Trang chủ Văn hóa Du lịch "Ông Năm Yéc-xanh" và ngôi chùa Linh Sơn

"Ông Năm Yéc-xanh" và ngôi chùa Linh Sơn

157

Bác sĩ Alếch-xăng-đơ E-mi-lơ Giăng Yéc-xanh  (Alexandre Émile Jean Yersin) – người đã tìm ra  trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, và đã để lại 55 công trình khoa học lớn cho nhân loại – còn được gọi bằng cái tên thân mật: "Ông Năm Yéc-xanh".

Cũng ít người biết rằng ngôi nhà năm xưa của ông ở Suối Dầu (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) được nhân dân xây lại thành ngôi chùa Linh Sơn và Yéc-xanh được thờ ở đó như một vị bồ tát…

Năm 1890, lần đầu đặt chân lên xứ Ðông Dương, Yéc-xanh vừa tròn 27 tuổi.

Trước đó ông đã nổi tiếng với các công trình khoa học nghiên cứu huyết thanh ngừa bệnh dại, nghiên cứu trực khuẩn bạch cầu và độc tố, đã làm việc trong phòng thí nghiệm của nhà bác học danh tiếng Lu-i Pa-xtơ (Luis Pasteur).

Không chỉ có niềm đam mê cháy bỏng khám phá về y học, Yéc-xanh còn muốn khám phá thiên nhiên, thám hiểm các vùng đất mới.

Năm 1892, ông đến Nha Trang, Việt Nam – vùng đất nhiệt đới bí ẩn và hấp dẫn mà trước đó ông chỉ được biết qua sách vở, bản đồ.

Trong chuyến thám hiểm dài hơn nửa năm, đầy khó khăn, gian khổ, nguy hiểm… Yéc-xanh từ Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) đi Phan Thiết, băng qua vùng rừng núi hiểm trở rồi dừng chân ở cao nguyên Liang-biang, mảnh đất thơ mộng Ðà Lạt ngày 21-6-1893.

Năm 1897, ông đề xuất với Toàn quyền Ðông Dương chọn nơi này làm điểm xây dựng trạm điều dưỡng – tiền thân của TP Ðà Lạt sau này.

Năm 1894, theo yêu cầu của Chính phủ Pháp và Viện Pát-xtơ Yéc-xanh tới Hồng Công để nghiên cứu bệnh dịch hạch. Ông nhanh chóng phân lập thành công trực khuẩn gây bệnh và nghiên cứu điều chế huyết thanh trị bệnh dịch này, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn dịch hạch đang lan rộng ở Hồng Công.

Trở lại Nha Trang, Yéc-xanh sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Pát-xtơ Ðông Dương (tên gọi ban đầu của Viện Pát-xtơ Nha Trang ngày nay).

Về Nha Trang, ông khai hoang, mở trang trại ở Suối Dầu (Diên Khánh) để phục vụ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và thí nghiệm trồng cây cao-su.

Năm 1898, Yéc-xanh đã trồng thành công cây cao-su đầu tiên ở Việt Nam. Những biện pháp chọn giống, những thao tác cạo và làm đông mủ cao-su đã được ông nghiên cứu một cách có hệ thống.

Ở trang trại Suối Dầu, Yéc-xanh còn trồng thử nghiệm cây canh-ki-na để chiết xuất qui-nin chống bệnh sốt rét.

Trong số 55 công trình khoa học, bác sĩ Yéc-xanh để lại cho nhân loại có tới 50 công trình được hoàn thành ở Nha Trang – Diên Khánh.

Theo đề nghị của Toàn quyền Ðông Dương, năm 1902, Yéc-xanh ra Hà Nội để thành lập và điều hành Trường Y – Dược Ðông Dương và ông là Hiệu trưởng của trường.

Ngày 1-2-1902, ông tổ chức thi tuyển, chọn được 29 sinh viên. Ngày 27-2-1902, ông làm lễ đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Ðại học Y ở Thái Hà ấp, gần gò Ðống Ða.

Bác sĩ Yéc-xanh làm Hiệu trưởng Trường đại học Y cho đến năm 1904 rồi trở về Nha Trang tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.

Năm 1923 ông đưa cây canh-ki-na lên Ðơn Dương (Lâm Ðồng) trồng đạt kết quả tốt. Hàm lượng qui-nin chiết xuất được tương đương với loại canh-ki-na tốt nhất trồng ở Gia-va.

Là một nhà khoa học lớn của thế giới, nhưng Yéc-xanh sống giản dị trong lòng dân Nha Trang – Diên Khánh với cái tên ‘ông Năm Yéc-xanh’.

Ngôi nhà của ông ở đầu xóm Cồn (Nha Trang) trồng nhiều loại lan rừng và rộn rã tiếng chim. Hằng ngày ông đạp xe đi làm và sống chan hòa với nhân dân…

Dân xóm Cồn còn kể lại chuyện nhờ ‘ông Năm’ báo trước nên mọi người tránh được cơn bão lớn đổ vào Nha Trang năm 1939.

Tại đây, ông đã sống những ngày cuối đời và mất ngày 1-3-1943.

Mộ phần của Yéc-xanh được đặt ở Suối Dầu.

Theo ước nguyện của ông, khi khâm liệm, người ta đặt ông nằm sấp, đầu quay ra biển để ông mãi mãi ôm lấy mảnh đất quê hương thứ hai của mình.

Trong đoàn người dài đưa tiễn ông, nhiều người đội khăn trắng như để tang người thân.

Trên nền ngôi nhà cũ của ông ở Suối Dầu, nhân dân dựng ngôi chùa Linh Sơn và thờ ông bên cạnh tượng Phật như một người cứu nhân độ thế.

Nhiều người đã đến cụm di tích tưởng niệm bác sĩ Yéc-xanh ở Nha Trang – Diên Khánh (bảo tàng Yéc-xanh, mộ Yéc-xanh và chùa Linh Sơn) để tưởng nhớ và tri ân một con người đã dành trọn tài năng và cuộc đời mình cống hiến cho khoa học, cho sự sống, sức khỏe và hạnh phúc của con người.