Trang chủ Văn học Tùy bút Một ngày chạm cửa Thiền

Một ngày chạm cửa Thiền

67

Thật lạ lùng, đúng vào ngày rằm, ông Trời cho Hà Nội một cơn gió mùa đông bắc với lưỡi gió mỏng man mát se se lạnh và những giọt mưa đêm xiên xiên đan chéo nhau loáng ướt đường phố cho lung linh lóng lánh ánh đèn màu. Trong tâm khảm tôi như có sự thôi thúc tiềm ẩn của tiếng gọi âm thầm nhưng vang vọng của núi, của miền đất thần linh với những huyền thoại các Vua đời Trần thuở trước, ngộ chân lý “danh sinh đấu, lợi sinh tranh”, tìm về non cao mây bay Yên Tử làm chốn tĩnh tâm tọa thiền, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Phật giáo Việt Nam tồn tại đến tận bây giờ.

Tôi quyết định đi ngắm mây trên đỉnh Phù Vân, một ngày đến cửa Thiền thoát tục trần gian để tâm hồn thư thái, để được nói cười giữa chốn thần tiên quên những ưu phiền hồng trần và thỏa một tâm nguyện như dân gian truyền tụng: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu“.








Soạn: HA 1023277 gửi đến 996 để nhận ảnh này
 Chùa lưng chừng núi Yên tử   (Ảnh:netcenter.com)

Suốt dọc đường đi, mưa rây rắc mờ mờ rơi rớt lại của cơn gió mùa đông bắc ngày hôm trước làm cho không khí mang vẻ nhẹ nhàng thanh trong hơn, càng xa thành phố, càng gần núi, bỗng dưng trong người lâng lâng cảm xúc khó tả, sắp được đắm mình vào chốn thiền tự linh thiêng mệnh danh “Danh sơn nước Việt” huyền bí, trầm lặng, thâm nghiêm, giấu đầy sự linh diệu của trời, đất và con người. Thần kỳ đến ngỡ ngàng, mắt vừa chạm vào dãy Yên Tử với hai mỏm núi nhọn như tai mèo ẩn hiện trong mây, thì trời quang mây tạnh, những giọt mưa biến mất như không hề có, chỉ còn lại bầu không khí mát lạnh. Hình như ông Trời chiều lòng người có tâm hay sự ảo diệu của chốn “huyền không Yên Tử” để người đến được trọn vẹn trong cõi thiền minh nơi này.

Núi – núi đã sát bên, như chỉ vài bước chân là hít được khí núi đang tỏa ra. Những lá cờ đuôi nheo xanh đỏ phấp phới, tít cao là cánh chim bay ngỡ bay giữa biên giới cổ kim tiên cảnh hạ giới, nghe trong gió ngàn lao xao rừng trúc, lời chào của sơn thần Yên Tử. Tôi đã đến và cuộc hành trình nhập hồn vào cõi thần tiên chạm vào cửa Thiền bắt đầu.

Ngay dưới chân núi là con suối nước trong veo, nhìn rõ từng hòn cuội tròn nhỏ và đám rong rêu mịn mượt bám trên những tảng đá dưới lòng suối – Suối Tắm. Trước khi vào cõi tiên phải tắm gội để gột rửa bụi trần, cho thanh sạch để nhẹ bước lên núi, cũng như cái cửa Ngăn – một tảng đá lớn có miếu thờ nữ thần rừng, cửa Ngăn ngăn bụi phàm trần tục để thật sự không còn vương vấn gì khi bước vào cõi thần tiên linh thiêng. Rồi chùa Cầm Thực, cơm áo thức ăn cõi tục không thể tồn tại nơi này, chỉ có uống sương ăn gió hoa lá mây ngàn. Mới dợm vài bước chân ở núi, nghe tên suối, tên chùa, tên cửa mà tâm hồn đã như lạc vào một thế giới khác, như đang bước vào thăm giấc mơ của người xưa mông lung cõi tiên vô tận. Và lúc này, sau cửa Ngăn, âm thanh ngoài đời như trầm lại, tiếng động nhỏ dần, một sự tĩnh lặng hay chỉ có diệu âm bay bổng từ ngón tay tiên bồng bế những hồn người vào chốn thiên thai thoát tục.

Bước chân lên núi, từng bước đều theo lời kinh giác ngộ được nhịp bằng tiếng mõ Hoa Nghiêm từ ngôi chùa Lân âm vọng. Ngôi chùa mà nhà Vua Thái Thượng Hòang – Trần Nhân Tông giã từ danh lợi, cung điện vàng son phàm trần dưới núi kia, quyết chí tịnh tu nơi này, lập nên trường phái Phật giáo mang dấu ấn riêng đậm nét Việt Nam. Miên man trong tiếng kinh mõ lan tỏa khắp rừng trúc, chân vẫn đều những bước đá mấp mô, con suối Giải Oan hiện ra trong tiếng róc rách khác lạ, như những lời thủ thỉ van lơn, như hờn dỗi nài nỉ, tương truyền ngay ở con suối này các phi tần mỹ nữ đã khuyên giải Vua Trần hoàn tục quay về; Vua đã quyết chí nên họ tuẫn tiết để hồn được theo hầu hạ. Vua cảm thương lập đàn thờ cúng nơi đây.

Anh nói: “Mình viết tên hai đứa vào lá trúc thả xuống suối, anh em sẽ thoát tục thành tiên đấy”. Người phàm trần như tôi khi tới đây cũng cảm thấy phần nào những oan khiên nghiệp chướng còn tụ đọng được cởi bỏ. Đường lên núi như lọt vào một không gian cổ tích với hai hàng tùng cổ thụ cao vút hứng gió hứng mây gần ngàn năm, nổi lên mặt đá bộ rễ vàng óng uốn lượn vân mây, vi vu xào xạc rừng trúc, véo von trầm bổng chim hót, thánh thót hoang dại tiếng của đàn vượn hòa thành bản nhạc đa âm thanh diệu bất tận. Trong mờ ảo sương khói mây núi, những am tháp ẩn hiện như một thế giới u tịch giấu kín nhiều bí ẩn mà chỉ ai có duyên mới có thể khám phá. Chợt liên tưởng tới thuyết “luân hồi” Âm Dương trong thế giới tâm linh khi bắt gặp những ngọn lá non xanh mướt lấp ló chòi ra qua khe đá xám mốc am tháp. Sự kết thúc là sự bắt đầu, trong cõi u minh tưởng như tăm tối vẫn bật lên những mầm sống, để vạn vật là bất tử, triết lý của người xưa, hay ở chốn tiên thần linh thiêng này không có gì ra đi vĩnh viễn, mà tồn tại như một cuộc sống khác.

Hoa Yên Tự – Vân Yên Tự – Chùa Mây Khói đẹp như vườn Giác Uyển thượng giới. Lên đến đây, bỗng nhớ đến hơn 600 năm trước Ức Trai Nguyễn Trãi đã đề thơ cảm tác: “Trên non Yên Tử chòm cao nhất/ Trời mới canh năm đã sáng tinh/ Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả/ Nói cười người ở giữa mây xanh/ Muôn hàng giáo ngọc che gài cửa/ Bao dải tua châu đá rủ mành”. Còn tôi, tôi chỉ cảm nhận được vẻ đẹp mà sự hài hòa giữa thiên nhiên, cảnh chùa cùng các bức tượng Phật và tượng ba vị Trúc Lâm Tam tổ hòa quyện vào nhau, mây bay vờn quanh tượng, các pho tượng khoác áo vàng lụa lung linh giữa sương mây và lửa nến. Cảm giác Phật đang xuống gần ta hay chính ta lên gần Phật. Ngồi ngay ngắn trên chiếu theo thế “bán kiết già”, niệm hương, khép mắt lại, tôi định thần chờ sự giao hòa giữa tâm người và linh thánh. Chợt rùng mình như có luồng điện chạy dọc sống lưng, nghe rõ tiếng gió, chìm trong làn khói hương lay động không tan, mùi trầm bãng lãng vương vấn, lúc đó chỉ có tôi và anh, cũng đang chắp tay tịnh thần bên cạnh. Không biết có phải cảm ứng hiển linh của Thánh nhân trước lòng thành chiêm ngưỡng linh địa hay chỉ là ảo giác và tiếng đi của rừng lá trúc dưới núi đội lên khi tâm thanh trí tịnh không chút tạp niệm quá khứ, vị lai, hiện tại đồng xuất hiện.

Từ Hoa Yên, rẽ phải, rẽ trái, sau lưng, những tên chùa Thiền Định – Một Mái – Phổ Đà như phác họa cả một kiếp tu hành dứt bỏ tham-sân-si, thất tình lục dục để về cõi Phật của người xưa, mà người đời nay là tôi chỉ biết chắp tay tĩnh lặng chiêm bái thán phục.








Soạn: HA 1023279 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chùa Đồng trên đỉnh Yên tử. Chi phí xây dựng ngôi chùa mới hoàn toàn bằng đồng là hơn 21 tỉ đồng.

Ngược lên nữa đi trong mây bập bềnh quanh núi và gió rừng trúc xào xạc cùng tiếng suối rì rầm, chùa Bảo Sải hiện ra như một Thiên Trúc thu nhỏ. Mơ hồ nghe tiếng mõ lóc cóc của mấy vị Tổ sư gõ nhịp cho bản hành trình vạn kiếp thế nhân. Và chùa Vân Tiêu, lâu đài Mây Bay tiêu dao tự tại của thần tiên mà vua Trần Anh Tông trong bài thơ “Vân Tiêu Am” cũng thảng thốt trước sự tuyệt mỹ: “Một tòa nhà sừng sững như chiếc lọng cao chạm mây/ Cung điện thần tiên không chút trần tục”. Có lẽ khi lập ra chùa này, các vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm đã tu thành tiên. Trong mắt tôi Vân Tiêu như bồng bềnh trong một khối mây thoắt ẩn thoắt hiện, phút chốc cảm thấy mình cũng đang bay trong cõi vô hình vô sắc, chân không chạm đất mà đang bay cùng mây, nương theo vạt áo bào tiên nhân lên cao hơn nửa – lên tới đỉnh Phù Vân, nơi có ngôi chùa Đồng huyền thoại cùng những cái chuông huyền bí, tương truyền là chuông của thần linh dùng để hô mưa gọi gió cầu phúc lộc trường an.

Đỉnh Phù Vân Yên Tử – Đích đến của chốn Thiền môn linh địa. Lên đến đây thấy mình không còn là người phàm, bụi hồng trần không còn vương vấn, trong ý muốn không một chút trần tục, người lâng lâng phiêu diêu thanh thoát như không trọng lượng. Giữa mênh mênh mang mang trong cuồn cuộn mây, nhìn lên bầu trời xanh cao, ánh nắng ngũ sắc tạo thành vòm như cánh cửa thượng giới đang mở chỉ nhún chân một cái, đưa tay đẩy nhẹ là tới nơi, nhìn xuống lớp lớp rừng lá trúc xanh uốn lượn như sóng theo từng đợt gió ào tới như xiêm áo tiên nữ trải dài trong trắng mây bay, phóng tầm mắt ra xa tít biển như một bầu trời thứ hai xanh biếc mênh mông.

Tôi nắm tay anh, ngất ngây với linh thiêng trời đất mây núi gió ngàn giữa chốn huyền không trên đỉnh non cao, cảm nhận sự gắn kết tâm linh hòa quyện vào nhau, hơi thở không còn của riêng ai mà chung một nhịp, mắt soi tròng nhau mà thấm đẫm tình tri âm tri kỷ, không nói với nhau lời nào nhưng thấu hiểu bao điều thiêng liêng từ trái tim đến trái tim. Chúng tôi cứ đứng như thế bên nhau, tay trong tay giữa mây vờn dưới chân, lao xao rừng trúc và tiếng gió ào ào, trên đỉnh Phù Vân Yên Tử, để thời gian như lắng đọng không tồn tại, để thấm cùng nhau linh diệu nơi này cho mãi mãi không rời xa, dù có quay trở lại dưới núi kia những tục lụy trần ai của đời thường.

Mây đã đổi màu xám nhạt, hơi đá phả ra lành lạnh, chiều đang rơi êm đềm trượt trên các bậc đá, con đường đi xuống về chốn bụi trần mỗi bước mỗi nặng hơn. Ngang qua suối Giải Oan, tôi và anh lại thả xuống lá trúc viết tên hai người để mong muốn giữ lại thiện tâm thanh sạch cửa Thiền để lánh xa những cám dỗ trần tục luôn vây quanh, để được an lành, nhẹ nhõm và hữu ích hơn trong cuộc sống giữa quê hương đồng loại.

Một ngày chạm cửa Thiền, bỗng thấy mình như được tiếp sức để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.