Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Người Phật tử 41 lần hiến máu

Người Phật tử 41 lần hiến máu

79

Khi tôi hỏi về sức mạnh nào đã giúp người phụ nữa nhỏ bé, đen gầy, cân nặng chưa được 50kg có thể đi hiến máu tới lần thứ 41, cô Nguyễn Thị Huệ (53 tuổi, ở số nhà 109/13 Nguyễn Văn Luông, Phường 10, Quận 6, TPHCM) trả lời như thế.


Vì xúc động mà tôi theo viết về cô

Những ngày theo đoàn tham gia “Hành trình Trái tim Việt Nam” lần thứ hai, cô Huệ chỉ mặc áo trắng. Ba cô mới mất cách đây 4 tháng.

Cô không lập gia đình, sống giản tiện, thoải mái về tinh thần, thỉnh thoảng đi chùa, dùng tiền tiết kiệm cúng chùa, mang quà đến bệnh viện cho những cô nhi, quả phụ…

Cô bảo, hướng cái tâm mình đến điều thiện, khi người khác hạnh phúc, mình cũng sẽ hạnh phúc.

Cô nhất quyết không cho tôi viết bài về mình. Cô là một tín đồ Phật giáo, làm điều thiện không muốn để tiếng. Giống như khi có người hỏi, cô sẽ bảo cô đi hiến máu ít thôi. Cứ để tự nhiên, không ai biết cả. Cô ngại nói về mình.













Tôi đã thuyết phục cô rất nhiều lần. Tôi đã hứa sẽ không viết nhiều về cô. Tôi nói với cô, mùa hè là thời điểm xảy ra thiếu hụt máu cấp bách nhất. Ít người biết rằng, tại Việt Nam hiện nay, máu dự trữ được trong vòng 35 ngày sẽ tự huỷ.
 
Trong khi đó, số người cần được tiếp máu như bệnh nhân sau khi mổ, sản phụ sinh con bị mất máu, trẻ em bị bệnh về máu bẩm sinh… lại rất đông. Nhiều bệnh nhân sẽ tử vong vì thiếu lượng máu truyền cần thiết. Và trong số này có rất nhiều phụ nữ và các bé em ở những vùng quê nghèo…

Để các bệnh viện có đủ máu để cứu sống người, thì không chỉ cần thêm nhiều người hiến máu, mà cần nhiều người hiến máu thường xuyên hơn.

Tôi muốn cô, cùng với tôi, gạt bỏ bất cứ lo lắng nào của mọi người về việc hiến máu. Và tôi sẽ cảm ơn cô chân thành vì những nỗ lực đó. Thế nên tôi đã viết về cô, không chỉ bởi nhân Ngày cả thế giới tôn vinh những người hiến máu tình nguyện (14/6)…

Một người tốt thầm lặng

Cô kể với tôi lần hiến máu đầu tiên, năm 1972, dưới thời Việt Nam Cộng hoà, khi cô 17 tuổi. Chiến dịch Xuân hè 1972, Việt Nam Cộng hoà gọi là “Mùa hè đỏ lửa”, phía Mỹ gọi là “Easter Offensive”, tôi mới chỉ biết qua thơ Chế Lan Viên, qua sách báo.







Nhưng tôi biết, ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam,… số thương vong rất nhiều. 17 tuổi, còn quá bé, cô phải thiết tha xin mãi bác sĩ mới đồng ý cho hiến. 17 tuổi, khi hiến máu xong, cô chỉ ước nguyện có đủ sức khoẻ để hiến được 30 lần.

Cô bảo, cô là một người khoẻ mạnh, có hiểu biết về việc hiến máu, và sẽ luôn sẵn sàng hiến máu vì người bệnh. Quan niệm của mọi người xưa nay vẫn là “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.


Biết cô đi hiến máu, gia đình sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ, ban đầu cũng can ngăn. Nhưng cô bảo, hiến máu đơn giản, không quá đau đớn. Thêm nữa, nguồn máu hiến từ những người tình nguyện như cô là những đơn vị máu có giá trị và an toàn nhất dành cho người bệnh.

Lễ Vu Lan, lễ Quan Âm, những ngày giỗ của người thân trong gia đình… những hôm đó, khi đi hiến máu san sẻ cho những người khác, cô thấy rất vui. Nhất là những ngày giỗ mẹ.

Năm 1959, mẹ cô sinh em bé, bị băng huyết. Cả nhà không ai cùng nhóm máu. Một người lạ, tên Nhân, đã cho máu và cứu sống mẹ cô. Khi đó, cô Huệ mới 4 tuổi, được nghe chị lớn kể lại.






 “Những người hiến máu chính là máu của một cộng đồng. Những giọt máu hiến là một món quà lớn mà bạn có thể trao tặng để cứu sống con người.”

(Tiến sĩ Jean-Marc Olivé, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam)


Mẹ cô mất năm 1994, trước ngày cô đi hiến máu lần thứ hai. Ngày còn sống, bà hay để một bình nước trà trước cửa nhà, ngày nào cũng dặn mấy chị em rửa ly chén, pha trà. Không phải thân quen, nhưng người ta đi chợ, gặp lúc hết tiền thì cũng có chén nước mát dạ trước hiên nhà cô.


Thời chiến tranh, những gia đình giàu có cũng chẳng bố thí gạo, nhưng bà vẫn nấu cơm san sẻ cho mọi người. Ngày còn sống, bà hay khuyên con cái làm điều thiện, dập tắt mọi oi bức, phiền muộn trong đời sống, khởi tâm tha thứ và thương yêu, tâm hồn an lạc, thảnh thơi để hiến tặng hạnh phúc.


Cô bảo, 41 lần hiến máu, nhưng lần nào cũng hồi hộp như lần đầu tiên. Cô tham gia đội hiến máu dự bị của TP. Hồ Chí Minh từ những ngày đầu thành lập, và đã hai lần đi hiến máu đột xuất. Một lần là dành cho một em bé nghèo ở Viện Tim.


Cô không biết mặt, chỉ nghe một người trong bệnh viện kể lại hoàn cảnh của em. Nửa tháng sau, cô gọi điện cho người vận động hiến máu để hỏi, mới biết em bé đã khoẻ, đã về quê. Vậy là đủ để hạnh phúc.













Tôi hỏi, nếu không phải là mẹ cô nhờ có máu hiến nên được cứu sống, thì cô có đi hiến máu thường xuyên như vậy? Hình như câu hỏi khiến cô khó trả lời. Cô chỉ bảo, mẹ cô được cứu sống, gia đình cô rất vui. Ở trong hoàn cảnh ấy, đã trải nghiệm, nên cô hiểu sâu sắc, thân nhân của người bệnh nhận được máu hiến sẽ rất vui, rất hạnh phúc, có thể là hơn cả gia đình mình ngày xưa.


Ai cũng có thể cần máu, có thể bao gồm bất cứ thành viên nào trong gia đình. Và cô không muốn việc thiếu hụt máu lấy đi mạng sống của nhiều người.

Cô bảo, cô mới tập tễnh vào đạo. Cô tuân theo lời dạy của Phật để tìm đến hạnh phúc chân thực. Cô lấy giới luật, lấy đời sống cao thượng làm nền tảng, nên tình thương được bảo chứng và niềm tin được bảo đảm. Trí tuệ vô lượng, phước đức vô lượng, tình thương vô lượng, chính là Phật.


Tôi tin, cô đã có Phật, Pháp, Tăng bảo chứng và thăng hoa tình thương của mình.

Năm nay cô Nguyễn Thị Huệ 53 tuổi. 55 tuổi là phải dừng lại vì hết tuổi hiến máu. Còn hơn 700 ngày nữa, cô chỉ ước nguyện Chư Phật gia hộ cho có sức khoẻ để hiến đủ 50 lần.