Trang chủ Tuổi trẻ Tăng Ni sinh Mùa Phật đản qua đi…

Mùa Phật đản qua đi…

98

Thế là hết một ngày vui nhất trong năm: Lễ Phật Đản PL. 2553.

Giờ này, đêm Pune thanh vắng, không khí mát dịu dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặt, tôi cùng huynh Định Tuệ ngồi bên nhau, nâng chén trà thiền thơm ngát, ôn lại chút dư âm của pháp lạc trọn ngày. Ý tưởng chỉ khởi lên cách đây khoảng một tuần, khi gợi ý với các sư cô và quý thầy ở gần, chư tôn đức đều tỏ vẻ hân hoan và đồng tâm hướng về ngày trọng đại thiêng liêng nhất của người con Phật.

Như đã biết, mặc dù là nơi khởi nguyên của Phật Giáo, nhưng hiện nay, sự có mặt của Phật Giáo ở Ấn Độ có thể nói là rất rời rạc. Chỉ có một vài vùng, một số tiểu bang có mặt tôn giáo cao quý nhất hành tinh này.

Quý thầy cô du học ở đây cứ mỗi năm mùa Phật Đản về, lòng cứ se thắt một nỗi niềm ray rứt, đau đáu trong lòng khi nghĩ về sự hưng suy của thế cuộc: một thời đại hoàng kim của đạo lý khi đức Thế Tôn vừa chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên tại vườn Nai cách đây 26 thế kỷ; một cuộc suy tàn không thể vãn hồi khi thế lực ma quân quá mạnh mẽ, chỉ muốn xiển dương đạo lý thần quyền, hướng theo xu thế cực đoan, không muốn cho chân lý được tự do thể hiện.

Chính vì lẽ đó, Phật giáo ngay nơi đất mẹ, giờ muốn hồi sinh phải nhờ vào sự vực dậy của nhân vật Phật giáo đến từ quốc gia khác. Xưa như ngài Pháp Hiển, Huyền Trang cùng các tổ sư đến từ Sri Lanka, Myanma, nay như đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền sư Nhất Hạnh cùng các hội đoàn Tăng già, Phật tử các quốc gia tựu về các khu Thánh tích dựng chùa, lập viện, tạo nên các quần thể Phật giáo đồ sộ ở các nơi này.

Tuy nói thế, nhưng tại bản địa nước Ấn, cũng có những nhân vật làm sống dậy Phật Giáo sau cuộc đỗ nát hoang tàn, mà chủ yếu là Cư Sĩ. Xưa có vua A Dục, nay có Tiến sĩ Ambedkar.

Thành phố Pune, tiểu bang Maharashtra nói riêng và các vùng khác của Ấn Độ nói chung, ngày nay, Phật Giáo được biết đến và phát huy chủ yếu nhờ công lao to lớn của Tiến sĩ Ambedkar, một vị Bồ tát đương thời của xứ Ấn, trong hình ảnh Giáo sư đeo kính cận, mặc áo veston nhưng được thờ lạy ngang hàng với Phật, Tổ tại các chùa viện Phật giáo nơi này.

Ông xuất thân từ giai cấp cùng đinh, thấp nhất của xã hội Ấn Độ, nhưng đã nỗ lực vươn lên vị trí Bộ Trưởng, làm một cuộc “đại giải phóng”, đó là tự giải phóng mỗi con người ra khỏi ý thức hệ nô lệ của chính mình.

Ở xứ Ấn này, khi nói đến Mahatma Gandhi, là người ta nghĩ ngay đến danh xưng là “The Father of India”, vì ông có công cổ súy đấu tranh bất bạo động, giành lại sự tự do cho dân tộc khỏi ách thống trị của người Anh. Tuy nhiên, một số nhà tri thức cho rằng, cao hơn cả Gandhi là cuộc đấu tranh nội tại, giải phóng tự thân với sự tiên phong của “Bồ tát” Ambedkar – người lấy Phật Giáo làm kim chỉ nam cho công cuộc tự giải thoát chính mình.

Nếu chỉ giải phóng khỏi ngoại nhân, hoặc đối với thế lực khác mình hoàn toàn không bị ràng buộc, nhưng chính mình lại tự trói buộc vào gông cùm nô lệ cho nhục dục, tham ái, không thể giải phóng tư tưởng nô lệ tồn tại cố hữu trong mỗi con người vì sự cài đặt trường cửu theo tư tưởng Bà la môn ngàn xưa để lại, thì con người vẫn còn đau khổ vì vô minh che lấp. Một khi nhận chân được giá trị sống thật sự, mình sống cho chính mình, tự trau dồi ba nghiệp thân, miệng, ý để an lạc từng giây phút, làm chủ được chính mình, cảm tri được hạnh phúc ngay đời này trong tương lai; đó mới là sự giải phóng thật sự.

Đấy, con đường đức Phật đã vạch ra. Đấy, con đường ngài Ambedkar đã thực hiện theo.

Tín đồ Phật Giáo Ấn Độ ngày nay đều noi theo gương ngài Ambedkar. Đa số họ là giai cấp thấp trong xã hội, đời sống vật chất tuy nghèo nàn, nhưng lòng tin hướng về lời dạy của đức Phật thì rất thuần thành. Cũng vì như thế mà đến ngày Phật Đản, không khí hầu như thiếu nét tưng bừng như ngày hội lớn tại các nước Phật giáo phát triển: Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, v.v.

Những ngôi chùa vốn nghèo nàn, thấp bé ở đây, đến ngày trọng đại kỷ niệm đức Phật ra đời, tuy trang trí sơ sài, không gian chật hẹp, nhưng người người tới lui lễ bái, dâng trọn tấm lòng thành kính thấy rõ. Họ kính Phật, họ cũng trọng Tăng. Họ lễ Phật tam bái, thì cũng kính Tăng ba lạy. Một nét Văn Hóa Phật Giáo, mà Phật tử những nơi được coi là Phật giáo phát triển, không thấy nhiều.

Nêu vấn đề này không phải vì người viết là một thành viên của Tăng già, thích được cung kính, lễ lạy. Nhận sự tôn trọng này mà không thật tu thật học thì chỉ có tổn phước thôi, không có gì là vinh dự cả. Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề này, mục đích chỉ để nêu cao tinh thần thuần tín, nét đẹp tâm hồn của người Phật tử Ấn Độ.

Với sự sẵn có thuần thành ấy, khi quý thầy, cô tới ngôi chùa bé nhỏ với diện tích khoảng 30-40 mét vuông trong khuôn viên khu rừng Đại Học Pune để trang trí chuẩn bị buổi lễ sáng ngày Rằm tháng tư, họ rất lấy làm hạnh phúc, hân hoan đón chào. Đáng tán dương nhất là bốn sư cô bên ký túc xá nữ cùng hai cháu sinh viên Thủy, Trinh.

Các chị em đã từ 3 ngày trước, đi chợ mua sắm, từ hoa trái đến thực phẩm cho bữa cơm trưa tập thể rất thịnh soạn. Chiều ngày 14, quý thầy cô cùng một số sinh viên tập trung lại chùa, kẻ quét khuôn viên, người lau bàn Phật, bên này đơm hoa, bên kia bới quả, không khí thật sự như ngày hội Tết quê hương.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bàn Phật vốn sơ sài thường ngày đã trở nên rực rỡ hoa tươi, thơm ngát hương trầm. Đức Thế Tôn từ diện mỉm cười, ban niềm vui vô bờ cho đàn con lưu xứ. Bên ngoài chính điện, tuy không băng-rôn, biểu ngữ, nhưng cũng được trang hoàng đơn giản trên hai trụ cổng đi vào:  bên phải “CELEBRATE BUDDHA’S BIRTHDAY B.E. 2553”; bên trái “恭賀佛誕生” (Cung hạ Phật đản sinh).

Sáng ngày Rằm tháng tư, tức 9-5-2009, ngày Buddha Punimar theo lịch Ấn Độ, tất cả chư Tăng, Ni sinh viên và các anh chị em sinh viên dù là Phật tử hay không phải tín đồ Phật giáo đều theo sự kêu gọi của anh Hoàng, trưởng ban liên lạc sinh viên tại Pune, tập trung đông đủ tại ngôi chùa bé nhỏ, rợp dưới bóng mát cả rừng cây cổ thụ, để làm lễ tưởng niệm Đản sinh.

Tuy nơi đất người, nhưng cũng văng vẳng xa gần nhạc khúc “Phật Giáo Việt Nam”, “Ánh Đạo Vàng”, “Đón mừng Đản sinh”… mà chỉ có người Việt Nam mới hiểu được lời. Nghĩ lại mới thấy tấm lòng hoan hỉ vô tận đáng quý biết bao của sư Sudassan, trụ trì chùa này, một người trẻ tuổi mà hoạt bát, nhiều uy tín. Sư sẵn sàng cho mình tùy ý sắp đặt tất cả mọi việc, từ trang hoàng đến bố trí khung cảnh, nghi thức buổi lễ. Sư chỉ đứng ngang hàng tham dự cùng chư Tăng như một thành viên bình thường.

Chánh điện quá chật hẹp, không đủ sức chứa cho khoảng 60 người Việt Nam, 50 vị Sa Di tập sự xuất gia và rất đông Phật tử địa phương, nhưng buổi lễ theo nghi thức Phật Giáo Huế diễn ra rất trang nghiêm, đầy đủ ý vị dưới sự dẫn lễ của đại đức chủ sám Thích Chúc Tín.

Các anh em sinh viên có lẽ lần đầu tiên biết tụng kinh, mỗi người đều được phát trước bài sám Đản Sinh để cùng hòa tụng với đại chúng. Sau buổi lễ, mọi người cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm. Bổn tự mời dùng trà, bánh, người người tươi cười, lại gần với nhau, không khí tưng bừng, không còn phân biệt ai là Ấn, ai là Việt, anh hay chị có phải Phật tử hay không … Cảm động làm sao!

Khoảng 11 giờ trưa, như thông báo lúc đầu, cộng đồng Việt Nam cùng tựu về Hội trường ký túc xá quốc tế nữ để dùng buổi cơm trưa thân mật. Đúng là quá thân mật! Giữa quý thầy cô và các sinh viên, có thể nói đa số chưa biết nhau nhiều, đây là lần đầu tiên có cơ hội gắn chặt tinh thần đồng hương, trao từng cử chỉ gần gũi, như một đại gia đình.

Mỗi người một tay bày dọn bún, bánh, rồi ngồi quây quần bên nhau, vui vui vẻ vẻ. Một cuộc hội ngộ rất ý nghĩa từ đầu đến cuối, khi anh Hoàng, đại diện tất cả sinh viên phát biểu cảm tạ một cách rất xúc động, chân thành: “Chúng con rất vinh dự và hạnh phúc khi quý thầy cô tổ chức cho chúng con được tham dự một buổi lễ đầy ý nghĩa, và bữa cơm rất thân mật, vui vẻ hôm nay. Xin chân thành cám ơn quý thầy, cô và cầu chúc đức Phật gia hộ tất cả mọi người được dồi dào sức khỏe, học hành thành đạt.”

Lời phát biểu mộc mạc, đơn giản nhưng cũng đủ gói gọn tấm lòng của các anh em sinh viên, là đoạn kết tốt đẹp cho một buổi lễ Phật Đản đầy an lạc.

Buổi chiều, sư Sudassan nhã ý mời quý thầy cô cùng các em về thăm viếng và làm lễ cầu nguyện nhân ngày Phật Đản tại ngôi Bảo điện lớn, đang xây dựng rất quy mô, cách đây khoảng 20 cây số, nơi Hòa thượng Bổn sư của thầy ấy trụ trì.

Thời gian rảnh trước khi lên đường, dưới cái nắng gay gắt bên ngoài, trong khi các bạn nữ phụ quý sư cô dọn dẹp bên ký túc xá nữ, các anh em sinh viên nam thì cùng nhau qua ký túc xá nam, tập trung vào phòng quý thầy uống trà, thăm viếng giống như đi chúc Tết dân tộc ở nhà. Niềm vui và sự gần gũi càng đằm thắm hơn.

Người Việt Nam mình hôm nay có uy ghê, đi đến đâu cũng được tiếp đón như thượng khách. Ngay các em chưa hề thuộc một câu kinh ngoài “Nam mô A Di Đà Phật” cũng được giới thiệu là Vietnamese Upasakka Upasika, và mời lên hàng trên chính điện, nơi dành cho bậc thượng tọa, để cùng hành lễ cầu nguyện theo quý thầy cô “nước mình”. Mỗi người đều được tặng dây vải cát tường màu trắng và một đóa hồng tươi thắm, kiểu đón chào rất trang trọng về tâm linh theo phong tục Ấn Độ.

Cả một ngày lo lắng cho đại lễ, nắng cũng nhiều, gió không kém. Một số sư cô và các em sinh viên lộ vẻ đuối sức, nhưng trên môi vẫn nở nụ cười tươi rói, in đậm một nét hạnh phúc tinh thần. Chúng tôi cũng thế, và mãi cho đến giờ này, khi kim đồng hồ đã chỉ qua ngày 16 âm lịch lâu rồi, nhưng lòng vẫn còn rạt rào niềm pháp lạc vô biên.

Hai anh em ngồi đây, hạnh phúc dâng tràn, xin rót một chén trà thơm, kính chia sẻ đến quý thầy cô và anh chị em thiện hữu. Cầu nguyện mọi người, mọi loài trên hoàn cầu được tưới nhuần một niềm an vui miên viễn nhân ngày đản sinh của đức Từ Phụ Thích Ca, đấng khai sáng trí giác muôn đời.

Nam mô Đản Sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Dưới ánh trăng Punimar Pune, rằm tháng tư Kỷ Sửu, Vài dòng cảm xúc