Trang chủ Người thời nay Trí thức Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – tác giả ‘Đội gạo lên chùa’...

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – tác giả ‘Đội gạo lên chùa’ từ trần, hưởng thọ 89 tuổi

316
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của các tiểu thuyết như “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu Thượng ngàn” đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 14h55 chiều 12/6 tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ Tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Từ 1966, ông là phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Những năm cuối đời, ông sống ở Hà Nội.

Độc giả biết tới nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua loạt tiểu thuyết viết về văn hóa và lịch sử Việt: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”, hay tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo”. Ông còn dịch thuật nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Những quả vàng”, “Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất”, “Bảy ngày trên khinh khí cầu”, “Tâm lý học đám đông”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng được nhắc tới là nhà văn lớn tuổi nhất viết dài nhất khi ra mắt “Đội gạo lên chùa” năm 2011. Tiểu thuyết viết về Phật giáo dày gần 900 trang. Năm 2012 trong cuộc trò chuyện với ông tại nhà riêng, nhà văn bảo đấy là ông còn “tự cắt bớt”, nếu không tác phẩm lên tới hơn nghìn trang.

“Chuyện ngõ nghèo” là tác phẩm xuất bản sau cùng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. “Chuyện ngõ nghèo” xuất bản năm 2016 được xem như tự truyện của Nguyễn Xuân Khánh, viết về thời cả nước có sáng kiến nuôi lợn để cải thiện đời sống. Văn giới nhận định tác phẩm cuối cùng của ông mới là “đỉnh” nhất. Nhà văn mất rất nhiều năm để gửi bản thảo tới các nhà xuất bản khác nhau để in sách.

Trong suốt mấy chục năm cầm bút, ông nhận nhiều giải thưởng như: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 cho “Hồ Quý Ly”, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 cho “Hồ Quý Ly”, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho “Mẫu Thượng ngàn”, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”. Ông được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời.

Đến với văn chương khá muộn màng, nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã xác lập được tên tuổi và vị trí của mình trên văn đàn. Để có được điều này, ông rất tâm đắc với suy nghĩ: “Có một con đường khác để có được kiến thức vững chắc mà không cần tới trường lớp là tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc. Nhu cầu tự nhiên do ta chọn lựa, sẽ cho ta một động cơ để lấp đầy những chỗ ta thiếu, để ta tự do tự tạo ra chính bản thân ta”.

Sau một trận càn dữ dội của giặc Pháp, cha mẹ đều chết, hai chị em Nguyệt và An phải rời bỏ quê hương, trốn chạy sự truy lùng và tàn sát gắt gao của giặc. Họ trôi dạt đến một ngôi chùa và được sư cụ trụ trì dang tay cứu vớt. Từ đây, số phận An và Nguyệt gắn bó với chùa Sọ và làng Sọ – quê hương thứ hai của mình.

Làng Sọ, một làng quê bé nhỏ vốn êm đềm và hiền hòa như bao làng quê Việt khác, trong vòng nửa thế kỷ đã trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc và những biến động lớn lao. Số phận của ngôi chùa làng và những con người gắn bó với nó rồi sẽ ra sao?

 

Đội Gạo Lên Chùa được viết theo lối cổ điển, mang tính luận đề về ảnh hưởng và vai trò quan trọng của đạo Phật trong đời sống tâm linh người Việt. Tiểu thuyết khắc họa sâu sắc nét đẹp của văn hóa Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa dân tộc và được xem như một sự gợi mở về lối sống Phật giáo trong xã hội hiện đại hôm nay.