Trang chủ Diễn đàn Ngôi chùa thiêng bị lãng quên hơn hai thế kỷ

Ngôi chùa thiêng bị lãng quên hơn hai thế kỷ

135

Phải men theo những quả núi cao, chằng chịt những hố rãnh sâu hoắm bị nước sói mòn, chiếc xe xốc lên xốc xuống trên con đường ngoằn nghoèo, khúc khuỷu và băng qua một ngôi làng nhỏ, thưa thớt dân cư, chúng tôi mới đến được nơi an tọa của ngôi chùa này.


Chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát tại xóm 8, Nghi Tiến – Nghi Lộc – Nghệ An được xây dựng vào năm 1801. Trải qua bom đạn chiến tranh ác liệt vậy mà khu chính điện của ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn.




Dòng chữ được ghi dưới những họa tiết hoa văn tại gian Thượng vẫn còn đến bây giờ. (Ảnh Q.C)

Những hình rồng cuộn trang trí trên bức tường phía sau, những pho tượng cổ và những câu đối còn nguyên nét mực…Nhưng cho đến nay, ngoài sự chăm sóc của các bô lão và người dân trong làng, ngôi chùa vẫn chưa nhận được sự quan tâm chính đáng của chính quyền địa phương và gần như bị bỏ hoang giữa cánh đồng.


Ngôi chùa thiêng hai thế kỉ và những giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng


Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Nghi Lộc, Nghệ An khoảng 20km, men theo bên bờ sông Cấm nhưng chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát vẫn nằm đó cùng nắng mưa. Chúng tôi đến đây vào một ngày cuối tháng hai. Mưa xuân lắc rắc phủ kín cả cánh đồng làng.




Gian chính điện vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay


Vì vậy, ngôi chùa như thu mình lại gọn hơn chỉ thấp thoáng một vệt nhỏ. Từng vết rêu mốc của thời gian hằn rõ lên cả những viên đá lát. Có lẽ cả gạch ngói cũng không chịu được những vết rêu mốc ấy nên toàn cảnh ngôi chùa đang xuống cấp trầm trọng.


Theo những chứng cứ chính xác còn để lại như năm xây dựng ngôi chùa được viết trang trọng, ẩn sau những khúc rồng cuộn trên bức tường phía sau, thì chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát được xây dựng năm 1801, trước năm mà vua Gia Long chính thức lên ngôi.



Hệ thống tượng và hoa văn trong gian chính điện vẫn ghi dấu năm 1801


Theo những ghi chép còn lại của làng, thực địa nguyên thủy của chùa được xây dựng trên một khu đất có chiều dài 85m, chiều rộng 82m, tổng diện tích lên đến 6970m vuông.


Chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát là một ngôi chùa lớn và quan trọng về giá trị văn hóa và tâm linh lúc bấy giờ. Cấu trúc của chùa gồm chùa thượng và chùa hạ, lợp ngói vảy cổ kính. Phía trên cửa cổng chùa Thượng đắp nổi hình con Hổ Long lớn. Phía trong chùa trên vẽ hình 2 con rồng chầu mặt nguyệt lẫn vào các đám mây đoạn khuất, đoạn hở, nhiều pho tượng đồng, tượng gỗ được đúc, chạm khắc tinh xảo…



Chùa hiện nay chỉ còn lại rất bé


Đã hơn hai trăm năm trôi qua, chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát hiện vẫn còn giữ nguyên được nhiều nét nguyên bản vô cùng quí giá. Hiện tại, bức họa “Lưỡng long chầu nguyệt” trên bức tường trong chính điện với dòng chữ ghi năm xây dựng ngôi chùa 1802 vẫn còn nguyên nét mực. Hai bên nách tường có ghi rõ hai vế đối:


Linh ứng kỷ gửi liên sinh mệnh
 Thánh tướng tòng kinh thạch niên lộ


Theo lời kể lại của người dân và các vị bô lão trong làng, chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát là một ngôi chùa thiêng. Khoảng năm 1972 – 1973, một trại nuôi lợn được chuyển đến ngay bên cạnh ngôi chùa, trong năm đó, một con lợn mẹ đã đẻ ra một con voi con.


Ngay sau đó, con voi con chết và người dân trong làng chôn cất trên một gò nhỏ cạnh chùa thờ cúng từ đó. Người canh trại lợn nhiều đêm thấy phật hiện về khuyên chuyển ngay trại lợn. Người này không nghe, ít ngày sau đó, người dân trong làng phát hiện ông ta chết cạnh chùa trong tư thế hai tay, hai chân  quắp lại như  bị trói.



Lưỡi rìu đá và bình vôi được người dân phát hiện trong khuôn viên di tích

Cho đến tận bây giờ, những người trong làng qua cổng chùa đều phải bỏ nón, khom người và thành kính nếu không sẽ bị “ngài quở” sinh ốm đau. Chính vì ngôi chùa linh thiêng như vậy mà người tròng làng vẫn đều đặn hàng trăm năm nay đều tổ chức lễ bái vào các ngày rằm tháng giêng, 19/01 âm lịch, 03/03 âm lịch, 10/10 âm lịch.


Ngoài những giá trị đặc biệt quan trọng về mặt văn hóa và tâm linh, chùa Bạch Y Tuyết Sơn bồ tát còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt lịch sử. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, do địa thế nằm giữa cánh đồng, chùa đã được dùng làm nơi huấn luyện dân quân, du kích địa phương. Vườn chùa qua nhiều năm tháng là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của đảng bộ xã.


Từ năm 1949 – 1955, nhà chùa còn là trường học của con em trong vùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ vĩ đại, từ năm 1968 – 1976, chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát chính là nơi kho chứa vũ khí, chủ yếu là các loại đạn pháo bắn tàu thủy địch: 75, 85, 120 li, lựu đạn…. Từ năm 1969 – 1977, ngôi chùa lại tiếp tục trở thành trụ sở kháng chiến cho ủy ban nhân dân xã Nghi Tiến.


Với biết bao giá trị to lớn như thế, cùng trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc như thế, bom đạn giặc không phá được ngôi chùa, vậy mà đang từng ngày từng giờ, chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát vẫn nằm chơ vơ giữa cánh đồng làng.


Chính quyền thờ ơ, di tích xuống cấp trầm trọng đang kêu cứu


Có một thực trạng đáng buồn tại chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát là diện tích hiện nay của ngôi chùa đang bị lạm dụng đáng kể để sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, diện tích chính thức hiện nay của ngôi chùa chỉ còn lại 880m vuông.


Qua thời gian và bom đạn ác liệt, chùa Thượng và chùa Hạ không còn nữa. Tuy nhiên, khu chính điện vẫn còn hoàn toàn nguyên vẹn. Nhưng do chưa có sự công nhân di tích chính thức của địa phương cùng những phương án bảo tồn di tích cụ thể, vì vậy, ngôi chùa chưa được chăm sóc và đang ngày càng xuống cấp vô cùng trầm trọng. Nhưng dòng câu đối mờ vết mực bị tô lại, mái ngói mục vụn…


Theo sư thày Võ Đình Nông, người trông nom và trụ trì chùa hiện nay: “Tôi nối tiếp cụ thân sinh ra tôi là đời thứ hai trông nom ngôi chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát này. Đây là ngôi chùa có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh quan trọng mà tôi là người trực tiếp chứng kiến. Hiện nay, chùa đang rất xuống cấp. Chúng tôi biết mà bất lực vì không có kinh phí”.


Gần đây, trong quá trình canh tác xung quanh ngôi chùa của người dân trong vùng, người ta đã tìm thấy rất nhiều cổ vật của ngôi chùa từng bị “độn thổ”. đáng lưu ý trong đây là hàng chục chiếc bình vôi nhỏ, thiết kế tinh xảo, khi rửa sạch bùn trở nên sáng loáng, những chiến lưỡi rìu đá và hàng mấy chục kg tiền đồng cổ.


Đặc biệt, theo sách vở ghi chép lại, chùa từng có một tấm bia đá lớn có 17 dòng chữ Hán được khắc theo hàng dọc từ trên xuống ghi lại sắc chức các vị quan tướng có công. Tuy nhiên, tấm bia đá lớn này đã bị “độn thổ” mất. Nhưng cùng với những cổ vật tìm lại được, người dân trong vùng đã tìm được phần chân của bia đá. Đây được coi là một chứng tính quan trọng cho sự tồn tại của ngôi chùa.


Theo ý kiến của ông Lưu Quang Thượng, chủ tịch ủy ban nhân dân xã Nghi Tiến: “Chúng tôi cũng biết đây là một di tích có ý nghĩa rất quan trọng nhưng vì kinh phí của xã có giới hạn nên mới chỉ cùng bà con tu sửa, tôn tạo được chút ít. Rất mong cơ quan có thẩm quyền quan tâm đến di tích quan trọng này hơn nữa”.


Những tiếng kêu cứu của chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát là vô cùng khẩn thiết. Những hoành phi câu đối, những hình họa, những bức tượng cổ đang rất cần sự bảo quản và tôn tạo của chính quyền địa phương.



Người dân nghèo nơi đây chỉ đủ tiền góp xây cổng Tam Quan và tường bao để bảo vệ di tích.

Nếu không có sự quan tâm kịp thời, không biết những cổ vật được khai quật ấy rồi sẽ thất lạc và lưu tán đi đâu. Quan trọng hơn nữa, đây còn là vùng “địa linh” của cả một vùng đất có bề dày truyền thống. Những giá trị văn hóa tinh thần, những dấu mốc lịch sử cần được gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau. Tất cả đang trông chờ vào sự quan tâm nhiệt thành của chính quyền địa phương.


Trong làn mưa rải nhẹ, phía xa ngọn Tuyết Sơn mờ mịt mây mù. Chúng tôi ra về mà cứ băn khoăn mãi không biết có ai nghe thấy tiếng kêu cứu khẩn thiết của ngôi chùa cổ kia hay không. Chỉ thấy giữa cánh đồng, một ngôi chùa bị lãng quên cừ mờ mờ ẩn hiện…