Trang chủ Tin tức Những thông điệp của Phật giáo thế giới

Những thông điệp của Phật giáo thế giới

54

Hội thảo với các nhóm chủ đề khác nhau đã diễn ra đồng thời, bao gồm: Vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh; Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội; Phật giáo nhập thế và sự phát triển; Chăm sóc môi trường: Vấn nạn gia đình và Giải pháp của Phật giáo; Diễn đàn “Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển”; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số; Chăm sóc môi trường: giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu.


Với chủ đề thảo luận chính của Đại lễ là Phật giáo và xã hội công bằng dân chủ văn minh, hội thảo đã được nghe nhiều bài tham luận súc tích, sâu sắc về vai trò của Phật giáo đối với xã hội. Trong tham luận “Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng: “Từ khi có mặt trên thế giới này, sự công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là những ước vọng muôn đời của con người. Những ý niệm ấy được đặt trên nền tảng của đạo đức. Nếu thiếu đạo đức thì công bằng xã hội chỉ mang tính khái niệm nhiều hơn là một hiện thực. Liên quan đến vấn đề này, hơn 2.500 năm qua, Phật giáo đã thể hiện được rất nhiều sự quan tâm thiết thực. Sở dĩ như vậy là vì mục tiêu của đạo Phật là kiến tạo cho đời sống nhân sinh những giá trị mang chất liệu của hạnh phúc, yêu thương, bình an và lợi lạc. Bằng giáo lý thực tiễn được xây dựng trên tinh thần từ bi, bình đẳng, đạo đức nhân bản của con người, đạo Phật đã cải thiện đời sống tâm linh, làm bớt đi tham ái, sân hận, để thay vào đó là sự hỷ xả với nhau, thương yêu đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm tri thức, những tài sản vật chất, phúc lợi xã hội, để cùng phát triển trong sự cân đối giữa trí tuệ và vật chất, thể xác và tâm hồn, hay giữa người với người trong cộng đồng xã hội”.


 Đại lễ cũng đã nhận được nhiều thông điệp của Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Chủ tịch sáng lập Hội hòa bình thế giới Gangchen phát biểu: “Chúng ta có thể kết luận rằng, nếu chỉ chú trọng hiện đại hóa vật chất thì không đủ để cải thiện sức khỏe, hạnh phúc và thiết lập nền hòa bình trên quả đất này. Do vậy những giá trị tâm linh vô cùng quan trọng và cần thiết để xây dựng một xã hội hài hòa cân đối”. Hòa thượng Thích Phước Huệ, Chủ tịch Tổng hội Phật giáo Úc nói: “Vào thời điểm mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đương đầu với chiến tranh, xung đột và bất công xã hội, các đe dọa về sự biến đổi khí hậu và sự xuống dốc của môi trường thì trách nhiệm của mỗi phật tử chúng ta là phát huy hết khả năng để đóng góp một cách thiết thực nhất cho việc giải quyết những vấn đề nóng bỏng này”…


Tối qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mở tiệc chiêu đãi các trưởng phái đoàn Phật giáo và các đoàn khách cao cấp quốc tế. Và trong chương trình văn nghệ, vở cải lương Phật giáo Cuộc đời Đức Phật đã được công diễn trước đông đảo các đại biểu và bà con tăng ni phật tử tham dự Đại lễ. 







Công bố kỷ lục Phật giáo Việt Nam


Hôm qua Ban tổ chức VESAK 2008 cũng đã công bố những kỷ lục của Phật giáo VN, trong đó đáng chú ý là: Hội thảo có nhiều người ăn chay nhất Việt Nam – 5.000 người do Công ty thực phẩm chay Âu Lạc cùng Ban tổ chức thực hiện trong 3 ngày; cặp đèn lớn nhất Việt Nam tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn (TP.HCM), mỗi đèn cao 12m, nặng 10 tấn sườn bằng sắt bọc vải; khinh khí cầu Đức Phật đản sanh lớn nhất Việt Nam do Công ty xây dựng và đầu tư Nam Việt Á thiết kế; lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam (phá kỷ lục Việt Nam) do Công ty dịch vụ Chiến Thắng may, dài 26,32m (ứng với năm Phật đản 2632), rộng 18m, nặng khoảng 60 kg, bay cao bằng chùm khí cầu 14 quả; chương trình nhạc giao hưởng Phật giáo lớn nhất với 500 nhạc công biểu diễn; lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình lớn nhất Việt Nam có 20.000 người tham dự, thuộc 75 quốc gia, thắp 20.000 cây nến; lễ trồng nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam tại chùa Bái Đính, Ninh Bình (100 cây, chiết từ cây bồ đề Ấn Độ).