Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Người làm mõ cho đại lễ nghìn năm Thăng Long…

Người làm mõ cho đại lễ nghìn năm Thăng Long…

76

Mõ lớn nhất hiện nay

Sau 4 tháng làm việc, ông Lê Thanh Liêm và nhóm của mình đã cho ra đời một chiếc mõ khổng lồ với trọng lượng 250kg; cao 1,1m. Mặt trên của mõ chạm trổ 2 con "ngư hoá song long châu" (cá hoá rồng) cùng dòng chữ: "Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long".

Đặc biệt, dù là mõ, nhưng khi dùng dùi để gõ vào mõ thì lại phát ra âm thanh rất lớn, vọng như tiếng trống. Tác phẩm thứ hai mà ông Liêm cùng các cộng sự cũng vừa hoàn thành để tham gia đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là tượng Phật Di Lặc có trọng lượng 120kg; cao 1,5m; tượng đứng trên một con rồng.

Theo ông Lê Thanh Liêm thì cả hai tác phẩm trên ông đều làm theo "đơn đặt hàng" của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm tham gia vào đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và cả hai sản phẩm đều đã được vận chuyển ra Hà Nội.

"Được làm hai tác phẩm trên là niềm tự hào trong cuộc đời làm mõ, làm tượng của tui" – ông Liêm nói. Tuy nhiên, hai tác phẩm trên, đặc biệt là chiếc mõ đã làm ông Liêm "quên ăn, quên ngủ" vì không biết tìm đâu ra gỗ lớn và trong lịch sử 4 đời làm mõ của gia đình ông, cái mõ lớn nhất cũng chỉ có đường kính 60cm.

Trong lúc ông Liêm đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì bất ngờ người chuyên cung cấp gỗ cho ông cho biết họ đã phát hiện ra một cây mít có tuổi thọ trên 200 năm với đường kính hơn 1m. Một tháng sau, cây gỗ mít nói trên đến được tay ông.
 
Có được gỗ, ông lại tiếp tục mất ngủ vì "chắc chắn nó phải là cái mõ lớn nhất từ trước đến nay để phù hợp với quy mô của đại lễ rồi. Nhưng phải làm sao cho nó vừa đẹp, tiếng mõ phải thanh thoát và nhìn vào nó, ai cũng biết được đây là cái mõ của 1.000 năm Thăng Long" – ông kể.

Nghề… tâm sạch

Cơ sở làm mõ của ông Liêm hiện nổi tiếng khắp nước. Mõ của ông làm vừa đẹp, âm lại nghe rất thanh tịnh, làm nhẹ lòng người. Hiện cơ sở làm mõ của ông là nơi sản xuất mõ chính cho các gia đình Phật tử và chùa chiền, không những khắp cả nước, mà còn xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Âận Độ, Pháp…

Ông Liêm cho biết: "Để trở thành thợ làm mõ, phải học mất 3 năm thì mới lành nghề. Quy trình làm mõ không khó, bởi chỉ các công đoạn: Đẽo vỏ ngoài, ra phôi, thành hình, đục rỗng trong, cho vào lò sấy, làm láng, chạm trổ, làm nguội, lên sơn…Cái khó nhất ở nghề này là lấy tiếng. Đây là bí quyết gia truyền của gia đình tui. Phải có mẹo mới lấy được lấy tiếng. Mỗi lần lấy tiếng đều làm tai tui loà đi, phải nghỉ một lúc sau mới có thể tiếp tục được".

Cái khó nữa là nguyên liệu làm mõ chỉ được dùng gỗ mít nguyên khối, với đặc điểm không bị co rút, không bị nứt nẻ qua thời gian. Gỗ mít hiện vừa hiếm, vừa rất dễ đánh lừa người mua. Nhiều cây bề ngoài thì bình thường, nhưng khi mua về đục ra thì bên trong bị hư. Một cây gỗ mua mấy chục triệu đồng thế là phải bỏ, như vậy là cả tháng làm công không" – ông nói. Có lẽ vậy mà số cơ sở làm mõ ở Thừa Thiên – Huế nói riêng và cả nước nói chung chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy vậy, những điều vừa kể lại chưa phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn vong của nghề làm mõ. "Điều quan trọng nhất mà tui luôn tâm niệm với học trò hàng ngày là làm nghề cái nghề làm tiếng giúp thanh tịnh lòng người này, cái tâm người thợ phải sạch sẽ theo nhiều nghĩa. Hầu hết sản phẩm được dùng vào những nơi linh thiêng như chùa chiền, nếu mình làm dối, làm ẩu thì sẽ không thọ lâu được" – ông tâm sự.