Trang chủ PGVN Cửa thiền Ngôi nhà chung của những mảnh đời bất hạnh

Ngôi nhà chung của những mảnh đời bất hạnh

67
Nơi chúng tôi đến đầu tiên là ngôi chùa Thanh Sơn ở thôn Thuỷ Chiều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, nơi đang cưu mang nuôi dạy trên 100 trẻ bị bỏ rơi. Ở đây các cháu được sống trong vòng tay yêu thương của sư thầy trụ trì và sự chăm sóc nhiệt tình của các tăng ni phật tử, các chị bảo mẫu.
 
Họ đã tình nguyện vào đây để chăm sóc, dạy các cháu học và chơi. Ngoài giờ học chính thức ở trường, nhà chùa còn mời các thày cô về dạy thêm tiếng Anh, Tin học và cả cắt may, thêu thùa cho các bé gái. Chính từ ngôi nhà chung này, nhiều em đã biết vươn lên trong học tập và đỗ đạt cao trong các kỳ thi đại học, cao đẳng.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa cho biết: Cách đây gần 15 năm, trong làng, xã có nhiều cháu mồ côi cha, mẹ, hoàn cảnh khó khăn không thể ăn học đến nơi đến chốn. Trước cảnh éo le đó, tôi đã nhận các cháu về chùa để nuôi dạy.
 
Từ 25 trẻ ban đầu nay đã lên trên 100 cháu, trong số này có hơn 40% là trẻ bị bỏ rơi khi mới chào đời được vài ngày tuổi, thậm chí có cháu còn chưa cắt rốn.
Để nuôi dạy các cháu chu đáo, nhà chùa đã được rất nhiều nhà hảo tâm chia sẻ và hỗ trợ tiền bạc, sách vở, quần áo, máy vi tính. Chùa Thanh Sơn đã xây được 2 khu tập thể dành riêng cho các cháu bé mới sinh và các cháu đang tuổi cắp sách đến trường.
 
Mỗi phòng được sắp xếp 3 giường tầng và bàn ghế học tập ngăn nắp.
Rời chùa Thanh Sơn, chúng tôi trở về thành phố Nha Trang, thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc do sư thích nữ Diệu Y làm trụ trì. Nơi đây đang có 6 lớp học tình thương cho 200 cháu là trẻ mồ côi và gia đình nghèo mà các phật tử chùa Lộc Thọ đã đóng góp ủng hộ xây dựng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ở đây các cháu được nhà chùa cũng như các thày cô chăm sóc chu đáo.
Chia tay lớp học tình thương, chúng tôi tới Mái ấm Anh Đào, ngôi nhà chung của trên 60 em bơ vơ không nơi nương tựa, trong đó có nhiều em bị bại liệt, thiểu năng trí tuệ và một bé bị động kinh.
 
Sư cô Thích nữ An Sơn Ánh Tuyết tâm sự: Đã từ lâu tôi mong xây dựng được một mái ấm để dành cho những đứa trẻ mồ côi. Mỗi lần đi khất thực, bắt gặp những trẻ nhỏ lang thang đi bán vé số để kiếm sống qua ngày là tôi không thể cầm lòng, muốn nhận chúng về chăm sóc nuôi dạy và cho chúng đi học.
 
Năm 2005, khi đã dành được chút tiền, tôi cùng với các nhà hảo tâm mua lại được căn nhà cấp 4 ở Ninh Hoà, rộng trên 200 m2 để lập ra mái ấm này. Được chăm sóc đỡ đần cho các em nhỏ không nơi nương tựa, đó là niềm vui của sư cô và các mẹ ở Mái ấm Anh Đào.
 
Các mẹ bộc bạch, hạnh phúc nhất là khi các cháu được cha mẹ, người thân đón nhận trở về với gia đình. Hiện nay đã có gần chục cháu được gia đình đón về. Có 3 cháu trong cùng một gia đình, bố mẹ sau khi ly hôn đã bỏ rơi chúng và được mái ấm nhận nuôi, một thời gian thì mẹ các cháu đến xin nhận về.
Ở đây các cháu được ăn học đến nơi đến chốn, ngoài sự hướng dẫn của giáo viên và các mẹ thì các em lớn hướng dẫn các em nhỏ trong việc học hành. Chỉ tính riêng tỉnh Khánh Hoà thì đã có hàng chục nhà chùa, mái ấm tình thương để tiếp nhận nuôi dạy các trẻ mồ côi, tuy mỗi nơi cách làm khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là khơi dậy tình thương yêu con người.
 
Họ tự nguyện vất vả để đổi lấy cuộc sống bình yên cho con trẻ. Ngoài những giờ lên lớp, chăm sóc các cháu, thì nhà sư và các mẹ nhận lại ruộng khoán để trồng lúa, tăng gia sản xuất, trồng rau xanh để cải thiện cuộc sống cho các bé.
Như lời tâm sự của các sư trụ trì, nhà chùa sẵn sàng làm phúc, nuôi nấng các bé lên người. Mỗi khi có tiếng khóc ngoài cổng chùa, các sư lại xót lòng bởi biết rằng có thêm một sinh linh nữa bị bỏ rơi. Mong rằng các bậc làm cha mẹ hãy thương yêu, chăm sóc những đứa con của mình, đừng trở thành người vô cảm đẩy gánh nặng cho xã hội, vì không ai chăm con tốt hơn chính bố mẹ của chúng.