Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang diễn ra với quy mô rộng khắp, chưa ai biết được liệu nó sẽ kéo dài bao lâu và thế giới có thể rơi vào cuộc đại suy thoái của những năm 1929-1933 hay không? Cả thế giới đang tập trung đối đầu và tìm mọi phương cách giải quyết từ việc mua lại nợ xấu, tái cấu trúc lại không chỉ trong phạm vi một công ty mà cả nền kinh tế.
Các nhà lãnh đạo đất nước, các CEO (Chief executive officer – Giám đốc điều hành) của những tập đoàn lớn cho đến các công ty vừa và nhỏ lại phải vận dụng hết khả năng, tâm huyết nhằm vực dậy tổ chức của mình, chống đỡ qua cơn sóng gió. Những khoản tiền khổng lồ 600 tỷ, 700 tỷ và 800 tỷ mà Đức, Mỹ và Anh đưa ra trong những gói “cứu trợ” với hy vọng cứu vãn nền kinh tế quốc gia khỏi bờ vực sụp đổ có đem lại kết quả nào không? Chưa bao giờ người ta thấy sự cần thiết phải có những con người lãnh đạo ưu việt bằng lúc này.
Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã làm gì?
Có những CEO chấp nhận “khổ nhục kế” để cầu mong sự trợ giúp như trường hợp 3 ông lớn trong ngành xe hơi:GM, Chrysler và Ford. Có CEO chấp nhận mức lương không tưởng:1 USD/năm như trường hợp AIG.
Còn ở Công ty Bảo hiểm lừng danh Prudential thì sao?
Một cựu trưởng phòng của công ty bảo hiểm này đã chuẩn bị hồ sơ cho một vụ kiện chính công ty của mình vì lý do cô bị sa thải do hành vi thổi còi khi toàn công ty đang thực tập niệm chú “OM” trong một căn phòng tối.
Luật sư của cô đã đòi hỏi công ty chấm dứt ngay việc yêu cầu nhân viên tham dự nghi lễ cầu nguyện theo Phật giáo và tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện này với lý do “kỳ thị tôn giáo” và gây rối cho thân chủ của mình dẫn đến việc cô ta phải chấm dứt công việc.
Ông ta cho biết lãnh đạo bộ phận địa ốc Công ty bảo hiểm Prudential ở phía Nam California đã đề nghị tất cả các trưởng phòng đọc một quyển sách viết về Phật giáo có tựa đề: Buddha: 9 to 5. Quyển sách này, theo lời giới thiệu, “dựa trên việc thực hành Bát chánh đạo, sẽ đem lại những phướng cách thực tiễn khai mở trí tuệ cho nhân viên và lãnh đạo”. “Dựa trên Chánh nghiệp, Chánh niệm, Chánh kiến, quý vị sẽ gặt hái sự thịnh vượng không chỉ là lợi nhuận mà cả những mối quan hệ sâu sắc hơn với đồng nghiệp và khách hàng…”
Tác phẩm do Nancy Spears, nguyên là một nhà kinh doanh từng điều hành công việc marketing ở các công ty, người được mô tả đã am tường rèn luyện tâm linh như một phương tiện tồn tại trong môi trường doanh nghiệp, viết ra.
Vị luật sư nói trên khiếu nại rằng thân chủ của mình thuộc hàng ngũ lãnh đạo công ty được yêu cầu tham gia thảo luận về tác phẩm nói trên và phải ngồi kiết già ở một căn phòng tối 13 phút trong khi tụng niệm thần chú “OM”. Điều này khiến thân chủ của ông ta cảm thấy va chạm với niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng vì bà ta là vợ của một nhà truyền giáo Phúc âm… Đã vậy, sau phiên họp, CEO của Prudential tiếp tục các phiên họp lãnh đạo mở đầu bằng những nghi lễ cầu kinh Phật giáo.
Chúng ta tạm không bàn đến việc những nhà lãnh đạo Prudential vô tình gây ngộ nhận là tạo xung đột giữa những niềm tin tôn giáo trong giai đoạn khủng hoảng này. Hãy thử tìm hiểu xem tác phẩm nói trên hàm chứa nội dung gì mà có thể khiến những nhà lãnh đạo công ty tâm đắc thực hiện.
Ngay ở chương đầu tiên, tác giả đã đề cao Chánh kiến – được ví như sợi chỉ xuyên suốt mục tiêu của công ty, duy trì sự tồn tại và khích lệ sự phát triển. Bằng con mắt Chánh kiến, bạn sẽ thấy viễn cảnh của công ty và mình là một, khách hàng và bạn đồng sự cũng cùng chung quan điểm. Bạn có mặt để giao tiếp trong tinh thần tương thông tương tức, lắng nghe với tri kiến không bị ngăn trở, nhận chân điều gì nên làm, cần làm đối với nhân viên của mình, khách hàng của mình và với thế giới quanh mình.
Với cái nhìn Chánh kiến, bạn sẽ xây dựng được một viễn cảnh để vươn tới, theo đuổi và nhận thức được những lãnh vực cần xem xét sao cho phù hợp với mục tiêu chung. Khi Phil Knight thành lập tập đoàn Nike, quan điểm của ông là tạo sự gắn bó giữa những con người bình thường với những siêu lực sĩ và thành tích của họ. Khi Oprah Winfrey thực hiện chương trình TV ban ngày, bà đã hình dung ra việc tạo thêm sức mạnh cho phụ nữ bằng cách cho họ những phương tiện sử dụng trí thông minh và tài năng của mình. Khi Bill Joy thành lập Sun Micro-systems, ông luôn bị thúc đẩy bởi ước mơ cải tiến kỹ thuật tin học trong kinh doanh, và giờ đây, người ta gọi ông là “Edison của Internet”.
Tất cả những con người có tầm nhìn ấy đã vượt xa mục tiêu cá nhân và tập thể bằng việc duy trì Chánh kiến, cầu nối với khách hàng và nhân viên của bạn. Và sự tương thông ấy, giữa trí tuệ cá nhân và tập thể đã thúc đẩy tiến trình thực thi chiến lược và cải thiện lợi nhuận. Phil Knight và Oprah Winfrey là những bậc thầy trong việc kết nối tầm nhìn của mình với nhân viên và khách hàng. Kết quả là tình trạng nhân viên bỏ việc và mức độ tiêu hao trong các công ty đầy tính cạnh tranh như vậy rất thấp. Nhân viên thích đi làm và đóng góp tận tuỵ cho công ty bằng tài năng riêng biệt của mình. Họ đã nhận ra và gắn bó với viễn ảnh của công ty.
Chỉ riêng Chánh kiến, nhà lãnh đạo nếu thiếu nó, sẽ đưa công ty đến suy sụp. Sự tổn hại về tình cảm và tài chính do tà kiến hay biên kiến đã gây tổn hại khắp các công ty ở Mỹ. George Soros đã cảnh báo từ lâu về tình trạng bong bóng nhà đất và chính sách tiền tệ sai lầm dưới thời Alan Greenspan – Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ khi những ninja (chữ dùng của Soros chỉ những người không nghề nghiệp, không nhà cửa) được cho vay mua nhà khá dễ dàng với lãi suất thấp.
Chính sách sử dụng đòn bẩy nhưng thiếu điểm tựa đã phải trả cái giá của nó khi hàng trăm ngàn hộ lâm vào cảnh mất nhà do thiếu khả năng chi trả khi giá nhà đất xuống hay lãi suất ngân hàng tăng. Những người quản trị cả hệ thống tài chính giờ đây đang lần mò tìm đến Chánh kiến, tìm hiểu giá trị thực của hệ thống mà mình đang vận hành. Nhưng người dân thực ra chỉ là nạn nhân của chính sách do những người lãnh đạo đề xướng. Một nhà lãnh đạo giỏi phải có trí đức, tức tuệ giác. “Tuệ giác là khả năng nhìn sâu. Một nhà lãnh đạo đích thực là người có tuệ giác để chỉ cho ta con đường thoát khổ.” (Thích Nhất Hạnh – Quyền lực đích thực).
Cũng theo Thiền Sư Nhất Hạnh thì ba đức tính buông xả, từ bi và tuệ giác đem lại cho nhà lãnh đạo uy quyền thực sự, trong đó đức tính đầu tiên, đoạn đức, giúp ta chuyển hoá sân hận, vọng tưởng, không bị tham, sân si ràng buộc. Ngoài ra, nhà lãnh đạo phải thực tập năm nguồn sức mạnh: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Nếu không họ sẽ bị lôi cuốn vì sức mạnh quyền lực trở thành kẻ lạm dụng. “Hãy tưởng tượng một vị tổng thống mà chỉ dựa vào quyền lực tâm linh thay vì quyền lực chính trị. Ông ta sẽ dùng mọi cách có được trong tay để đem lại hòa giải, hòa bình và hạnh phúc cho người dân nước mình cũng như nhân dân các nước khác…
Một trong những lý do chính khiến Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ gia đình và ngôi báu là vì Ngài đã giác ngộ rằng quyền lực chính trị không thể đem lại hạnh phúc cho Ngài và nhân dân nước Ngài. Thái tử quyết tìm cho ra một thứ quyền lực khác – quyền lực tâm linh “(TNH-QLĐT). Jean Jacques Rousseau đã viết: “Người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để mãi mãi ở vị trí lãnh đạo, trừ khi người ấy biết chuyển đổi sức mạnh thành lẽ phải và chuyển đổi sự khuất phục thành bổn phận”.
Trở lại với trường hợp những nhà lãnh đạo Prudential, họ đã tìm thấy con đường cần phải đi dù cách làm có thể gây ngộ nhận hay khó chịu cho ai đó.
Đó chính là Bát chánh đạo, con đường mở lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng nội tâm, phát triển Tuệ giác để dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng đường qua cơn sóng gió.
Phát triển tính cách những nhà lãnh đạo lớn
Có người đã nhận xét rằng vị tổng thống mới đắc cử của Mỹ, Obama là một người có tố chất lãnh đạo. Cung cách làm việc của ông thật kiên định. Ông ta dành phần lớn thời gian để củng cố thiết lập những gì mình đã hứa. Cin Paul Copcutt, một nhà chiến lược về thương hiệu cá nhân đang làm việc tại Dundas, Ontario lại cho rằng điều đặc biệt trong phong cách của Obama là ông đã nhận thức sâu sắc về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Thể hiện ở việc ông lựa chọn vào nội các của mình những chuyên gia hàng đầu để tư vấn về những điều mà ông còn thiếu sót. Ngay cả việc lựa chọn những nhân vật chủ chốt vào trong bộ máy chính trị của mình, Obama cũng thể hiện những điểm độc đáo.
Cả Hillary Clinton – người đã từng là kẻ bên kia chiến tuyến trong chiến dịch tranh cử lẫn Robert Gates – Bộ trưởng quốc phòng đương nhiệm dưới thời tổng thống Bush, đều tề tựu đông đủ trong nội các của Obama hiện giờ. Điều này chứng tỏ Obama đang rất nỗ lực xây dựng cho mình một liên minh cùng chung tiếng nói ngay cả với những người từng là đối thủ. Đấy cũng chính là ân đức, khả năng chấp nhận và ôm ấp người khác với tình thương.
Đây cũng chính là những gì mà những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên học hỏi. Trong doanh nghiệp, người ta luôn đưa ra điểm yếu của mình, để phân tích và tìm giải pháp hạn chế, hoặc cải thiện điểm yếu đó. Những người lãnh đạo tốt sẽ tập trung những việc họ thực sự giỏi. Còn những gì không phải là sở trường, họ sẽ giao việc cho người khác giỏi hơn hay tìm những cách khác để đạt được mục tiêu. “Một nhà lãnh đạo giỏi không cần phải cố giành được uy quyền. Không cần phải thi thố uy quyền… Nhà lãnh đạo giỏi truyền cảm hứng cho mọi người bằng nếp sống của chính mình. Người ta nghe mình bởi họ thương kính và tin tưởng mình” (TNH-sđd).
Các CEO cũng cần học cách Obama vượt qua những trở ngại trên con đường chạy đua vào Nhà Trắng từ thất bại trong đợt tranh cử tại bang New Hampshire trước bà Hillary Clinton hồi đầu tháng 1-2008 và cả trước những công kích của vị mục sư Jeremiah Wright. Trong mỗi trường hợp, Obama đều có những cách ứng xử thật tuyệt vời. Đây chính là điều mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên học tập và áp dụng, đặc biệt trong tình trạng khủng hoảng tài chính trầm trọng như hiện giờ.
Tình hình hiện nay buộc càc nhà lãnh đạo luôn phải đối mặt với nỗi lo sợ về mất việc làm hoặc những lo lắng về hiệu suất làm việc sa sút của công ty mình. Hơn ai hết, chính họ là những người phải tỉnh táo nhất để quán xuyến mọi vấn đề xảy ra trong doanh nghiệp hơn là chỉ quẩn quanh với những câu hỏi thị trường của chúng ta là gì, khách hàng của chúng ta là gì.
Deb Did, một người chuyên dạy học cho các CEO nói rằng, bà có thể liệt kê ra hàng loạt những ưu điểm mà bà nhìn thấy ở Obama. Theo bà, đó là một con người rất chu đáo, tự tin, kiên định, có tầm nhìn xa trông rộng, rất bình tĩnh, không chỉ trong phạm vi chính trị. Đó là con người mà mỗi khi nhìn vào bạn đều phải thốt lên rằng: “Ồ, tôi có thể học hỏi đôi điều từ ông ấy”.
Dù hiện nay còn khá sớm để khẳng định ông ta có thành công trong việc vực dậy nước Mỹ qua cơn suy thoái, nhưng ít ra thì mọi người cũng có chỗ đặt niềm tin, đó là vào tố chất thủ lĩnh của con người ấy.
Hai nhà nghiên cứu nổi tiếng nước ngoài, John Hoover và Danny Cox, đã nhìn ra 10 tính cách của những nhà lãnh đạo hiệu quả cao. Những tính cách này không tự nhiên mà đến. Các nhà lãnh đạo lớn phát triển chúng – những tính cách có tính chất phổ quát và vượt thời gian. Chúng phản ánh những điều mà các nhà lãnh đạo tin và cách họ quyết định ứng xử. Các nhà lãnh đạo lớn chứng minh 10 tính cách bất kể là ở lãnh vực nào đi nữa.
1. Tính liêm chính kiên định: Đây là nền tảng cho tính cách và cho việc phục vụ khách hàng bên trong cũng như bên ngoài. Những người làm-ra-vẻ lãnh đạo không có tính cách này sẽ chỉ là “những ngôi sao xẹt”.
2. Không chấp nhất chuyện vụn vặt: Việc làm suy kiệt năng lượng của một tổ chức ghê gớm nhất là do thói tủn mủn gây ra. Loại bỏ chúng sẽ đem lại nguồn năng lượng cao. Nhà lãnh đạo phải biết phân biệt giữa cái gì hứng thú và cái gì quan trọng.
3. Sắp đặt công việc theo thứ tự ưu tiên: Điều này sẽ đem lại sự quân bình dưới áp lực của công việc và tạo nên một nhà xử lý vấn đề siêu hạng. Một nhà lãnh đạo làm việc theo thứ tự ưu tiên sẽ chuẩn bị một danh sách các việc ưu tiên trong ngày: ông/bà ta bắt đầu với # 1 và không xử lý #2 nếu như sau khi xong #1 lại phát sinh #1 mới và cứ như thế mà giải quyết.
4. Can đảm: Các nhà lãnh đạo không sống một cách nhu nhược. Họ biết có một nguồn can đảm sâu thẳm trong mỗi chúng ta, dù chúng ta có vận dụng nó hay không. Các nhà lãnh đạo làm cái điều mà họ sợ là sẽ làm cho người ta sợ nhận lãnh trách nhiệm. Niềm tin của họ là “Hãy còn quá sớm để bỏ cuộc!”
5. Gắn bó: Các nhà lãnh đạo biết là họ không thể chết yểu nếu cứ cần mẫn làm cái công việc mà họ yêu thích. Họ không bao giờ thèm nghe những kẻ làng nhàng la lên: “Từ từ thôi! Bạn sẽ huỷ hoại sức khỏe của mình mất thôi!”. Công trình của họ là một hình thái nghệ thuật được phát triển.
6. Chuyên chú vào mục tiêu: Sự tập trung là liều thuốc giảm đau trong việc hoàn thành những mục tiêu đỉnh cao. Nhà lãnh đạo hiểu rằng không có những mục tiêu, con người sẽ bắt đầu tàn lụi cả về thể chất lẫn tâm hồn.
7. Không theo lối mòn: Đây là những người sáng tạo, những kẻ cách tân, và kiểu người-nghĩ-ngoài-khuôn-phép. Họ học cả từ những thành công và thất bại của chính mình. Họ rất độc đáo, và không sao chép ai.
8. Kích thích và lan tỏa lòng nhiệt thành: Các nhà lãnh đạo tỏ ra nhiệt tình khi họ đạt được những mục tiêu hàng ngày, như là một phần của kế hoạch lớn, không chỉ đơn thuần là công việc hàng ngày. Họ ý thức sâu sắc là không có lòng nhiệt thành lan tỏa ấy, thì dù họ ở trạng thái tâm lý nào cũng rất dễ lan ra người khác.
9. Điềm tĩnh trong lúc khủng hoảng: Những người này không dễ phân tán hay gào khóc vì những chuyện không đâu. Họ rất kiên trì và do đó nắm bắt sự kiện cần thiết rất nhanh. Họ biết rằng vượt qua xung đột thì sẽ gặt hái thêm sức mạnh.
10. Hoài bão giúp người khác vươn lên: Các nhà lãnh đạo biết không có sự bão hòa trong giáo dục và việc truyền bá kiến thức và kinh nghiệm thăng tiến sẽ giúp chúng ta xây dụng quan hệ gắn bó và tình bạn.
Ta thấy các tính cách (1, 2, 4, 5, 9) chính là đạo đức, (8, 10) là ân đức,(3,6,7) là trí đức theo quan điểm của Thiền sư Nhất Hạnh. Nói một cách khác, nếu không có tâm từ bi thì giàu có, hay quyền lực đến đâu cũng không thể có hạnh phúc hoặc đem lại hạnh phúc cho người khác. Một nhà lãnh đạo chân chính phải là người có ước vọng vun trồng hiểu biết, thương yêu, giúp đời, sống tỉnh thức và sử dụng chính đáng quyền lực của mình giúp những người xung quanh mình có hạnh phúc như mong muốn. Hiểu như thế thì con đường Bát chánh đạo mà Pudential đang thực hành cũng đáng được trân trọng lắm thay!