Trang chủ Thời đại Truyền thông Phục vụ âm thanh trong các lễ hội Phật giáo

Phục vụ âm thanh trong các lễ hội Phật giáo

86

1)     Vấn đề
 
Phục vụ âm thanh có chất lượng cao cho các buổi lễ Phật giáo có đông người tham dự là một việc chưa được quan tâm đúng mức ở một số chùa. Ngày nay, kỹ thuật âm thanh phục vụ cho những buổi sinh hoạt, lễ hội, ca nhạc… ngoài trời đã có những tiến bộ rất lớn, với yêu cầu phục vụ có tiêu chuẩn rất cao. Trong khi đó, một số chùa chỉ dừng lại ở mức có trang bị phóng thanh hay không mà thôi.
 
Vì vậy, nhiều buổi lễ Phật giáo ngoài trời tuy quy tụ đông người, tổ chức rất trang trọng, đầu tư nhiều cho trang trí lễ đài, nhưng việc phục vụ âm thanh rất kém (âm thanh quá nhỏ không nghe rõ, không trung thực, chát chúa…), khiến cho hiệu quả cuộc lễ bị giới hạn mà ít người để ý.
 
Phục vụ âm thanh là việc mà ban tổ chức các lễ hội Phật giáo có thể nâng cao chất lượng phục vụ người tham dự, so với nhiều yếu tố khác không thể thay đổi hoặc không thay đổi nhiều được, như việc làm mát, tạo vị trí thuận lợi để quan sát cho cử tọa…
 
Chất lượng âm thanh kém là một thất bại “vô thức” cho các buổi lễ Phật giáo, vì người dự cảm thấy khó chịu, không thỏa mãn, nhưng không xác định rõ ràng vì đâu, vì đã quen với việc phục vụ âm thanh kiểu cũ.
 
Có thể một quan niệm đưa tới tình trạng như trên, là nếp nghĩ trong Phật giáo không cần tiếng hay để “nịnh tai”. Còn chúng tôi lại cho rằng pháp âm cần phải được đưa đến với đại chúng dự hội ở mức độ tốt nhất. Vì vậy, chúng tôi thấy cần thiết phải có bài viết này.
 
2)     Thế nào là chất lượng âm thanh tốt cho lễ hội ngoài trời
 
Đây là vấn đề chuyên môn phức tạp mà đi sâu bạn đọc có thể cảm thấy rối rắm.
 
Để dễ hình dung, chúng tôi xin lấy một ví dụ cụ thể, là việc phục vụ âm thanh cho đường hoa Nguyễn Huệ, TPHCM, Tết Nhâm Thìn 2012. Chỉ cần đã đến đây, hồi tưởng lại, trong sự so sánh, bạn đọc có thể hình dung rõ ràng vấn đề.
 
Phục vụ âm thanh cho lễ hội ngoài trời, không gian rộng lớn là một hoạt động kỹ thuật phức tạp. Tại đường hoa Nguyễn Huệ, việc phục vụ âm thanh đã được thực hiện với những yêu cầu cao về chất lượng, để hướng tới việc bảo đảm:
 
         Ở mọi nơi trong không gian phục vụ, với một vị trí bất kỳ cường độ âm thanh phải là như nhau, và được đặt ở mức độ tốt nhất. Tức là, không lớn quá, không nhỏ quá, hạn chế tối đa tiếng “chạy”, tiếng “so le”, tiếng “dội”, nghe âm vang từ loa này trước, loa kia sau, có chỗ nghe lớn, chỗ nghe nhỏ…
 
         Âm thanh trung thực, trong trẻo, thể hiện được dải tần số âm thanh thực.
 
Tại đường hoa Nguyễn Huệ một hệ thống loa công suất vừa phải được bố trí theo một thiết kế tính toán tinh vi.
 
3)     Một số kiểu phục vụ âm thanh không thích hợp với lễ hội Phật giáo
 
Cá biệt, một số chùa để phục vụ âm thanh lễ hội ngoài trời vẫn còn dùng loa sắt, vì quan niệm là để phát âm thanh nói, như đọc diễn văn, tụng kinh…, thì dùng loa sắt thì phù hợp, hệ thống có chi phí thấp, bố trí cố định ngoài trời để dùng thường xuyên.
 
Tuy loa sắt là loại được thiết kế đặt ngoài trời cố định, không bị nước làm hư hỏng, nhưng đây là giải pháp kỹ thuật lạc hậu. Âm thanh phát ra từ loa sắt có thể có được cường độ cao, đi được xa theo định hướng, nhưng âm thanh chói tai, không trung thực, gây khó chịu cho người nghe nếu ở quá gần, phải nghe trong thời gian dài. Dùng loa sắt để phát tiếng tụng kinh sẽ làm biến dạng loại âm thanh mang tính nhạc điệu này.
 
Giải pháp kỹ thuật khá phổ biến hiện nay là dùng loa thùng cỡ lớn, thiết kế dùng cho hội trường, hay có thể dùng ngoài trời. Ưu điểm của giải pháp kỹ thuật này là âm thanh trung thực hơn nhiều so với loa sắt, có bass, có trebl, không giới hạn ở một dải tần hẹp như loa sắt. Nhưng nhược điểm của loa sắt là phân bố âm thanh không đều vẫn không được khắc phục ở dạng loa thùng lớn. Chúng ta có thể thấy nhược điểm này ở những buổi tiệc đám cưới dùng giải pháp kỹ thuật này. Để bảo đảm khu vực ở xa loa trong sảnh đường nghe rõ, những người ngồi gần loa sẽ rất khó chịu vì cường độ âm thanh lớn, có khi làm nhức đầu, tức ngực.
 
4)     Điều hướng đến
 
Trong dịp tết, khi đi đường hoa Nguyễn Huệ, thấy được những ưu điểm của hệ thống âm thanh mới, được thiết kế và đo đạc bằng phần mềm tin học, bảo đảm chất lượng âm thanh trung thực ở mức cao và phân bố đồng đều, tối ưu ở mọi điểm trong không gian phục vụ, chúng tôi nghĩ là cần có bài viết để lưu ý về vấn đề này, sao cho pháp âm được chuyển tải đến đại chúng trong các lễ hội Phật giáo bằng những giải pháp kỹ thuật ưu việt nhất, chất lượng rõ ràng và trung thực ở mức độ cao nhất.

MT