớn của khu đất trải rộng gần 6 hectares vẫn được giữ gìn một cách chu đáo dưới tình trạng tự nhiên, tinh khôi của nó.
 
Đi bộ trên những con đường đất, ta có thể nghe tiếng chim gọi nhau và tiếng động vật chạy sột soạt trong bụi rậm một cách huyền bí. Ít huyền bí hơn là những chú cănguru (kangaroos) chạy vụt quanh các khỏang sân rộng và đôi khi trâng tráo đến gần khu nhà bếp để tìm thức ăn thừa. Đồng thời ta cũng có thể thấy những chiếc kutis rộng được dựng trên các thảm cỏ lá nhọn của Úc quanh những cây cao, xòe tán lá dày, xanh ngát. Sự đơn giản tràn ngập trong không khí thiên nhiên đem sự lại cho tâm ta sự an bình thật kỳ diệu.
 
Thật hiếm tìm thấy một khung cảnh như vậy cho phụ nữ, nơi họ có cùng một điều kiện vật chất để tu tập như nam giới được tu tập trong các thiền viện ở trong rừng: sống ẩn dật và bao quanh bởi thiên nhiên – cả hai yếu tố này đều rất có lợi cho việc hành thiền. Các nữ tu mỗi người sống riêng trong một kutis, và ngay cả những cư sĩ đến thăm thiền viện lâu ngày, họ cũng có thể sống trong những kutis này, nếu họ sẵn sàng. Không giống như các thiền viện dành cho nam tu sĩ, nơi mà các nữ tu sĩ bị hạn chế đến những nơi công cộng và chỉ được dành cho một khu vực, thường là nhỏ, để sinh hoạt, tại Dhammasara, cư dân nữ có thể đi lại một cách tự do trên những cái sân rộng mênh mông.
 
Một sự khác biệt khác theo kinh nghiệm của những cư sĩ nữ đã từng lưu lại tại Dhammasara khi so sánh nó với một thiền viện dành cho nam tu sĩ là có cơ hội để tham dự vào các sinh hoạt của cộng đồng một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn và vì vậy có thể cảm nhận được kinh nghiệm cuộc sống trong thiền viện một cách đích thực.
Một nữ cư sĩ sống tại Dhammasara hơn một tháng nói, “ Tôi cảm thấy như thể tôi là một phần thực sự của cộng đồng, chứ không phải chỉ là một nữ cư sĩ lúc nào cũng phải thận trọng giữ khoảng cách với nam tu sĩ và điều này thật tuyệt. Trước hết, tôi thấy thoải mái hơn, nhưng đồng thời tôi cũng thấy mình bị ràng buộc với các sinh hoạt của thiền viện hơn. Tôi phải học và tuân theo nội quy của cộng đồng. Tất cả những điều này làm cho tôi thấy rằng mặc dù tôi chỉ là một cư sĩ đến thăm thiền viện nhưng trong một chừng mực nào đó tôi thấy mình giống một nữ tu, điều này tôi nghĩ là rất hữu ích cho việc tu tập của tôi.”
 
Trong công cuộc phát triển Dhammasara, ni sư Ajahn Vayama rất coi trọng việc xây dựng một lề lối sống và tu học trọn thời gian trong thiền viện bao gồm làm những công việc hàng hàng trong thiền viện và tuân theo nội quy của thiền viện. “Lề lối này thực sự quan trọng vì nó thường xuyên thử thách bạn trong việc tập bỏ đi lối sống giả tạo, cho dẫu sống giả tạo không phải là sở thích của bạn hoặc bạn chỉ sống như vậy trong một lúc nào đó. Lề lối khiến cho bạn phải làm việc liên tục để gột rửa những bợn nhơ trong tâm của bạn”.
 
Giống như tất cả các thiền viện khác, một ngày tại Dhammasara bắt đầu từ lúc rạng đông. Hành thiền theo nhóm hai tuần một lần bắt đầu vào lúc 4g30 trong khi những ngày khác trong tuần thì mỗi người phải tự hành thiền một mình, việc này  đòi hỏi người tu phải kỷ luật cá nhân cao. Tiếp sau đó là một bữa ăn sáng đơn giản và họp nhóm để bàn về các vấn đề quản trị trong thiền viện hoặc đôi khi là một cuộc thảo luận sinh động về giáo pháp.
 
Sau buổi làm việc sáng, các cư sĩ đến để cúng dường bữa ăn chính và các nữ tu thuyết cho họ nghe một bài pháp ngắn. Sau bữa ăn, ni trưởng sẵn sàng nói chuyện với cư sĩ. Một khi các cư sĩ rời thiền viện và công việc dọn dẹp đã xong thì các tu nữ được tự do theo đuổi việc học hỏi giáo pháp hay hành thiền. Việc nhóm họp vào buổi tối thì tùy chọn, nhưng hầu hết ai cũng sẵn sàng cho cơ hội đến với nhau như một cộng đồng và nói chuyện thân mật với nhau. Một nữ cư sĩ khác đã sống tại cả hai thiền viện dành cho nam và nữ tu sĩ nhận xét, “Tôi thích ở đây là vì bạn có thể ngồi và nói chuyện với các nữ tu. Thật quan trọng khi có những người bạn tinh thần và bạn có thể trao đổi giáo pháp với họ.”
 
Tu tập không phải chỉ hành thiền mà còn phải lao động để duy trì thiền viện
 
Hai tuần một lần, có một cuộc hành thiền theo nhóm vào buổi tối, tụng kinh và thuyết pháp. Thỉnh thoảng thiền viện có mở một lớp học kinh một buổi sáng một tuần. Thiền viện cũng có một thư viện với rất nhiều sách và băng thuyết pháp. Các tu nữ và cư sĩ vì vậy có thể hổ trợ cho nhau trong việc học hỏi giáo pháp.
Việc giảng dạy được theo một cách nào đó được thiết kế đặc biệt cho phụ nữ. Thí dụ, một bài kinh được chọn lựa để nghiên cứu kỹ là bài kinh với đề tài về những tỳ kheo ni A la hán đệ tử của Đức Phật và mỗi người đã tự tuyên bố sự giác ngộ của mình ra sao. Nó được nêu bật và giúp cho những người tham dự có cơ hội nhìn sâu vào sự thành tựu tinh thần của nữ giới, điều này rất hiếm khi được đem ra thảo luận chi tiết tại các buổi giảng dạy ở các thiền viện dành cho nam tu sĩ.
Một phụ nữ chỉ ni sư Seri, một trong số các nữ tu và nói rằng, việc được học hỏi từ một người thầy là phụ nữ rất tiện lợi vì  “ni sư  hiểu tâm trí của người phụ nữ ra sao. Ni sư  đã làm qua những gì mà tôi đang làm trước đó.”
 
Cư sĩ cũng có lợi từ những sự giảng dạy định hướng cho phụ nữ mà các nữ tu dành cho họ. Mặc dù thiền viện dành cho nam tu sĩ đã được xây dựng lâu hơn rất nhiều, nhưng nhiều cư sĩ chọn vừa đến tu viện dành cho nam tu sĩ vừa đến Dhammasara hoặc chỉ đến Dhammasara mà thôi.   Cherry Jackson, một thí chủ có “thâm niên” của cả hai thiền viện nói, “ Chúng tôi có thể nói chuyện với các tu nữ, phụ nữ với phụ nữ. Chúng tôi có thể thảo luận những chuyện mang tính cá nhân nhân hơn và họ có thể cho chúng tôi lời khuyên, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến phụ nữ.”
 
Yennie Tan, một thí chủ khác của cả hai thiền viện, nói rằng cô ta thích đến Dhammasara vì ở đó cô ta có thể giúp được cho các nữ tu nhiều hơn. Cô nói, “Với chư tăng, việc làm của chúng tôi bị giới hạn rất nhiều. Nhưng với các nữ tu, tôi có thể làm những việc như lái xe đưa họ đến chỗ họ cần đến. Và khi ở trong ô tô, chúng tôi có thể nói chuyện thân mật với nhau. Tôi thường kể chuyện cho họ nghe một cách dễ dàng và tôi thấy thoải mái, bởi vì phụ nữ nhạy cảm hơn.”
 
Thật ra, ở một số phương diện nào đó, đàn ông thấy dễ dàng hơn khi nói chuyện với các nữ tu ngay cả bất chấp việc quy định phải có một người phụ nữ đi kèm khi họ nói chuyện với các nữ tu giống như phụ nữ cần phải có một người đàn ông đi kèm khi nói chuyện với nam tu sĩ. Ni sư Ajahn Vaya nhận xét,” Nhiều người đàn ông cảm thấy họ có thể nói các vấn đề mang tính cá nhân và nhạy cảm hơn đối với chúng tôi. Có thể là họ không muốn bị thấy mình quá “mềm yếu” đối với các nam tu sĩ, nhưng họ lại không ngại để lộ sự mềm yếu đó của khi nói chuyện với một vị thầy là phụ nữ.”
 
Một sự đóng góp quan trọng nữa của các nữ tu là có thể làm kiểu mẫu thể hiện vai trò tích cực của nữ giới, đặc biệt cho các cô gái và phụ nữ trẻ.
 
Ni sư Ajahn Vayama nói, “Giá trị của thiền viện dành cho tu nữ được cho phép hoạt động độc lập là chúng tôi làm gương cho phụ nữ. Là những người thầy giảng dạy giáo pháp một cách hợp pháp, chúng tôi cho thấy chúng tôi giỏi giang và có năng lực. Chúng tôi không cạnh tranh với Ajahn Brahm hoặc với chư tăng, nhưng việc sống tách biệt cho phép chúng tôi tự đánh giá về bản thân mình mà không cần phải so sánh họ.”
 
Để làm như vậy, các nữ tu cần phải truyền cho phụ nữ một điều gì đó để làm cảm hứng cho sự phát triển tinh thần của họ. Nhưng không chỉ có vậy, họ đồng thời cũng làm kiểu mẫu cho vai trò lãnh đạo trong mọi lãnh vực, chứ không phải chỉ đơn thuần là tinh thần.
 
Ni sư Ajahn Vayama chia sẻ, “Tôi được nói rằng việc có một người phụ nữ đứng trước mặt giảng dạy giáo pháp và hướng dẫn tu tập, để đưa ra câu hỏi và cúi lạy thì rất tích cực cho rất nhiểu phụ nữ và các cô gái trẻ, đặc biệt cho những cô gái học ở những năm cuối phổ thông trung học đang nghĩ về con đường sự nghiệp cảu mình và đang tự hỏi, ‘ Vì tôi là phụ nữ, tôi có thể thực sự làm được công việc đó hay không?’ Các nữ sinh ấy nói với tôi rằng họ thực sự có cảm hứng khi thấy một người một người phụ nữ, cho dẫu là tôi hay bất kỳ là một ai đó, đứng trên kia để làm chuyện đó.”
 
Thực tế, tuy vậy, cho thấy rằng trong khi cố gắng “làm được” , trong nhiều lãnh vực phụ nữ vẫn phải tự hài lòng với một số rào cản và sự bất công do sự phân biệt giới tính. Ở đây cũng vậy, ni sư Ajahn Vayama có thể cho phụ nữ lời khuyên dựa theo kinh nghiệm riêng của ni sư khi đối phó với những thử thách như vậy. Nếu một cô gái tình cờ gặp những người- đàn ông hoặc phụ nữ- không ủng hộ cô, hoặc ngay cả làm cho cô nãn lòng trong việc theo đuổi theo đuổi con đường của mình bằng cách nói rằng cô không thể làm việc đó hoặc việc đó không thể thực hiện được, ni sư Ajahn Vayama sẽ cho một lời động viên như thế này,” Con hãy tiếp tục đi con đường mình chọn, hãy ráng sức với nó”.
 
Vậy thì cho dẫu những cô gái Sri Lanka có lựa chọn trở thành nữ tu hay không, thì những gương mẫu và thông điệp mà họ đã được thấy và nghe trong thời gian họ đến thăm Dhammasara có thể đã để lại một ấn tượng trong tâm trí non trẻ của họ. Có thể nó sẽ giúp nuôi dưỡng niềm tin rằng họ có thể nhắm đến các mục tiêu cao cả và với sự quyết tâm và chăm chỉ làm việc, họ sẽ làm tốt mục tiêu là họ theo đuổi – và đồng thời nó cũng giúp cho họ gieo trồng hạt giống của niềm tin để thực hiện mục tiêu mà họ đặt ra.
 
Người dịch: Quảng Hiền
Theo: The Bangkok Post
 
Vài nét về tiểu sử của Trưởng lão Ni Shanghamitta
 
Hằng năm, vào ngày Rằm tháng Mười Một âm lịch, Phật tử khắp nơi trong đảo quốc Sri Lanka hành lễ tưởng niệm Trưởng lão ni Sanghamitta, là vị nữ tu sĩ cùng với anh trai của bà là ngài Trưởng lão Mahinda đã mang Phật giáo truyền vào đảo quốc hơn 2300 năm trước, trong triều đại vua Davanampiya Tissa. Một điều quan trọng đáng ghi nhận là khi Ngài Mahinda hoằng pháp tại vùng Anuradhapura, đa số cư sĩ lắng tâm chuyên chú thính pháp là phụ nữ, trong hàng hoàng gia lẫn hàng thường dân. Sự kiện đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, số nữ cư sĩ tham gia vào các cuộc lễ Phật giáo bao giờ cũng đông hơn số nam cư sĩ.
 

Sau khi nghe Ngài Trưởng lão Mahinda thuyết giảng, Hoàng hậu Anula, vợ của Phó vương Mahanaga, phát tâm tín thành nơi lời dạy của Đức Phật, và ngỏ ý muốn xuất gia để trở thành một vị Tỳ khưu ni. Khi được biết ý định nầy, Ngài Mahinda nói với vua rằng theo đúng giới luật tu sĩ, Ngài không thể truyền giới cho phụ nữ. Ngài đề nghị nhà vua gửi văn thư đến vua Asoka (A-dục) của xứ Maurya, Ấn Độ, yêu cầu vua Asoka gửi con gái của vua là Trưởng lão ni Sanghamitta sang đảo quốc, và đem theo một nhánh của cây bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật đã thành đạo.

Lúc bấy giờ, bang giao giữa hai triều đình rất tốt đẹp, nên vua Devanampiya Tissa không ngần ngại gửi một vị quan là ngài Arittha đến thành phố Pataliputra (bây giờ là Patna) của xứ Ấn Độ, để gặp vua Asoka, chuyển đạt lời thỉnh cầu ấy. 

Lúc đầu, vua Asoka ngần ngại, không muốn gửi con gái mình ra đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng vì Trưởng lão ni Sanghamitta cương quyết yêu cầu nhà vua cho phép Bà xuất dương đi hoằng đạo, nên sau cùng, vua Asoka đồng ý cho phép. Một đoàn Tỳ khưu ni cùng lên thuyền đi với Bà Sanghamitta, vượt biển sang đảo quốc, mang theo nhánh cây bồ đề, với sự hướng dẫn của quan Arittha. Đây là một việc làm dũng cảm của Bà Sanghamitta, vì vào thời đó, khi người ta vẫn còn có thành kiến xem thường phụ nữ, bà Sanghamitta đã có đủ nghị lực và can đảm để thực hiện cuộc hành trình vượt biển đầy nguy hiểm, mà không có người trong hoàng tộc cùng đi để bảo vệ Bà.

Tại cảng Jambukolapattana (nay là cảng Pedro, bán đảo Jaffna), vua của đảo quốc cùng với Trưởng lão Mahinda và rất đông các tín đồ Phật tử đã ra nghênh đón Trưởng lão ni cùng với Ni chúng từ Ấn Độ sang, mang theo nhánh cây bồ đề. Nhà vua tổ chức buổi lễ tiếp rước rất long trọng, và rất đông dân chúng tham gia cùng với phái đoàn truyền giáo đưa nhánh cây nầy về kinh đô Anuradhapura, cuộc hành trình kéo dài 14 ngày bằng đường bộ. Nhánh cây bồ đề được trồng trong vườn Mahamegha tại một nơi tôn nghiêm. Từ ngày ấy cho đến nay, trong suốt 23 thế kỷ qua, vua chúa và dân chúng đảo quốc Sri Lanka tiếp tục gìn giữ, bảo vệ và tôn quý cây bồ đề này, như là một bảo vật quốc gia. Cỗ thụ bồ đề ngày nay được xem như là một trong những cỗ thụ lâu năm nhất trên thế giới.

Trưởng lão ni Sanghamitta đã thực hiện một công tác quan trọng nhất tại đảo quốc là truyền giới và hướng dẫn tu tập cho Hoàng hậu Anuladevi và các thị nữ sau khi các vị nầy xuất gia với Bà. Từ đó, Ni đoàn Sri Lanka được thành lập và kéo dài khoảng 1000 năm. Theo các nguồn sử liệu Trung quốc, Ni đoàn nầy cũng đã gửi các vị Tỳ khưu ni vượt đại dương, đi thuyền đến Trung quốc để tạo lập Ni đoàn tại xứ sở đó; và từ Trung quốc, đã mở rộng đến các quốc gia khác trong vùng Đông Á cho đến ngày nay. 

Trưởng lão ni Sanghamitta lưu lại tại đảo quốc, tiếp tục công trình hoằng pháp, truyền bá đạo Phật, và viên tịch tại đó. Bà là tấm gương dũng cảm cho các vị nữ tu sĩ, đã không ngần ngại lên đường mạo hiểm nơi xa xôi để hoằng dương Chánh pháp. Bà cũng là một vị nữ đại sứ đầu tiên trong lịch sử ngại giao cận đại, đã được một vị quốc trưởng gửi đi theo lời mời của một vị quốc trưởng khác. Cho đến ngày nay, phụ nữ Sri Lanka nói riêng, và Phật giáo Sri Lanka nói chung, đều thành tâm ghi ân và tán thán công đức của Bà. 

Tác giả: Bình An Sơn
Nguồn: Thư viện Hoa Sen