Trang chủ Tin tức Những gì con lại sau một chuyến hành hương về Ngọc Đà

Những gì con lại sau một chuyến hành hương về Ngọc Đà

137

Trong một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng chuyến đi dự Đại lễ Vu Lan Bồn Tự Tứ Ngọc Đà Phật lịch 2553 là một cuộc hành hương đẹp của những Phật tử bởi cuộc hành hương hàm chứa những khoảnh khắc khó phai mà đời thường không thể bắt gặp. Đương nhiên, tùy thuộc vào cơ duyên dun rủi, tùy thuộc vào phước báu cá nhân mà mỗi người trải nghiệm và cảm nghiệm mỗi khoảnh khắc mang màu sắc khác nhau.

Người viết bài này không có ý định viết cảm nhận về đại lễ,càng khôn có ý định viết thành một bài viết có cấu trúc một bài báo hoàn chỉnh mà chỉ xin ghi lại một vài ý rời cùng một vài hinh ảnh cũng rời rạc…

Đầu tiên, có thể nói rằng cho đến thời điểm tôi ngồi gõ những dòng chữ này, Đại Lễ sắp bế mạc cũng là lúc các Tăng – Sư, Ni – Sư và Phật tử thở phào nhẹ nhõm vì Đại Lễ đã diễn ra thành công ngoài sự mong muốn. Còn nhớ những ngày dầu tháng Bảy, vào mồng Bốn, khi mà chúng tôi đến Tịnh xá Ngọc Đà thì mọi thứ vật liệu nằm ngổn ngang, chẳng biết đâu mà lần, Phật tử thì lèo tèo vài nhóm, các Sư thì bận bịu loay hoay… Nhưng sau đó chưa đầy một tuần, Phật tử từ Nhơn Lý – Qui Nhơn – Bình Định, Thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Nha Trang… Tìm về, cùng góp tay hoàn tất mọi việc. Đến ngày 12 tháng Bảy, lễ Khai mạc diễn ra trong không khí vừa trang nghiêm vừa hoành tráng bởi sự hiện diện và chứng minh của các Cao Tăng, Phật tử khắp ba miền và các quan chức địa phương…

Ấn tượng thì nhiều, mỗi tiết mục, mỗi phần đều có những dấu lặng riêng của nó, nhưng có lẽ khoảnh khắc đáng nhớ nhất của tôi là lúc các Phật tử nhận đóa hoa hồng cài lên ngực áo trong lời thuyết giảng trầm buồn, sâu lắng của Thượng Tọa Thích Giác Trí, trong câu chuyện kể về Người Mẹ đã quá vãng nhưng luôn sống trong Thầy. “… Tôi còn nhớ lúc mẹ tôi bệnh nằm trong bệnh viện Chợ Rẫy, vì quá lo lắng cho sức khỏe của Mẹ, tôi không còn nhớ mình là một nhà sư, phải giữ sự uy nghiêm, phải chậm rãi… Tôi xách chiếc bình thủy nước sôi chạy băng vào phòng hồi sức cấp cứu theo quán tính như ngày Mẹ đang cấp cứu, vô tình băng qua anh bảo vệ, anh nắm tôi lại làm tuột tay rơi chiếc bình thủy, nước đổ lênh láng, tự dưng tôi bật khóc ngon lành, không hiểu vì sao… Mọi người hỏi vì sao anh đối xử với một nhà sư như vậy, anh ta bảo nhà sư cũng phải tuân thủ nguyên tắc… Và nét mặt anh ta tỏ ra giận dữ khi tôi vô tình phá vỡ nguyên tắc… Những người chung quanh lại nói ông ta là nhà sư,một nhà sư đi nuôi mẹ già đang bệnh nặng, sao anh nỡ đối xử với một người thương mẹ như vậy! Tự dưng, tôi thấy anh ta chùng xuống. Tôi nghiệm ra được một điều thật giản dị, muôn loài hữu sanh đều có cha, có mẹ và có con, không có loài nào là không yêu thương con mình, yêu thương cha mẹ mình… Và người bảo vệ ấy cũng có mẹ, nên anh thông cảm cho tôi được, cho dù tôi đã phá vỡ nguyên tắc của anh ta. Nhưng tôi cũng biết rằng trong cuộc đời này, không có một nguyên tắc nào phá vỡ tình mẫu tử được…”. Tôi đã nhìn thấy những đôi mắt hoe đỏ cố giấu đi nước mắt khi nhìn thấy những em bé xin bông hồng trắng. Sao lại phải khóc? Ngày Vu Lan Bồn mà! Mình phải vui thì cha mẹ mới vui được, mình phải hân hoan thì cha mẹ nơi chin suối nhìn bông hồng trắng trên ngực mình mới hoan hỉ được. Vậy mà vẫn khóc!

Có lẽ ngoài khoảnh khắc ấy ra, những giây phút thầy trò hoan hỉ chuyện trò, những người chưa từng gặp nhau bỗng trở thành bạn, bỗng quyến luyến khi người này nói với người kia rằng tôi sắp ra về. Những tình bạn ngẫu nhiên và đẹp giữa xứ sở sương mù…

Có lẽ chương trình làm người ta nhớ nhất là chương trình cải lương Phật Giáo. Nghệ thuật cải lương vốn không xa lạ gì với người Việt, chuyện sân khấu hóa Đạo Phật thông qua cải lương cũng là chuyện đã gặp và chuyện hình tượng nhà sư dược nghệ sĩ sắm vai cũng là chuyện thường tình. Nhưng trong đêm biểu diễn vở cải lương nói về ý nghĩa của việc tu hành, hiếu đạo, cái giá của sự bất hiếu và những gì còn lại sau một đời người, ngoài sự xúc động tràn ngập khán trường sau mỗi xen, mỗi câu vọng cổ, mỗi màn, chương… của các nghệ sĩ đoàn cải lương Trần Hữu Trang biểu diễn, khán giả còn được thưởng thức cảnh “người thật việc thật” khi các Sư “đóng vai” nhà sư trên sân khấu trong một chương có hình ảnh Đức Bổn Sư cùng các vị Tỳ Khưu…

Chỉ còn vài giờ nữa thôi, đại lễ sẽ khép lại sau chương trình Thi Kiến Thức Phật Pháp, những tràn vỗ tay, những câu hỏi “bắt bí” của ban giám khảo, đặc biệt là giám khảo Đại Đức Thích Giác Nhường – Thạc sĩ Giáo dục học và Giám khảo Thích Nữ Liên Hà, hai vị này rất khéo “bẻ” câu trả lời khiến cho không khí cuộc thi trở nên vui nhộn, thân thương và ấm áp… Âu đó cũng là khả năng sư phạm của một vị chuyên ngành Giáo dục và là chủ bút của nhiều trang web văn hóa Phật Giáo (Thích Giác Nhường) và một vị nổi tiếng trong giới Tăng Ni là có phong thái nhẹ nhàng, hòa nhã… (Sư Cô Liên Hà).

 

Có lẽ còn nhiều kỉ niệm lắm, rất nhiều, từ những sinh viên tình nguyện đến từ Sài Gòn cho đến những em thiếu niên, nhi đồng Phật tử, khách thập phương… Đến những món quà tình thương dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, món quà tuy ít ỏi, nhỏ thôi nhưng ẩn chưa tấm lòng của Chư Tăng và Phật tử… Nhưng hãy để những kỉ niệm ấy lung linh trong tâm hồn mỗi người, lấp lánh trong trí nhớ như những giọt nước mắt lấp lánh trong khóe mắt ai giữa chiều tháng Bảy, trong buổi lễ Cài hoa hồng lên áo.

TM – MT