Trang chủ Văn học Truyện Ngày về quê mẹ

Ngày về quê mẹ

178

Tiếng chuông chùa gợi nhớ về một làng quê yêu thương nào đó, mà Thành đã bỏ quên từ lâu lắm. Những ngày tháng cũ bỗng hiện về như một khúc phim quay chậm, nhẹ nhàng mà ray rứt…

Căn gác Thành đang ở nhờ có khung cửa sổ nhỏ nhìn ra khoảng sân rộng một ngôi chùa nổi tiếng của Thành Phố. Gác chuông nằm ở trên cao, tiếng Đại  hồng chung vang xa cả khu phố vào những giờ nhất định, đã trở nên quen thuộc với người dân sống quanh vùng.

Tiếng chuông giữa đêm khuya, ở một nơi xa lạ mà Thành đã cố thích nghi suốt mấy tháng qua, nay lại mơ hồ một điều gì đó khiến lòng Thành cảm thấy bồi hồì không yên. Hồi chiều Thành hỏi Hưng, người bạn chủ nhà, vì thấy tối nào hắn cũng sang chùa tụng kinh:

– Bên chùa có lễ gì mà treo cờ nhiều thế, lại làm khán đài  nữa?

– À! Người bạn trả lời. – Ngày mai là rằm tháng 7, chùa làm lễ dâng y và cài hoa hồng cho Phật Tử.  Còn tối nay có chương trình văn nghệ chào mừng Vu Lan. Thành qua chùa dự lễ cho khuây khỏa chút đi.

Thành chỉ cười mà không đáp lời bạn. Hồi còn nhỏ, Thành cũng thường hay theo mẹ đến chùa. Ngôi chùa cổ ở làng quê thật mát mẻ với vườn tược cây trái xum xuê. Một nơi để cho Thành đến quậy phá hơn là tỏ lòng cung kính trang nghiêm.

Một sáng nọ, khi mọi người đang bận làm lễ tụng  kinh, Thành lẻn ra sau vườn trèo lên cây mận vừa đong đưa hái trái ăn vừa quăng đầy xuống đất những cành lá và trái còn xanh nõn. Lúc ấy một chú tiểu từ sau nhà bếp bước ra trông thấy vội la lên: – Này cậu kia, sao phá phách quá vậy? Có xuống ngay không?

– A! Chú Tiểu lắm chuyện. Tớ hái của chùa thì có can gì đến chú chứ. Thành bướng bỉnh trả lời.

– Không xuống tôi gọi mẹ cậu ra đấy.

Thành càng tức khí : – Ừ giỏi thì gọi đi.

Sẵn cầm một trái mận to trên tay, Thành nhắm quăng vào cái chỏm trên đầu của chú tiểu. Chú tiểu ôm đầu la lên rồi chạy biến vào trong.

Chiều hôm đó Thành bị mẹ đánh cho một trận nên thân vì tội phá cây trái của chùa và làm cho chú tiểu u đầu. Giọng mẹ đượm buồn: – Con đừng để cho người ta nói là thứ con không cha như nhà không nóc. Phá bên ngoài chưa đủ lại còn vào tới cửa chùa. Như vậy là mang tội lắm, biết không?

Thành chẳng cần biết đến tội lỗi gì, chỉ căm ghét ai nói mình là con không cha. Lại càng tức giận chú tiểu đã làm cho mẹ buồn. Định bụng hôm nào chặn đường chú tiểu đi học về hỏi tội. Nhưng Thành đã không có cơ hội để thực hiện điều đó. Bởi vài ngày sau gia đình bên nội tìm tới thương lượng với mẹ xin đem Thành về nuôi nấng cho ăn học. Thành là cháu trai duy nhất của họ, nhưng lại là con ngoại hôn, nên đã không được thừa nhận từ thuở mới lọt lòng.

Cuối cùng thì người mẹ vì nghĩ đến tương lai của con mà đành rứt ruột rời xa. Thành về với Ba khi tuổi đời chưa tròn mười hai, nhưng đã có những suy nghĩ chín chắn như người lớn. Từ đây  nó sẽ không còn mặc cảm là một đứa trẻ không cha. Bên nội giàu có, Thành là cháu đích tôn. Sau này ăn học thành tài, nó sẽ đem mẹ về phụng dưỡng.

Thế là, bỗng chốc trở thành cậu ấm con nhà giàu sang giữa chốn thị thành hoa lệ, Thành thấy mình khác hẳn ra. Gia đình bên nội, ai cũng yêu thương chiều chuộng nó. Má lớn cùng mấy chị em gái dù không thích nhưng cũng không nói gì. Cậu bé sớm ý thức được thân phận của mình, nên cũng không làm điều gì quá đáng. Nó luôn tỏ ra ngoan ngoãn chăm học, lại biết lấy lòng người lớn, biết  suy nghĩ và… biết nuôi nhiều ước vọng  cho ngày mai.

… Buổi chiều khách thập phương đi lễ chùa đã thưa thớt dần, nhưng trên chính điện và nhà tổ khói nhang vẫn còn nghi ngút. Thành thơ thẩn trước sân chùa một lúc, thì đến ngồi khuất sau chậu hoa kiểng để vừa có thể ngắm dòng người qua lại, vừa tránh cái nắng nóng đến ngạt thở.

Sáng nay từ cửa sổ của căn gác trọ, Thành đã lén nhìn sang chùa và chứng kiến suốt buổi lễ trang trọng của ngày Vu Lan báo hiếu. Trên những tà áo dài trang nghiêm màu đạo đều có gắn những cành hoa hồng trắng đỏ. Nhìn mọi người hồn nhiên thanh thản đi chùa, bất giác Thành nhớ đến người mẹ của mình ở chốn quê nhà.

Hôm nay chắc bà cũng đến chùa tụng kinh cầu nguỵên và trông đợi đứa con trai đã nhiều năm rồi không trở về thăm. Thành có về quê một vài năm đầu, sau đó vì áp lực học hành rồi vì công việc, nên  cậu con trai chỉ thỉnh thoảng gởi tiền về cho mẹ. Thành lắc đầu khẽ thở dài. Hồi ấy Thành có tất cả. Nhà cửa tiền tài danh vọng. Còn  bây giờ thì….

Tốt nghiệp mấy trường đại học thuộc loại ưu hạng. Sau đó lại đi nước ngoài tu nghiệp một thời gian. Trở về, Thành được đề bạt làm trưởng phòng kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu. Chỉ trong vài năm, Thành đã leo dần lên chức phó giám đốc rồi giám đốc.

Sự thành đạt nhanh chóng của Thành một phần là nhờ vào uy thế, tiền bạc của Ba và ông Nội. Nhưng hơn hết là do năng lực tuổi trẻ đầy tham vọng, mà Thành quyết chí đạt đến bằng mọi cách. Khi Thành đang ngấp nghé cái chức danh tổng giám đốc thì những việc tồi tệ nhất bắt đầu xảy ra.

Ông Nội mất sau một cơn bạo bệnh, chưa đầy năm thì Ba bị tai nạn chết. Thành mất đi chỗ hậu thuẫn chắc chắn, nên không ít người ganh ghét cố lùng ra tông tích tội trạng. Người ta tìm thấy đủ chứng cứ về những thủ đoạn mua chuộc và hãm hại người khác của ông giám đốc, cùng với những thất thoát thiệt hại của công ty lâu nay.

Thành mất chức, bị đẩy ra khỏi công ty; cũng may là không bị truy tố ra pháp luật. Ba mất không kịp để lại di chúc, mấy chị em gái cùng cha với Thành liền rắp tâm chia chác hết tài sản và lấy lại ngôi biệt thự  mà Thành đang ở. Do lâu nay chủ quan nên Thành chưa đứng tên chủ quyền.

Thế rồi Thành trở thành kẻ trắng tay, mất chức mất nhà, người vợ chưa cưới cũng nói lời chia tay không chút luyến lưu. Tiền bạc còn bao nhiêu, Thành lo chạy chọt thưa kiện cũng dần cạn kiệt. Một người  từng có học vị danh vọng như Thành, mà đi xin việc không một nơi nào buồn để ý. Thế mới biết…, anh hùng thất thế cũng đành bó tay.

Chán chường vô định, Thành được Hưng -vốn là bạn học cũ cưu mang. Cho dù  lúc còn trên tột đỉnh vinh quang, Thành chẳng xem người bạn nghèo khó này ra gì.

Một vị tu sĩ trẻ, trên tay cầm cánh hoa hồng đỏ từ bên hiên Chính điện đi ra. Thành quay mặt nhìn ra ngoài đường. Vị tăng tiến đến gần cất tiếng hỏi: – Cậu là Tuấn Thành phải không?

Thành hơi giật mình vì bị người gọi đúng tên, chưa kịp phản ứng gì thì vị tu sĩ nói tiếp: – Mười mấy năm bị cuốn hút trong vòng danh lợi phù du, chắc cậu đã quên hết quãng đời tuổi thơ của mình ở quê  rồi chứ gì?

Thành nhíu mày  khẻ nói: – Thầy là ai…?

– Tôi là chú tiểu Minh Khánh… ở ngôi chùa cổ dưới quê mình đó. Hồi ấy cậu phá phách dữ quá. Một lần cậu trèo cây hái trái…. bị  bắt gặp, nên đã tặng cho tôi một trái lên đầu…

Thành ngạc nhiên trố mắt nhìn chú tiểu Khánh nhỏ thó gầy gò ngày xưa, bây giờ đã là một vị tăng uy nghi đỉnh đạc. Vị tu sĩ vẫn từ tốn nói: – Tôi biết hết mọi chuyện của cậu, nên đã bảo Hưng làm sao mời cậu qua đây. Mà thôi mời cậu vào trong nhà khách uống trà rồi chúng ta nói chuyện một lát đi. Dẫu sao cũng là tình đồng hương với nhau mà.

Thành kể chuyện của mình cho thầy Khánh nghe như là tâm sự với một người thân lâu ngày mới gặp. Lẽ nào đây là nhân duyên hội tụ mà Thành đã từng được nghe nói. Tiếng chuông chùa… vang vọng trong đêm khuya. Và người tu sĩ trẻ một thời quen biết bỗng xuất hiện như dạo thêm khúc nhạc cuối có hậu cho đoạn phim về một đời người nhiều hệ lụy.

– Dù thế nào cậu cũng phải trở về với mẹ thôi. Cuộc đời luôn luôn có những khắc nghiệt, nhưng tình mẹ lúc nào cũng sãn lòng dang rộng đôi tay để đón nhận những đứa con quay lại. Mẹ cậu đã trông đợi con suốt bao nhiêu năm rồi còn gì. Lúc này cậu không về thì đợi đến bao giờ.

Thành mím chặt môi như tiếp thêm sức mạnh để nói ra những điều suy nghĩ trong lòng: – Tôi không thể trở về nhà trong lúc này. Mẹ mà nhìn thấy tấm thân tàn tạ này chắc là đau lòng lắm. Hơn nữa Tôi đang nhờ luật sư lo hồ sơ để đòi lại một phần gia sản mà mình được thừa kế.

Thầy Minh Khánh cầm cánh hoa hồng màu đỏ bước tới cài lên chéo áo của Thành rồi nói: – Bữa nay chắc cậu đã nhìn thấy mọi người đến chùa đều được cài hoa hồng rồi chứ gì? Tôi  cài cành hoa này để cậu luôn nhớ rằng mình vẫn còn một người mẹ ở trên đời. Cậu đã mất tất cả. Nhưng rồi cậu sẽ có lại hết bằng tài năng và sức trẻ của mình.

Còn tình mẹ… nếu để mất đi rồi thì cả đời này ta không tìm lại được đâu. Bao lâu nay cậu đã đánh mất mình vì tham cầu chút danh vị của thế gian, quên luôn cả người mẹ ở quê nhà. Bây giờ chưa phải là muộn để cậu tìm lại những gì mà mình từng có.

Ngừng lại một chút như để cho Thành kịp suy nghiệm ra mọi việc, rồi thầy lại nói tiếp: – Ngày mai chùa làm lễ tự tứ ra hạ. Tôi được phép về quê vài tuần để thăm chùa, đảnh lễ Sư ông và thầy Bổn sư. Tôi sẽ đặt mua hai vé xe. Cậu chuẩn bị đi. Rồi chúng ta sẽ cùng trở về quê luôn thể.

Là người có trí tuệ và năng lực, tôi tin là cậu sẽ đứng dậy được. Quê hương mình đang cần sự năng nổ của những người tuổi trẻ tài hoa như cậu, đâu nhất thiết là phải chen chân ở cái đất thị thành đầy nắng gió này. Tôi đang theo học trường Cao Cấp Phật học. Vài năm nữa tốt nghiệp rồi cũng trở về quê phụ giúp với thầy tổ. Mảnh đất quê hương luôn là nơi bình yên thân thiết mà mình không thể rời bỏ. Nơi ấy luôn có bao người  kỳ vọng… và chờ đợi những đứa con xa xứ trở về.

Buổi  sáng sớm Thành cùng vị tu sĩ ra bến xe trở về quê… Lòng anh rộn rã hẳn lên khi nhìn thấy những hàng dừa xanh trải dài thẳng tắp trên các nẻo đường quê quen thuộc. Đối với Thành cuộc sống dường như chỉ mới bắt đầu. Một chồi xanh mới vừa nhú lên đã hứa hẹn nhiều mầm sống tốt  đẹp.

Thành thật sự xúc động khi thoáng thấy bóng mẹ già đứng khuất bên mái hiên chùa. Khoé mắt bà ánh lên niềm vui rạng rỡ khi ôm lấy bờ vai gầy của đứa con trai vừa trở về. Trong vòng tay mẹ, Thành thấy lòng mình vẫn ấm áp như thuở còn thơ.