Trang chủ Tin tức Nhọc nhằn xin ấn Vua ban Đền Trần

Nhọc nhằn xin ấn Vua ban Đền Trần

59

Dịch vụ đổi tiền lẻ lên ngôi


Lắc đầu, nhăn mặt, ông Hùng, một người đi lễ từ Hà Nội về, thốt lên: “Đúng là đổi tiền lẻ ở đây còn lãi hơn buôn hàng cấm”. Ông Hùng vừa đổi tiền lẻ ở gần cửa đền với tỷ lệ 10 ăn 6, tức là đưa 10.000 đồng tiền chẵn sẽ nhận được 6.000 tiền lẻ. Đắt nhưng vẫn phải chấp nhận “chịu chơi”, ông Hùng đổi luôn 100.000 để lấy được 60.000 tiền lẻ để vào lễ trong đền.


Nếu chịu khó đi bộ ra xa hơn một chút sẽ đổi được tiền lẻ với mức giá thấp hơn, nhưng cũng không dưới 10 ăn 7.









 Dịch vụ đổi tiền lẻ. Ảnh Trung Kiên



Những người đổi tiền lẻ ngồi công khai với hàng chục hộp tiền lẻ nằm la liệt dưới chân. Để đạt “doanh thu” cao hơn, có người còn chọn cách đi bán dạo, trĩu tay với những chiếc rổ, rá đầy ắp các cọc tiền lẻ, tiếng rao lanh lảnh: “Đổi tiền lẻ đi!”.


Đắt nhưng không sợ ế, bà Hồ, một người đổi tiền lẻ cho biết: “Đi đền, chùa, ai chẳng cần tiền lẻ, không chỉ làm lễ, mà còn để cho ăn xin, tiêu lặt vặt. Không đổi tiền lẻ, dùng tiền chẵn còn “tốn” hơn”.


Chọn được chỗ ngồi đắc địa, ngay lối ra vào, nên chỉ khoảng 10 phút, người bán tiền lẻ này đã lãi hơn 100.000 đồng. “Cả năm mới được một ngày có thu nhập thế này, chứ ngày thường tôi chỉ ở nhà làm nông, chả biết trông cậy vào đâu”, bà Hồ cho biết.


Vất vả tìm thẻ xanh, thẻ đỏ


“Kiếm được thẻ tham dự lễ khai ấn ngày này khó không kém gì việc chạy đua tìm vé tham dự đêm chung kết AFF Cup trên sân Mỹ Đình. Có được thẻ xanh đã khó, kiếm được thẻ đỏ càng không dám mơ”, một người thốt lên.


“Thẻ đỏ”  chỉ dành cho các quan khách VIP. Có được thẻ đỏ đồng nghĩa với việc được vào khu trung tâm, tận mắt chứng kiến lễ khai ấn linh thiêng và có cơ hội được nhận những tờ ấn đầu tiên.


“Thẻ xanh” cũng được dành cho những quan khách, báo chí, nhưng được hiểu là “kém” quan trọng hơn và đứng ở xa khu làm lễ hơn.


Nếu không có được hai loại thẻ này, chỉ có nước đứng ngoài và sau khi kết thúc lễ khai ấn mới may ra có được cơ hội kiếm được một tờ ấn.


Nhu cầu lớn, số lượng tờ ấn phát ra trong đêm cũng có hạn nên tình trạng chen lấn, xô đẩy giành giật chút lộc Thánh ban là chuyện thường xảy ra trong các năm trước.








Lễ khai ấn. Ảnh Trung Kiên


Theo lời anh Thành, Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp nhỏ đến từ Thái Bình, sức hút lớn nhất của lễ khai ấn chính là từ truyền thuyết rằng: Đầu xuân, vua Trần khai ấn để bàn việc nước và thăng chức cho các quan, tướng có thành tích cao. Bởi thế, ai nhận được bức ấn vua ban sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp.


“Một lý do khác khiến lễ khai ấn năm nay đông hơn, bởi chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ đến dự, và đêm khai ấn đúng vào tối chủ nhật”. Anh Thành hào hứng nói, “Chúng tôi đến đây còn bởi trong năm nghe nói có rắn trắng khổng lồ xuất hiện tại đền Trần cách đây vài tháng, báo hiệu điềm lành”.








Hội  Đền Trần mỗi năm một đông thêm. Ảnh Trung Kiên


Lượng người quá tải, lại tập trung vào duy nhất đêm 14 tháng giêng âm lịch, dẫn đến “cháy” nhà nghỉ, các bãi gửi xe chật kín và giá cả thì ở trên trời. 30.000 đồng là tiền gửi của một chiếc xe máy, 400.000 đồng là tiền gửi ô tô. Tuy nhiên, nếu gửi quá 2h, số tiền sẽ tăng lên theo thời gian, mỗi tiếng là 100.000 đồng. Giá “chát”, nhưng rất đông người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, miễn là được có mặt tại vùng đất của Đức Thánh Trần với hy vọng có được chút lộc.


Ngoài việc đến xin ấn cho mình, anh Thành còn phải xin cho gần một chục người khác. “Bức thì tôi đi biếu, bức thì xin giúp người ta. Nhưng cơ hội rất khó, bởi hầu hết mọi người bây giờ chuộng ấn bằng lụa, trong khi nghe đâu chỉ có khoảng 1.000 bức ấn lụa, còn lại là bằng giấy”, anh Thành nói.