Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Tường: Không thể diễn tả bằng...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Tường: Không thể diễn tả bằng lời vẻ đẹp của các ngôi chùa Việt Nam (cập nhật hình ảnh)

273

PV: Nhân duyên nào khiến anh trở thành một người chuyên chụp ảnh Chùa?

NSNA Võ Văn Tường: Từ hồi cấp 1 và cấp 2, tôi học ở trường Hàm Long, Huế – ngôi trường tư thục của Phật giáo nằm trong khuôn viên chùa Báo Quốc – tôi đã bắt đầu chụp những tấm ảnh về ngôi chùa năm 1967. Đến năm 1971, vào Sài Gòn học ở Viện Đại học Vạn Hạnh, tôi tiếp tục đi thăm và chụp ảnh nhiều ngôi chùa ở miền Nam.

Nhà nhiếp ảnh Võ Văn Tường đang sử dụng máy GPS map 60CSx định vị tọa độ chùa Phật Tích, Bắc Ninh – Ảnh: Lê Trung Tín (TT sách Kỷ lục Việt Nam)

Nhưng trở thành người chuyên chụp ảnh chùa là từ những năm 1980 khi tôi tham gia làm Ủy viên Báo chí của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam; thực hiện cuộc triển lãm kỷ lục được tác giả Huy Vĩnh ghi trong sách Guinness Việt Nam: Cuộc triển lãm ảnh cá nhân nhiều nhất với gần 1.000 tấm ảnh màu về các ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam do Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh; thực hiện cuộc triển lãm “Chùa Việt Nam xưa và nay” với 500 tấm ảnh màu cỡ lớn tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh năm 1990 ; và thực hiện cuốn sách “Việt Nam Danh Lam Cổ Tự” năm 1991 với 4 ngữ : Việt, Anh, Pháp, Hoa giới thiệu 171 ngôi chùa do NXB. Khoa học Xã hội – Hà Nội ấn hành.

PV: Anh đã chụp bao nhiêu ngôi chùa?

NSNA Võ Văn Tường: Trong sách “Việt Nam Records Book 2006” đã có ghi số thống kê này khi Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục cho tôi là : “Người chụp và lưu trữ ảnh chùa nhiều nhất Việt Nam”. Số ảnh màu và phim slide màu chụp về ngôi chùa  từ năm 1989 đến năm 2005 là : 226.780 ảnh bằng phim, thẻ và 3.800 phim slide về 2.016 ngôi chùa ở 59 tỉnh, thành phố trong cả nước và 7 quốc gia lân cận. Từ đầu năm 2006 đến nay, tôi chụp rất nhiều bằng máy ảnh kỹ thuật số Nikon D2X nên rất khó tính số lượng ảnh, mà tính bằng việc lưu trữ ảnh qua ổ cứng (khoảng 8.000 GB) và hàng trăm đĩa DVD hình ảnh vào khoảng 2.500 ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam, chùa Việt Nam ở nước ngoài và chùa nước ngoài.

 

PV: Có ngôi chùa nào anh phải đi lại nhiều lần để chụp?

NSNA Võ Văn Tường: Rất nhiều chùa tôi phải đến chụp đi chụp lại nhiều lần. Có 4 lý do: Một là chụp chưa đạt nên phải đến chụp lại, do thời tiết, khí hậu, cúp điện, chùa đang sửa chữa hay thầy trụ trì đi vắng … Hai là những ngôi chùa nổi tiếng đã dùng ảnh in ấn trong nhiều sách, báo hoặc đĩa CD Rom … thì phải có nhiều ảnh khác nhau ở những góc cạnh khác nhau để thay. Ba là nhiều ngôi chùa cổ ngày nay đã trùng tu, kiến thiết thành ngôi chùa lớn, khác hẳn ngôi chùa xưa, nên phải chụp lại. Bốn là tôi đang giảng dạy môn Danh Lam Cổ Tự Việt Nam và môn Nhiếp ảnh tư liệu ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM và Khoa Du lịch ở một số trường Đại học, nên thường dẫn sinh viên đến thăm và chụp ảnh tại những ngôi chùa là điểm du lịch hành hương, là di tích lịch sử văn hóa …

PV: Là người mang kỷ lục chụp nhiều chùa nhất, ấn tượng của anh khi chụp các ngôi chùa Việt Nam là gì?

NSNA Võ Văn Tường: Đó chính là nét đẹp của các ngôi chùa tôi đến để chụp. Những vẻ đẹp đó bằng lời không thể diễn tả hết được, có những vẻ đẹp nhất quán trong kiến trúc, lịch sử, văn hóa của các ngôi chùa trên từng vùng miền, có những nét đẹp riêng của từng ngôi chùa. Đó là những vẻ đẹp vô giá mà cha ông và thời gian đã ban tặng chúng ta. Tôi cố gắng nắm bắt những vẻ đẹp đó và thu vào mỗi bức ảnh để mọi người có thể cảm nhận những vẻ đẹp đó khi chưa có điều kiện đến thăm.

Nhà nhiếp ảnh Võ Văn Tường chụp cảnh quan chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang. Ảnh: Lê Trung Tín (TT Sách Kỷ lục Việt Nam)

Tôi đã có cuộc triển lãm 600 tấm ảnh vào mùa Xuân năm Quý Dậu (1993)  tại Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh về đề tài : “Nét đẹp trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ ở chùa Việt Nam”. Khoảng 20 cuộc triển lãm sau đó và đặc biệt, trong triển lãm Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, tôi tham gia gần 1.000 tấm ảnh màu cỡ lớn về ngôi chùa cũng với nội dung trên.

PV: Vâng, vẻ đẹp của các ngôi chùa mà anh đã thu vào các bức ảnh rất cần được chia sẻ và phổ cập đến đông đảo Phật tử và người dân. Anh chia sẻ các bức ảnh chụp của mình với cộng đồng như thế nào?

NSNA Võ Văn Tường: Từ nhiều năm qua cho đến nay, tôi sử dụng hình ảnh ngôi chùa đã chụp vào chương trình power point để giảng dạy; để in sách, báo, bưu ảnh, đĩa CD Rom, triển lãm, tư liệu kỷ lục … và hỗ trợ hình ảnh cho nhiều nhà nghiên cứu. Hai cuốn sách “Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam” (1994) và “108 Danh Lam Cổ Tự Việt Nam” (2007) đã được giải thưởng sách đẹp quốc gia ; Hai đĩa CD Rom “Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam” và “Chùa Việt Nam xưa và nay” đều được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.

Gần đây, tôi đưa hình ảnh chọn lọc những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam lên nhiều website để độc giả xa gần xem dễ dàng hơn qua 3 trang web tôi cộng tác thường xuyên là : www.phattuvietnam.net, Giác Ngộ online và www.phatgiao.vn.

PV: Là người gắn bó với vẻ đẹp và giá trị của các ngôi chùa, chắc hẳn anh có nhiều trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị của các ngôi chùa Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay?

NSNA Võ Văn Tường: Tôi được đi và chụp ảnh các ngôi chùa ở nhiều nước, tôi tự hào về ngôi chùa ở nước ta có nhiều nét đặc sắc về lịch sử, đa dạng về cảnh quan, kiến trúc và điêu khắc hơn. Quý vị trụ trì hiện nay, ngoài việc tu học và hoằng pháp, còn được sự giúp đỡ của nhiều phật tử trùng tu, mở rộng cảnh chùa, trang bị nhiều phương tiện sinh hoạt hiện đại.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Võ Văn Tường tặng sách TT. Thích Bảo Nghiêm – Trụ trì chùa Lý Triều Quốc Sư (Hà Nội)

Tôi chỉ xin có một vài đề nghị đến quý chùa là điểm du lịch hành hương, là nơi tham quan chiêm bái của đông đảo Phật tử, du khách hằng ngày là: 1. Luôn giữ cảnh chùa trang nghiêm, sạch sẽ, có nhiều bảng hướng dẫn, quy định … ; 2. Cần có bảng hoặc bia giới thiệu lịch sử ngôi chùa bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa … và nhiều ấn phẩm văn hóa liên quan đến ngôi chùa : tờ gấp, bưu ảnh, đĩa ảnh, đĩa phim, quà lưu niệm … Ở mỗi ngôi điện lớn, cần có bảng giới thiệu riêng ; 3. Các câu đối, hoành phi, văn bia … bằng chữ Hán nên được phiên âm, dịch nghĩa gắn vào nơi dễ đọc nhất ; các pho tượng thờ cũng nên được khắc tên trên bảng nhỏ bằng tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Anh … ; 4. Thầy tri khách cần am hiểu về lịch sử và giá trị văn hóa của ngôi chùa, nói được tiếng Anh … 5. Việc bảo tồn, trùng tu các ngôi chùa cổ cần tôn trọng giá trị gốc, người trùng tu phải có hiểu biết, tâm huyết và kỹ năng để thực hiện tốt công việc này, tránh việc “hiện đại hóa” các ngôi chùa cổ.

PV: Nhân dịp đón xuân mới Kỷ Sửu, anh có chia sẻ gì với độc giả Phattuvietnam.net?

NSNA Võ Văn Tường: Trước hết, xin chúc mừng trang web phattuvietnam.net với lượt người truy cập gần 660.000. Đây là số lượng lớn với một trang web Phật giáo. Điều này nói lên được sự quyết tâm vì sự nghiệp hoằng pháp của Trang nhà và sự ủng hộ của các cộng tác viên khắp miền đất nước.

Tôi có 3 đề nghị với Ban biên tập : 1. Ở nước ta có nhiều thầy thuốc giỏi, nên mời các vị cộng tác để phổ biến các bài thuốc chữa bệnh, hướng dẫn sử dụng thuốc … Nói chung, vấn đề y tế thường thức rất cần trong cuộc sống của phật tử chúng ta.

2. Ở nước ta cũng có rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng, nên mời các vị cộng tác để hướng dẫn cho tăng ni phật tử cách sử dụng tốt nhất máy ảnh kỹ thuật số để chụp các hoạt động phật sự, tiến đến Ban biên tập vận động tài chánh để tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật về sinh hoạt chốn thiền môn, chúng ta sẽ có bộ ảnh chất lượng tham gia triển lãm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới tại Hà Nội vào năm 2010.

3. Nên đưa nhiều thông tin hoạt động của Gia đình Phật tử đang hoạt động rất mạnh và rộng khắp hiện nay.

Nhân năm mới Kỷ Sửu – 2009, kính chúc quý Ban biên tập cùng thân quyến một năm an lạc, cát tường. Kính chúc quý độc giả và quý vị cộng tác viên phattuvietnam.net một năm vạn phúc, vạn hạnh.

PV: Trân trọng cám ơn anh. Kính chúc anh một năm mới tràn đầy hỉ lạc và chúc anh tiếp tục có nhiều nhiều tác phẩm nhiếp ảnh ưng ý về các ngôi chùa Việt Nam nói riêng, về chủ đề Phật giáo nói chung.