Trang chủ PGVN Nhân vật Ni trưởng Huệ Giác: Bóng mát tòng lâm của Ni bộ

Ni trưởng Huệ Giác: Bóng mát tòng lâm của Ni bộ

229

Tôi nhận thấy, Ni giới quốc tế có khả năng diễn thuyết và hùng biện nên đề tài của họ hấp dẫn và có sức thuyết phục. Ni giới Việt Nam, ngoài một số vị ni trẻ đã nỗ lực thể hiện hết mình, từ việc trình bày các tham luận, đến công tác phiên dịch… Còn lại, hầu hết quý Ni trưởng, Ni sư đều có phong thái thâm trầm, mà sau này tôi mới hiểu sự thâm trầm ấy chính là “mật hạnh” – một thuật ngữ thật hay, có ý nghĩa là làm rất nhiều nhưng không nói ra.   

Sau hội nghị, tôi bắt đầu tìm hiểu Đạo Phật, thông qua một số Kinh sách và các bài thuyết pháp của các giảng sư. Thỉnh thoảng, những ngày nghỉ cuối tuần, tôi thường đến các chốn Tòng lâm của Chư ni để vấn an và học đạo, tôi rất thích nề nếp sinh hoạt nơi đây vì sự nghiêm túc, trí tuệ và thân thiện. 

Một lần, tôi đến thăm Bửu Hoa Ni viện (ngụ tại ấp 3, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do Ni sư Lan Nhã trụ trì. Ngôi chùa nho nhỏ, ẩn mình dưới ngút ngàn màu xanh của tán lá cây tràm. Tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái và an lạc; có lẽ sau nhiều tháng năm bề bộn với công việc trong những căn phòng máy lạnh, bước ra là thành phố ngập tràn các loại xe cộ, khí bụi … Nay được thong dong giữa rừng cây, tôi mới hiểu được giá trị của môi trường sinh thái, của việc trồng cây gây rừng. Như hiểu được sự thắc mắc của tôi, Ni sư Lan Nhã nhẹ nhàng giãi bày: “Khu rừng này do chính Sư phụ của sư là Ni trưởng Viện chủ Quan Âm Tu Viện đã tự tay khai hoang, cuốc đất trồng cây, ngoài 30 héc-ta rừng ở đây, Ni trưởng còn trồng và quản lý mấy trăm héc-ta rừng sinh thái ở các nơi khác nữa. Sư phụ mình yêu rừng, thương cây lắm!”. 

Thật bất ngờ! Trước đây, có vài lần tôi được diện kiến Ni trưởng Viện chủ Quan Âm Tu Viện, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đó là một vị đức Ni đã vào tuổi 80, với phong thái chân phương, giản dị. Tôi cảm nhận được tâm từ của Người luôn lan tỏa như một sự nâng đỡ cho bất cứ ai, đối tượng nào, dù nhành cây hay ngọn cỏ. 


Ni trưởng Huệ Giác (thế danh Nguyễn Thị Cưng) sinh năm 1936 tại làng Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay là xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trong một gia đình trung lưu gia giáo. Thuở hoa niên, là một học sinh xuất sắc, mẫn tiệp của trường Nữ Trung học Gia Long, Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai). Ni trưởng xuất gia vào ngày mùng 9 tháng giêng năm Mậu Tuất (1958) với pháp danh Thích Nữ Huệ Giác, dưới sự chứng minh của Đức Tôn Sư hòa thượng Thiện Phước, Hội đồng Trưởng lão và chư tôn đức tăng ni tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Ni trưởng nguyên là Phó Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, thường xuyên đảm nhận Phó Đàn chủ, Giáo Thọ A Xà Lê, Giám khảo tại các Giới Đàn do tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai tổ chức tại. Hiện nay là ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương, Tông trưởng Tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Viện chủ Quan Âm tu viện Biên Hòa – Đồng Nai; là người khai sơn và chứng minh sư trên 150 ngôi chùa, tự viện thuộc Tông phong tại các tỉnh, thành trong toàn quốc với số đệ tử xuất gia đến nay khoảng hơn 500 vị.

Công tác hoằng pháp, giáo dục và công tác từ thiện xã hội luôn xuyên suốt cuộc đời của Ni trưởng trong mấy chục năm qua, đến nay vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Dưới sự hướng dẫn của Ni trưởng, Đạo tràng Bát quan trai tại Quan Âm tu viện vẫn đều đặn 1 tháng 2 kỳ tu tập; điểm đặc biệt ở đây là có 70% Phật tử trong đạo tràng này giữ trường chay và niệm Phật. Trong công tác từ thiện, Ni trưởng là một trong những lá cờ đầu của tỉnh Đồng Nai về hoạt động này, con số tịnh tài thiện nguyện mỗi năm là vài tỷ đồng. Tuy nhiên, trồng rừng, bảo vệ rừng là điều tôi tâm đắc và cảm phục về Ni trưởng, bởi đây là những việc làm thực tế, cụ thể chứ không phải mô hình trên giấy. 

Trong Kinh sách Phật giáo, thuyết nhân quả đã chỉ rõ: Không có một nhân tố nào trên thế giới này có thể tồn tại độc lập, mọi thứ liên quan đến nhau và ảnh hưởng qua lại với nhau “cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Nếu nhận thức được cốt tủy của vấn đề, sự tương quan, tương duyên chằng chịt giữa muôn sự, muôn vật trên hành tinh này thì dễ dàng hiểu rằng nếu ta gây tổn hại đến người khác, đến các loài khác, đến môi sinh là làm hại chính mình. Kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. 

Nhận thức được lời Đức Phật dạy, Ni trưởng Huệ Giác đã tiến hành tổ chức trồng cây, gây rừng ngay từ những năm trước thập niên 80 tại núi Dinh – Tổ đình Linh Sơn Bà Rịa  Vũng Tàu, tại Quan Âm Tu viện và các nương rẫy Ba Bà (nay là chùa Thiên Quang, thị xã  Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Năm 1983-1984, thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước đối với ngành lâm nghiệp trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng. Ni trưởng đã hưởng ứng và tiến hành tổ chức, thực hiện trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc tại các địa phận được giao thuộc Tông phong quản lý. Ban đầu từ Bửu Hoa Ni Viện, Ni trưởng cùng ni chúng (mà người đứng đầu là ni sư Lan Nhã) đã tự tay cuốc đất, giăng dây trồng cây. Ngày nắng, đêm sương, gió mưa chẳng quản, cuối cùng 20 hécta rừng trồng cây Tràm đã hoàn tất; bên cạnh đó còn canh tác 10 héc-ta đất nông nghiệp phục vụ cho việc trồng lúa và hoa màu, đảm bảo đời sống cho Ni chúng. Đến chùa Bửu Hoa ngày nay, vẫn còn lưu tích dòng chữ “Lời Tự nguyện Ban Nông Thiền Bửu Hoa Phước Thái”.

Cùng thời gian này, Ni trưởng về tổ đình Linh Sơn núi Dinh tổ chức cho Tăng Ni trồng 30 héc-ta rừng với nhiều loại cây gỗ quí; tại Chùa Long Phước Thọ ở Long Thành, Đồng Nai cũng trồng được trên 50 héc-ta cây Tràm. Không dừng bước, Ni trưởng tiếp tục dấn thân về những vùng sâu, vùng xa như Tà Thiết, Lộc Hưng, Lộc khánh tỉnh Bình Phước và đã khai hoang được hơn 70 héc-ta đất trồng rừng. Tại Lâm Đồng, Ni trưởng đã phối hợp với công ty Ba Lê, công ty Tân Định (thuộc huyện Đơn Dương và Đức Trọng) 200 héc-ta cây thông và tràm; tại Bảo Lộc trồng được trên 30 héc-ta rừng tràm và quế; ở huyện Đạ Tẻh là trên 100 héc-ta rừng và 100 héc-ta đất trồng cây công nghiệp. Ngoài ra, tại Bình Thuận, kết hợp với công ty Trân Lạc, trồng được trên 100 héc-ta rừng, hiện còn 100 héc-ta đang trong giai đoạn khoanh nuôi…

Gần một ngàn héc-ta rừng! quả là con số ấn tượng. Ni trưởng là người hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành; mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Ni trưởng vẫn không nghỉ ngơi, vẫn đi khắp các nương rẫy, các khu rừng để hướng dẫn và sách tấn tăng ni, phật tử tu tập, lao động. Ai ai cũng đều hoan hỉ, chuyên cần. Tôi cảm nhận thấy sức sống tâm linh huyền diệu của bậc Ni lưu tu hành mật hạnh, có một sức ảnh hưởng lớn khó nghĩ bàn.  


Những thành tựu của Ni trưởng trong các thập niên qua đã được Nhà nước, Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tổ chức đoàn thể Trung ương, UBND các cấp ghi nhận, tuyên dương công đức và tặng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen. Thiết nghĩ, công đức này là một sự nghiệp cao quý, mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường sống quanh ta.

Có thể nói, Ni trưởng Huệ Giác là một trong những nhân vật điển hình hiện nay của Ni giới Việt Nam. Trên tinh thần “xây dựng nếp sống Đạo chân chính, lành mạnh, lấy lao động sản xuất tự túc hợp pháp, đúng Chính pháp làm nền tảng giải quyết các nhu cầu về vật chất trong đời sống thường nhật” đã góp phần vào công cuộc xây dựng văn hóa, đạo đức con người mới, làm thay đổi cái nhìn của xã hội về nữ giới Phật giáo – một tôn giáo vốn dĩ như là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam./.