Trang chủ Văn học Tùy bút Nhà có mẹ già

Nhà có mẹ già

87

Một lúc nào đó bạn thấy mình ngồi bên mẹ, rất già nua mỏng manh như chiếc lá gầy vàng vọt, chực rơi. Bạn nhớ những ngày cũ ấu thời, mẹ luôn là nơi nương tựa ấm áp và tin cậy. Lúc đó bạn cũng chỉ là một chồi non yếu ớt, mẹ chăm sóc nhẹ nhàng nâng niu. Khi con vừa tượng hình trong bụng mẹ, có bao điều lo lắng mà người xưa chỉ dạy. Sự lưu tâm của ông bà, những kinh nghiệm của người trước, ngay cả những bậc túc nho uyên thâm chỉ biết ngồi bên bàn viết, cũng dặn dò:


Chiều sương chớ để áo quần


Đỉnh đầu phải cúi, bước chân phải dò.


(Nguyễn Trãi – Gia huấn ca)


Người mẹ có thai phải đi đứng chậm rãi cẩn thận, dè dặt từ đầu đến chân, không được phơi quần áo ngoài trời ban đêm, sợ e khí độc tà xâm nhập. Ở Trung Hoa, Trình Di là một bậc Tống nho nổi tiếng, mà các thư sinh khi theo học Nho giáo, ta gọi nơi thầy dạy học là cửa Khổng sân Trình, đủ biết uy tín Trình Di gần ngang Khổng Tử, đã soạn tập Minh đạo gia huấn, trong đó có phần dạy phụ nữ: “Đàn bà khi mang thai không nên ăn các thức ăn độc, không nên nghe các tiếng buồn bã (ai thinh). Đi đứng đường chánh, miệng không nói điều tà vạy…” đủ biết tất cả cách cư xử, ăn uống, nói năng tiếp xúc của một người mẹ quan trọng biết bao. Vì nuôi dưỡng cho đứa con sắp chào đời, chuẩn bị cho một thành viên của gia đình, xã hội một tư cách tốt đẹp, toàn vẹn từ thân thể đến tâm hồn, người mẹ đã phải nuôi con, dạy con từ trong thai, ta gọi là thai giáo.


Tôi thường thấy các bà mẹ treo ảnh Đức Bồ tát Quan Âm, hay ảnh Đức Mẹ Maria với dung nghi dịu dàng từ ái để mong đứa con sau này cũng thánh thiện và từ ái như thế. Có câu chuyện vui kể lại hai ông bố chia sẻ kinh nghiệm về việc vợ sinh con. Một ông nói: “Vợ tôi sinh ba vì hồi bà ấy mang thai tôi xem phim Ba chàng ngự lâm pháo thủ”. Ông kia kêu lên: “Chết rồi, vợ tôi có thai gần sanh, mà hôm qua bà ấy mới đọc truyện Alibaba và 40 tên cướp!”.


Ảnh hưởng giữa cha mẹ và con cái là một điều hiển nhiên. Dù khi con được sinh ra là một người độc lập, nhưng trong đời sống tâm linh con chịu sự hướng dẫn của cha mẹ, trước khi con tiếp xúc với xã hội, yếu tố gia đình đã ăn sâu vào tâm thức. Tác phẩm Gia huấn ca của Nguyễn Trãi có bài dạy con:


Ngày con đã biết chơi, biết chạy,


Đừng cho chơi cầm gậy, trèo cao,


Đừng cho chơi búa, chơi dao


Chơi vôi, chơi lửa, chơi ao, có ngày…


Trò chơi của đứa bé là một cách giáo dục, đứa bé biết chơi trước khi biết học, và những hình ảnh đầu đời thường ghi dấu rất đậm. Những bậc cha mẹ thời nay, có mấy khi đọc lại tác phẩm này:


Dạy từ thuở hãy còn trứng nước


Yêu cho đòn, bắt chước lấy người


Trình thưa vâng dạ đứng ngồi


Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên


Gần mực đen, gần đèn thì sáng


Ở bầu tròn, ở ống thì dài


Lạ gì con có giống ai


Phúc đức tại mẫu là lời thế gian


Làm mẹ chớ ăn càn, nói dữ


Với con đừng chửi rủa quá lời…


(Nguyễn Trãi – Gia huấn ca)


Vì con, cha mẹ trở nên nghiêm chỉnh, đứng đắn, bỏ qua những ngày tháng rong chơi. Con là hình ảnh của sự nghiệp mai sau, ai cũng muốn con mình có cuộc đời tốt đẹp hơn mình. Vì thế, con lại là sự nghiệp giáo dục của cha mẹ. Trong trường hợp đặc biệt, ảnh hưởng của thai nhi tác động lên bà mẹ khiến bà vươn cao khỏi thế giới thường tình. Mẹ ngài Xá Lợi Phất, khi mang thai Ngài đã thành một người có tài biện luận. Điều này khiến cậu của Ngài là Câu Hy La lưu ý, ông vốn là một luận sư danh tiếng trong giới học giả, nay mỗi khi đối đáp đều phải chào thua bà chị. Ông biết đây là do ảnh hưởng của đứa bé trong bụng mẹ và biết tương lai của cháu hẳn rất phi thường. Sợ cậu không bằng cháu thì thật là quê, nên không dám tự mãn phải lo tìm thầy học đạo. Sau này ông là một trong những vị đệ tử Phật được nêu tên trong các bản kinh. Gia đình ngài Xá Lợi Phất, nhờ uy lực của Ngài mà bao nhiêu người được độ, chứng quả. Đến giờ phút gần nhập Niết bàn, Ngài trở về ngôi nhà xưa, ở trong căn phòng của mình hồi mới chào đời. Và trong đêm cuối cùng, bà mẹ của Ngài chứng kiến sự kỳ diệu của con, biết bao ông vua trời đã đến đảnh lễ Ngài, bà phát tâm mãnh liệt và chứng quả Dự lưu. Đó là một sự trọn vẹn, so với ngài Mục Kiền Liên phải vất vả hơn. Trong mười đệ tử lớn của Phật, chúng ta ghi nhận hai hình ảnh giữa mẹ và con khác biệt nhau của hai Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Hình ảnh nào cũng cao quý thân thương.

Ngày nhỏ con cần mẹ, mẹ là niềm vui của con. Ngày nay khi bạn đã là người trưởng thành sức dài vai rộng, mẹ năm xưa già đi, một đời trút cạn cho con, mẹ cần con trong những tháng ngày yếu ớt. Mẹ bây giờ không thể chăm sóc, làm các việc vì con. Bạn hãy là niềm vui của mẹ, là chỗ nghỉ của mẹ, mẹ có thể tin cậy vào bạn để an tâm thở những hơi mỏng manh. Nhẹ nhàng và cẩn trọng, như ngày xưa mẹ đối với bạn khi còn bé. Hiếu thuận là món quà đem lại nụ cười ít oi cho mẹ. Như ngày xưa cha mẹ vì con sống đời đạo đức, ngày nay bạn có hai bổn phận, sống đời đạo đức để trả ơn cho cha mẹ và làm gương cho các con. Phật từng dạy: “Gặp thời không có Phật, hiếu dưỡng cha mẹ là phụng thờ Phật”. Một người có cha mẹ già là một dịp được phụng thờ Phật, vậy hãy nhớ “Nhà có Mẹ già”.