Trang chủ Văn hóa Du lịch Những gốc Bồ đề trên đất Hà Thành

Những gốc Bồ đề trên đất Hà Thành

78

Cây Bồ đề vốn được coi là một loài cây thiêng liêng. Tương truyền xưa kia, Thái tử Tất-đạt-đa Cồ đàm đã ngồi thiền định dưới gốc cây như vậy mà đạt tới chân lý, đạt tới sự giác ngộ trở thành Phật. Qua đó mà cây này có tên là Bồ đề, vì Bồ đề cũng có nghĩa là giác ngộ.

Tại Ấn Độ ngày nay vẫn còn một cây Bồ đề rất lớn tại chùa Đại Bồ đề, tương truyền là cây con của cây Bồ đề nơi đức Phật thiền định ngày xưa.
 
Ở Hà Nội cũng có những cây Bồ đề được mang từ đất Phật. Đầu tiên phải kể đến cây Bồ đề phía sau chùa Một Cột – ngôi chùa được coi là Quốc tự Thăng Long. Tương truyền cây Bồ đề này được tách từ cội cây nơi Phật Thích Ca đắc đạo, do tổng thống Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ năm 1958. Cây Bồ đề đã được Bác đem trồng trong sân chùa Một cột và nay đã thành cổ thụ…

Một cây Bồ đề khác cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ là cây Bồ đề trong sân chùa Trấn Quốc. Cây Bồ đề này là quà của Tổng thống Ấn Độ Prasad tặng trong chuyến thăm Việt Nam. Nơi đây đã diễn ra một lễ nghi trang trọng trồng cây ngày 24/3/1959. Sau này, người ta hay gọi cây này là “cây ngoại giao” vì đó là cây được Tổng thống Ấn Độ trồng để đáp lễ việc Bác Hồ đã trồng tặng Ấn Độ một cây đại (cây nhà Phật) trong chuyến thăm Ấn Độ trước đó.

Nếu như những cây Bồ đề ở chùa Một Cột hay chùa Trấn Quốc mới chỉ có tuổi đời trên năm mươi năm thì những cây Bồ đề trên đường Hoàng Hoa Thám lại có tuổi cao hơn nhiều.

Suốt dọc con đường, người ta đếm được có ít nhất năm cây Bồ đề có đường kính gốc rất lớn mà vòng tay một người ôm không xuể. Không biết những cây Bồ đề này được trồng từ khi nào? Nhưng chúng đã trở thành những “lão cây” trên đất Hà Thành.

Trên đất Bưởi còn có một cây Bồ đề khác cũng có tuổi đời không kém, đó chính là cây Bồ đề phía trước đình An thái. Ngôi đình là nơi thờ ông bà Võ Phục, một đôi vợ chồng già đã bỏ mình vì nước dưới triều Lý Nhân Tông. Hiện nay, cây Bồ đề này nằm giữa đường Thụy Khuê ngay sát cạnh chợ Bưởi.

Cây Bồ đề phía trước đình An Thái đỏ rực mùa thay lá.

Hà Nội còn có một cây Bồ đề khác đó chính là cây Bồ đề trên đường 19-12. Con đường này nằm ngay cạnh Tòa án nhân dân Hà Nôi, một đầu đâm ra phố Lý Thường Kiệt, đầu kia đâm ra phố Hai Bà Trưng. Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue Simoni.

Ngày toàn quốc kháng chiến, nơi đây thành khu mộ tập thể của các nạn nhân chết trong khu vực Hàng Bông – Cửa Nam. Không biết có phải là một sự tình cờ hay là sự ngẫu nhiên sắp đặt của tạo hóa mà ở trên bức tường giữa con đường lại có một cây Bồ đề. Dưới cây Bồ đề có một bàn thờ nhỏ tưởng nhớ đến những nạn nhân của chiến tranh năm xưa.

Nhìn cây Bồ đề trên con đường 19 – 12, tôi lại nhớ đến cây Bồ đề nơi nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Giữa vùng đồi sỏi đá ấy lại mọc lên một cây Bồ đề tươi tốt ôm lấy tượng đài Tổ quốc ghi công. Cây Bồ đề tự nhiên mọc lên, tự nhiên xanh tốt, lặng lẽ trở thành đại thụ chỉ sau ba mươi năm.

Cây như một tượng đài xanh của Đức Phật gửi tặng, nối liền đôi cõi âm – dương trong mối liên thông giữa người sống và người chết. Cây Bồ đề trên con đường 19-12 cũng đã làm nên một tượng đài khác ở giữa lòng thủ đô. Tượng đài của Hà Nội rực lửa kháng chiến, của Hà Nội máu và hoa.