Trang chủ PGVN Nhân vật Tinh thần phụng sự vì Đạo pháp và Dân tộc của Tổ...

Tinh thần phụng sự vì Đạo pháp và Dân tộc của Tổ sư Thích Thiện Hoa

87

Hãy cố gắng lên trong sứ mạng của mình, đừng bao giờ bi quan và buông xuôi tình cảm, để xứng đáng là Trưởng tử Như Lai, để xứng danh là người con Phật suốt đời xả thân cho Đạo pháp và Dân tộc.” Lời di huấn quý giá của Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa chỉ dạy cho hàng Tăng Ni là người phát tâm xả tục mang đại tâm xuất trần thượng sỹ, bất kỳ ai thuở sơ tâm cũng ít nhiều đem lòng nhiệt huyết để phục vụ vì lợi ích của chúng sinh.

Phật dạy hàng đệ tử bốn chúng, đặc biệt là hàng Tăng Ni xuất gia, gọi là chúng Trung tôn ngoài việc chuyên tâm tu học Phật pháp, trau dồi giới đức, siêng tu thiền định, phát huy trí tuệ, còn có nhiệm vụ gánh vác trọng trách hoằng pháp lợi sinh, “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”. Bởi thế đối với việc duy trì mạng mạch của Chánh pháp là trách nhiệm chung của tất cả người con Phật không chỉ riêng một ai: “Phật pháp xương minh do Tăng-già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh bởi Đàn-việt phát tâm”.

Xuyên suốt nghìn năm gắn bó cùng non sông nước Việt, đối với tấm lòng vì Đạo pháp và Dân tộc của các bậc Tổ sư từ xưa đến nay chưa nề hà tất cả mọi công tác Phật sự nói riêng và lợi ích xã hội nói chung, đặc biệt với hoàn cảnh lịch sử dân tộc Việt Nam thời cận đại, tinh thần ấy được nâng lên một tầm vóc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể nói Tổ sư Thích Thiện Hoa – bậc Cao tăng đương thời đã dùng thân hành huấn thị cho học chúng về việc nêu cao tinh thần yêu dân tộc, yêu đất nước và lo nghĩ vì lợi ích chung của Đạo pháp.

Ngài dùng một đời xuất gia chứng minh cho lý tưởng vì pháp quên thân, đề cao con đường Bồ-tát đạo lấy lợi ích chung làm tăng trưởng bồ-đề, trang nghiêm pháp thân, không chỉ riêng lo bản thân mình được an ổn mà còn nghĩ đến cho số đông, không vì cá nhân mà lãng quên tất cả các mối quan hệ nơi cộng đồng. Hòa thượng húy Trần Thiện Hoa, pháp danh Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, sinh ngày 07/08 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Quy (sau là An Phú Tân), quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Trà Vinh). Hòa thượng là con út (thứ chín) trong gia đình. Thân phụ Hòa thượng huý Trần Văn Thê, pháp danh Thiện Huệ, làm đại hương làng Tân Quy. Cụ ông qua đời lúc 53 tuổi, khi ấy Hòa thượng vừa lên 6 tuổi. Cụ bà húy Nguyễn Thị Sáu, pháp danh Diệu Tịnh, thọ 90 tuổi, mất ngày 19/08 năm Đinh Mùi (22/09/1967).

Gia đình Hòa thượng đều quy y với tổ Chí Thiền chùa Phi Lai ở núi Voi, Châu Đốc. Pháp danh Thiện Hoa do Tổ đặt cho Hòa thượng. Nhân duyên xuất gia của Hòa thượng là sau khi thân phụ quá cố, Hòa thượng theo thân mẫu đi chùa Phước Hậu, làng Đông Hậu, quận Trà Ôn làm lễ cầu siêu. Duyên xưa gặp lại, ngài xuất gia tại chùa Phước Hậu, năm ấy Hòa thượng tròn 7 tuổi.

Sau đó Hòa thượng được gởi đến chùa Đông Phước, làng Đông Thành, quận Cái Vồn (nay là quận Bình Minh), cầu pháp với tổ Khánh Anh, được hiệu là Hoàn Tuyên. Từ đó, Hòa thượng đều được theo học tập ở các nơi mà Tổ giảng dạy, từ chùa Đông Phước lần lượt sau cùng là chùa Long An. Năm 1931, tổ Khánh Anh lãnh chùa Long An ở Đồng Đế Trà Ôn và khai giáo nơi đây.

Năm ấy, Hòa thượng đã 14 tuổi, nhập chúng tu học tại chùa này 3 năm. Đầu mùa hạ năm 1935, Phật học đường Lưỡng Xuyên khai giảng, Hòa thượng xin nhập học tại đây, năm ấy ngài được 17 tuổi và được thọ giới Sa-di. Từ đây ngài chính thức vào Phật học đường theo nếp sống mẫu mực đạm bạc của đời Tăng sinh. Năm 1938, lúc ấy ngài được 20 tuổi, sau ba năm mãn lớp Sơ đẳng với chí hiếu học và cầu tiến Hòa thượng đã xin Ban Giám đốc Phật học đường Lưỡng Xuyên chấp nhận giới thiệu, được ra Huế học với các pháp hữu: Thiện Hòa, Hiển Thụy, Hiển Không, Chí Thiện, Bửu Ngọc, Giác Tâm.

Sau khi ra Huế dự học tại Phật học đường Tây Thiên hai năm, sau đó quý Ngài vào Quy Nhơn ở chùa Long Khánh học Phật pháp một năm với tổ Phước Huệ. Các Ngài lại trở về Huế dự học tại Phật học đường Báo Quốc ngót bốn năm. Sau trường Báo Quốc dời đến tòng lâm Kim Sơn năm 1945. Khóa học vừa mãn thì chiến tranh dồn đến, trường Kim Sơn không duy trì được, Hội An Nam Phật Học ủy thác cho Hòa thượng Trí Tịnh và Hòa thượng Thiện Hoa mang một số học Tăng vào Nam. Thế là ngót tám năm dài nhọc nhằn cần mẫn học tập ở đất Thần kinh. Khi trở về quý Ngài mang một hoài bão hoằng pháp lợi sinh, để rồi Phật pháp miền Nam bừng sáng do các Ngài nhen nhúm ngọn đuốc từ đó.

Về công tác Giáo dục, năm 1945, Hòa thượng hợp tác cùng Hòa thượng Trí Tịnh khai giảng Phật học đường Phật Quang, tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, quận Trà Ôn. Số Tăng sinh đến dự học trên 30 vị. Năm 29 tuổi Hòa thượng thọ giới Tỳ kheo và Bồ-tát tại giới đàn Kim Huê Sa Đéc.

Đến khoảng những năm 1946-1947 tình cảnh chiến tranh của đất nước ngày càng khó khăn ảnh hưởng đến tư tưởng của hàng Tăng sĩ, Hòa thượng Trí Tịnh quyết định dời về Sài Gòn. Một mình Hòa thượng gánh vác Phật học đường Phật Quang, vừa lo duy trì cơ sở, vừa đối phó với hoàn cảnh khốc liệt. Để giữ vững cương lĩnh cho Tăng chúng yên tâm tu học, Hòa thượng mở những lớp học dành cho lứa tuổi thiếu nhi, do Tăng sinh đảm trách đứng lớp. Đồng thời, Hòa thượng mở trạm y tế, chỉ thị Tăng Ni luân phiên bốc thuốc giúp đỡ đồng bào. Mỗi ngày buổi sáng Tăng chúng làm công tác dạy học chẩn bệnh, buổi chiều tất cả đều vào lớp học kinh điển, tu tập hành trì.

Hòa thượng dạy: “Chúng ta cần đem Tứ Nhiếp Pháp và Ngũ Minh để giáo hóa chúng sinh, nhất là trong hoàn cảnh này”. Mùa Xuân năm 1953, Hòa thượng cùng đệ tử đến Phật học đường Nam Việt (nhằm ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch).

Sau cuộc họp của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, quý Hòa thượng đã đồng tình cử Hòa thượng Thiện Hoa giữ chức vụ Trưởng Ban giáo dục Giáo Hội Tăng Già Nam Việt kiêm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt và chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Hòa thượng đã tận tâm giảng dạy cho hai lớp Cao đẳng và Trung đẳng nơi đây. Đồng thời, Hòa thượng cũng dạy lớp Trung đẳng Ni chúng mở tại chùa Từ Nghiêm, sau dời về Phật học Ni trường Dược Sư. Đến năm 1957 Hòa thượng lại chủ xướng mở những khóa huấn luyện trụ trì lấy tên là Như Lai Sứ Giả. Tăng giới đặt tại chùa Pháp Hội, Ni giới đặt tại chùa Dược Sư. Mỗi khóa ba tháng trong mùa hạ hoặc mùa đông. Hòa thượng đã khuyến khích mở trường Phật học ở các tỉnh như trường Phật học tại chùa Bình An Long Xuyên (1956), trường Phước Hòa ở Vĩnh Bình, trường Giác Sanh ở Phú Thọ, trường Biên Hòa và Phật Ân ở Mỹ Tho v.v.

Có thể nói hầu hết Tăng Ni miền Nam đương thời đều chịu ân giáo dục của Hòa thượng, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Hàng Tăng sinh trong những khóa Hòa thượng giảng dạy sau này đều là những bậc Tùng lâm thạch trụ, như đương vị Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng và Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ.

Về công tác Hoằng pháp, năm 1953, Hòa thượng nhận chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt. Đích thân Hòa thượng giáo thị Tăng Ni sinh tại các Phật học đường để trở thành những giảng sư thật sự. Đồng thời, Hòa thượng huấn luyện các vị Trụ trì đều có thể thành giảng viên trên lĩnh vực chuyên môn của mình. Chẳng những đào tạo Tăng Ni, Hòa thượng còn khuyến khích các Cư sĩ ưu tú theo học các lớp giảng tại chùa Ấn Quang, để đủ khả năng đi diễn giảng các nơi. Chương trình Phật Học Phổ Thông do Hòa thượng chủ trương được một số chư Tăng góp sức lần lượt ra đời. Phong trào Học Phật miền Nam trỗi dậy mạnh mẽ, khắp các tỉnh Giáo hội và Hội Phật học đều gửi thư phản hồi về Trung ương xin mở lớp Phật Học Phổ Thông tại cơ sở. Vì thế, Hòa thượng phân phối giảng sư đi giảng dạy khắp nơi. Năm 1956, sau cuộc Đại hội kỳ II của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sài Gòn, Hòa thượng lại giữ chức vụ Ủy viên Hoằng Pháp Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, điểm nổi bật là Hòa thượng đã tổ chức phát thanh Phật Giáo hằng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn, có thể nói đây là bước đi đầu trong công cuộc phát triển truyền thông Phật giáo. Về mặt trước tác và phiên dịch, từ năm 1953 đến năm 1965, Hòa thượng soạn xong 12 khóa Phật Học Phổ Thông (còn gọi là Cây Thang Giáo Lý).

Đồng thời còn soạn Bản Đồ Tu Phật (10 tập), Duy Thức Học (6 tập), tám quyển sách quý: Tu Tâm, Dưỡng Tánh, Nhơn Quả Luân Hồi, Ngũ Đình Tâm Quán, Tứ Diệu Đế, Từ Bi Trong Đạo Phật, Chữ Hòa Trong Đạo Phật và Năm Yếu Tố Hòa Bình. Hòa thượng đã dịch được các tác phẩm : 1. Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm 2. Kinh Viên Giác 3. Kinh Kim Cang 4. Tâm Kinh 5. Luận Đại Thừa Khởi Tín 6. Luận Nhơn Minh Hòa thượng chủ trương một Phật Học Tòng Thư phân làm 8 loại: 1. Phật Học Phổ Thông 12 khóa 2. Bản Đồ Tu Phật 10 tập 3. Duy Thức Học 6 quyển 4. Phật Học Giáo Khoa các trường Trung học Bồ Đề từ đệ Thất đến đệ Nhất 5. Giáo Lý Dạy Gia Đình Phật tử 6. Nghi Thức Tụng Niệm 7. Tạp Luận 8. Sự Tích Hòa thượng lại chịu trách nhiệm xuất bản đề tên nhà sách Hương Đạo. Hòa thượng đã có sáng kiến quý báu, công trình trước tác, phiên dịch đáng kể. Ngài đã đóng góp cho nền văn hóa Phật giáo nói riêng, quốc gia nói chung, một phần rất quan trọng.

Thời kỳ pháp nạn năm 1963, Hòa thượng đã tích cực tranh đấu cho Đạo pháp, lãnh chức vụ Phó Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Cuộc tranh đấu được thành công, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Nhiệm kỳ thứ nhất của Viện Hóa Đạo, Hòa thượng nhận chức Đệ nhất Phó Viện Trưởng, kế đến nhận chức trụ trì Việt Nam Quốc Tự. Năm 1966, Hòa thượng đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong nhiệm kỳ này, mặc dù con thuyền Phật giáo Việt Nam gặp nhiều sóng gió nhưng Hòa thượng vẫn nắm vững tay lái hướng thẳng theo con đường của mình, đó là bảo vệ giá trị Phật pháp và cứu nước cứu dân, lấy niềm tin hy vọng sự trường tồn của Đạo pháp và Dân tộc làm ngọn hải đăng. Hòa thượng đã từng dạy Tăng Ni: “Chỗ nào chúng sanh mời thì mình đến, chỗ nào Đạo pháp cần thì mình đi, không kể gian lao chẳng từ khó nhọc”.

Năm 1968, đến nhiệm kỳ III của Viện Hóa Đạo, Hòa thượng cũng được toàn thể đại biểu trong nước bỏ thăm lưu nhiệm. Thời gian này kim thể của Hòa thượng ngày càng suy kiệt, mà trách nhiệm của Giáo hội lại càng nặng nề, tất cả môn đồ đều lo lắng đồng cầu xin Hòa thượng lui về chùa Phước Hậu tịnh dưỡng. Hòa thượng dạy đồ chúng rằng: “Tôi đặt đời tôi làm ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất chuyên học Phật pháp, giai đoạn thứ hai nỗ lực truyền bá, giai đoạn thứ ba tịnh dưỡng chuyên tu…nhưng Đạo pháp đang trong thời kỳ sóng gió, mọi người đang tin cậy tôi, tôi đâu nỡ buông tay để về ngồi yên tịnh dưỡng?”. Môn đệ nghe những lời dạy này thảy đều chấn động, đành nuốt lệ vào lòng không dám van nài.

Khoảng thời gian từ năm 1964 đến năm 1972, hầu như mọi Phật sự ở miền Nam đều được Hòa thượng trợ giúp, hoặc trực tiếp hay gián tiếp, Hòa thượng cũng khuyến khích an ủi. Các nơi như Phật học viện Huệ Nghiêm, Cô nhi viện Diệu Quang, Ban Từ thiện Ấn Quang, Dưỡng trí viện Biên Hòa…được thành hình và tồn tại cũng nhờ ơn Hòa thượng đôn đốc và ủng hộ.

Ngày 17 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng trở bệnh nặng. Đến đêm 19 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng biết mình không qua khỏi nên gọi các môn đệ niệm Phật vãng sanh. Từ giờ phút ấy tiếng niệm Phật luôn vang rền trong gian phòng hồi sinh cũng như trong mỗi nhịp tim của hàng môn hạ đệ tử. Hòa thượng lặng lẽ thị tịch sau một hơi thở dài vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý nhằm ngày 23 tháng giêng năm 1973, thọ thế 55 tuổi, hạ lạp 26 tuổi. Lý tưởng yêu nước mến đạo, nhiêu ích hữu tình của Hòa thượng đã hun đúc phát triển vào thế hệ các đệ tử kiệt xuất của ngài. Trong hàng môn hạ của Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ – Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đương đại là một minh chứng sáng chói về tinh thần phụng sự và hóa đạo của Tổ. Ngài đã kế thừa những tinh hoa ấy từ thuở còn là Học tăng dưới sự hướng dẫn và chỉ dạy của Tổ sư, Hòa thượng đã cố gắng học tập kinh điển và ra sức hoằng pháp, theo chân Tổ sư Thiện Hoa làm lợi ích cho quần chúng nhân dân Phật tử, trở thành một Giảng sư nổi danh nhất miền Nam thời bấy giờ.

Sau này khi Hòa thượng Thanh Từ có tâm nguyện tu Thiền thì chính Tổ sư cũng đã an ủi khuyến khích và động viên. Hòa thượng Thanh Từ một đời tuân theo di huấn của Tổ sư, vừa tu học hành trì theo Chánh pháp, vừa làm lợi ích rộng rãi cho chúng sinh. Hòa thượng cũng hằng chỉ dạy hàng môn hạ Tăng Ni tiếp nối duy trì tinh thần ấy bằng việc hệ thống tất cả các kinh luận thành giáo trình quy chuẩn áp dụng cho Tăng Ni Phật tử trong Tông môn, tập trung việc học và nỗ lực công phu trong giai đoạn mới xuất gia, sau khi thành thục vững chãi lại phải dũng mãnh bước ra đem Phật pháp phổ biến vào quần chúng.

Tổ sư Thích Thiện Hoa là một vị danh tăng lỗi lạc bậc nhất của Phật giáo Việt Nam thời cận đại, tấm lòng yêu nước mến đạo, tinh thần phụng sự vì lợi ích Đạo pháp và Dân tộc của Ngài luôn trường tồn trong hàng triệu con tim Tăng Ni Phật tử xưa và nay, là kim chỉ nam trên đại lộ nhân sinh, là ngọn hải đăng trong biển lớn Phật pháp.

Phật giáo Việt Nam hôm nay là thành quả tươi đẹp trên nền móng đấu tranh và vun trồng của các bậc Cao tăng thuở trước, mà trong đó có Tổ sư Thích Thiện Hoa. Thân tứ đại của Ngài tuy không trụ thế ở đời lâu dài, nhưng nền tảng Phật học và giá trị tinh thần của Ngài luôn trường tồn trên nhịp sống Đạo pháp – Dân tộc.

( Biên tập: Tâm Ánh)