Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo và nghệ thuật điện ảnh Việt Nam

Phật giáo và nghệ thuật điện ảnh Việt Nam

460

Nghệ thuật dân tộc đã thấm vào điện ảnh Việt Nam, được thể hiện trong chủ đề tác phẩm, hình tượng nhân vật, trong thi pháp và trong ngôn ngữ điện ảnh (với 5 đặc trưng là động, tĩnh, thanh, hình và montage – dựng cảnh), trong kịch bản, trong phương thức thể hiện, v.v…


Trong mọi loại hình dân tộc như kiến trúc, hội họa, văn học kịch, tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc, âm nhạc múa dân tộc, nhiều yếu tô văn hóa đậm chất phương Đông và Việt Nam đã hòa quyện nhau sâu sắc. Nhưng những sản phẩm nghệ thuật muốn thể hiện bản sắc, tính độc đáo của văn hóa Việt Nam nhất là trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập thì càng phải làm sáng tỏ những cái tinh túy, cốt lõi từ nếp sống, phong cách, tâm hồn, tình cảm, tâm linh thuần Việt với bối cảnh sông nước, chùa chiền, đồng ruộng, làng mạc, con đê cùng tâm điểm là con người Việt Nam.


Nói riêng về điện ảnh Việt Nam, có thể thấy nó chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố văn hóa và một trong số đó phải kể đến Phật giáo, không chỉ nói về ảnh hưởng của triết tính, tư duy, tư tưởng, ý tưởng xuất phát… từ Phật tính, Phật giáo trong nghệ thuật điện ảnh dân tộc mà còn đề cập đến việc điện ảnh đã và nên dùng đặc thù của mình chủ động thể hiện những ảnh hưởng đó như thế nào để điện ảnh dân tộc Việt Nam thêm hấp dẫn, đặc sắc trong thời kỳ hội nhập – khi mà các nền nghệ thuật dân tộc trên thế giới hay quay lại tìm cách khai thác triệt để các mảng đề tài liên quan đến đời sống tinh thần, tâm linh, gắn kết với truyền thống dân tộc, bắt rễ sâu trong lòng văn hóa dân tộc liên tiêp bao thế hê.


Tổng quan về Phật giáo và điện ảnh; bài học về dòng phim có nội dung Phật giáo, chịu ảnh hưởng Phật giáo đậm nét của Trung Quốc. Chắc một số người sẽ không đồng ý ngay với tôi, bởi họ sẽ kể ra rằng từ khi nước Việt Nam mới được khai sinh năm 1945 đến nay, điện ảnh Việt Nam chủ yếu tập trung vào chủ đề giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước. Những bộ phim như: Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười, Vị đắng tình yêu… đều nói về chủ đề chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc hoặc liên quan; ngay cả phim sau này thời kinh tế thị trường thì lại tìm cấu tứ trong đời thường, tình cảm riêng tư con người thời bình. Một số phim có nhà sư là nhân vật thì cũng được nhà làm phim cho tham gia nuôi giấu cán bộ, hay trực tiếp chống càn. Phim tài liệu thì quay những cảnh nhà sư xuống đường đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, hay phong cảnh chùa chiền với ý nghĩa danh thắng du lịch.


Trên thực tế, do hơn 2.000 năm tồn tại và phát triển, đạo Phật đã hòa quyện và tích cực đóng góp vào văn hóa Việt Nam như một thành tố nên dù muốn hay không Phật giáo đã ảnh hưởng đến triết tính, văn hóa ứng xử, lối nghĩ, tâm linh người Việt nói chung và trong cả tâm thức văn nghệ sĩ gồm cả giới làm điện ảnh.


Vậy nên những bộ phim trên hay cả những bộ phim làm trong thời mở cửa kinh tế thị trường thì những người viết kịch bản, đạo diễn, kíp làm phim đều tự nhiên diễn tả ở mức độ nào đó những triết lý nhà Phật như: Luật nhân quả, Gieo nhân lành gặt quả lành; Họa hay phúc là do mình tự tạo lấy; Làm thiện thì được phúc báo, làm ác phải chịu ác báo; Nhân quả rõ ràng như hình với bóng; hoặc đưa ra kết thúc có hậu trong các tác phẩm điện ảnh, v.v…


Tuy nhiên, nếu so với một số nước quanh ta thì họ biết khai thác chủ đề Phật giáo một cách sâu sắc, bài bản, nghệ thuật, mà chúng ta nên học tập, tiếp thu để vận dụng. Bộ phim Tây du ky diễn tả quá trình đi lấy kinh của ba thầy trò Đường Tăng của Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Rất nhiều phim khác dựa vào tác phẩm văn học của Kim Dung hay dựa vào các truyền thuyết trong Phật giáo, các nguồn khác về Phật giáo từ kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian và các nhà làm phim Trung Hoa đã tô đậm thêm lịch sử chùa Thiếu Lâm, diễn tả một cách nghệ thuật các môn phái trong Phật giáo.


Kết quả là vừa đóng góp cho ngôi nhà điện ảnh thế giới những bộ phim đặc sắc Trung Hoa, vừa quảng bá cho thương hiệu Trung Hoa theo cách chủ động đưa cái hay, cái thấm được từ Phật giáo, cả những cái ảnh hưởng, hấp thu được từ Phật giáo bằng nghệ thuật điện ảnh. Có thể rút ra nhiều bài học từ điện ảnh liên quan Phật giáo của Trung Hoa.


Thứ nhất, người làm phim (tất cả đạo diễn, biên kịch, diễn viên, người thiết kế trang phục…) của họ hiểu rõ, sâu, nhuần nhuyễn lịch sử Phật giáo chung và Phật giáo Trung Hoa.


Thứ hai, họ chú ý quý các ngôi chùa được tu sửa đàng hoàng vẫn giữ nét cổ kính nhưng không bị xập xệ, hỏng hóc, tập trung thể hiện không khí thoát tục, trang nghiêm, trong sạch đầy chất Phật giáo.


Thứ ba, chú ý tính gợi hình, gợi màu từ trang phục các loại sư, các phái, nhất là khi gắn đạo Phật với các phái võ nổi tiếng: Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi…


Thứ tư, bằng nghệ thuật của mình, điện ảnh góp phần thể hiện sinh động, tái tạo cuộc sống nhiều vẻ (mà Phật giáo là một vẻ – xét theo chiều kích văn hóa) một cách chân thực, tin cậy, hấp dẫn về các triết thuyết, triết tính, giáo lý nhà Phật.


Thứ năm, các đặc trưng của điện ảnh có thể biểu hiện đời sống văn hóa Phật giáo để cho nhiều nhóm công chúng thưởng thức. Ví dụ yếu tố đầu tiên quan trọng nhất mà điện ảnh hay khai thác là “động” được biểu hiện trong các thế võ Thiếu Lâm như: Thập hình quyền, Thiết bố sam, Nhất dương chỉ (Trung Quốc còn khai thác nhiều tư thế, chuyển động kỳ lạ của các nhà sư vùng Tây Tạng như khinh công, đi lướt trên mặt nước – có yếu tố kỹ thuật trợ giúp…). Yếu tố đặc trưng thứ hai thì được phản ảnh bằng các kiểu luyện thiền, khí công ở giữa khung cảnh mây trời bảng lảng, thác nước, sương khói lung linh bao bọc, hay lựa chọn những tượng Phật, nhóm tượng hoàn chỉnh đầy biểu cảm.


Âm thanh tụng kinh, tiếng mõ khi lần tràng hạt cùng những câu tụng niệm, lời nói tao nhã thiện tâm của Tăng Ni, tiếng gió, tiếng động phat ra từ những bài quyền, cú đấm thế đá của các nhà sư trong các thời gian khác nhau về mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông), khi trời mưa, bão, tùng bách rì rào, ấm trà sôi, chim hót… sẽ rất sinh động khi được chú trọng trong đặc trưng thứ ba của điện ảnh.
Đến hình ảnh, đặc trưng thứ tư luôn kết hợp với yếu tố “động”, đó là hình ảnh chuyển động trong thời gian khi thể hiện chủ đề Phật giáo, nó gắn với đời sống mọi người nói chung và sư sãi nói riêng trong sự vận động của quy luật tự nhiên – xã hội mà triết lý Phật giáo cố gắng diễn tả theo cách của mình.


Nhờ yếu tố thứ năm (dựng cảnh – montage), nhà làm phim đã cắt, cúp, phóng to, thu nhỏ, lồng ghép… theo đúng luân hồi nhà Phật: quá khứ, hiện tại, tương lai, hay thay đổi các thứ tự, tạo thêm sự ly kỳ, hồi hộp. Mặt khác, kỹ thuật điện ảnh có thể tái hiện cảnh nụ hoa đại ở chùa từ từ nở, tiếng vo ve của cánh muỗi quanh chỗ áo sư treo, cái thế võ được bóc tách ra từ từ, chầm chậm…


Khai thác đúng hướng những điểm phù hợp của Phật giáo trong nghệ thuật điện ảnh dân tộc Việt Nam


a) Phác thảo cái nhìn tổng thể về lịch sử phát triển Phật giáo ở nước ta


Phật giáo ra đời tại Ấn Độ, khi du nhập vào Việt Nam để tồn tại, phát triển đã biết tương thích với văn hóa Việt Nam chấp nhận một số thay đổi. Ví dụ Đức Quán Thế Âm Bồ tát ở Ấn Độ là đàn ông thì sang đến Việt Nam (cả ở Trung Quốc) dưới áp lực của nguyên tắc tính nữ của nền văn hóa đó đã biến thành Phật bà Quan Âm cứu nhân độ thế.


Thời Bắc thuộc, người Việt Nam chủ yếu tiếp thu giáo lý nhà Phật qua tông phái Mật tông. Đến thời Lý-Trần, mọi người chủ trương theo phái Thiền tông (giác ngộ bằng tĩnh tâm). Thiền tông Việt Nam, điển hình là phái Trúc Lâm Yên Tử (do vua Trần Nhân Tông sáng lập) chủ trương gắn đạo với đời, tự do tư tưởng không cố chấp, câu nệ, theo chấp ngã, rất hợp với đa số các tầng lớp nhân dân… Đến thời Lê sơ, Nho giáo dần chiếm vị trí độc tôn thành quốc giáo, đạo Phật phải lui về ẩn ở các chùa làng nông thôn. Những người theo đạo Phật lúc này thờ Phật A Di Đà, theo phái Tịnh Độ tông, hướng vào cuộc sống lương thiện, giản dị hợp với đời sống đa số nông dân, bình dân. Họ cho rằng phải liên tục niệm tên Đức A Di Đà (Nam mô A Di Đà Phật), đến lúc nào đó sẽ ngộ đạo. Qua các cuộc chiến tranh (và cả trong bang giao hòa bình) với người Chămpa ở phía Nam, người Đại Việt đã hấp thụ được nhiều nét văn hóa nghệ thuật của Chămpa, Ấn Độ (do Chămpa theo Ấn Độ giáo). Đó là nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, ca múa nhạc đặc sắc của Chămpa, Ấn Độ và các yếu tố Phật giáo ngoại sinh (phía Bắc do bị “cưỡng bức” và cả tự nguyện nữa, tiếp thu văn hóa từ Trung Hoa, người Việt lúc đầu tiếp thu cả Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, sau này từ thời Lê sơ, Nho giáo chiếm được vị trí là quốc giáo như đã nói ở trên) (Đỗ Lai Thúy, 2005).


Cho đến nay, đạo Phật vẫn là một thành tố văn hóa Việt Nam. Hiện số lượng tín đồ và người có cảm tình, tin theo đạo Phật ở Việt Nam khoảng 2/3 dân số cả nước (Thống kê của Giáo trình Quản lý hành chánh Nhà nước, 1998, quyển 3, tr.232).


Rõ ràng, muốn hay không thì Phật giáo – tôn giáo lớn nhất Việt Nam cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến mọi lĩnh vực nghệ thuật dân tộc ở nước ta (tất nhiên là cả nghệ thuật chính thống lẫn nghệ thuật dân tộc, dân gian…) trong đó có nghệ thuật điện ảnh dân tộc. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, nghệ thuật dân tộc nói chung và điện ảnh nói riêng ngoài việc phải chứng tỏ được cái độc đáo của Việt Nam (Phật giáo ở Việt Nam chắc chắn có đặc sắc riêng của nó), chúng ta cũng nên chủ động khai thác chủ đề Phật giáo một cách khoa học, nghệ thuật và chủ động đưa cả những ảnh hưởng tích cực, tiến bộ của Phật giáo vào tác phẩm điện ảnh.


Làm phim về các lĩnh vực đời sống đã khó, nay làm phim về Phật giáo càng khó, vì phải thể hiện sao cho đúng cái tiến bộ, hợp với thị hiếu công chúng, tương thích chặt chẽ với chiều dài, chiều sâu các ảnh hưởng (mà chỉ lựa ra ảnh hưởng tích cực) của Phật giáo đối với đời sống văn hóa, tinh thần người Việt ngày nay.


Phim hay nói chung phải có nghệ thuật, điện ảnh cấp cao phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản, hay áp dụng vào phim về Phật giáo nói riêng, cần thỏa mãn các tiêu chí sau:


– Kết cấu phim chặt chẽ, hài hòa giữa triết tính, tư tưởng tiến bộ của Phật giáo và nghệ thuật điện ảnh, cũng như nghệ thuật mang tính Phật giáo; phản ánh chân thật, sinh động đời sống nhà Phật trên trần giới trong mối tương tác với các thành tố văn hóa khác thể hiện bằng hình thức đặc trưng của điện ảnh, nhất là xây dựng được những hình ảnh lôi cuốn hấp dẫn, điển hình.


– Cả tổng thể và mọi khâu cần kết dính từ cốt truyện, kịch bản, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ phục trang đến quay phim, lồng tiếng… Khi nói về Phật giáo, phải thống nhất mọi mặt trên thật nhuần nhuyễn, hóa thân vào đời sống Phật giáo cao mà vẫn không xa cách với đời người.


– Nghệ thuật điện ảnh và các yếu tố đặc trưng của điện ảnh như: tĩnh, động, hình, thanh, dựng cảnh, không gian và thời gian, khuôn hình của ngôn ngữ điện ảnh phải thể hiện chuẩn xác, hòa quyện với cái đẹp nghệ thuật mà đạo Phật thường in dấu ấn như: đời sống giản dị, đức hy sinh, tâm hồn tu sĩ (sư sãi, Tăng Ni, các giới sắc nhà Phật), kiến trúc chùa chiền, tranh tượng, trang phục nhà Phật…


– Các nhân vật của Phật giáo phải rõ nét tính Phật, hợp logic tự nhiên của cốt truyện, xây dựng được chi tiết, hình tượng và cả chỉnh thể sản phẩm nghệ thuật (có phim nước ngoài diễn tả vị sư trước giây phút bị chém ngang lưng, thấy con kiến bò cạnh sườn liền nhẹ nhàng cầm nó để ra xa chỗ nguy hiểm – một chi tiết biểu tượng đắt giá làm rõ sự nhân từ, luôn nghĩ tới việc tránh sát sinh).


b) Nghệ thuật điện ảnh Việt Nam khai thác đúng đắn, hiệu quả chủ đề Phật giáo với tư cách là thành tố văn hóa có ảnh hưởng trong đời sống tinh thần, tâm linh người Việt thời hiện đại.


Theo tôi, có thể khai thác chủ đề lịch sử dựa vào các cốt truyện sau.


– Cuộc đời và sự nghiệp của Vinitaruci (Tỳ Ni Đa Lưu Chi) nhà sư Ấn Độ đến Việt Nam cư trú ở chùa Pháp Vân năm 580, lập nên phái Thiền đầu tiên ở Việt Nam.


– Sự việc nhà Lý đầu thế kỷ XI đánh Chiêm Thành bắt được nhà sư Thảo Đường đưa về Thăng Long, nhà sư này đã kết hợp các dòng Thiền, Tịnh, Nho lập ra phái Thảo Đường.


– Cuộc đời, sự nghiệp nhà sư Từ Đạo Hạnh (gắn với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Tây).


– Cuộc đời, sự nghiệp Không Lộ Thiền sư, thế hệ thứ hai của tông phái Thảo Đường (gắn với di tích chùa Viên Quang, Hải Thanh, Nam Định).


– Cuộc đời, sự nghiệp vua Trần Nhân Tông (gắn với phái Trúc Lâm Yên Tử và non nước, chùa chiền Yên Tử).


– Cuộc đời sự nghiệp Tuệ Trung Thượng sĩ – người thầy của Trúc Lâm Đệ nhất tổ Trần Nhân Tôn (Tuệ Trung tên là Trần Tung; con trai An Sinh vương Trần Liễu và là anh ruột của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn).


– Cuộc đời, sự nghiệp các nhà sư khác ảnh hưởng đến vương triều Lý-Trần (Giác Hải, Viên Chiếu, Vạn Hạnh…).


Một điểm có thể và khai thác sâu thêm về ảnh hưởng của Phật giáo đối với nghệ thuật điện ảnh của dân tộc mà trên phim tài liệu (đôi khi thấy trên phim nhựa có lướt qua) – theo tôi là những bức hoành phi câu đối ở chùa chiền, trong làng mạc, nhà cửa dân gian, phản ảnh tư tưởng nhà Phật rất sâu sắc, súc tích.  Sự ảnh hưởng đó như thế nào? Hoành phi, câu đối là loại hình văn hóa phổ biến ở nước ta từ lâu đời.


Hoành phi vốn là thư họa thường treo ở chùa, đền, đình miếu, nhà thờ họ, quán, trong phòng khách, phòng đọc sách (ở các nhà rộng) để nhắc nhở gia chủ một tín niệm nào đó. Câu đối thì thường treo ở nhà, chùa miếu, đình đền, quán, nhà học, di tích, tẩm lăng… để tuyên dương đạo nghĩa, ứng xử, ca tụng, hiếu hỷ. Tôi nghĩ có nhiều cách khai thác, ngoài hình ảnh cổ kính gắn bó với chùa chiền, vẻ đẹp thư họa… có thể khai thác ý để triển khai các tiêu đề cho phim liên quan đến Phật giáo (do tính triết lý, khúc triết), đưa ra các kết luận cuối phim, đầu phim hay chuyển đoạn, nối các tập phim vì mang tính thi ca, tượng thanh, tượng hình và tóm tắt khái quát sự vật, hiện tượng rất phổ quát. Xin dẫn ra một số ví dụ.


* Hoành phi
– Phật hóa có duyên (Phật hóa hữu duyên).
– Đại sư Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới).
– Trời, Phật trăng sáng (Phật nhật tăng huy).


* Câu đối Nôm


– Nước biếc một màu in cảnh Phật
Cây xanh bốn mặt, đẹp non tiên.
– Phật có ứng linh, do thành tâm tín ngưỡng
Tu tròn quả phúc, bởi vững chí luyện rèn.


* Câu đối chữ Hán


– Sen vàng trên điện Di Đà Phật
Trúc tía trong rừng Quán Thế Âm
(Kim liên bảo thượng Di Đà Phật
Tử trúc lâm trung Quán Thế Âm).


– Thiện ác phân minh, trời có mắt
Cát hung báo ứng, Phật đau lòng
(Thiện ác phân minh thiên hữu nhãn
Cát hung báo ứng Phật hà tâm).


Ngoài ra những khái niệm riêng, chuyên môn, đặc thù trong đạo Phật đều có thể làm đích, định hướng cho y tưởng, là cốt truyện trong điện ảnh, ví dụ: Nhân quả, Pháp tính, Pháp lực, Sắc tướng, Tam sinh, Tuệ, Tam thừa, Thập ác duyên, Tứ diệu đế…


Kết luận


Phật giáo đã chung sống với tư cách là thành tố văn hóa Việt Nam từ lâu đời, ảnh hưởng đến các lĩnh vực nghệ thuật dân tộc, dân gian, trong đó có nghệ thuật điện ảnh nước ta. Rõ ràng đạo Phật đã ảnh hưởng nhất định đến lòng nhân ái, tình thương người, hướng thiện và góp phần hình thành nhiều căn tính nhân bản của người Việt nói chung. Từ quan điểm, cách nhìn tiến bộ, cởi mở thời hội nhập, khi mà bản sắc văn hóa mọi dân tộc cần phải được xây dựng thật độc đáo để khoe sắc, có chỗ đứng trong vườn hoa nhân loại thì việc nghiên cứu đầy đủ mọi phương diện ảnh hưởng của đạo Phật đối với nghệ thuật dân tộc nước ta là cần thiết.


Điện ảnh là loại hình nghệ thuật có thể khai thác chủ đề Phật giáo hay chính những ảnh hưởng về triết tính, về tư tưởng, tính nghệ thuật, tiến bộ của Phật giáo đối với điện ảnh (và các loại hình nghệ thuật khác) để có thể cho ra đời những tác phẩm điện ảnh giá trị nói về xã hội Việt Nam (về cả Phật giáo của Việt Nam nữa). Nghệ thuật điện ảnh dân tộc Việt Nam cần phóng chiếu điều ảnh hưởng lớn nhất, căn bản nhất của Phật giáo đối với mọi loại hình nghệ thuật và nhân sinh quan là: gìn giữ bồi đắp thiện tâm, chống cái ác trên đời; là đức tin vào nhân quả để con người tự xem xét, tu dưỡng bản thân. Điện ảnh cũng có thể thông qua những triết lý, tư tưởng hợp quy luật nhà Phật để dựng nên những tác phẩm có tầm vóc văn hóa Việt Nam nói chung và điện ảnh Việt Nam trong thời hội nhập, phát triển.


Tài liệu tham khảo
1- Đỗ Lai Thúy, 2005, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin.
2- Nguyễn Mạnh Lân (chủ biên) và các tác giả, 2002. Văn hóa dân gian và nghệ thuật tạo hình điện ảnh. Hà Nội: NXB Văn Học.
3- Lê Thanh Bình, 2001. Truyền hình Việt Nam, văn hóa Việt Nam thời kinh tế thị trường (tiếng Anh). Trong “Wege des Wasserbuffels: Kunst, Kultur und Medien in Vietnam”. Iserlohn: Institute fur Kirche und Gesellschaft (Cộng hòa Liên bang Đức).
4- Phạm Vũ Dũng, 1999. Điện ảnh Việt Nam – ấn tượng và suy ngẫm. Hà Nội: NXB Văn Hóa Dân Tộc.
5- Thích Chân Quang, 2004. Tâm lý đạo đức. Hà Nội: NXB Tôn giáo.
6- Thích Tuệ Đăng (dịch giả). 1991. Nhìn Phật giáo qua khoa học. Thành hội Phật giáo TP.HCM.
7- Trần Lê Sáng (chủ biên) và các tác giả, 2002, 3.000 hoành phi câu đối Hán Nôm. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin.