Trang chủ Tuổi trẻ Những dấu chân thiện nguyện

Những dấu chân thiện nguyện

48

KẾT DÂY THÂN ÁI


Rời chùa An Khánh, ngôi chùa nhỏ tận vùng sâu miền Đồng Tháp, nhóm sinh viên Tăng Ni thiện nguyện lại tiếp tục hành trình rong ruổi trên chiếc xe lôi, phương tiện duy nhất để vào tận những con ngõ hẹp vùng sâu vùng xa bên những tiếng cười luôn vang lên rạng rỡ. Bước chân nhóm đến đâu, nơi ấy rộn ràng song hành những khúc hát đầy sức trẻ. Để lại phía sau dọc bờ ruộng, những con kênh nhỏ chạy dài, điểm đến thứ hai là ngôi trường Tiểu học Định Yên 1 (Đồng Tháp) nơi có hàng trăm em học sinh cùng nhà trường đang chờ đợi nồng nhiệt chào đón.



Và rồi trên khoảnh sân nhỏ, ngôi trường yên ả bình dị thường ngày bỗng rộn ràng huyên náo như “mở hội”. Tíu tít như bầy chim non, các em tập trung quây quần hòa mình dưới tán cây rợp mát dưới sân trường cùng vui học những giờ Anh ngữ lý thú bên thầy cô tu sĩ làm rộn lên bầu không khí vui tươi tràn ngập khắp ngôi trường. Sau những bài tập hát tiếng Anh của sư cô Linh Thuần, các em tranh nhau hô vang trả lời những câu đố vui của sư Thầy giữa tiếng cười trong vắt trẻ thơ.


Vào độ tuổi lớp 5 nhưng các em vùng quê tỏ ra chững chạc và khá nhanh nhẹn những câu Anh ngữ vỡ lòng. Chiếc bảng đen ghi điểm đầy ắp những cột điểm mười thi đua của các em. Những điểm mười gắn kết thêm tấm lòng những áo lam hẹn ngày trở lại. Cuộc thi vui chơi giải trí cùng nhiều trò đố vui sinh động rồi cũng kết thúc, chia tay trong sự lưu luyến đưa tiễn của các em học sinh cùng toàn thể giáo viên trường. Chuyến viếng thăm khởi đầu của các thầy cô tu sĩ trẻ cùng nhóm “Câu lạc bộ tiếng Anh”, do Trường Tiểu học Định Yên 1 mời về giao lưu cùng các em qua phong cách giảng dạy “vui mà học” đã ghi dấu trọn vẹn ấn tượng đẹp đối với góc nhỏ miền quê nghèo.


Những bước chân thiện nguyện lại tiếp tục hiện diện, “khai phá” những vùng đất khó đến. Cuộc giao lưu mang tính phục vụ, chia sẻ đầy nhiệt huyết của nhóm Tăng Ni sinh (TNS) trẻ nhằm tạo phong trào dấn thân thiện nguyện cho các sinh viên Tăng Ni. Từ những trái tim đồng nguyện luôn hướng về các trẻ em vùng quê nghèo đã đưa các thành viên thân hữu TNS Học viện PGTP thành lập Ban giảng sinh có tên gọi BAN HOẰNG PHÁP TĂNG NI SINH VIÊN THIỆN NGUYỆN (gọi tắt là Ban Hoằng Pháp Sinh Viên). Ban hoằng pháp sinh viên sẽ tham gia giảng dạy Phật học cho các thanh thiếu niên vùng sâu. Sợi dây thân ái được kết từ những nụ sen xanh – biểu tượng của nhóm BHP Sinh viên – các cánh hoa thầm lặng ngày ngày còn đang trên ghế giảng đường sẽ tỏa hương tới mọi miền quê.

THẦY GIÁO CỦA QUẦN CHÚNG

Rạng rỡ, luôn tươi cười và dễ gần gũi là hình ảnh thường ngày nơi các “thầy cô giáo” tu sĩ trong những chuyến công tác từ thiện, những chuyến phục vụ giảng dạy đạo tràng Bát quan trai hay những lần công tác xã hội trước đây. Xuất phát từ những bước chân yêu thương đó, nhóm đã ra đời dưới sự hỗ trợ của Phó viện trưởng thường trực Lê Mạnh Thát, Hội đồng điều hành Học viện cùng sự chỉ đạo và cố vấn trực tiếp của Trưởng Phòng Sinh viên vụ – Thầy Thích Quảng Thiện. Nhóm gồm 20 thành viên (trong Ban Công tác Xã hội trực thuộc Ban đại diện trường) cùng với trưởng nhóm – Thầy Thích Minh Khương làm Trưởng ban điều hành.


Tuy còn ngồi trên ghế giảng đường nhưng tinh thần phụng sự của những vị áo lam này luôn dâng trào, luôn khát khao được dấn thân phục vụ, xiển dương Chính pháp đến những vùng xa xôi nghèo khó, nhất là những vùng chưa có nhà văn hóa. Trên tinh thần đó, BHP Sinh viên luôn đặt mục tiêu vào các mảng giáo dục quần chúng, đặc biệt là các trường học, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho các em.


Bên cạnh đó nhóm SV thiện nguyện còn hướng đến các điểm sinh hoạt nòng cốt như Trung tâm cai nghiện, Trại phong cùi để chia sẻ với người dân bệnh tật, đến các lớp tình thương cho trẻ cơ nhỡ, trẻ em người Khơme… với tư tưởng phục vụ, chia sẻ qua nhiều phong cách giảng dạy kết hợp nhiều trò đố vui, cùng mọi giáo trình được soạn thảo như Lịch sử văn hóa, Nghệ thuât sống, Tâm lý đạo đức, Vi tính v.v… làm tăng sự phong phú của chương trình, đáp ứng được mọi nhu cầu tu học cho các tầng lớp thanh thiếu niên phật tử.


Song song với tiêu chí phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật, “BHP sinh viên luôn cố gắng tâm niệm xây dựng những mảnh đất tâm linh, đem lại sự hiểu biết, nâng cao dân trí cho các vùng còn nhiều thiếu thốn, nghèo khó, với tính chất trồng người không mang tính chất tôn giáo, đem lại niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống cho người dân ở nơi đó. Qua đó hướng dẫn lòng tin của bà con vào Phật pháp một cách trí tuệ không mê tín”, Thầy Minh Khương, Trưởng ban điều hành nhóm cho biết.


Đồng thời, ước mơ nhân rộng mô hình BHP SV tạo phong trào dấn thân tự nguyện, vốn đang là “vấn đề thao thức của anh em”. Đây còn là bước khởi đầu “thực tập”, tạo môi trường sinh hoạt cho TNS để chuẩn bị hành trang vững chắc phục vụ đạo pháp sau này.


Ngoài hoạt động của nhóm, Ban giảng sinh thiện nguyện còn hướng đến mục tiêu sẵn sàng giúp đỡ những Phật sự cho các TNS có chùa ở tỉnh và vùng sâu. Hiện văn phòng BHP SV thiện nguyện đặt tại Phòng Sinh viện Vụ HVPGVN (đường Nguyễn Kiệm).

NHỮNG MÙA HÈ XANH

Mỗi nơi một dấu ấn, đi đến đâu nhóm SV thiện nguyện cũng để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp đối với người dân nghèo. Những trường học vùng sâu tỉnh Bình Định, Đồng Tháp, Trung tâm mồ côi, Trại cùi Bình Minh (Long Thành), Trại cai nghiện Củ Chi và gần đây nhất là chuyến đến với trẻ em Khơme Trường Tiểu học Vĩnh Long… Tất cả đều ươm lại hình ảnh Phật pháp nơi mỗi chuyến đi qua mà mỗi thành viên trong Ban giảng sinh đều cố gắng mang lại.


Cạnh những hoạt động về giáo dục, BHP SV còn tích cực tạo điều kiện cho các em học tập như cung cấp sách vở, cắt mắt kính cho trẻ em cận thị, phân phát quà bánh. Đó là những động lực giúp các em phấn đấu, vươn lên trong học tập.


Kỷ niệm để lại nhiều nhất với các thành viên phải kể đến chuyến đi về miền Trung nhân dịp lễ khánh thành tượng Phật Bà ngàn mắt ngàn tay tại một ngôi chùa rất nghèo trong tỉnh Bình Định. “Phật tử ở nơi đó rất quí trọng Thầy Cô. Cuộc giao lưu còn có sự góp mặt của vị Chủ tịch xã, ông đã ủng hộ nhiệt tình và cùng hát bài hát Phật giáo với nhóm SV chúng tôi trên sân khấu. Ông cho biết lâu rồi mới có cuộc hội ngộ vui như thế này. Bà con Phật tử thì khóc khi đưa tiễn chúng tôi về trên một đoạn đường dài…”. Thầy Nguyên Hiển bồi hồi kể.


Mỗi chuyến đi đều đọng lại những ấn tượng khó quên đối với các “thầy cô giáo” tương lai. Những ánh mắt, những nụ cười và nhất là thành quả học tập của các em luôn là điểm hẹn cho các thầy cô trở lại gắn bó cùng sự yêu thương. Bởi sự siêng năng, lạc quan của các bạn nhỏ và ý chí phấn đấu làm lại cuộc đời của các bạn trẻ cai nghiện chính là động lực để các “thầy cô giáo” ngoài giờ học nơi trường tranh thủ tiếp tục sứ mệnh “hoằng truyền chính pháp” qua phương pháp chơi mà học bổ ích ấy.


Những hoạt động tích cực đầy tính sinh viên ấy còn thu hút nhiều tấm lòng quan tâm của các mạnh thường quân cùng sự đóng góp hỗ trợ đắc lực của nhiều Chi hội Từ thiện TP, Quỹ hỗ trợ SV… Và thành quả tốt đẹp “không thể thiếu sự hỗ trợ âm thầm của uy đức Tam bảo, của các Chư tôn đức để chúng tôi được hoàn thành nhiệm vụ ngoài lý tưởng còn vì trách nhiệm”, Vị trưởng nhóm bộc lộ.


Phía trước còn đó những chiến dịch Mùa Hè xanh, kế hoạch ôn hè, hướng dẫn dạy Thư pháp, dạy cắm hoa… cho các trại sinh (Trại cai nghiện). Đây là những công việc sắp tới của nhóm giảng sinh trong kỳ hạ. Xa hơn, BHP SV sẽ hướng đến các kế hoạch thường xuyên, phục vụ các vùng sâu như Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), tỉnh Bình Phước tạo sự gần gũi giao lưu giữa người dân tộc và người Kinh. Và dù hoạt động môi truờng nào, vui tính nhưng mỗi thành viên ban giảng sinh đều ý thức chấp hành kỷ luật tuyệt đối quy chế được đặt ra, rèn luyện tác phong dù tất cả đều đầy sức trẻ, hoạt bát và năng động.


Trong xanh như bầu trời, mỗi Cánh Sen xanh mang tên Ban Hoằng Pháp SV thiện nguyện sẽ mãi còn thơm ngát đồng hành bên nhau nơi những mùa hè xanh thân thương tỏa hương cho cuộc đời. Để mãi mãi cuộc đời bừng lên mầm sống như giai điệu khúc hát đầy bình yên “Tây Phương là đây” của Nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản viết tặng sinh viên BHP.






ĐĐ. Thích Quảng Thiện – Trưởng Phòng SV Vụ HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh – SINH VIÊN LÀ SỨC TRẺ
“Theo nhu cầu hoạt động vì bá tánh của sinh viên, nhóm ra đời để thực nghiệm những điều đã học với tiêu chí hoạt động giáo hóa cho các em vùng thiểu số ở vùng sâu thiếu ánh sáng Đạo pháp. Kế đến nhằm tạo ấn tượng hình ảnh người tu sĩ đối với vùng sâu để các Thầy trụ xứ ở nơi đó sẽ hoạt động Phật pháp được. Tất nhiên nhóm luôn được họp bồi dưỡng nghiệp vụ. Sinh viên là sức trẻ, đây là sân tạo cơ hội cho Tăng Ni sinh tham gia hoạt động”.