Theo thống kê của UBND huyện, đến hết năm 2008, 46 điểm di tích đã được xây mới hoặc tu sửa với tổng vốn đầu tư 49,3 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hoá là 18,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều di tích khác của Đông Triều đang rơi vào tình trạng xuống cấp, trong đó có những di tích quan trọng.
Di tích cấp tỉnh chùa Nhuệ Hổ (xã Kim Sơn) là nơi duy nhất trong hệ thống các chùa Quảng Ninh còn lưu giữ được bộ tượng Phật bằng chất liệu đất nung nguyên vẹn và độc đáo. Bộ tượng được làm từ đời Lê, bao gồm 15 pho, được chạm khắc tỉ mỉ với đủ các tư thế, hình dáng, nét mặt, thể hiện những nội tâm khác nhau. Song hiện nay pho tượng Phật Adiđà, cao 145cm, vai rộng 60cm, được coi là có kích thước lớn nhất trong các pho tượng Adiđà ở Quảng Ninh, đã bị hỏng phần đầu và vai phải. Các pho tượng khác như Tứ Thiên Vương, Quan Âm Bồ Tát, Tuyết Sơn, Thích Ca sơ sinh, tượng Hộ Pháp, tượng Tam Thế v.v… đều đã bị rạn nứt, nhiều phần bị ngấm nước, phồng rộp khiến đất rơi rụng ra ngoài. Nhà chùa và UBND huyện đã có nhiều văn bản đề nghị tôn tạo lại số tượng này, mới đây Sở VH-TT & DL cũng đã đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà công việc này vẫn chưa được thực hiện.
Một di tích cấp tỉnh khác là đình Xuân Quang (xã Yên Thọ) cũng đang đứng trước nguy cơ bị bị đổ sập trong nay mai bởi hệ thống vì kèo, rui mè, cột nhà, xà nhà v.v… bị thấm nước, mối mọt, một số gãy mục, không đủ sức nâng đỡ mái đình, khiến mái đình bị võng hẳn xuống do hệ thống cột gỗ và thanh giằng quá yếu. Phần ngói ở 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung bị vỡ gãy, dột nát nhiều chỗ; trời mưa nước chảy thành dòng xuống dưới nền nhà. Nhiều mảng điêu khắc gỗ bị mối mọt xâm hại không còn giữ được nguyên khối chạm khắc mềm mại… Theo đánh giá của giới chuyên môn, đình Xuân Quang khá nổi bật về kiến trúc điêu khắc cổ có giá trị thẩm mỹ cao. Các vì kèo được kết cấu theo kiểu ”giá chiêng chồng rường con nhị” và được chạm khắc hình cánh sen, hình đầu rồng, hổ phù, đại bàng có vân mây… rất khéo léo. Các bức cốn, đầu bẩy, đầu dư đều được chạm nổi hoặc chạm kênh bong rồng, mây, với những đường nét công phu ở các vì kèo, đầu đao v.v… Đã trải qua hàng trăm năm mà tất cả các rường, mộng đều vẫn được xếp khít vào nhau và chạm trổ ăn khớp, thành một bức tranh rồng vờn mây, rồng nhả ngọc, hình con nghê đang chạy, hình hoa cúc có mây cuốn bồng bềnh rất đẹp và hài hoà. Trên xà nách cũng chạm những đường vân mây to mềm mại trúc hoá rồng và chim tước vờn hoa…
Hệ thống di sản Yên Tử, chùa Hồ Thiên và am Ngoạ Vân (xã An Sinh) trong lịch sử từng là quần thể kiến trúc Phật giáo lớn, bao gồm 4 khu lớn với 12 điểm di tích trải rộng trên một khu vực núi non hùng vĩ, có địa thế đẹp. Hồ Thiên, Ngoạ Vân đã kết nối dài hệ thống chùa tháp của thiền phái Trúc Lâm trên suốt chiều dài của dãy Yên Tử. Giáo sư Phan Khanh từng nhận định Trần Nhân Tông đã hoàn chỉnh chu trình khép kín: Yên Tử nơi tu hành, Ngoạ Vân nơi viên tịch, Hồ Thiên nơi cõi Phật. Vậy mà đến nay chùa Hồ Thiên, am Ngoạ Vân chỉ còn là phế tích hoang vắng không bóng người lui tới. Các di vật quý đều bị trộm cắp, đập vỡ hoặc đang vùi lấp sâu dưới lòng đất. 12 cây thông quý ở khu vực Thông Đàn nay chỉ còn lại 3 cây và cũng đang đứng trước nguy cơ bị đốn hạ trộm.
Toà chánh điện chùa Bắc Mã, nhà trưng bày hiện vật Đệ tứ chiến khu Đông Triều thuộc di tích chùa Bắc Mã (xã Bình Dương) là những hạng mục mới được xây dựng. Thế nhưng hai công trình này đã bị hỏng hóc nhiều phần. Hệ thống ngói của Nhà trưng bày dột nát, hoành mục, trời mưa nước đọng nhiều ở ngoài hiên. Ngoài ra quy mô Nhà trưng bày khá chật hẹp, không đủ chỗ trưng bày hết hiện vật. Hiện nay nhiều hiện vật có giá trị đang phải xếp đống trong kho han rỉ và mối mọt… Toà chánh điện mới được xây dựng năm 2005 nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Đệ tứ Chiến khu Đông Triều. Tuy nhiên, chất lượng công trình này không đảm bảo, phần mái chùa bao gồm ngói, thanh giằng bị hư hỏng, các cốt bê tông ở thanh giằng bị gãy khiến ngói xô xuống, trời mưa nước chảy xuống nơi tụng kinh và ban thờ…
Ngoài các di tích được kể ở trên, một số đình, đền, chùa, miếu làng ở Đông Triều cũng đang có nguy cơ biến mất bởi sự xuống cấp và hoang tàn. Thiết nghĩ tình trạng này cần được cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục nhằm giữ lại những giá trị văn hoá đặc sắc của cha ông để lại.